‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 17: Thỏ khôn đào ba hang [P.3]
Dân chúng đất Tiết mừng đón Mạnh Thường Quân
Nước Tề bị nước Tần mê hoặc, Tề Vương cũng bắt đầu hoài nghi Mạnh Thường Quân. Do thế lực của ông quá lớn, Tề Vương lệnh thu hồi ấn tướng của Mạnh Thường Quân. Ấn tướng vừa bị thu hồi, ba ngàn môn khách dưới trướng của Mạnh Thường Quân lập tức giải tán, chỉ còn lại Phùng Hoan. Mạnh Thường Quân lúc này khá cô đơn. Phùng Hoan nói với Mạnh Thường Quân, “tôi dẫn ngài đi đến đất phong của ngài, là vùng đất Tiết”.
Phùng Hoan đánh xe đưa Mạnh Thường Quân đi tới đất Tiết, bách tính đất Tiết nghe nói Mạnh Thường Quân trở về thì dìu già dắt trẻ, mang theo thịt bò và rượu, đứng ở bên đường nghênh đón Mạnh Thường Quân. Nét mặt của họ đều tràn đầy sự cảm kích đối với Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh này, quay đầu nói với Phùng Hoan rằng, “đây chính là đạo nghĩa mà năm ấy tiên sinh đã mua cho ta đó ư!”
Phùng Hoan nói, “cái này không tính là gì, tôi nghe nói thỏ khôn đào ba hang. Đây là lấy từ một câu thành ngữ ‘Thỏ khôn đào ba hang, người khôn tính ba nước’. Vùng đất Tiết chỉ là một trong ba hang của ngài mà thôi, bây giờ tôi đề nghị đi sứ, để giúp ngài xây thêm hai cái hang khác”
Phùng Hoan lập tức đánh xe đến nước Tần, ông nói với Tần Vương rằng, “Tần-Tề là hai nước lớn nhất, một ở phía tây và một ở phía đông, nước nào có được nhân tài thì nước đó có thể xưng bá thiên hạ. Hiện nay Mạnh Thường Quân ở nước Tề đã bị xa lánh, nếu như ngài có thể đem Mạnh Thường Quân đến nước Tần làm tướng, Mạnh Thường Quân nhất định sẽ vì ngài tận tâm tận lực mà cống hiến, như thế chẳng những ngài có được nhân tài của nước Tề, mà tin tình báo của nước Tề ngài cũng lấy được”.
Tần Vương rất lấy làm cao hứng, lập tức phái sứ giả dùng xe tứ mã, mang theo rất nhiều tiền đi đón Mạnh Thường Quân.
Phùng Hoan tâu với Tần Vương rằng, “thần xin được đi trước một bước”. Phùng Hoan lại về tới nước Tề trước khi sứ giả của nước Tần đến nước Tề. Phùng Hoan tâu với Tề Vương, “thần nghe nói hiện nay nước Tần mời Mạnh Thường Quân làm tướng quốc, nếu như một khi Mạnh Thường Quân đến nước Tần, nước Tề chúng ta cũng đừng nghĩ tới việc tranh đấu với nước Tần nữa”.
Lúc đó Tề Vương còn không tin lắm, phái người đến biên cảnh kiểm tra xem xét, nhìn thấy xe ngựa hối hả, quả nhiên là sứ giả nước Tần đến đón Mạnh Thường Quân. Vì thế Tề Vương thay đổi chủ ý, lại triệu hồi Mạnh Thường Quân về nước Tề tiếp tục làm tướng quốc. Chuyện này trong “Sử ký” và “Chiến quốc sách” kể lại không giống nhau lắm. Trong “Chiến quốc sách” ghi rằng, Phùng Hoan đi đến nước Ngụy, sau đó quay về nước Tề. Còn ghi chép trong “Sử ký”, Phùng Hoan đến nước Tần trước sau đó mới quay về nước Tề.
Mạnh Thường Quân ở lại nước Tề tiếp tục làm tướng quốc, Phùng Hoan nói với Mạnh Thường Quân, “tôi đã đào xong ba hang cho ngài rồi, từ nay về sau ngài có thể kê cao gối mà ngủ, không cần lo lắng gì nữa”.
Lời bạch: Mạnh Thường Quân thu nhận Phùng Hoan, khi Phùng Hoan còn chưa biểu hiện tài năng, ông vẫn tận lực thỏa mãn mọi yêu cầu của Phùng Hoan. Khi đến đất Tiết thu nợ, Phùng Hoan lại thiêu hủy giấy mượn nợ để thu mua đạo nghĩa. Mặc dù Mạnh Thường Quân không hiểu hành vi của Phùng Hoan, nhưng vẫn hào phóng không xử phạt Phùng Hoan, hết thảy những việc này đều đã được hồi báo. Phùng Hoan cho rằng thỏ khôn phải có ba hang, cho nên đã cố ý xây dựng cho Mạnh Thường Quân ba nơi có thể an thân lập mệnh. Đó là vùng đất phong Tiết, nước Tề và nước Tần. Vậy biểu hiện của những người khác trong ba ngàn môn khách như thế nào?
Khi Mạnh Thường Quân gặp khó khăn, ba ngàn môn khách lập tức rời đi. Khi Mạnh Thường Quân quay về làm tướng quốc trở lại, ba ngàn môn khách đều lần lượt quay về. Mạnh Thường Quân lúc ấy vô cùng thất vọng, ông nói với Phùng Hoan, “Điền Văn ta lúc khoản đãi khách nhân, đều không có một phần thất lễ, ta cũng chưa từng làm bất kỳ việc gì có lỗi với họ, không ngờ rằng ta chỉ vừa mới thất thế bọn họ đã thay nhau rời đi. Ta vừa đắc thế bọn họ lập tức quay lại ngay, người như thế ta còn cần bọn họ nào có tác dụng gì”.
Phùng Hoan thưa, “chuyện này có gì khó hiểu đâu, điều này cũng giống như họp chợ vậy. Lúc bắt đầu mở chợ vào sáng sớm, mọi người đều gánh đòn gánh trên vai hướng đến cửa thành mà ra sức chen vào, đến chợ buôn bán; đến chiều muộn khi tan chợ, mọi người đều tranh nhau chen đi ra. Cũng không phải bởi vì những người này thích buổi sáng, không thích buổi tối, mà là buổi sáng có thể buôn bán kiếm lợi, buổi tối thì không thể buôn bán kiếm lợi được nữa. Ngài không cần yêu cầu đạo đức của họ quá cao”.
Nghe vậy, Mạnh Thường Quân vẫn tiếp tục đối đãi tốt với những môn khách như trước kia.
Chúng ta thấy Mạnh Thường Quân có hai ưu điểm: một là ông rất hào phóng. Phùng Hoan đốt hết giấy vay nợ, làm một số việc mà ông không thích lắm, nhưng ông không xử phạt Phùng Hoan, đó là điểm hào phóng của ông; còn một ưu điểm nữa, đó là Mạnh Thường Quân có thể tiếp thu ý kiến của người khác.
Có một lần Mạnh Thường Quân đến nước Sở, Sở Vương tặng ông một cái giường ngà voi, dùng ngà voi điêu khắc thành một cái giường vô cùng trân quý, có giá trị ngàn vàng. Mạnh Thường Quân cho một thuộc hạ của mình vận chuyển cái giường ngà voi này về nước Tề trước. Người thuộc hạ này không muốn đảm nhận công việc này, bởi vì giường bằng ngà voi quá quý hiếm, hơn nữa nó rất dễ bị làm hỏng. Nếu như trên đường vận chuyển phát sinh một chút va chạm làm hỏng mất, thì ông ta có bán cả thê tử cũng đền không nổi. Ông ta bèn nói với một thuộc hạ khác của Mạnh Thường Quân có tên là Công Tôn Tuất rằng, “ông nói với đại nhân một chút, đừng giao cho tôi làm việc này. Nếu như ông có thể thuyết phục được đại nhân, tôi nguyện ý đem thanh bảo kiếm tổ truyền của tôi tặng cho ông”.
Công Tôn Tuất liền thưa với Mạnh Thường Quân: Ngài có biết vì sao danh tiếng của ngài ở giữa các nước chư hầu lại tốt như vậy không, đó là do ngài rất liêm khiết. Nhưng bây giờ vừa đi sứ đến nước Sở, ngài đã nhận lễ vật quý giá như vậy, khi ngài đến quốc gia khác thì họ lấy cái gì tặng ngài? Ngài nhận lễ vật quý giá như thế, chứng minh ngài rất tham lam. Tại quốc gia khác, họ không có lễ vật đắt tiền tặng ngài, chẳng phải là ngài khiến cho họ khó xử sao?
Mạnh Thường Quân nghĩ ngợi rồi nói, “vậy thì thôi vậy, chúng ta trả lại cho Sở Vương cái giường ngà voi này”. Công Tôn Tuất thuyết phục thành công nên rất cao hứng, khi chào Mạnh Thường Quân ra về thì có vẻ đắc ý. Ông vừa mới đi được vài bước thì Mạnh Thường Quân gọi ông trở lại. Mạnh Thường Quân hỏi vì sao ta nói trả lại giường ngà voi thì ngươi lại tỏ ra đắc ý như vậy? Công Tôn Tuất bèn thưa thật với Mạnh Thường Quân, “nếu như ngài không muốn cái giường ngà voi này, thì tôi có thể có được một thanh bảo kiếm”.
Mạnh Thường Quân lúc ấy nghe xong, ông không những không trách móc Công Tôn Tuất, mà ngược lại ông cho dán một tờ bố cáo. Trong bố cáo ông nói rằng bất kể là người nào, chỉ cần có thể làm cho thanh danh của Điền Văn ta vang xa, khuyên ngăn được sai lầm của Điền Văn ta, dù cho người đó tự nhận quà tặng của người khác cũng không sao, xin mời nhanh đến đây đề xuất ý kiến.
Vào thời kỳ Chiến Quốc, việc nuôi kẻ sĩ là một việc rất phổ biến. Mạnh Thường Quân là một trong bốn công tử nổi tiếng của thời kỳ Chiến Quốc, bốn vị công tử nổi tiếng đều nuôi kẻ sĩ. Tư Mã Thiên đã viết riêng từng truyện cho mỗi vị công tử này. Phần “Mạnh Thường Quân liệt truyện” là nói về Mạnh Thường Quân Điền Văn, “Bình Nguyên Quân Ngu Khanh liệt truyện” là nói về Bình Nguyên Quân Triệu Thắng của nước Triệu, “Ngụy công tử liệt truyện” là nói về Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ của nước Ngụy, cuối cùng “Xuân Thân Quân liệt truyện” là kể về Xuân Thân Quân Hoàng Yết của nước Sở.
Trong bốn công tử thời Chiến Quốc, kỳ thực người thực sự hiểu được nuôi kẻ sĩ chỉ có Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ. Ba người kia, họ đều giống như Mạnh Thường Quân, loại “kê minh cẩu đạo” người nào cũng thu nhận.
Tín Lăng Quân vốn là một nhân tài bậc nhất, đánh trượng cũng rất lợi hại. Kẻ sĩ mà ông nuôi dưỡng có vài người là nhân tài rất tài giỏi. Trong phần “Ngụy Công Tử liệt truyện” của “Sử ký” ghi lại một chuyện như thế này: Có một lần Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ cùng đánh cờ với Ngụy Vương, khi đang đánh cờ có thám mã tới báo rằng nước Triệu hiện đang tập kết đại quân hướng tới biên cảnh của nước Ngụy xuất phát.
Lúc ấy Ngụy Vương rất khẩn trương cho rằng nước Triệu đến để tấn công nước Ngụy. Tín Lăng Quân thần sắc lại phi thường thản nhiên, ông nói với Ngụy Vương rằng, “không cần lo lắng, họ không phải tấn công chúng ta đâu, họ chỉ là tiến hành đi săn mà thôi”. Lúc đó Ngụy Vương không tin, qua một thời gian thám mã lại đến báo rằng, Triệu Vương đúng là đi săn thú, săn thú xong đã trở về rồi.
Ngụy Vương rất lấy làm lạ, ông hỏi Tín Lăng Quân, “ngươi làm sao mà biết là họ đi săn vậy?” Tín Lăng Quân đáp, “ngài không biết môn khách thần nuôi dưỡng rất nhiều sao? Môn khách của thần rất linh thông tin tức, quốc gia nào xảy ra việc gì thì thần đều biết hết. Môn khách của thần ở nước Triệu đã báo cho thần biết Quốc Quân của họ ngày nào muốn đi săn”.
Ngụy Vương nghe được Tín Lăng Quân nói vậy, ông không những không tín nhiệm Tín Lăng Quân, mà còn cảm thấy rất sợ hãi. Ông cho rằng năng lực của Tín Lăng Quân đã rất lớn rồi, lo sợ nhất cử nhất động của mình cũng bị Tín Lăng Quân hiểu rõ như trong lòng bàn tay, cho nên ông không dám trọng dụng Tín Lăng Quân. Trong “Sử ký” ghi rằng: sau sự việc đó Ngụy Vương lo ngại đức hạnh và tài năng của công tử, không dám cho công tử tham gia quốc chính.
Tín Lăng Quân ở Đại Lương, đô thành của nước Ngụy, đây là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam hiện nay. Ở cửa phía đông của Đại Lương có một người giữ cửa, sách gọi là Đại Lương Di Môn Giám giả (người giữ cửa Di Môn Đại Lương), là người giữ cửa thành. Người này tên gọi là Hầu Sinh, họ là Hầu Doanh, rất nghèo, nhưng phẩm chất đạo đức của ông rất tốt. Tín Lăng Quân muốn giúp đỡ ông, đưa tiền tới cho ông, ông nói với Tín Lăng Quân rằng, “tôi không thể nhận tiền của ngài được, tôi đã giữ mình trong sạch mấy chục năm rồi, đối với việc tiền tài liêm khiết này luôn yêu cầu rất nghiêm. Bây giờ tôi đã già, không muốn làm bẩn phẩm đức và thanh danh của tôi trước đây”. Tín Lăng Quân vô cùng tôn trọng Hầu Doanh.
Có một lần Tín Lăng Quân mở tiệc lớn đãi tân khách, mời tới rất nhiều người có danh vọng, đoán chừng còn có khả năng mời các sứ thần của các quốc gia khác đang ở tại nước Ngụy, rất nhiều khách nhân vô cùng hiển hách. Tín Lăng Quân đã đặt một cái ghế trống ở vị trí tôn quý nhất trong bữa tiệc. Ông nói với quan khách rằng, “ta phải đi ra ngoài đón một người, chúng ta lại cùng nhau ăn cơm uống rượu nhé”. Tín Lăng Quân tự mình đi đến nhà của Hầu Doanh đón ông. Lúc đó ông dùng lễ tiết “Hư tả” để đối đãi với Hầu Doanh. Đó là lễ tiết gì? “Hư tả” là vị trí bên trái trên xe ngựa, đây là chỗ ngồi tôn quý nhất.
Hầu Doanh không chút khách khí lên xe của Tín Lăng Quân, ngồi ở chỗ ngồi tôn quý nhất, hơn nữa ông còn đưa ra một yêu cầu với Tín Lăng Quân. Ông nói, “ngài đã đưa một chiếc xe tốt như thế này đến đón tôi, tôi hy vọng ngài có thể đi vòng thêm một đoạn đường, tôi muốn đến bái kiến một vị bằng hữu của tôi là Chu Hợi”.
