Nữ nhân Hồng Kông cắt đứt quan hệ với người thân lưu vong nổi tiếng, tái diễn Đại Cách mạng Văn hóa
Vợ chồng đấu tố nhau, cha con cắt đứt quan hệ với nhau, những tình tiết vô lý điển hình trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) ở Trung Quốc hiện đang diễn ra trong một gia đình Hồng Kông nổi tiếng.
Trong một tuyên bố đăng trên tờ Đông phương Nhật báo (Oriental Daily) của Hồng Kông hôm 05/08, chính trị gia thân Bắc Kinh Dung Hải Ân (Eunice Yung) tuyên bố: “Tôi, Dung Hải Ân, một người Trung Quốc mang trong mình dòng máu quê hương vĩ đại và đặt lợi ích chung của quốc gia lên trên tất cả, xin tuyên bố rằng tôi cắt đứt mối quan hệ với ông Viên Cung Di (Elmer Yuen) với tư cách là cha chồng của tôi, với lý do ông ấy đang bị điều tra theo luật an ninh quốc gia vì bị nghi ngờ kích động lật đổ quyền lực nhà nước.”
Hôm 27/07, cha chồng của bà Dung là ông Viên Cung Di cùng với hai nhà hoạt động Hồng Kông khác sống tại Canada, đã lập nên một ủy ban để thành lập một “Quốc hội Hồng Kông” lưu vong.
Bà Dung đã đăng thông báo nói trên hai ngày sau khi Cục An ninh Hồng Kông đưa ra một tuyên bố lên án bà Dung và các đồng nghiệp ủng hộ dân chủ của ông Viên “vi phạm luật an ninh quốc gia.”
Cục này cho biết: Cảnh sát “sẽ cố gắng hết sức truy quét các trường hợp này theo quy định của pháp luật để đưa những kẻ phạm tội ra trước tòa.”
Một phát ngôn viên cho biết trong một tuyên bố: “Cục An ninh kêu gọi công chúng đoạn tuyệt với những cá nhân vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, cùng các hoạt động bất hợp pháp mà những cá nhân đó tổ chức, để tránh gánh chịu bất kỳ rủi ro pháp lý không cần thiết nào.”
Một gia đình có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau
Trước khi gia nhập Đảng Nhân dân Mới hồi năm 2016 rồi trở thành một nhà lập pháp, người con dâu họ Dung 45 tuổi của ông Viên đã là một luật sư.
Một trong những chị em chồng của bà là bà Viên Di Minh (Erica Yuen), cựu chủ tịch của tổ chức Lực lượng Nhân dân (People Power), thường được xem là có một tư tưởng cấp tiến hơn trong phe dân chủ. Bà cũng có một người chị chồng khác là bà Viên Di Vọng (Mimi Yuen) ủng hộ dân chủ một cách ôn hòa.
Chồng bà là học giả và nhà bình luận chính trị Viên Di Xương (Derek Yuen), tự nhận mình có lập trường ôn hòa.
Ông Viên Cung Di còn được trìu mến gọi là “Ba Viên” nằm trong số những công dân ủng hộ dân chủ của Hồng Kông, hiện là một doanh nhân 73 tuổi. Sau khi rời thành phố này đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn hồi tháng 06/2020, ông chuyên đấu tranh cho nền dân chủ của Hồng Kông.
Mặc dù không phải là một nhà hoạt động nổi tiếng khi còn ở Hồng Kông, nhưng ông Viên đã hết sức thành công khi tiếp cận giới chính trị Hoa Kỳ với tư cách là một nhà vận động hành lang ngoại giao tư nhân. Ông đã gặp gỡ các nhân vật chính trị có thanh thế lớn như nhà hoạt động Trung Quốc Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), cố vấn chính sách Trung Quốc của ông Mike Pompeo là ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), và cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc Steve Bannon của cựu Tổng thống Trump.
Sự năng động trong gia đình ông Viên đã được phát sóng trên một chương trình truyền hình RTHK hồi tháng 10/2020. Ông Viên Cung Di cho biết ông hãnh diện vì gia đình ông đa dạng như vậy nhưng có thể sống hòa thuận với nhau.
Ông nói: “Tại sao chúng tôi nói Hồng Kông là một nơi tuyệt vời để sống? Đó chính là vì ai cũng được tự do làm những việc của mình.”
Ông cũng dự đoán rằng sớm muộn gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền cũng sẽ chỉ trích con dâu ông vì không cắt đứt mối quan hệ với ông.
“Vì vậy, nếu một ngày nào đó con dâu tôi làm như vậy, tôi sẽ không trách nó. Tôi sẽ xem nhẹ nếu nó lên án tôi.”
‘Biến người dân Hồng Kông thành những người ở Đại lục’
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà bình luận thời sự Quý Đạt (Ji Da) nói rằng trong Cách mạng Văn hóa, cái gọi là giai đoạn lịch sử đen tối trong đó con tố cáo cha mẹ và các cặp vợ chồng đấu tố nhau là điều thường thấy.
Lúc đó, lãnh đạo Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ bị vợ cũ và các con tố cáo, họ đã trưng ra những tấm Áp phích Chữ lớn, gây chấn động cả nước. Áp phích Chữ lớn là tấm áp phích viết tay được treo ở những nơi công cộng. Chúng thường được sử dụng trong nhiều chiến dịch chính trị của ĐCSTQ để bình luận về các sự kiện.
Khi lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình 13 tuổi, ông đã bị gán cho là “phản cách mạng” vì nói vài lời chống đối Cách mạng Văn hóa. Mẹ của ông Tập là bà Tề Tâm (Qi Xin) cho biết bà đã tham gia vào cuộc đấu tố ông để vạch rõ ranh giới giữa hai người.
Bà Quý chỉ ra rằng ĐCSTQ đang mở rộng tư tưởng vô nhân đạo của họ đến Hồng Kông, chẳng hạn như khi có người trong gia đình “phản cách mạng” thì tình thân không còn quan trọng nữa.
Bà nói: “Những gì ĐCSTQ đang làm không đơn giản là chỉ chiếm đóng Hồng Kông. Mục đích thực sự của họ là biến người dân Hồng Kông thành những người ở Đại lục, thực hiện việc định hình lại toàn bộ tư tưởng, và phá hoại tất cả các đạo đức truyền thống, các mối quan hệ giữa người với người, và quan hệ thân thuộc mà Hồng Kông đã có lúc đầu.”
Bà Julia Ye là một phóng viên người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Bà chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Bà tác nghiệp từ năm 2003.