‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 19: Hoàn bích quy Triệu [P.1]
Phần 1: Triệu Vũ Linh Vương đổi sang trang phục người Hồ, dùng cách cưỡi ngựa bắn cung, mở đất ngàn dặm
Lời bạch: Năm 279 TCN, quân đội nước Tề dưới sự chỉ huy của Điền Đan dùng Hỏa Ngưu xông vào trận địa đánh bại quân đội nước Yên, đồng thời nhanh chóng đoạt lại tất cả thổ địa do nước Yên chiếm giữ, trận chiến này khiến cho nguyên khí nước Yên và nước Tề đều bị thương tổn nặng. Năm 278 TCN, đại tướng Bạch Khởi tấn công Dĩnh đô của nước Sở, nước Sở bị ép dời đô về đất Trần, hiện nay là huyện Hoài Dương tỉnh Hà Nam, quân đội chủ lực của quốc gia bị tiêu diệt. Nước Hàn luôn nhỏ yếu, nước Ngụy thì sau khi mất đi vùng Tây Hà từ năm 340 TCN, trong 60 năm sau đó đánh trận nào thua trận đó. Mà lúc này nước Triệu lại đang ở phía Bắc Trung Quốc nhanh chóng trỗi dậy, trở thành quốc gia duy nhất có thể chống lại nước Tần thời kỳ hậu Chiến Quốc. Vậy nước Triệu đã lớn mạnh trỗi dậy như thế nào?
Nước Triệu trỗi dậy là bắt đầu từ thời Triệu Túc Hầu. Triệu Túc Hầu là vị vua nước Triệu ủng hộ Tô Tần thực hiện sách lược hợp tung, nhưng không bao lâu sau thệ ước Hoàn Thủy, Triệu Túc Hầu bị bệnh chết, Thái tử Triệu Ung kế vị, người này là Triệu Vũ Linh Vương vô cùng nổi danh trong lịch sử.
Khi Triệu Ung kế vị, nước Triệu còn chưa lớn mạnh, khi ông kế vị năm thứ 8, lúc ấy có một việc gọi là “phong trào 5 nước xưng Vương”. Nước Tần và nước Sở đã xưng Vương rồi, như vậy năm quốc gia khác, là Hàn, Tề, Ngụy, Yên và nước Trung Sơn, đều nâng vua của nước mình từ tước Hầu và tước Công trở thành tước Vương. Nhưng lúc đó Triệu Ung không tham gia, Triệu Ung nói nước Triệu chúng ta nhỏ yếu như vậy, không có cái thực lực, cần gì cái hư danh kia chứ, cho nên ông cứ để người ta gọi ông là Quân, Triệu Vũ Linh Vương trên thực tế là Thụy hiệu.
Triệu Ung khai khẩn đất đai mở rộng biên giới lãnh thổ, giải quyết vấn đề xâm lấn của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc nước Triệu thời bấy giờ. Dựa theo cách đặt tên của Thụy hiệu, khắc chế an định được họa loạn thì gọi là Vũ, cho nên trong Thụy hiệu của ông có một chữ Vũ. Ông lại phạm vào một sai lầm, khiến cho bản thân và con trai trưởng của ông đều chết oan chết uổng, chết bởi một trận chính biến cung đình thảm khốc. Theo cách đặt tên Thụy, loạn mà chưa tổn thất đến gốc thì gọi là Linh, cho nên trong Thụy hiệu của ông có hai chữ là Vũ và Linh, chính là Triệu Vũ Linh Vương.
Triệu Vũ Linh Vương kế vị năm 325 TCN, lúc ấy ông khoảng 15 tuổi. Ông vừa mới kế vị, các nước như nước Tần, nước Sở, nước Yên, nước Ngụy, nước Tề, mỗi nước phái một vạn binh, lấy lý do đến để tế điện (phúng viếng) phụ thân đã mất của của Triệu Ung. Nếu như các nước thực sự kính trọng đối với phụ thân của Triệu Ung, thì chỉ cần phái một vị đại thần hoặc mang binh mã rất ít đến là được rồi. Các nước này có một âm mưu, muốn thừa cơ tiêu diệt nước Triệu, sau đó chia nhau đất đai lãnh thổ của nước Triệu.
Không biết lúc đó Triệu Ung dùng biện pháp gì để khiến cho âm mưu này của các nước không thành. Nhưng Triệu Ung cảm thấy rất rõ mối uy hiếp to lớn. Ông bái Phì Nghĩa làm thầy dạy, hy vọng nước Triệu hùng mạnh lên. Trong thời gian này nước Triệu mấy lần đánh nhau với nước Tần và nước Tề, lần nào đánh cũng thua, việc thành trì bị chiếm đoạt, binh sĩ bị giết mấy vạn người là chuyện thường xuyên xảy ra.
Triệu Ung muốn nước Triệu phải lớn mạnh thì cần phải giải quyết ba vấn đề. Lúc đó phía Bắc của nước Triệu có một quốc gia gọi là Trung Sơn, nó gần như ở giữa chia đôi lãnh thổ nước Triệu thành hai phần đông và tây. Nước Trung Sơn rất lớn, năm đó Ngụy Văn Hầu phái Nhạc Dương đánh hạ Trung Sơn, nhưng bởi vì Trung Sơn rất rộng lớn, nước Ngụy sau đó lại suy yếu, cho nên chẳng bao lâu sau nước Trung Sơn lại khôi phục.
Triệu Ung nói, nước Trung Sơn nằm ở tim gan ta, biến nước Triệu thành hình chữ ao (凹), phía đông và phía tây của nước Triệu muốn giao thông với nhau, nhất định phải đi qua nước Trung Sơn, hoặc là đi vòng phía sau nước Trung Sơn. Cho nên Triệu Ung cho rằng, nước Trung Sơn là cái họa trong tâm gan, đây là vấn đề thứ nhất mà ông cần giải quyết.
Vấn đề thứ hai là, phía bắc của nước Triệu có rất nhiều dân tộc thiểu số, sức chiến đấu của họ rất mạnh mẽ. Biên giới của một số quốc gia trong Chiến quốc Thất hùng là cương vực khép kín, ví như nước Hàn, nước Tề, nước Lỗ… những quốc gia này muốn mở rộng ra bên ngoài thì nhất định phải đánh nhau với các nước bên cạnh, cho nên các quốc gia ở Trung Nguyên mở rộng lãnh thổ là tương đối khó khăn. Nhưng có một số quốc gia có cương vực mở, ví như mặt phía Tây của nước Tần chính là thuộc dạng mở, từ thời Tần Mục Công bắt đầu mở rộng ra theo hướng Tây; cương vực phía Nam của nước Sở là dạng mở, có thể mở rộng ra theo phía nam, phía đông của nước Sở là nước Việt, nước Sở có thể thôn tính nước Việt để mở rộng lãnh thổ của mình, tăng nguồn cung cấp binh lính, tăng thêm tài nguyên cho mình; phía bắc của nước Yên cũng là mở.
Các dân tộc thiểu số ở biên giới phía Bắc của nước Triệu rất dũng mãnh, ví như trong đó có một quốc gia, hoặc đúng ra nên gọi là bộ lạc, tên là Hồ, về sau gọi là Đông Hồ, hậu duệ của Đông Hồ chính là người Tiên Ti thời Tùy Đường sau này. Phía Tây của nước Triệu có Lâu Phiền, tiếp đó còn có Lâm Hồ, đồng thời còn có nước Tần; phía nam là nước Hàn, cho nên tứ phía của nước Triệu cho dù là quốc gia hay bộ lạc thì đều có thể tạo nên uy hiếp đối với nước Triệu. Thời đó giữa nước Triệu và các dân tộc thiểu số không ngừng xảy ra chiến tranh, cơ hồ cũng là liên tiếp chiến bại.
Vấn đề thứ ba là, sự khác biệt về văn hóa giữa phía nam và phía bắc nước Triệu: đô thành Hàm Đan của nước Triệu ở phía nam, cho nên phát triển nền văn minh nông nghiệp, thuộc về văn minh của Trung Nguyên; phía bắc của Triệu là văn hóa du mục. Vì vậy các đại thần của nước Triệu, thực ra cũng chia thành hai phái, một phái thiên về văn hóa nông nghiệp, như Triệu Thành – chú của Triệu Ung; còn một phái thiên về văn hóa du mục, như Phì Nghĩa thầy của Triệu Ung.
