‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 19: Hoàn bích quy Triệu [P.3]
Phần 3: Tần – Triệu hội kiến ở Mãnh Trì, Liêm Pha chịu đòn nhận tội
Lời bạch: Kết quả của cuộc đấu trí đấu dũng, thần thương khẩu chiến trên triều đình nước Tần là Tần Vương bỏ qua cho Lạn Tương Như, nước Triệu không giao ngọc Hòa Thị Bích cho nước Tần, còn nước Tần cũng không giao thành trì cho nước Triệu. Sau khi Ngọc Bích quay về nước, nước Triệu vẫn bị trả thù, vào năm sau, cũng chính là năm Triệu Huệ Văn Vương thứ 17, năm 282 TCN, nước Tần tấn công nước Triệu chiếm hai tòa thành, năm 281 TCN lại chiếm thành Thạch của nước Triệu, là huyện Lâm tỉnh Hà Nam ngày nay. Sau đó, năm 280 TCN, nước Tần lại tấn công nước Triệu, giết chết ba vạn người.
Sau khi viên bảo ngọc trở về nước Triệu, trong ba năm liên tục, nước Tần đều tấn công nước Triệu, khiến nước Triệu bị tổn binh mất đất. Năm 279 TCN, nước Tần có một kế hoạch vô cùng to lớn, chính là phát động tấn công nước Sở. Nước Tần muốn ngăn chặn việc đồng thời giao chiến với nước Sở ở phía nam và nước Triệu ở phía bắc, nên trước khi tấn công nước Sở, nước Tần muốn gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp với nước Triệu, vì thế Tần Vương viết thư mời Triệu Vương đến hội kiến ở Mãnh Trì. Mãnh Trì chính là vùng phụ cận huyện Mãnh Trì, tỉnh Hà Nam ngày nay, đây chính là cuộc hội kiến Mãnh Trì vô cùng nổi tiếng trong lịch sử.
Sau khi bức thư này được đưa đến nước Triệu, Triệu Huệ Văn Vương rất lo lắng không dám đi. Bởi vì trước cuộc hội kiến ở Mãnh Trì, Sở Hoài Vương của nước Sở chính là bị lừa đến nước Tần như vậy và bị giam lỏng đến chết. Nhưng hai thủ hạ của Triệu Vương là đại tướng Liêm Pha và Lạn Tương Như đều muốn Triệu Vương đến nơi đó hội họp, không thể tỏ ra yếu thế.
Triệu Hà liền nghe theo ý kiến của hai người, chuẩn bị đến Mãnh Trì gặp Tần Vương. Trước khi xuất phát, Liêm Pha đã thỏa thuận một ước định với Triệu Huệ Văn Vương, ông nói: “Thần dự tính từ đây đến Mãnh Trì, tiến hành hoạt động ngoại giao xong rồi trở về, hết thảy có lẽ cũng chỉ mất khoảng 30 ngày. Trong vòng 30 ngày này ngài có thể trở về thì tốt, nhưng nếu ngài bị bắt giữ không về được, như vậy thần đề nghị lập người nào đó lên làm Quốc Quân, kế thừa ngôi vị Triệu Vương này của ngài, như thế thì nước Tần không có gì để uy hiếp chúng ta cả.” Triệu Vương đồng ý.
Khi Triệu Vương đến Mãnh Trì hội kiến, lúc đó bầu không khí vẫn tràn đầy tốt đẹp, mọi người đều uống rượu rất vui vẻ. Tần Vương nói với Triệu Vương rằng: “Tôi nghe nói ông rất thông thạo âm nhạc nước Triệu, rất tinh thông âm luật, hiểu được đánh đàn như thế nào, có thể đánh đàn sắt (một loại nhạc khí thời cổ đại) một lần cho tôi nghe có được không?”
