Tiếu đàm phong vân – Tập 23: Nhất thống thiên hạ (1)
Hàn – Triệu diệt quốc
Lời bạch: Sau khi Tín Lăng quân trộm phù cứu Triệu, nguyên khí nước Triệu bị thương tổn nặng nề, trong sáu nước cũng không có nước nào có khả năng đơn độc đối kháng với nước Tần. Trước trận chiến Trường Bình, đại thương nhân Lã Bất Vi nghĩ cách kết giao với vương tôn của nước Tần là Dị Nhân vốn đang làm con tin ở nước Triệu, đồng thời thuyết phục Thái tử nước Tần là An Quốc Quân lập Dị Nhân làm con thừa tự. Năm 257 TCN, Lã Bất Vi hối lộ binh lính giữ cổng thành nước Triệu, trong giờ phút nguy cấp bị vây ở Hàm Đan đưa Dị Nhân trốn thoát khỏi nước Triệu. Năm 249 TCN, Dị Nhân kế vị làm Vương, chính là Tần Trang Tương Vương. Ba năm sau, Trang Tương Vương băng hà, con là Doanh Chính lên kế vị. Ông chính là người sau này thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng.
Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi mới 13 tuổi, khi đó chỉ có thể xưng Tần Vương. Ông sinh năm 259 TCN, theo ghi chép trong “Lã Bất Vi liệt truyện”, ông làm con tin ở nước Triệu tám năm, mãi đến khi tằng tổ phụ (ông cố) cũng chính là Tần Chiêu Tương Vương băng hà, ông mới quay về nước Tần.
Bởi vì ông lên ngôi khi tuổi còn rất nhỏ, cho nên việc triều chính đều nằm trong tay Lã Bất Vi. Năm 238 TCN, nước Tần xảy ra loạn Trường Tín Hầu Lao Ái, cuộc phản loạn này được Tần Vương dẹp ổn. Do cuộc phản loạn này liên quan đến Lã Bất Vi, vì vậy Tần Vương đã bãi chức tướng quốc của Lã Bất Vi.
Do Lã Bất Vi danh tiếng rất lớn, cho nên chư hầu liệt quốc mỗi khi đến Hàm Dương thì đều đến bái kiến Lã Bất Vi. Còn có một số nước mời Lã Bất Vi về nước họ làm quan, có thể nói là sứ giả đến bái kiến ông nối liền không dứt. Cứ như vậy qua thời gian một năm sau, Tần Vương không thể nhịn được nữa, bèn viết một phong thư cho Lã Bất Vi, hỏi ông ta, “ông rốt cuộc cống hiến được bao nhiêu cho nước Tần, được phong Quân tại Hà Nam, có thực ấp mười vạn hộ; ông rốt cuộc có quan hệ thân thích gì với nước Tần, khiến cho trẫm gọi ông là trọng phụ. Bây giờ trẫm muốn đưa ông và người nhà ông sung quân đến Tứ Xuyên.”
Sau khi Lã Bất Vi nhận được phong thư, sợ Tần Vương tiếp tục truy cứu trách nhiệm, bèn uống rượu độc mà chết. Theo ghi chép trong “Tư trị thông giám”: Sau khi Lã Bất Vi qua đời, tông thất đại thần nước Tần nói với Tần Vương rằng, phàm là người ngoại quốc đến nước Tần làm khách khanh, đều là vì trù tính cho người dân nước họ, chứ không thật sự dốc sức vì nước Tần. Vì vậy thỉnh cầu Tần Vương đuổi hết tất cả những người ngoại quốc ở nước Tần.
Mệnh lệnh này được gọi là lệnh trục khách, tất cả những người cố vấn, chỉ cần không phải là người nước Tần, đều bị liệt vào danh sách bị trục xuất. Trong đó có một người là Lý Tư, là môn khách của Lã Bất Vi. Lý Tư viết cho Tần Vương một phong thư, phong thư này vô cùng nổi tiếng, toàn văn được ghi chép trong “Lý Tư liệt truyện” của “Sử ký”.
Trong phong thư, Lý Tư nhắc đến những vị cố vấn và những vị khách khanh người ngoại quốc, cũng như cống hiến của họ đối với Tần quốc: Năm xưa khi Tần Mục Công xưng bá là nhờ vào Bách Lý Hề, Kiển Thúc, Phi Báo, Công Tôn Chi, trong số họ có người là mưu thần, có người là dũng tướng, đều không phải là người nước Tần; Sau này Thương Ưởng từ nước Vệ đến giúp nước Tần thực hiện biến pháp (cải cách chính trị) khiến Tần quốc trở nên giàu mạnh. Trương Nghi từ nước Ngụy đến giúp nước Tần giải tán liên minh hợp tung của các nước chư hầu. Phạm Thư từ nước Ngụy đến nước Tần chế định ra sách lược viễn giao cận công, thống nhất thiên hạ. Thế nên, cống hiến của các khách khanh người ngoại quốc đối với Tần quốc là vô cùng to lớn.
Cuối cùng, Lý Tư nói: “Thần nghe nói, Thái Sơn không chối từ thổ nhưỡng mới có thể trở nên cao lớn, sông biển không kén chọn dòng chảy mới có thể thực sâu, Thánh nhân không khước từ thứ dân đông đúc mới có thể hiện rõ đức của mình. Bệ hạ hôm nay nếu như đuổi hết những nhân tài ngoại tịch này ra khỏi nước Tần, họ không còn được Tần quốc trọng dụng, mà sẽ được các nước khác trọng dụng, điều này sẽ là mối uy hiếp lớn đối với an nguy của nước Tần.”
Tần Vương sau khi xem xong phong thư thì lập tức hủy bỏ lệnh trục khách.
Về nguyên nhân trục khách, trong các chương tiết khác nhau của “Sử ký” đều không giống nhau. Trong “Lý Tư liệt truyện” của “Sử ký” có một giả thuyết khác: Lúc ấy nước Hàn có một công trình sư, họ Trịnh tên Quốc, ông ta từ nước Hàn đến nước Tần là mang theo một nhiệm vụ, chính là khiến nước Tần dùng lượng lớn tiền tài trùng tu công trình thuỷ lợi. Nước Hàn hy vọng thông qua một công trình lớn như vậy, khiến nước Tần chuyển hướng quan tâm từ chiến tranh với ngoại quốc sang sự vụ nội quốc.
Kết quả chuyện này bị phát hiện, Tần Vương rất tức giận liền muốn xử phạt Trịnh Quốc. Trịnh Quốc nói, công trình thuỷ lợi này mặc dù tạm thời hao phí rất nhiều tiền bạc của nước Tần, nhưng đây là một việc có lợi cho vạn đời. Cho nên về sau Tần Vương vẫn để cho Trịnh Quốc hoàn thành xây dựng công trình thuỷ lợi này. Đó chính là “kênh Trịnh Quốc” nổi tiếng trong lịch sử.
Căn cứ ghi chép của “Hà Cừ thư” trong “Sử ký”: Trịnh Quốc khi tu sửa kênh mương đã cho đào ra rất nhiều đất, sau đó dùng đất này lấp bồi chỗ đất trũng và vùng đất bị nhiễm mặn ở nước Tần, khiến cho vùng Quan Trung tăng lên bốn trăm vạn mẫu ruộng tốt. Dựa theo cách nói của “Hà Cừ thư”, vùng Quan Trung nhờ đất đai phì nhiêu mà không bị mất mùa, nước Tần vì thế cũng trở nên giàu mạnh, cuối cùng tập hợp chư hầu, đặt tên gọi là “kênh Trịnh Quốc.”
Lúc ấy Tần Vương phát hiện ra kế hoạch của Trịnh Quốc, có thể nói là âm mưu khi đó, ông cảm thấy những người từ ngoại quốc đến nước Tần này, bao gồm những công trình sư giống như Trịnh Quốc, đều là vì toan tính cho bản quốc của họ. Vì vậy, ông muốn đuổi tất cả khách khanh ngoại quốc, đây là một cách giải thích khác về lệnh trục khách của Tần Vương.
“Gián trục khách thư” (thư can gián lệnh trục khách) của Lý Tư đã thay đổi suy nghĩ trục khách của Tần Vương. Tần Vương đích thân triệu kiến Lý Tư. Khi đó, Lý Tư đưa ra cho Tần Vương ra một ý kiến: hy vọng Tần Vương bỏ ra một khoản tiền đi đến các nước khác quan sát, xét thấy hào kiệt của các quốc gia, hoặc là những người nổi danh, nếu có thể dùng tiền tài thu mua được thì hãy mua chuộc, để dùng họ cho nước Tần; nếu như bọn họ không thể mua chuộc, thì ngầm giết đi, như vậy thì nước Tần sẽ giảm được rất nhiều lực cản trong quá trình thống nhất thiên hạ.
Nguyên văn trong “Tư trị thông giám” nói: “Danh sĩ chư hầu có thể mua được, trọng dụng họ; người không chịu, kiếm sắc giết đi. Tần Vương nghe theo kế sách ly gián quân thần, bèn lệnh cho các lương tướng thuận theo sau.” Trong vòng mấy năm, Tần Vương cuối cùng đã tập hợp được thiên hạ.
Lời bạch: Lý Tư can gián việc Tần Vương trục khách, cải biến tâm ý của Tần Vương. Tần Vương hủy bỏ lệnh trục khách, cũng triệu Lý Tư vào trong cung, Lý Tư dâng lên kế sách thống nhất sáu nước, tức dùng lượng tiền tài lớn thu mua danh sĩ các nước để phục vụ cho nước Tần, những ai không chịu phục vụ cho nước Tần thì ám sát họ. Kế này không lấy thực lực quân sự để tranh thiên hạ, mà áp dụng kế ly gián, để giảm tối đa chi phí cho việc nước Tần thống nhất thiên hạ. Mười sáu năm sau, toàn bộ sáu nước bị diệt vong, vậy thì Lý Tư là một người như thế nào?
Lý Tư là một trong những nhân vật đại biểu cho Pháp gia, ông nguyên quán ở Thượng Thái, chính là phụ cận huyện Thượng Thái tỉnh Hà Nam ngày nay. Lúc còn tuổi trẻ, ông từng làm một chức quan nhỏ ở trong quận. Có một lần khi đi vệ sinh, ông nhìn thấy trong nhà vệ sinh có chuột, đương nhiên nhà vệ sinh rất bẩn, rất thối, còn thường xuyên có người và chó đi vào, chuột sợ hãi chạy khắp nơi. Ông đi vào trong kho lúa, trông thấy trong kho lúa cũng có chuột, nguyên một đám ăn đến mức béo tròn, nhìn thấy người cũng không hề sợ hãi. Lý Tư nói, “Con người lẽ nào cũng giống như lũ chuột này, tiền đồ của ngươi như thế nào, đều xem ngươi ở vào vị trí như thế nào.” Cho nên nói rằng, triết lý nhân sinh của Lý Tư, kỳ thực chính là triết lý về chuột.
Về sau Lý Tư đi theo Tuân Tử học thuật Đế vương, hoặc có thể gọi là thuật bá vương. Sau khi học xong, lúc cáo biệt Tuân Tử ông đã nói một câu, ông nói, “Một người sống ở trên đời này, hèn mọn là sỉ nhục lớn nhất, nghèo khó là bi ai lớn nhất,” vì thế ông nhất định phải tìm cách để trở nên phú quý.
Ông nhìn khắp bảy nước, cho rằng chỉ có nước Tần là có hy vọng. Thế là Lý Tư rời khỏi nước Sở của mình, đi tới nước Tần, gia nhập làm môn khách của một người có quyền thế lúc bấy giờ – Thừa tướng Lã Bất Vi.
Lý Tư là một trong những nhân vật đại biểu cho Pháp gia, Pháp gia là Âm mưu gia. Vậy nên chủ ý mà Lý Tư đưa ra cho Tần Vương cũng là âm mưu, không phải dựa vào thực lực quân sự mà là dựa vào ly gián quần thần, hoặc mua chuộc người tài của các nước, hoặc là đem giết bọn họ, như vậy các nước về cơ bản là không có nhân tài và năng lực để chống lại nước Tần. Nước Triệu chính là một ví dụ vô cùng điển hình.
Đại tướng Liêm Pha nước Triệu, binh pháp vô cùng lợi hại. Sau này Liêm Pha có chút mâu thuẫn với Triệu Vương nên chạy đến nước Ngụy. Liêm Pha vừa rời khỏi nước Triệu, thực lực quân sự nước Triệu càng suy yếu, mấy lần bị nước Tần tấn công và đánh bại. Triệu Vương liền nghĩ đến việc triệu hồi Liêm Pha, ông ta liền phái một sứ giả đến nước Ngụy thăm Liêm Pha.
Trước khi sứ giả lên đường, gián điệp của nước Tần đã đến nước Triệu rồi. Gián điệp nước Tần khi đó mang một vạn cân vàng, đem cho một người gọi là Quách Khai. Quách Khai là một hoạn quan, một nịnh thần bên cạnh được Triệu Vương vô cùng sủng tín lúc bấy giờ.
Quách Khai đem một phần vàng trong đó hối lộ sứ thần mà Triệu Vương phái đi gặp Liêm Pha. Ông ta nói với sứ thần, “Liêm Pha là kẻ thù của ta. Trước mặt Triệu Vương ông nhất định phải nói lời xấu về ông ta.” Vị sứ thần đó đi gặp Liêm Pha. Liêm Pha vì muốn quay về nước Triệu dốc sức cho Triệu Vương, trước mặt sứ thần ăn hết một đấu gạo, mười cân thịt. Sau khi ăn xong, ông khoác áo giáp lên ngựa, biểu thị bản thân tuy đã nhiều tuổi, nhưng vẫn còn có thể tiếp tục xuất chinh đánh trận.
Sứ thần quay về bẩm báo với Triệu Vương, nói rằng “Liêm tướng quân tuy già, vẫn còn ăn rất khỏe, nhưng ông ấy ngồi đàm đạo với thần một lát thì ba lần liên tục đi vệ sinh.” Triệu Vương nghĩ, lão tướng quân khi đánh giặc, làm sao có thể liên tục đi vệ sinh được chứ, cho nên không muốn dùng Liêm Pha nữa. Liêm Pha ở nước Ngụy đợi mãi không được nữa, bèn chạy đến nước Sở. Ở nước Sở, ông buồn bực sầu não mà qua đời.
Năm 234 TCN, nước Tần phái đại tướng Hoàn Nghĩ (“Chiến Quốc sách” nói Hoàn Nghĩ chính là Phàn Ô Kỳ sau này) tấn công nước Triệu, giết chết đại tướng nước Triệu là Hỗ Triếp, chém đầu mười vạn người, khiến nước Triệu thua thê thảm. Triệu Vương bị ép đến đường cùng, bất đắc dĩ đành dùng một danh tướng cuối cùng thời Chiến Quốc là Lý Mục.
Lý Mục đánh trận vô cùng lợi hại, trong “Sử ký” không có truyện viết riêng về Lý Mục, câu chuyện về ông được bổ sung ở phần sau “Liêm Pha và Lạn Tương Như liệt truyện.” Trong truyện này có Triệu Xa, Triệu Quát và Lý Mục. Lý Mục thời trẻ đã đánh nhau với quân Hung Nô, từng có lần đánh đến mức quân Hung Nô mười mấy năm không dám đến biên giới nước Triệu. Lý Mục dùng binh tương đương với Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh thời Hán Vũ Đế, cả đời ông chưa từng thua trận nào.
Lý Mục xuất chiến, thoáng một cái đã đánh bại đại tướng Hoàn Nghĩ của nước Tần. Triệu Vương phong Lý Mục là Vũ An Quân, năm đó là năm 234 TCN. Năm năm sau, nước Tần một lần nữa tấn công nước Triệu, lần này là tướng quân Vương Tiễn xuất chinh. Quân của Vương Tiễn và Lý Mục hai bên đối đầu nhau, Vương Tiễn biết bản thân không thể thắng được Lý Mục, thế là Vương Tiễn lại lần nữa sử dụng Quách Khai, bỏ ra một vạn cân vàng mua chuộc Quách Khai.
Quách Khai đặt điều nói với Triệu Vương, “Lý Mục, con người này đã ngầm qua lại với nước Tần, chuẩn bị đầu hàng nước Tần.” Triệu Vương liền tin ngay, phái một người là Triệu Thông đi thu binh quyền của Lý Mục. Lý Mục khi đó từ chối giao ấn tướng, nhưng Lý Mục biết Triệu Vương không để ông làm tướng quân, thì ông cũng không có cách nào chỉ huy quân đội nước Triệu. Cho nên lúc nửa đêm, ông lén lút treo ấn soái ở trong trướng, sau đó thay một bộ y phục thường dân chạy trốn, nhưng không may bị Triệu Thông bắt được, sau đó bị giết chết.
Lý Mục là trường thành của nước Triệu. Lý Mục không còn, nước Triệu cũng không còn người có thể chống lại nước Tần, chỉ vẻn vẹn sau ba tháng thì nước Triệu diệt vong. Nước Triệu là nước thứ hai trong sáu nước bị diệt vong, nước đầu tiên bị diệt vong là nước Hàn, vào năm 230 TCN.
(Còn tiếp)
Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