Tìm lại kho tàng văn hóa nghệ thuật trên đất nước Nga
Với tinh thần bắt nguồn từ truyền thống tín ngưỡng Thiên chúa giáo cổ xưa, nước Nga có một nội hàm sâu sắc về văn học và nghệ thuật, và là một kho tàng quý giá của nền văn hóa thế giới. Trong đó cũng có một phần sức mạnh tinh thần được hun đúc bởi vùng đất Siberia lạnh giá.
Những tổn thương tâm lý do 70 năm thống trị của Liên Xô cũ gây ra cho người Nga vẫn chưa được chữa lành hoàn toàn. Tuy nhiên, cho dù là sáng tác văn học nghệ thuật ở Nga trong thế kỷ mới, hay những làn sóng phản đối của người Nga đối với cuộc chiến Nga-Ukraine ngày nay, trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh của những người không sợ hãi, cho thấy rằng đất nước Nga ngàn năm tuổi – bất chấp sự cai trị vô nhân đạo của Đảng Cộng sản trong hơn nửa thế kỷ – vẫn toát lên sức mạnh sâu sắc và giản dị bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa trên mảnh đất này.
Tôn giáo
So với các nước Âu Châu, tốc độ phát triển văn hóa của Nga còn tương đối chậm. Sau thế kỷ thứ 9, cùng với sự du nhập của Cơ đốc giáo, đất nước Nga cổ đại đã dần dần có chữ viết. Giáo hội Chính thống giáo của Đế chế Đông La Mã đã được chỉ định là quốc giáo của Công quốc Nga vào thế kỷ thứ 10, và từ đó trở thành lực lượng ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con người và văn hóa ở Nga.
Cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào thế kỷ 13 đã phá hủy gần như tất cả các thị trấn và làm tổn hại nghiêm trọng nền văn hóa Nga cổ đại đã tích lũy qua hàng trăm năm. Trong hơn 200 năm cai trị, mục đích chính của người Mông Cổ đối với Nga là thuế má và quân đội, việc xây dựng và phát triển văn hóa hầu như không có. Người Mông Cổ áp dụng một thái độ tự do đối với tôn giáo và bảo vệ rất nhiều quyền của Giáo hội Chính thống giáo và các tín đồ. Ngoài việc khiến mọi người có được niềm an ủi từ đức tin trong những lúc đau khổ, Giáo hội cũng đã trở thành trụ cột của sự ổn định xã hội và chính trị trong tương lai.
Trước khi Đế chế Byzantine (Đế chế Đông La Mã) sụp đổ vào năm 1453, đã có một số lượng lớn học giả, tu sĩ, thợ thủ công và người dân chạy trốn khắp nơi. Có nhiều người đã đến Nga và cũng tin theo Chính Thống giáo, họ mang theo những kiến thức, nghệ thuật và công nghệ tiên tiến nhất ở Âu Châu lúc bấy giờ để thúc đẩy cho sự phát triển của văn hóa Nga. Các giáo đường và tu viện dần dần mọc lên, những giáo đường có hình củ hành đã trở thành biểu tượng kết tinh lộng lẫy giữa phong cách Nga và văn hóa Đông La Mã.
Người Nga tin rằng mái vòm là biểu tượng của vị Thần tối cao và quang diễm vô tỷ, vậy nên họ để mái vòm mạ vàng hoặc bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời, hoặc xoáy ngược lên trên thành những khối nhiều màu sắc như ngọn lửa. Đối với người Nga, số lượng mái vòm cũng rất quan trọng: con số 13 tượng trưng cho Chúa Jesus và 12 môn đồ, 25 là con số nói trên cộng với 12 nhà tiên tri, và 33 tượng trưng cho những năm Chúa Jesus tại thế.
Hội họa
Những bức tranh đầu tiên ở Nga còn được lưu lại là những bức tranh tượng Thánh được vẽ trong giáo đường hoặc tu viện, chẳng hạn như bức “Chúa Ba Ngôi” (Trinity) được vẽ bởi Andrei Rublev vào nửa đầu thế kỷ 15, có thể thấy phong cách Byzantine đã có rất nhiều ảnh hưởng đến phong cách hội họa của Nga vào thời kỳ đầu.
Cho đến khi Peter Đại đế (1672-1725) thúc đẩy phương Tây hóa, gửi một số lượng lớn du học sinh đến Âu Châu để học các loại khoa học kỹ thuật và công nghệ, đồng thời du nhập các chuyên gia từ các quốc gia khác nhau, văn hóa Nga mới bắt đầu xích lại gần với phương Tây, hội họa cũng dần rời xa thể loại tranh tôn giáo thời trung cổ và chuyển sang mô tả các nhân vật hoặc cảnh vật trong thế giới thực. Hầu hết các bức tranh lúc này đều là chân dung, từ trang phục và tư thế của những người trong tranh, đều có thể cảm thấy sự xung kích văn hóa thời bấy giờ khi đối mặt giữa những cái cũ và cái mới.