Triệu Vương không biết đây là mưu kế, liền cầm lấy đàn sắt diễn tấu một hồi, mọi người đều vỗ tay khen hay. Tần Vương lập tức gọi sử quan của nước Tần đến, nói ngươi hãy ghi lại vào ngày này năm này, Tần Vương và Triệu Vương gặp nhau ở Mãnh Trì, Triệu Vương đánh đàn sắt cho tần Vương nghe. Điều này là tương đương với việc xem Triệu Vương như một nhạc công vậy. Lúc đó các đại thần của nước Triệu đều biến sắc mặt.
Lạn Tương Như bèn bưng một cái chậu sành ở trên bàn lên, đi đến trước mặt Tần Vương, nói với Tần Vương rằng: “Tôi nghe nói Đại Vương cũng thông thạo về âm nhạc nước Tần, mời Đại Vương kích phữu” (người Trung Quốc xưa thường dùng một loại nhạc khí làm bằng đất nung để làm nhịp hát, gọi là kích phữu). Phữu ở đây chính là cái chậu sành. Lúc ấy sắc mặt của Tần Vương cũng biến đổi, nói: “Quả nhân sẽ không kích phữu.”
Lạn Tương Như lại tiến lên phía trước vài bước, rồi nói: “Dù cho nước Tần các ông có trăm vạn hùng binh, nhưng trong vòng năm bước ta có thể đem bầu máu nóng trong người ta tưới lên trên người của Đại Vương”, ý chính là nói “ta đây chẳng sá gì có thể liều mạng với ông.” Lúc đó các hộ vệ của Tần Vương muốn nhảy ra bắt Lạn Tương Như. Lạn Tương Như nộ khí bốc lên, trợn mắt quát to một tiếng, những hộ vệ kia của nước Tần bị dọa sợ, đều lui xuống.
Tần Vương mặc dù không vui, vẫn cầm cây đũa đi đến gõ vào chiếc chậu sành một cái. Lạn Tương Như lập tức xoay người lại, gọi sử quan của nước Triệu tới nói: “Ngươi hãy viết vào ngày này năm này, Triệu Vương và Tần Vương gặp mặt ở Mãnh Trì, Triệu Vương khiến Tần Vương kích phữu.”
Những đại thần của nước Tần không phục, nói xin nước Triệu cắt 15 tòa thành tặng mừng sinh nhật Tần Vương. Lạn Tương Như nói: “Có qua có lại chứ, vậy xin nước Tần cắt Hàm Dương tặng mừng sinh nhật Triệu Vương”. Tần Chiêu Tương Vương nói: “Được rồi, được rồi, mọi người không nên tranh cãi nữa, chúng ta uống rượu đi”, rồi lờ đi bỏ qua chuyện này.
Vì sao khi đó nước Tần không dám ra tay với nước Triệu? Thứ nhất là vì binh lực của nước Triệu vẫn rất hùng mạnh; thứ hai là vì nước Tần chuẩn bị tấn công nước Sở, cho nên không thể không giữ mối quan hệ hòa hảo với nước Triệu.
Sau cuộc hội kiến ở Mãnh Trì, Tần Vương lệnh cho con trai của Thái tử An Quốc Quân, chính là cháu trai của Tần Vương, có tên là Di Nhân, đến nước Triệu làm con tin. Việc này là tỏ ý rằng “ta sẽ không tiến đánh nước Triệu nữa, hai bên đã lập mối liên minh tốt đẹp với nhau.”
Trước đây, thông thường là quốc gia nhỏ yếu đưa con tin đến nước hùng mạnh, hoặc là trao đổi con tin. Nhưng ở lần hội kiến Mãnh Trì này, nước Tần chủ động đề xuất đưa Di Nhân, con trai của Thái tử An Quốc Quân đến nước Triệu làm con tin, điều này chứng tỏ nước Triệu đã thu được thắng lợi vô cùng quan trọng về ngoại giao. Di Nhân này về sau chính là Tần Trang Tương Vương, con trai của ông chính là Tần Thủy Hoàng sau này.
Ở cuộc hội kiến Mãnh Trì, nước Triệu chiếm ưu thế, rất có thể diện, rất hãnh diện mang theo một con tin trở về nước. Triệu Vương thấy rằng công lao của Lạn Tương Như thực sự là quá lớn, không hổ thẹn với sứ mạng, vì thế liền phong Lạn Tương Như làm Thượng Khanh, đây là tước vị rất cao, còn ở trên cả chức vị của Liêm Pha.
Liêm Pha cảm thấy không vui, ông nói: “Ta là một vị tướng quân như vậy, công thành dã chiến lập đại công, ra trận ăn gió nằm sương, bất chấp nguy hiểm cửu tử nhất sinh, mở rộng lãnh thổ cho nước Triệu. Còn Lạn Tương Như chỉ dùng miệng lưỡi, mà chức vị trên cả ta.” Ông nói, “Nếu có ngày gặp Lạn Tương Như thì ta nhất định phải làm cho ông ta nhục nhã một phen.” Lạn Tương Như sau khi nghe nói như vậy, bèn không vào triều để tránh gặp mặt Liêm Pha.
Có một lần khi Lạn Tương Như đi ra bên ngoài, từ xa thấy xe của Liêm Pha đang đi tới. Lạn Tương Như lập tức lệnh cho người đánh xe vào trong ngõ hẻm, đợi sau khi xe của Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra ngoài. Cho nên Liêm Pha ở bên ngoài càng thêm vênh vang đắc ý, cho rằng Lạn Tương Như không dám chọc đến mình.
Những nhóm môn khách thuộc hạ của Lạn Tương Như cảm thấy mất hết mặt mũi, họ chạy tới trước mặt Lạn Tương Như nói rằng: “Chúng tôi vứt bỏ gia đình, đất đai của mình để đến đây với ngài, là vì điều gì? Bởi vì ngài là một đại trượng phu, bây giờ tước vị của ngài cao hơn Liêm Pha. Vậy mà khi nhìn thấy Liêm Pha, ngài chẳng những không dám tranh với Liêm Pha, mà thấy ông ta trên đường, thì giống như chuột thấy mèo vậy. Hèn nhát như vậy, chúng tôi thực sự là quá mất mặt, chúng tôi không đi theo ngài nữa, chúng tôi đều phải rời đi thôi.”
Lạn Tương Như ngăn mọi người lại và nói: “Các vị cảm thấy Liêm tướng quân và Tần Vương ai lợi hại hơn?” Các môn khách trả lời: “Còn cần phải nói sao, đương nhiên là Tần Vương lợi hại rồi.”
Lạn Tương Như nói: “Đúng vậy, với uy thế của Tần Vương như vậy, nhưng ta dám lớn tiếng quát ông ta, làm nhục quần thần của ông ta ngay trên triều đình, chẳng lẽ ta sẽ sợ Liêm tướng quân ư? Ta chỉ là nghĩ tới một vấn đề thế này (trong “Sử ký” là ‘Cố ngô niệm chi’ có nghĩa là ‘điều ta lo nghĩ’, câu nói này rất nổi tiếng), sở dĩ nước Tần mạnh mà không dám dùng binh với nước Triệu, là chỉ vì có hai người chúng ta đây, chính là sợ hãi ta và Liêm Pha. Hôm nay hai hổ đánh nhau, tất có một con bị thương, vì lẽ đó ta mới không tranh với ông ấy. Phải vì việc cấp bách an nguy của quốc gia trước tiên, tư thù xếp sau vậy.”