Tín Lăng Quân hỏi Chu Hợi ở đâu? Hầu Doanh nói Chu Hợi ở trong chợ, ông ấy là người mổ heo. Tín Lăng Quân lệnh cho người đánh xe chạy vòng đến chợ, Hầu Doanh xuống xe cùng Chu Hợi nói chuyện phiếm, suốt một hồi, tương đương hai giờ đồng hồ bây giờ, Tín Lăng Quân vẫn ở trên xe đợi. Những người ngồi trên xe kia đều không ngừng mắng chửi Hầu Doanh, nhưng Hầu Doanh lén nhìn xem Ngụy Công Tử, thấy sắc mặt của Ngụy Công Tử càng thêm ôn hòa, càng lúc càng cung kính. Hầu Doanh lúc này mới kết thúc cuộc nói chuyện, ông lại lên xe, cùng Tín Lăng Quân trở về phủ.
Mọi người thử nghĩ xem, lúc ấy những tân khách hiển hách trên triều đình kia, họ sẽ nghĩ như thế nào. Họ đều chờ đợi suốt hơn hai giờ đồng hồ, rượu đã nguội lạnh, thức ăn cũng đã nguội lạnh, từng người trong số họ đều duỗi dài cổ ngóng trông Tín Lăng Quân quay trở về, không biết Tín Lăng Quân sẽ đón vị khách tôn quý nào. Kết quả họ nhìn thấy một người mang bộ y phục cũ rách, lại không có địa vị gì, thì ra là ông lão Hầu Doanh. Trong lòng của những vị khách kia đều rất tức giận, rất không phục, nhưng Tín Lăng Quân vẫn cung kính mời Hầu Doanh vào ngồi ở vị trí tôn quý, Hầu Doanh cũng không khách khí.
Tín Lăng Quân bưng một chén rượu chúc thọ Hầu Doanh. Hầu Doanh tiếp nhận rượu rồi cười nói, “lão phu ta hôm nay cũng đủ làm khó công tử rồi, nhưng nếu như tôi không làm khó công tử như vậy, thì công tử sẽ không có danh tiếng hạ mình cầu hiền. Tôi đã cố ý đi vòng vào trong chợ, cố ý nói chuyện lâu như vậy với Chu Hợi. Trong chợ rất đông người, người qua người lại đều sẽ thấy được, đều sẽ nói Hầu Doanh là một kẻ không có giáo dưỡng, không hiểu chuyện, còn Tín Lăng Quân là một người hạ mình cầu hiền. Hôm nay tôi đã làm một việc xấu như thế, bị nhiều người nhìn thấy như vậy, ngược lại ngài là một người hạ mình cầu hiền hết sức khoan dung độ lượng. Mọi người từ nay về sau sẽ càng thêm tuyên dương danh tiếng của ngài. Hôm nay Hầu Doanh tôi hy sinh thanh danh của mình để thành toàn cho thanh danh của ngài”.
Năm 286 TCN, nước Tề và nước Tống xảy ra chiến tranh, cuộc chiến này nước Tề đã tiêu diệt nước Tống. Sau khi diệt nước Tống, quốc quân nước Tề trở nên rất cuồng ngạo. Mạnh Thường Quân khuyên can Tề Vương, Tề Vương không những không nghe, mà trái lại một lần nữa thu hồi ấn tướng của Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân thấy rằng thực sự không thể sống nổi ở nước Tề được nữa, nên ông đi đến nước Ngụy. Ngay sau khi Mạnh Thường Quân rời khỏi nước Tề không bao lâu, nước Tề liền đối mặt với một trận đại họa vong quốc. Trận đại họa này xảy ra như thế nào, nước Tề còn có cơ hội để thay đổi không? Xin mời xem tập tiếp theo “Không tự lượng sức”.
(Còn tiếp)
Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân”