‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 18: Không tự lượng sức [P.2]
Tống quốc diệt vong
Sau khi lên ngôi, Thái tử Bình là một Quân chủ có thành tựu nhất của nước Yên, gọi là Yên Chiêu Vương. Có một điển cố về “Đài Hoàng Kim” rất nổi tiếng liên quan đến Yên Chiêu Vương. Thi nhân triều Đường Trần Tử Ngang đã làm bài thơ “Đăng U Châu đài ca”:
Nam đăng Kệ Thạch quán
Dao vọng Hoàng Kim đài
Khâu lăng tận kiều mộc
Chiêu Vương an tại tai
Bá đồ kim dĩ hĩ
Khu mã phục quy lai.
Tạm dịch nghĩa:
Trèo lên Kiệt Thạch quán từ phía nam,
Nhìn ra xa có đài Hoàng Kim.
Trên đồi đã mọc cây cổ thụ um tùm,
Chiêu Vương ngày trước yên nằm nơi đâu?
Cơ đồ bá chủ nay còn đâu!
Giục cương ta lại quay trở về.
Đài Hoàng Kim được nhắc đến trong bài thơ được Yên Chiêu Vương cho xây dựng vào thời đó để chiêu nạp hiền sĩ tứ phương, trên đài chất đầy báu vật.
Sau khi Yên Chiêu Vương phục quốc, ông một lần nữa cho tu sửa lại tông miếu và xã tắc. Ông chủ yếu làm hai việc: việc thứ nhất là chiêu mộ nhân tài, ông hỏi một đại thần thân cận, gọi là Quách Ngỗi, “ta làm thế nào mới có thể tìm được người thực sự giúp ta báo thù, tìm những nhân tài này ở đâu?”
Quách Ngỗi thưa, thần xin kể cho ngài một câu chuyện: Ngày xưa có một Quốc Quân muốn tìm một con thiên lý mã, thuộc hạ của ông đi tìm ròng rã ba năm mà không tìm được. Một ngày, ông nhìn thấy rất nhiều người vây quanh một con ngựa chết, ông tiến đến hỏi con ngựa chết này có gì đặc biệt mà mọi người vây quanh nó? Có người đáp đây là một con thiên lý mã. Người tìm thiên lý mã nói, ta đồng ý bỏ ra 500 cân vàng mua con ngựa chết này, các ngươi có bán hay không? Những người kia đương nhiên bán. Ông ta cứ thế dùng 500 cân vàng mua được bộ xương của con ngựa chết. Sau khi trở về ông ta tâu với Quốc Quân rằng, thiên lý mã không tìm được, nhưng thần mua được một con thiên lý mã đã chết.
Quốc Quân rất tức giận, “ta tìm thiên lý mã là để cưỡi, tại sao ngươi tốn nhiều tiền như thế để mua con ngựa chết?” Vị này thưa, “khi thần bỏ ra 500 cân vàng để mua bộ xương ngựa chết, sự việc này lập tức sẽ truyền khắp thiên hạ, từ đây về sau sẽ có rất nhiều người có thiên lý mã thật đem thiên lý mã tới.”
Thời đó không có báo chí, cũng không có quảng cáo, làm thế nào để tin tức mua thiên lý mã truyền đi? Ông ta chỉ có thể dựa vào truyền tai của dân chúng. Dùng 500 cân vàng mua bộ xương của con ngựa chết. Đây là một chuyện lạ, dân chúng khẳng định là sẽ đem chuyện này truyền đi, rất nhanh chóng vị Quốc Quân này đã có được ba, bốn con thiên lý mã.
Quách Ngỗi thưa, “nếu như ngài muốn chiêu mộ nhân tài, xin hãy coi thần như là bộ xương con ngựa chết này.” Yên Chiêu Vương lập tức bái Quách Ngỗi làm thầy của mình. Mỗi lần nhìn thấy Quách Ngỗi, Yên Vương đều hành đại lễ sư đồ, về việc ăn uống và nơi ở của Quách Ngỗi đều rất hậu hĩ. Quách Ngỗi thưa, “những người có năng lực hơn thần ở ngoài thiên hạ sẽ nhanh chóng đến.”
Quả nhiên, Yên Vương đã chiêu nạp được mấy nhân sĩ nổi tiếng. Ví như có người tên là Trâu Diễn. Vào lúc “trăm nhà đua tiếng” thời Chiến Quốc, ông là đại biểu cho trường phái âm dương ngũ hành, hoặc giả nói ông là nhà sáng lập ra học thuyết ngũ hành; Còn có một người gọi là Kịch Tân, là một tướng quân thời Chiến Quốc; Điều quan trọng nhất là Yên Vương đã chiêu mời được Nhạc Nghị từ nước Ngụy đến trợ giúp. Yên Chiêu Vương dựa vào Hoàng Kim đài đã chiêu nạp được rất nhiều nhân tài.
Đồng thời Yên Vương cũng muốn thu phục nhân tâm, ông sống rất đơn giản, cùng với bách tính đồng cam cộng khổ. Ông còn làm một việc quan trọng, đó là chờ đợi. Khi đó chờ đợi cũng là một việc rất quan trọng, có lúc cảm giác thấy thời cơ chưa chín muồi, không còn biện pháp nào khác nữa, Yên Chiêu Vương chờ đợi sự việc này, đợi 28 năm ròng rã.
Lời bạch: Ở Trung Nguyên có một nước chư hầu hạng trung, gọi là Tống, là hậu duệ của Vi Tử thời Ân Thương, đô thành ở tại Thương Khâu. Năm 329 TCN, công tử Yên của nước Tống đã đuổi huynh trưởng đi và tự mình lên ngôi. Năm 318 TCN, nước Tống phát sinh một chuyện lạ, đó là trứng trong tổ con chim sẻ lại nở thành chim ưng. Thái sử bốc quẻ nói đây là điềm báo nước Tống cường thịnh. Tống Vương bắt đầu khai chiến với các nước xung quanh.
Tống Vương bắt đầu gây chiến với các nước láng giềng, ông ta đầu tiên tiêu diệt hai nước Đằng và nước Tiết nhỏ bé. Ngay sau đó ông tấn công nước Tề, chiếm được năm tòa thành. Ông tiếp tục tiến đánh nước Sở, cướp đoạt thêm được 300 dặm đất đai của nước Sở. Sau đó ông giao chiến với nước Ngụy, đánh bại nước Ngụy.
Ba nước Tề-Sở-Ngụy là ba nước trong thất hùng (bảy nước mạnh) thời Chiến Quốc, đều bị nước Tống đánh bại. Tống Vương Yển tự coi mình là vô địch thiên hạ, càng tự đại phát cuồng.
Chúng ta thường nghe rằng, trời muốn ai đó vong trước phải khiến cho kẻ đó cuồng. Tống Vương Yển làm rất nhiều chuyện không thể tưởng tượng nổi. Ông ta dùng da trâu làm thành một cái túi da treo trên cột cờ, trong túi chứa đầy máu động vật. Ông ta dùng tên bắn vào túi da, túi da bị bắn thủng, máu trong túi da chảy trên mặt đất, khắp nơi đều là máu. Ông ta nói, “ta đây là dùng cung tiễn bắn trời, bắn chết trời, nhìn thấy trên trời rơi xuống mưa máu.”
Ông ta còn làm một cây roi rất dài, dùng roi quất xuống đất, gọi là roi dài quất đất, biểu thị ông ta đối với trời và đất đều không kính sợ, đều không để trong tâm.
Ông ta lại phá hủy xã tắc của quốc gia mình. Thời Trung Quốc cổ đại, người ta rất chú trọng tông miếu và xã tắc. Tông miếu là nơi cúng bái tổ tiên, xã tắc trên thực tế là chỉ xã đàn và tắc đàn. Xã là Thần thổ địa, tắc là Thần nông nghiệp. Bởi vì Trung Quốc cổ đại là một xã hội nông nghiệp, cho nên rất chú trọng sản xuất nông nghiệp. Trước đây Hoàng đế thời nhà Thanh ở Cố Cung, mỗi năm lúc Hạ Chí đều tới Địa đàn tế Địa, lúc Đông chí đến Thiên Đàn tế Thiên, để bày tỏ sự kính trọng đối với trời và đất, cầu nguyện cho năm sau được mưa thuận gió hòa.