Trước khi phương Tây hóa, người Nga vẫn duy trì cách ăn mặc của người Byzantine thời trung cổ, áo choàng dài với ống tay rộng, đàn ông để râu và phụ nữ đội mũ trùm đầu. Peter Đại đế đã ra lệnh đàn ông phải cắt bỏ râu, những ai vi phạm sẽ phải chịu thuế nặng, quần áo cũng được thay đổi theo phong cách Âu Châu đương thời, với khăn choàng nhỏ, áo vừa vặn và quần bó sát, các nghi thức xã giao thì giống như Anh và Pháp, chẳng hạn như ăn uống và trò chuyện trang nhã, uống cà phê và nói tiếng Pháp, mang theo bạn gái đi tham dự tiệc tối, v.v. Sự cải cách và chuyển đổi văn hóa của Peter Đại đế đã đưa nước Nga từ trạng thái khép kín sang một thế giới cạnh tranh cởi mở, khiến văn hóa Nga sớm bước vào thời kỳ hoàng kim.
Sức mạnh quốc gia và văn hóa của Nga đạt đến đỉnh cao dưới thời trị vì của Catherine Đại đế (1729-1796). Bà vốn là một công chúa người Đức, và đã lên ngôi thay thế chồng sau một cuộc đảo chính. Bà trị vì nước Nga trong 34 năm, là vị Sa Hoàng trị vì lâu nhất trong Đế chế Nga. Catherine đã nhận được sự giáo dục rất tốt, bà thông minh, hiếu học và cương nghị quả quyết, giỏi trị quốc và yêu văn học nghệ thuật. Một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật trong Bảo tàng Ermitazh ở Saint Petersburg, Nga chính là có nguồn gốc từ bộ sưu tập của Nữ hoàng Catherine.
Ngoài việc sưu tầm các kiệt tác, Nữ hoàng Catherine còn thành lập Học viện Mỹ thuật Hoàng gia (nay được gọi là Học viện Mỹ thuật Repin), lấy kỹ thuật tả thực làm truyền thống giảng dạy chính, và đã đào tạo ra rất nhiều họa sĩ nổi tiếng, chẳng hạn như I. Repin, Surikov, A.I. Kunguy, I.I.Shishkin, V.V. Polenov, V. Vasnetsov, V. A. Serov, Vrubel, v.v.
Văn học
Hầu hết các tác phẩm văn học vào thời trước khi Peter Đại đế Tây hóa đều là những câu chuyện dân gian, được lưu truyền dưới dạng ca dao truyền miệng. Quá trình Tây hóa của Peter Đại đế cũng đã cải cách và chuẩn hóa tiếng Nga, nhờ đó mà cách viết và cách diễn đạt không còn khó khăn trắc trở. Văn học bình dân bắt đầu phát triển và đặt nền móng cho thơ ca, văn xuôi và kịch xuất hiện sau này.
Catherine Đại đế thích đọc và bị cuốn hút bởi tác phẩm của những nhà tư tưởng dưới thời Khai sáng như Montesquieu, Voltaire, v.v., đồng thời dốc sức đưa những ý tưởng mà họ rao giảng vào thực tiễn trong hệ thống chính trị và giáo dục của Nga. Mặc dù một số cải cách chưa thành công, nhưng công cuộc xây dựng trong giáo dục này giống như đào xới mảnh đất màu mỡ, cung cấp chất dinh dưỡng không thể thiếu cho kho tàng văn học đang chớm nở.
Ngoài việc giới thiệu một số lượng lớn các tác phẩm kinh điển của Âu Châu và dịch sang tiếng Nga để khai sáng cho người Nga, Catherine Đại đế còn viết kịch, tiểu thuyết và viết hồi ký. Ngoài ra, bà cũng ủng hộ một cách hào phóng cho các triết gia Âu Châu đương thời: bà chưa bao giờ gặp Voltaire, nhưng vì ngưỡng mộ nội dung trong các cuốn sách của ông, bà đã hỗ trợ ông ấy trong suốt 15 năm, mãi cho đến khi nhà triết học này qua đời. Chính phủ Pháp đã đe dọa và cấm nhà triết học Diderot xuất bản bộ bách khoa toàn thư, sau khi biết việc này, nữ hoàng Catherine đã đề nghị cho Diderot tỵ nạn.
Những nỗ lực của các bậc tiền bối đã làm cho văn học Nga bắt đầu tỏa sáng từ thế kỷ 19, mà khởi đầu là các nhà văn theo trường phái lãng mạn như A. Pushkin, Lernmontov, v.v. Trong làn sóng chủ nghĩa hiện thực sau đó, một số lượng lớn các tiểu thuyết gia tầm cỡ thế giới như N. Gogol, I. Turgenev, F. Dostoyevsky, Tolstoy, A. Chekhov, v.v. đã đưa nước Nga trở thành một cường quốc văn học.
Bước sang thế kỷ 20, văn học Nga mặc dù còn thịnh nhưng đã mất đi sự huy hoàng trước đây. Sau khi Đảng Cộng sản cướp chính quyền bằng bạo lực, cái gọi là “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” đã được dùng làm giáo điều văn học chính thức, sự đàn áp tư tưởng và ngôn luận đã khiến ngọn lửa văn học ở Nga dần dần bị dập tắt. Các nhà văn tuân theo những ý tưởng sáng tạo truyền thống thì hoặc là bị cấm xuất bản tác phẩm của họ, hoặc là bị ép đi lưu đày. ví dụ như nhà văn B. Pasternak nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết “Bác sĩ Zivago”, ông đã bị ép phải từ chối giải Nobel và dành phần còn lại của cuộc đời mình trong đau đớn, cô lập. Các tác phẩm của ông không được phép xuất bản mãi cho đến sau khi ông qua đời. Và phải mất nhiều thập kỷ, trước khi nước Nga Xô Viết tan rã, danh dự của ông mới được khôi phục. Một người đoạt giải Nobel văn học khác, nhà văn A. Solzhenitsyn, sau khi bị ép đi lao động khổ sai, lưu đày và bị tước quốc tịch, ông đã phải sống lưu lạc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nền tảng của nền văn học Nga trước thời kỳ Đỏ vẫn cho phép các nhà văn dưới chế độ tàn bạo của Liên Xô tạo ra được những kiệt tác như “Quần đảo Gulag” của Solzhenitsyn, đã cho thế giới nhận thấy sâu sắc bộ mặt thật của Đảng Cộng sản và sự tàn phá tâm linh con người bởi chính quyền này.
Bước sang thế kỷ 21, những sáng tác văn học của Liên Xô cũ vẫn đang nổi lên, hoặc với tính châm biếm, hoặc theo nhiều phong cách hậu hiện đại với chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa tượng trưng. Đó là sự tiếp nối “Những linh hồn chết” của Gogol và các tác phẩm văn học khác trong thời kỳ Nga cũ, cho thấy một phong cách kỳ lạ khác của Liên Xô cũ.
Âm nhạc
Ngoài âm nhạc tôn giáo, âm nhạc của Nga vào thời kỳ đầu chủ yếu được truyền bá dưới dạng các bài dân ca hoặc làm nhạc đệm cho các điệu múa dân gian. Khi Peter Đại Đế Tây hóa, ông đã mời nhiều nhạc sĩ Âu Châu đến biểu diễn ở Nga, đồng thời thúc đẩy triều đình và giới quý tộc tổ chức các buổi hòa nhạc hoặc khiêu vũ với quy mô lớn nhỏ. Sự lễ ngộ của Sa Hoàng đã thúc đẩy sự tôn trọng đối với các nhạc sĩ trong xã hội và khiến họ có được địa vị cao ở Nga, truyền thống này đã được kéo dài mãi cho đến thời hiện đại.
Thế kỷ 18 là thời kỳ mà việc học tập âm nhạc ở Nga rất phát triển. Nước Nga đã chứng kiến các loại hình âm nhạc và nhạc cụ phổ biến được du nhập từ Âu Châu, và đông đảo các nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới đến biểu diễn kỹ năng của họ. Âm nhạc cổ điển đã trở thành ngôn ngữ chung của mọi tầng lớp: Các tầng lớp thượng lưu sẽ khuyến khích con em mình học nhạc như một sở thích cao quý trong cuộc sống, học sinh có năng khiếu âm nhạc cũng như các nhạc sĩ trẻ được đánh giá cao và ủng hộ mà không có sự phân biệt tầng lớp xã hội, ngay cả những người nông nô ở tầng lớp dưới cùng cũng có thể lập một dàn nhạc và hợp tấu trong những lúc rảnh rỗi.
Khi phong cách âm nhạc mà toàn dân yêu thích dần được hình thành, người ta không còn hài lòng với việc chỉ nghe nhạc nước ngoài mà còn muốn thưởng thức những tác phẩm thể hiện phong cách địa phương. Các nhạc sĩ bắt đầu đề xướng sử dụng các kỹ thuật sáng tác nhạc cổ điển để tạo ra âm nhạc mang đặc trưng dân tộc Slav, đồng thời trình diễn với trình độ kỹ năng giống như người Âu Châu để thể hiện nội hàm sâu sắc đa tầng của âm nhạc dân tộc. Nguyện vọng này đã được nhà soạn nhạc M. Glinka dẫn đầu vào thế kỷ 19, và đã mở ra con đường cho âm nhạc Nga kết hợp các kỹ thuật cổ điển với phong cách dân tộc.
Các sáng tác của Glinka rất phong phú và đa dạng, tác phẩm của ông bao gồm nhiều thể loại khác nhau như giao hưởng, opera, nhạc thính phòng và các bài hát v.v. Ông sử dụng những bài thơ của người bạn đương thời – nhà văn Pushkin làm ca từ, rồi phối với những giai điệu đẹp đẽ và xúc động, ông sáng tác những bài hát lãng mạn, vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính đại chúng. Glinka là nhà soạn nhạc xuất sắc đầu tiên của Nga được giới âm nhạc Âu Châu công nhận. Ông đã mở ra kỷ nguyên huy hoàng của âm nhạc cổ điển, và được các thế hệ sau ca ngợi là “cha đẻ của âm nhạc cổ điển Nga”.
Trong khi giới văn học sản sinh ra rất nhiều tài năng, thế kỷ 19 cũng là thời kỳ hoàng kim của âm nhạc Nga. Bắt đầu từ Glinka, rất nhiều nhạc sĩ bậc thầy đã xuất hiện. Họ người thì ủng hộ việc sáng tác mang theo đặc điểm dân tộc, người thì nỗ lực cho giáo dục, người thì chuyên tâm liên tục cải thiện các kỹ năng biểu diễn, cùng nhau đẩy nghệ thuật âm nhạc của Nga lên đỉnh cao và trở thành niềm tự hào của người Nga cũng như kho báu chung của cả nhân loại.
Vào năm 1856, nhà soạn nhạc M. Balakirev – một học trò của Glinka – đã thành lập một nhóm sáng tác âm nhạc tên là “nhóm hùng mạnh” (còn được gọi là Moguchaya Kuchka) ở Saint Petersburg. Trong nhóm năm người này, ngoại trừ Balakirev, những người khác mới đầu đều là những nhà soạn nhạc nghiệp dư và cuối cùng đã trở thành bậc thầy về âm nhạc. Ví dụ, Rimsky-Korsakov, người nổi tiếng với tác phẩm “Đêm Ả Rập”, nguyên là một sĩ quan hải quân trước khi trở thành giáo sư tại Nhạc viện St.Petersburg, các tác phẩm mới đầu của ông là được sáng tác trong một chuyến đi biển. Mussorgsky, người sáng tác ra tác phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” (Pictures at an Exhibition) vốn là một công chức, và Borodin – tác giả của vở opera “Hoàng tử Igo” – là một giáo sư hóa học với học vị Tiến sĩ y khoa.
Hai nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, Arthur Rubinstein và Nikolai Rubinstein sau khi học tập ở Berlin trở về đã thành lập Hiệp hội Âm nhạc Nga vào năm 1859. Đến năm 1862, họ đã sáng lập nhạc viện đầu tiên của Nga – Nhạc viện St.Petersburg, và sau đó lại thành lập Nhạc viện Matxcova. Học viện đã đề cao các khái niệm truyền thống và tiêu chuẩn cao, đồng thời đào tạo ra vô số nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc, chẳng hạn như P. Tchaikovsky, A. Glazunov, I. Stravinsky, S. Prokofiev, S. Rachmaninov, A. Scriabin, v.v. Các đoàn thể thì có St. Petersburg Philharmonic, St. Petersburg Mariinsky Theater, Bolshoi Theater, v.v. Ngay cả khi trải qua những thay đổi lớn của thế kỷ 20 và sự tàn phá văn hóa bởi chủ nghĩa cộng sản, họ vẫn kiên trì không thay đổi, do đó nền giáo dục âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của Nga vẫn đứng đầu thế giới.
Phần kết
Sau khi Liên Xô cũ tan rã, xiềng xích mà chủ nghĩa cộng sản áp đặt lên nước Nga vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, thuận theo trận chiến Ukraine-Nga này, bàn tay sắt độc tài ở nước Nga cuối cùng sẽ cạn kiệt sức mạnh mà sụp đổ. Cũng giống như những ngôi nhà lớn nhỏ nằm rải rác trên khắp nước Nga, những giáo đường màu vàng tráng lệ và cổ xưa của Chính thống Giáo đã rung chuông trở lại sau khi Liên bang Xô viết tan rã, nguồn sức mạnh của tín ngưỡng cổ xưa sẽ tái hiện trở lại.