Các môn khách nghe xong thì rất cảm động, sau đó chuyện này được truyền ra ngoài, cũng truyền đến tai Liêm Pha. Liêm Pha cũng rất cảm động. Liêm Pha này là một người thẳng tính, có gì nói vậy, muốn làm chuyện gì thì làm chuyện đó. Sau khi nghe chuyện này, ông không nói hai lời, bèn cởi áo trên người mình, cột lên tấm lưng trần một cây mây gai, sau đó đi đến trước cổng nhà Lạn Tương Như, quỳ ở trước cổng nhà, “phụ kinh thỉnh tội” (vác roi tới nhận lỗi).
‘Kinh’ chính là cây roi, tỏ ý là tôi đã phạm lỗi, tôi xin lỗi ông, hãy đánh tôi một trận đi. Lạn Tương Như vừa nhìn thấy Liêm Pha “phụ kinh thỉnh tội” cũng rất cảm động, đi ra cổng nâng Liêm Pha dậy. Liêm Pha nói: “Một kẻ kiến thức nông cạn như tôi đây đã không biết ông lại rộng lượng đến thế.” Thế là hai người bắt tay, cùng rơi lệ, kết làm “vẫn cảnh chi giao” (tình bằng hữu chí cốt sống chết có nhau). Hai câu thành ngữ “Phụ kinh thỉnh tội” và “Vẫn cảnh chi giao” chính là có nguồn gốc như thế.
Ở đây chúng ta cũng cần phải nói rằng, Lạn Tương Như không chỉ miệng lưỡi khéo léo, mà ông cũng là một người dẫn quân đánh trận. Trong “Sử ký – Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện” ghi chép rằng, ông đã từng dẫn binh đánh nhau với nước Tề, đánh thẳng tới Bình Ấp của nước Tề. Lạn Tương Như là một người trí dũng song toàn, ông dùng trí tuệ và can đảm của mình để đưa bảo ngọc về lại nước Triệu, là một người vô cùng dũng cảm.
Qua câu chuyện “tướng tướng hòa” (hai tướng hòa thuận, hai tướng ở đây là Liêm Pha và Lạn Tương Như) này, chúng ta thấy Lạn Tương Như vừa là một người vô cùng khoan dung rộng lượng, ông dựa vào sự khiêm tốn nhún nhường của mình để thu phục lòng người khác. Khiêm nhường là một mỹ đức vô cùng quý giá, có thể nói Lạn Tương Như là một bậc đại trượng phu biết co biết duỗi, trước mặt kẻ địch thì ông kiên cường khí khái, trước mặt đồng liêu của mình thì lại khiêm tốn nhún nhường. Lão Tử có một câu: “Giang hải chi sở dĩ vi bách cốc vương giả, dĩ kỳ thiện hạ chi”. Ý tứ chính là biển rộng sở dĩ có thể trở thành nơi hội tụ của các khe suối sông ngòi, là vì nó đặt vị trí của mình ở nơi thấp hơn với hết thảy sông suối.
Tư Mã Thiên có một đánh giá về Lạn Tương Như thế này: “Nhất phấn kỳ khí, uy tín địch quốc, thối nhi nhượng pha, danh trọng thái sơn” (tạm dịch: Lạn Tương Như chỉ một lần biểu lộ dũng khí của mình, khiến nước địch sợ uy; rút lui nhường Liêm Pha, danh tiếng trọng như Thái sơn).
Với sự hùng mạnh của nước Triệu lúc đó, là đủ để chống lại nước Tần, hơn nữa nếu sáu nước vẫn có thể liên minh lại với nhau, thì nước Tần khó lòng thống nhất thiên hạ. Nhưng ngay khi nước Triệu càng ngày càng lớn mạnh, thì có một người rời nước Ngụy đi đến nước Tần. Người này không chỉ lập ra một hệ thống, chiến lược thống nhất thiên hạ cho nước Tần, mà còn thúc đẩy một trận quyết chiến chiến lược giữa nước Tần và nước Triệu.
Vậy người này là ai, đã đưa ra sách lược như thế nào? Mời quý vị theo dõi tập tiếp theo “Viễn giao cận công”. Xin chân thành cảm ơn!