Làm một Quốc Quân hay Hoàng đế nhất định phải kính thiên kính địa, đồng thời nhất định phải rất coi trọng xã tắc, nông nghiệp. Mà Tống Vương Yển dùng túi da bắn trời, đó là xem thường trời; dùng roi dài quất đất, là xem thường địa. Phá hủy tông miếu chứng tỏ đối với tổ tiên không thèm để tâm; phá huỷ xã tắc chứng tỏ đối với sản xuất nông nghiệp cũng không thèm để ý.
Ông ta cho gọi rất nhiều người cao to lực lưỡng, sức dài vai rộng đứng ở trong cung điện. Vào lúc ông ta uống rượu khi cao hứng nhất, để cho những người trong phòng này hô vạn tuế, sau đó người dưới sân cũng hô vạn tuế, người bên ngoài cung điện, các võ sĩ cũng đều đồng thanh hô vạn tuế. Tiếng hô vạn tuế này làm rung cả trời đất, không có một Quốc quân có đạo đức nào lại cuồng vọng tự đại như vậy.
Ông ta chẳng những cuồng vọng tự đại, mà còn gây thù hằn tứ phía. Ông ta đưa quân tiến đánh nước Tề, tiến đánh nước Sở, tiến đánh nước Ngụy. Nước Tần là một nước lớn mạnh như vậy mà trước khi thống nhất Trung Quốc, còn phải ngoại giao với các quốc gia khác. Trước khi tiến đánh một nước nào, họ đều phải liên kết hôn nhân với quốc gia khác, hoặc là đưa người thân thích của Quốc Quân đi làm con tin, v.v., đều phải làm ngoại giao trước, còn ông ta tứ bề thọ địch.
Năm 286 TCN, ba nước Tề, Ngụy và Sở liên kết cùng nhau tiến đánh nước Tống. Tống Vương thống lĩnh quân đội cùng liên quân ba nước tác chiến. Lúc này bách tính nước Tống đối với Tống Vương đã chán ghét tới cực điểm, nên khi thấy quân các nước tiến vào, dân chúng gần như cũng không chống cự. Quân Tống nhanh chóng bị thất bại, Tống Vương phải trốn tới một nơi gọi là Ôn (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Sau đó ông ta bị đại quân nước Tề bắt giữ và bị giết chết. Tống Vương lúc này đã 80 tuổi. Thật khó tưởng tượng một người già mà hỏa khí lại dữ dội như thế, kết quả tự mình bị giày vò đến chết.
Khi nước Tề tấn công nước Tống, nước Tần đã từng một lần muốn đi cứu nước Tống. Tô Đại đã khuyên Tần Chiêu Tương Vương, ngài không nên đi cứu. Nước Tề và nước Tần đều là hai nước lớn ngang sức nhau, nếu như chiếm được nước Tống, nước Tề ngay lập tức sẽ trở nên lớn mạnh. Hai nước Sở và Ngụy tiếp giáp biên giới sẽ e ngại nước Tề. Họ vì để bảo vệ mình mà sẽ giữ mối quan hệ tốt với nước Tần. Ngài tuy mất đi một nước Tống, nhưng nhờ đó ngài có được sự phụ thuộc của hai nước Sở và Ngụy.”
Tần Chiêu Tương Vương cũng nhận thấy tốt hơn là không cứu nước Tống. Hơn nữa Tống Vương lúc này được gọi là Kiệt Tống, giống như vua Kiệt, quân chủ cuối cùng của triều Hạ.
Sau khi Tống quốc diệt vong, Tề Mẫn Vương cảm thấy trong việc diệt Tống, nước Tề bỏ ra công sức nhiều nhất, nước Ngụy và nước Sở gần như không tốn mấy sức lực. Vì vậy, nhân lúc nước Sở cho rút quân từ nước Tống về, nước Tề liền quay qua truy kích quân Sở, ngay lập tức đánh bại nước Sở, cắt về được 300 dặm đất đai ở phía bắc sông Hoài. Nước Tề lại tiến đánh nước Ngụy, đánh bại nước Ngụy.
Lời bạch: Sau khi giành được thắng lợi liên tiếp về quân sự, Tề Vương mắc phải sai phạm giống như Tống Vương. Ông ta cho rằng mình tàn Yên diệt Tống, mở đất ngàn dặm, bại Lương cắt Sở, uy thế đối với chư hầu tăng lên. Ông lệnh cho chuẩn bị tấn công Đông Chu. Tề Vương đã đuổi Mạnh Thường Quân khi ông tới khuyên nhủ, giết chết đại thần và những người muốn khuyên bảo mình. Sau đó, nước Tề đã phát sinh ba chuyện lạ. Theo ghi chép trong “Chiến Quốc sách”, thứ nhất là trời giáng mưa máu, trong vòng mấy trăm dặm tanh hôi khó ngửi; thứ hai là đất sụt, nước suối tuôn ra; thứ ba là có người canh giữ cửa ngõ khóc, chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy người. Tam đại dị tượng, trên thực tế chính là ba cảnh báo quan trọng của Thiên, Địa, Nhân, nhưng Tề Mẫn Vương không để tâm chút nào.
Năm 284 TCN, đương lúc Tề Mẫn Vương vô cùng cuồng ngạo, thì Yên Chiêu Vương của nước Yên đã đợi 28 năm, ông cảm thấy thời cơ diệt Tề đã chín muồi. Ông hỏi Đại tướng Nhạc Nghị, bây giờ có phải thời cơ diệt Tề hay không? Nhạc Nghị thưa cơ hội này rất tốt, nhưng chỉ dựa vào binh lực của nước Yên chúng ta thì vẫn chưa được, cần phải liên hợp với các nước chư hầu khác.
Nước Yên liên hệ với các nước Hàn, Triệu, Ngụy và Tần, liên quân năm nước do Nhạc Nghị làm tổng đại tướng quân chỉ huy tấn công nước Tề. Hai bên giao chiến trận đầu tiên tại Tế Tây, quân Tề thua trận, nước Tần và nước Hàn lệnh rút quân. Nước Triệu tấn công chiếm được khu vực Hà Gian (là một dải thuộc huyện Cao Đường và huyện Đường Ấp thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay), nước Ngụy chiếm được toàn bộ đất đai của nước Tống trước đây. Nhạc Nghị thừa thế xông lên, trong nửa năm hạ được hơn bảy mươi tòa thành của nước Tề, gồm cả đô thành Lâm Truy của nước Tề.
Năm đó nước Tề tiêu diệt nước Yên, đã đem hết báu vật của nước Yên về nước Tề. Lúc này đô thành Lâm Truy bị công phá, bọn họ lấy lại báu vật nguyên trước đây vốn của nước Yên, và cả báu vật của nước Tề chở về nước Yên.
Tề Mẫn Vương xem xét không cách nào địch lại được liền trốn chạy, ông ta mang theo đại thần Di Duy chạy tới nước Vệ, là nước trước đây phụ thuộc vào nước Tề.
Sau khi đến nước Vệ, Quốc quân nước Vệ đối với bọn họ vô cùng khách khí, đem cung điện của mình nhường cho Tề Vương ở, cung cấp ẩm thực, hoặc bất kể cái gì cũng đều là thứ tốt. Nhưng Tề Mẫn Vương đối với Quốc Quân và đại thần nước Vệ thì lại quát mắng tựa như nô bộc, luôn hò tới hét lui với bọn họ. Đại thần nước Vệ cuối cùng đã đuổi Tề Mẫn Vương đi.
Tề Mẫn Vương lại chạy đến nước Lỗ, ông ta phái Di Duy đi trước thăm dò trước. Di Duy hỏi Quốc quân nước Lỗ rằng, sẽ lấy lễ nghi gì tiếp đãi Tề Mẫn Vương?
(Còn tiếp)
Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân”