‘Tùy bút chiến tranh’: Tàn tích của nền văn minh
Dưới mối đe dọa của chiến tranh thì cả nền văn minh, công lý và nhân loại đều thật dễ dàng bị tổn thương.
Tại Kyiv, thủ đô của Ukraine, mỗi năm người ta đều tổ chức diễn hành ăn mừng chiến thắng và kỷ niệm thắng lợi của cuộc chiến chống phát-xít.
Nhiều năm trước, tôi đã đứng trên đại lộ trung tâm của Kyiv, nhìn đám đông cổ vũ cho thắng lợi của người Ukraine, cảm thấy niềm vui từ tận đáy lòng và cũng hoan hô cổ vũ cho họ. Họ đã được hưởng tự do và hòa bình mà tổ tiên đã phải trả giá bằng mạng sống.
Dưới sự khích lệ của bạn bè, tôi chạy vào đoàn diễn hành và trao những bó hoa trên tay cho các cựu chiến binh đã tham gia cuộc chiến. Mặc cho sự khác biệt về ngôn ngữ và chủng tộc, tôi vẫn dành trọn sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với những cựu chiến binh đã ra trận. Họ đã đối mặt với sinh tử, không sợ hãi trước mưa đạn, tinh thần này được trui rèn hàng thập kỷ và vẫn có thể vượt qua khoảng cách của bao thế hệ, làm lay động lòng người.
Với lá quốc kỳ trên tay, người ta mặc trang phục dân tộc và cùng nhau hát những bài ca cổ, nhảy múa vui nhộn. Cũng giống như bạn và tôi, những người Ukraine đều yêu cuộc sống, yêu quê hương và yêu hòa bình.
Khi ấy, nếu có ai đó nói với tôi rằng sẽ có một cuộc chiến ở Ukraine trong tương lai, và Kyiv sẽ trở thành chiến trường, tôi nhất định sẽ cười phản đối, trong lòng không chừng còn mắng là “khùng quá”.
Hơn một thập kỷ sau, vườn hoa Âu Châu xinh đẹp Kyiv đã trở thành một bãi chiến trường. Cửa sổ sáng bóng của các cửa hàng bị vỡ tan tành, những con đường rộng lớn bị chặn đầy bởi chướng ngại vật, bao cát chất thành đống, thành phố ngăn nắp dần dần ngập trong khói súng.
Những người bạn ở Kyiv nói với tôi rằng, ngay khi bước ra khỏi nhà, họ đã có thể ngửi thấy mùi khét. Bất kể ngày hay đêm, vào bất kỳ thời điểm nào khi ý thức của bạn tỉnh táo, bạn đều có thể nghe thấy tiếng hỏa tiễn rền vang. Họ nói: “Đây chính là cuộc sống hiện tại của chúng tôi”.
Sau hỏa tiễn sẽ là hỏa hoạn, nó gần như đã trở thành điều bình thường trong cuộc sống của người dân Ukraine. Những sinh mệnh, sau khi hỏa tiễn phóng qua, đã trở thành những thi thể trên đường phố. Tiếng la hét của những người phụ nữ mất con vang vọng trong không trung cùng tiếng khóc của những người mất người thân trên các con phố. Bầu trời rộng lớn là vậy, nhưng tiếng kêu của con người lúc này lại thật nhỏ bé và thê lương.
Một cô gái ở Kherson cho biết, để tránh bị bắn đạn pháo, rất nhiều người đã ở nhà và không dám ra ngoài. Lúc thì tiếng đại pháo vang tận mây xanh, lúc thì bên ngoài im lặng chết chóc. Cô ấy nói rằng, thà nghe thấy âm thanh còn hơn là không nghe thấy gì, cảm giác đó thật đáng sợ. Không có âm thanh nào ngược lại sẽ khiến người ta càng cảm thấy hoảng sợ bất an.