Triệu Ung phải giải quyết ba vấn đề, đó là: nước Trung Sơn, sự xâm lược quấy nhiễu của các dân tộc thiểu số ở biên giới phía Bắc, và sự khác biệt về văn hóa giữa miền Bắc và miền Nam.
Lời bạch: Năm thứ 19 kể từ khi Triệu Vũ Linh Vương kế vị, Tần Vũ Vương băng hà, em trai của ông là Doanh Tắc lên kế vị, không lâu sau đó, nước Tần phát sinh chính biến. Thừa dịp nước Tần nội loạn, phía Tây tạm thời không có nguy hiểm, Triệu Vũ Linh Vương thực hiện tuần sát cả nước, định ra chiến lược trước tiến hành diệt Hồ, Trung Sơn, sau đó tranh bá thiên hạ, mà bước quan trọng nhất chính là ‘Hồ phục kỵ xạ’, tức là bỏ dùng xe chiến trong tác chiến như truyền thống, mà đổi sang dùng kỵ binh làm lực lượng tác chiến như người Hồ, đồng thời đổi sang mặc trang phục của người Hồ. Quyết định này được thầy của Triệu Vũ Linh Vương là Phì Nghĩa ủng hộ.
Sau khi Triệu Vũ Linh Vương quyết định đổi sang dùng kỵ binh và trang phục người Hồ, thì bị tầng lớp quý tộc trong nước phản đối, trong đó phản đối dữ dội nhất chính là Triệu Thành. Triệu Thành là một người rất có uy vọng trong giới quý tộc nước Triệu. Triệu Vũ Linh Vương tự mình đi giải thích với Triệu Thành, nếu như chúng ta không đổi sang Hồ phục kỵ xạ, chúng ta sẽ tiếp tục mang nỗi nhục nhiều lần bị chiến bại, và mối nguy mất nước của chúng ta cũng sẽ theo đó mà tới. Sau đó Triệu Thành bị Triệu Vũ Linh Vương thuyết phục, cũng quyết định mặc trang phục người Hồ, thế là toàn bộ tầng lớp quý tộc của nước Triệu cũng đều nhao nhao đổi sang mặc trang phục người Hồ.
Vì kỵ binh có năng lực tác chiến vô cùng lợi hại, có lực tấn công mạnh và tính cơ động vượt trội, cộng thêm dùng vũ khí cung tên bắn từ xa, khiến cho thực lực quân đội của nước Triệu trở nên vô cùng lớn mạnh trong thời gian ngắn; đồng thời cả nước đều mặc trang phục người Hồ, gần với văn hóa của dân tộc thiểu số, cho nên có một số dân tộc thiểu số đến dựa và nhập vào nước Triệu, không nhập vào thì bị nước Triệu đánh đuổi cho chạy xa.
Nước Triệu trải qua “Hồ phục kỵ xạ” trong khoảng 10 năm, các cuộc chiến trong 10 năm đó cơ hồ là đánh trận nào thắng trận đó, tiêu diệt được mối họa tâm phúc của nước Triệu là nước Trung Sơn, một quốc gia tương đương với một nửa nước Hàn, mở rộng lãnh thổ ngàn dặm. “Hồ phục kỵ xạ” đã cho thấy hiệu quả vô cùng lớn, sau khi đã tiêu diệt các dân tộc thiểu số và nước Trung Sơn, Triệu Vũ Linh Vương bắt đầu xây dựng Trường Thành, dùng nó chặn kín biên giới phía bắc.
Thời Chiến Quốc, vì để chống lại sự xâm lược của các dân tộc thiểu số, nước Triệu, nước Yên đều đã xây dựng Trường Thành. Về sau, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, thì việc ông xây Trường Thành chính là nối liền Trường Thành đã được xây dựng trước đây vào thời Chiến Quốc lại với nhau, đồng thời phá hủy đi những bức tường thành ở biên giới giữa các quốc gia trong quá khứ.
Nước Triệu sau 10 năm thực hiện “Hồ phục kỵ xạ”, đã trở thành một quốc gia có thể đối kháng lại nước Tần, lúc này Triệu Vũ Linh Vương có thể nói là hào khí cao ngất.
Trước đây các quốc gia ở Trung Nguyên khi tấn công nước Tần chỉ có một con đường, chính là từ ải Hàm Cốc đi về hướng tây. Ải Hàm Cốc dễ thủ khó công, cho nên có thể nói là một nơi “một người canh giữ, vạn người không thể mở ra được”, trước đây liên minh năm nước đánh nước Tần đều là không đánh mà lui. Triệu Vũ Linh Vương sau khi đánh đuổi các bộ lạc dân tộc thiểu số Hồ và Lâu Phiền, ông phát hiện tấn công nước Tần có thể không cần đi từ ải Hàm Cốc, mà có thể từ hai nơi ở phía Bắc của nước Tần tấn công nước Tần, một nơi gọi là Vân Trung, một nơi gọi là Cửu Nguyên, chính là phía tây nam Hồi Hột của Nội Mông Cổ và thành phố Bao Đầu hiện nay.
Lúc đó Triệu Vũ Linh Vương có một kế hoạch rất lớn: Từ mặt phía bắc tấn công và tiêu diệt nước Tần. Để thực hiện kế hoạch này, ông đã làm hai việc có thể nói là vô cùng lỗ mãng.
Chuyện thứ nhất, ông đem ngôi vua của mình truyền lại cho con trai thứ của mình là Triệu Hà. Tại sao lại truyền cho Triệu Hà? Khi Triệu Vũ Linh Vương kế vị năm thứ 16, có một hôm vào ban đêm ông nằm mộng, mộng thấy một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp đánh đàn ca hát. Ngày hôm sau khi cử hành yến hội, Triệu Vũ Linh Vương nhớ mãi không quên người phụ nữ trong mộng, bèn nói với đại thần rằng, tối hôm qua ta mộng thấy một phụ nữ, có dung mạo ra sao, biết đánh đàn như thế như thế. Một đại thần của ông tên là Ngô Quảng nói, “ôi, thần có một người con gái, dáng dấp rất giống với người phụ nữ trong mộng của ngài, hơn nữa con gái của thần cũng biết đánh đàn ca hát”. Triệu Vũ Linh Vương nghe xong thì rất phấn khởi, liền triệu con gái của Ngô Quảng đến, vừa nhìn, đúng là giống hệt với người nhìn thấy trong mộng, bèn nạp cô con gái của Ngô Quảng làm phi tử, gọi là Ngô Oa. Sau khi Ngô Oa gả cho Triệu Vũ Linh Vương không lâu, thì sinh ra một người con trai chính là Triệu Hà.
Trước khi nạp Ngô Oa, Triệu Vũ Linh Vương từng cưới công chúa nước Hàn, sinh ra một người con trai tên là Triệu Chương, đã được lập làm Thái Tử. Về sau Ngô Oa chết, Triệu Vũ Linh Vương rất đau khổ, vì muốn báo đáp cho tình cảm này, ông quyết định truyền lại Vương vị cho Triệu Hà. Thông thường phế lập Thái tử thì đều là phế người này lập người khác, đợi sau khi Quân Vương qua đời, Thái Tử lại tiếp tục kế vị. Nhưng khi Triệu Vũ Linh Vương quyết định lập Triệu Hà làm người kế vị, là trực tiếp phế bỏ Thái Tử đang tại vị là Triệu Chương, lại lập tức truyền Vương vị cho Triệu Hà.
Triệu Vũ Linh Vương hy vọng khi ông đang còn sống, có thể xây dựng và củng cố thế lực cho Triệu Hà. Ông huấn luyện Triệu Hà làm một vị vua có năng lực, còn hy vọng Triệu Hà có thể xử lý những sự việc về kinh tế và chính trị… của nước Triệu, còn bản thân ông chủ yếu xử lý công việc liên quan về mặt quân sự, đặc biệt là chuyện tấn công nước Tần. Cho nên sau khi Triệu Ung truyền ngôi vị, ông tự xưng là Chủ Phụ. Chủ Phụ gần giống với Thái Thượng Hoàng sau này, vì vậy mọi người gọi ông là Triệu Chủ Phụ.
(Còn nữa)