Những ngọn lửa bùng bùng bốc cháy và những quả hỏa tiễn xuyên qua bầu trời điên cuồng hủy diệt nền văn minh hiện đại, tàn phá trái tim của chúng ta.
Dưới mối đe dọa của chiến tranh thì nền văn minh, công lý, và nhân loại đều thật dễ dàng bị tổn thương.
Đôi khi, nhìn qua màn hình máy tính, trong tâm tôi vẫn ảo tưởng và hy vọng về một thế giới lương thiện và con người ít nhiều vẫn còn tồn tại một chút nhân tính. Nhưng khi nghe được những câu chuyện của bạn bè, nó thực sự xé nát những mộng tưởng còn sót lại trong tim chúng ta.
Rất nhiều người khi tỉnh dậy, điều nghĩ đến là sự sống và cái chết, tình hình chiến trận ở tiền tuyến, và điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nếu Kyiv thất thủ? Nếu không có nước và thiếu thức ăn thì sao? Không có tiền và không có điện thì sao? Vợ đang mang thai nên sắp xếp như thế nào để không xảy ra nguy hiểm? Vì sợ hãi trước tiếng đại bác nên bố mẹ già lên cơn đau tim, đến đâu để mua thuốc cấp cứu? Ô tô bị cháy, đường bị phá hủy, một người có thể chạy bộ bao xa?
Trong thời đại văn minh, ở Kyiv, thủ đô của Ukraine, một thành phố đầy du khách và một đất nước thanh bình, bây giờ người ta chỉ nghĩ về việc làm sao để tránh bom, pháo kích và súng đạn. Thật sự là mỗi ngày, rất nhiều người đều đang phải đối mặt với một vấn đề: sống và chết. Trong mắt không ít người, quê hương không còn là quê hương, và đất nước không còn là đất nước nữa rồi!
Trước chiến tranh, thành phố Kyiv có rất nhiều danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, nhà thờ cổ kính và uy nghiêm. Cứ đến giờ, tiếng chuông nhà thờ lại ngân vang, giống như tiếng triệu hồi từ Thiên quốc. Tiếng chuông kêu to như lời cảnh báo, như lời nhắc nhở. Những người lương thiện sẽ dừng chân hành lễ, có lẽ vào thời khắc đó, sự thành kính nơi thế tục đã thông linh với Chúa rồi.
Ở một đất nước thịnh hành văn hóa chính giáo, hầu như các hộ gia đình đều tổ chức các lễ hội tôn giáo hàng năm, trong nội tâm của mọi người còn có thiện lương, và tiếng gọi của Chúa vẫn tồn tại trong sâu thẳm trái tim của họ.
Vào ngày 24/2/2022, chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, và chỉ sau đó một khoảng thời gian là đến các ngày lễ hội truyền thống. Giữa sự đau khổ của số phận, trong cơn hoảng sợ khi chạy trốn, chúng ta làm sao có thể hỏi họ: “Bạn có nghĩ đến Chúa không? Bạn có cầu nguyện với Chúa không?”
Tôi từng đến Kharkiv, Chernihiv, Odessa, từng đến nhiều thành thị ở phía tây, và bây giờ chúng đã tan hoang dưới sự công kích của hỏa tiễn. Bạn bè và người thân của tôi đang ở Kharkiv và Chernihiv. Nhà của họ bị hỏa tiễn phá hủy, sau quả hỏa tiễn là một ngọn lửa dữ dội bùng lên.
Đối với nhiều người, đây là một cảnh nóng để đưa tin, tôi cũng từng nảy ra một ý tưởng ngu ngốc, đó là nhanh chóng chụp một vài bức ảnh và quay một vài video trực tiếp. Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi mới giật mình nhận ra sự tàn nhẫn và độc ác của suy nghĩ này. Mọi người phải đối mặt với chiến tranh, nhà cửa của họ bị phá hủy, nhưng tôi lại sử dụng điều này như một mánh lới để quảng cáo và kiếm lời trên nỗi đau của họ.
Tôi rất nhớ vùng đất đó, và tôi thực sự muốn được gặp trực tiếp những người bạn cũ của mình, ôm họ thật ấm áp và dùng bữa với họ, hoặc tìm một vài người bạn rồi đi xem biểu diễn, nghe hòa nhạc, cùng nhau thưởng thức vở opera “Hồ thiên nga”… Nhưng những điều này đã trở thành hy vọng xa hoa và ước mơ không thể thực hiện.
Chiến tranh đã thay đổi nhiều thứ và phá hủy tất cả. Nó khiến một lượng lớn các khu dân cư và các tòa nhà thương mại trở thành tàn tích của thời bình. Trong thế kỷ 21 của nền văn minh, nó đã dựng nên một cảnh tượng gây sốc ở Ukraine.
Tôi thấy nhiều tin tức và bài bình luận về tình hình chiến trận. Chỉ là, chiến trường là chiến trường, không phải bàn ăn hay bàn đàm phán. Thực tế chính là thực tế, không phải là diễn xuất hay thể hiện. Đối mặt với tính sát thương khổng lồ của cuộc chiến ngạo mạn và bất kham, cuối cùng sẽ chỉ có những công dân vô tội phải bỏ mạng.
“Vì nước hiến thân”, một khẩu hiệu vang dội. Trong thời đại hòa bình, có bao nhiêu gia đình thực sự muốn gửi con trai, cháu trai của mình ra chiến trường để hy sinh. Không quá khi đặt câu hỏi này, đây là chuyện thường tình của người dân và của đất nước.
Tổng thống Ukraine đã ra lệnh cấm nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60 ra khỏi đất nước, phụ nữ và trẻ em thì được phép xuất cảnh. Rất nhiều gia đình đã phải đối mặt với một thực tế: thê ly tử tán. Cả đàn ông và phụ nữ, ai cũng có khát vọng sinh tồn và bản năng tự bảo vệ bản thân. Vì vậy, tại biên giới Ukraine-Moldova, một người đàn ông Ukraine có thể được đưa ra khỏi đất nước miễn là anh ta trả từ 3,000 đến 5,000 USD. Lính biên phòng đang kiếm được rất nhiều tiền vào thời điểm này, họ có thể dễ dàng kiếm được số tiền bằng với đồng lương trong vài năm, thậm chí hơn mười năm, chỉ trong một hoặc hai giờ.
Là người đứng ngoài cuộc, bạn có quyền hỏi họ: “Bạn là người Ukraine, bạn không thể phát tài trên quốc nạn”. Nhưng mà, bạn có quyền mắng họ tham sống sợ chết và ngăn cản nguyện vọng cầu sinh của họ không? Hay là kích động nói với họ: “Bạn phải dũng cảm và nhanh chóng quay về đi. Tổ quốc đã nuôi bạn lớn như thế này, đến lượt bạn vì đất nước hiến thân rồi”. Câu này nghe có vẻ hợp lý. Nhưng tại thời điểm này, muốn tôi nói thế với một người Ukraine, nó giống như một lời nguyền hơn, một lời tàn nhẫn và tuyệt tình.
Trong sâu thẳm trái tim mỗi người, có lẽ ai cũng yêu quê hương sâu sắc, không ai muốn ly biệt quê hương, vượt ngàn dặm xa xôi, xuyên qua mưa bom bão đạn để tha hương làm nạn dân nơi đất khách quê người.
Đối mặt với chiến tranh, mọi người đều đưa ra lựa chọn cá nhân của mình, hoặc tham chiến hoặc trốn chạy. Là một người ngoài cuộc, tôi chỉ có thể cầu nguyện cho họ. Giờ phút này, dù họ ở đâu, tôi cũng mong họ bình an vô sự mà tiếp tục sống.
Xem thêm: ‘Tùy bút chiến tranh’: Ấn tượng về một Kyiv ấm áp và xinh đẹp
Tác giả: Bạch Giản
Vương Du Duyệt biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: