‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 17: Thỏ khôn đào ba hang [P.1]
Mạnh Thường Quân nuôi ba ngàn kẻ sĩ
Lời bạch: Nước Sở là một cường quốc bậc nhất vào thời Xuân Thu. Những năm cuối thời Xuân Thu, do Sở Bình Vương lấy phi tử, là công chúa nước Tần vốn được hứa gả cho Thái Tử, từ đó nước Sở gặp đại họa liên tiếp, cho đến khi bị nước Ngô tiêu diệt. Cuối cùng Sở Chiêu Vương mặc dù khôi phục lại quốc gia, nhưng nước Sở từ đó nguyên khí bị thương tổn nặng nề. Sau khi kế vị, Sở Hoài Vương nhiều lần bị nước Tần lừa gạt. Những quyết sách về mặt quân sự và ngoại giao liên tục sai lầm, thực lực quốc gia ngày càng lụn bại. Năm 229 TCN, Sở Hoài Vương bị lừa đến nước Tần, ba năm sau thì chết nơi đất khách quê người. Ngay trong năm Sở Hoài Vương bị lừa đến nước Tần, tướng quốc Mạnh Thường Quân của nước Tề cũng bị lừa đến nước Tần. Vì sao Tần Vương muốn lừa Mạnh Thường Quân? Mạnh Thường Quân là người như thế nào?
Theo “Sử ký – Mạnh Thường Quân liệt truyện” có ghi: Mạnh Thường Quân có tên là Điền Văn. Phụ thân của Điền Văn là Điền Anh, phụ thân của Điền Anh chính là tướng quốc của Tề Uy Vương. Mạnh Thường Quân lớn lên kế thừa vị trí của phụ thân, làm tướng quốc nước Tề.
Quốc Quân của nước Tề lúc bấy giờ là Tề Mẫn Vương, là anh họ của Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân từ nhỏ đã bộc lộ là người không tầm thường, ông được sinh ra vào ngày 5 tháng 5, mẫu thân của ông là tiện thiếp của Điền Anh. Chúng ta cũng không hiểu vì sao Điền Anh lại cho rằng đứa bé này là điềm không may, ông bảo tiện thiếp của mình hãy giết đứa bé đi.
Thời ấy có một kiểu nhận định rằng, đứa trẻ sinh ra vào tháng Năm, đến khi cao bằng với khuông cửa, nó sẽ đem vận xui đến cho phụ mẫu của mình. Nhưng dù sao người làm mẹ cũng không nỡ, nên mẫu thân của ông đã lén nuôi dưỡng ông lớn lên. Khi Mạnh Thường Quân được 5 tuổi, phụ thân của ông phát hiện ra đã vô cùng tức giận. Trong cơn nóng giận, ông ta đã nói với tiện thiếp của mình rằng, “Không phải ta bảo nàng giết đứa bé đó đi rồi sao, tại sao bây giờ nó vẫn còn sống?”
Lúc đó Mạnh Thường Quân mới 5 tuổi, một đứa bé còn rất nhỏ, thấy cha nổi giận không những không sợ hãi, mà trái lại ông đi đến trước mặt và hỏi cha một câu: “Vận mệnh của con người là do Trời quyết định, hay do cái khung cửa quyết định?”
Cha của ông không biết trả lời thế nào, Mạnh Thường Quân liền hỏi tiếp, “Nếu như do Trời quyết định, vậy thì có liên quan gì đến cái khung cửa? Nếu như do độ cao của khung cửa quyết định, như vậy đợi đến khi con lớn lên, cha đem khung cửa nhà chúng ta nâng cao lên một chút, chẳng phải là được rồi sao?”. Cha của ông cảm thấy đứa bé này thật không tầm thường, cho nên đã giữ lại.
Một hôm, Mạnh Thường Quân nói chuyện với phụ thân, khi đó ông vẫn là một đứa trẻ còn rất nhỏ. Mạnh Thường Quân hỏi, “Thưa cha, con hỏi cha một việc. Con trai của con trai thì gọi là gì?”. Cha của ông nói gọi là tôn tử (cháu nội). Mạnh Thường Quân lại hỏi như vậy cháu của cháu trai thì gọi là gì? Cha của ông trả lời, là huyền tôn (cháu cố, chút nội).
Mạnh Thường Quân lại hỏi, như vậy cháu nội của cháu cố thì xưng hô như thế nào? Cha của ông không trả lời được. Mạnh Thường Quân liền thưa, “cha xem tình hình bây giờ của nhà chúng ta, cha làm tướng quốc của nước Tề đã ba triều đại, lãnh thổ và tài vật của nước Tề không tăng thêm được bao nhiêu, thế nhưng của cải nhà chúng ta lại tăng lên rất nhiều rất nhiều. Toàn bộ thê thiếp và người hầu của nhà chúng ta đều có thịt ăn, nhưng những người dân khác ngay cả đồ ăn kém nhất cũng không có mà ăn; toàn bộ tiểu thiếp của nhà chúng ta có y phục tơ lụa mặc không hết, thế nhưng những người dân khác ngay cả áo quần bằng vải bố cũng không có mà mặc. Vậy cha tích trữ tiền nhiều như thế để cho ai? Để lại cho cháu trai của cháu trai của cháu trai của cha sao? Cha ngay cả người như vậy gọi là gì, xưng hô bọn họ ra sao đều không biết, vậy cha để lại tiền của cho bọn họ thì có tác dụng gì? Cho nên hiện giờ việc chúng ta cần làm đó là bồi dưỡng nhân tài”. Cha của ông rất tán đồng quan điểm của Mạnh Thường Quân, để cho Mạnh Thường Quân phụ trách việc tiếp đãi khách nhân.
Vào thời kỳ Chiến Quốc, những bậc tài nhân thường đi chu du khắp nơi, vì vậy danh tiếng của Mạnh Thường Quân cũng được họ lan truyền đi khắp thiên hạ. Điều này cũng chứng minh rằng “người không lo xa, tất có họa gần”. Mạnh Thường Quân kỳ thực đã đề cập với cha của ông hai vấn đề: Thứ nhất, của cải không phải là thứ quan trọng nhất. Theo cách giải thích của người hiện nay, của cải nhất định phải được lưu thông, nếu như ở trong xã hội có sự chênh lệch quá lớn về giàu nghèo: người giàu có thì ít, có tiền nhưng không có nơi để tiêu xài, tiêu xài cũng không hết; mà người nghèo nhiều như vậy lại không có tiền để tiêu, của cải này không thể lưu thông trong xã hội. Một quốc gia có sự chênh lệch lớn về giàu nghèo là một việc không tốt, có thiệt hại rất lớn đối với phát triển kinh tế. Mạnh Thường Quân hy vọng cha mình có thể dùng tiền để bồi dưỡng nhân tài. Vấn đề thứ hai đó là, đối với một quốc gia thì nhân tài là một vấn đề vô cùng trọng yếu, cho nên Mạnh Thường Quân bắt đầu làm một công việc gọi là “dưỡng sĩ”. Vậy “Sĩ” là khái niệm gì?
Chế độ chính trị của triều Chu gọi là Tông pháp, đẳng cấp, phân đất phong hầu. Nhà Chu chỉnh đốn khắp thiên hạ, phạm vi thế giới này là cả thiên hạ. Thiên hạ cần phải có một người cai quản, người này chính là Thiên tử. Thiên tử có được thiên hạ, trưởng tử dòng chính của Thiên tử tương lai sẽ lên làm Thiên tử.
Những người con khác của Thiên tử thì thế nào? Thiên tử cắt một phần đất đai trong thiên hạ cấp cho những người con trai khác của mình quản lý, địa vị của những người này được gọi là Chư hầu. Đất đai mà Chư hầu nắm giữ được gọi là Bang quốc. Trưởng tử dòng chính của Chư hầu dĩ nhiên vẫn tiếp tục làm Chư hầu, Chư hầu cũng phải đem một phần đất đai của mình phân chia ra, cấp cho những người con trai khác của mình, phần đất này được gọi là Thái ấp. Người thống trị Thái ấp được gọi là Đại phu. Con trai trưởng của Đại phu vẫn được tiếp tục làm Đại phu, những người con trai khác của Đại phu được gọi là “Sĩ”. Đại phu cũng phải phân chia đất đai trong Thái ấp cho các con trai khác của mình. Vùng đất đó được gọi là Lộc điền. Cho nên Thiên tử là nắm giữ thiên hạ, Chư hầu có Bang quốc, Đại phu có Thái ấp, Sĩ có Lộc điền.
Bốn tầng lớp: Thiên tử, Chư hầu, Đại phu và Sĩ này thuộc về giai cấp quý tộc, quý tộc có quyền lợi được giáo dục. Vào thời Chiến quốc có rất nhiều người thuộc tầng lớp Sĩ đã bị tước đi đất đai của mình, cũng có thể là vì sự gia tăng nhân khẩu, hoặc là vì những nguyên nhân khác khiến họ mất đi đất đai của mình. Những kẻ sĩ này lại không dựa vào sản xuất nông nghiệp để duy trì cuộc sống, họ dựa vào kỹ năng của mình để sinh sống.
Bởi vì tầng lớp Sĩ nhận được sự giáo dục, nên họ đều có sở trường. Ví như nói, chúng ta gọi những người có tài văn chương là văn sĩ, những người giỏi võ công là võ sĩ, những người giỏi mưu lược là mưu sĩ, những người có tài ăn nói là biện sĩ. Thời kỳ Chiến quốc đã xuất hiện một tầng lớp đặc thù như thế, chính là Sĩ. Họ dùng sở trường của mình đi khắp các nơi, dùng học vấn, tài năng của bản thân để mưu sinh. Công việc mà Mạnh Thường Quân làm, đó là nuôi dưỡng kẻ sĩ.
Lời bạch: Chế độ mà nhà Chu thực thi chính là Tông pháp, đẳng cấp, phân đất phong hầu. Chu Thiên tử nắm giữ thiên hạ, Chư hầu có Bang quốc, Đại phu có Thái ấp, Sĩ có Lộc điền, bốn tầng lớp này đều là quý tộc. Thời kỳ Chiến quốc có rất nhiều người trong tầng lớp Sĩ mất đi sản nghiệp. Họ dựa vào kỹ năng, sở trường mưu cầu một công việc ở các nước chư hầu, sống yên phận. Đây là một đặc điểm lớn trong thời kỳ Chiến quốc.
Mạnh Thường Quân có biện pháp rất hay để nuôi dưỡng kẻ sĩ, ông vô cùng dụng tâm. Trong phần “Mạnh Thường Quân liệt truyện” ghi rằng, khi Mạnh Thường Quân và một nhân tài nói chuyện, phía sau ông luôn đặt một tấm bình phong, phái một gia nhân ngồi sau bình phong phụ trách ghi chép lại nội dung cuộc nói chuyện đó. Ví như khi Mạnh Thường Quân nói chuyện với một nhân tài nào đó, ông thường sẽ hỏi về tình hình trong nhà của vị đó, chẳng hạn như trong nhà có gì khó khăn không, hoặc là vị này có đặc biệt xem trọng người thân thích hay bằng hữu nào hay không v.v. Kẻ Sĩ này vừa nói chuyện xong với Mạnh Thường Quân về đến nhà, Mạnh Thường Quân sẽ mang một phần lễ vật đến tặng họ, khiến cho vị đó vui mừng khôn kể, cho nên họ cũng rất trung thành với Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân nuôi dưỡng kẻ Sĩ, không quản họ có tài hay không, chỉ cần họ tự xưng là kẻ sĩ, Mạnh Thường Quân đều thu lưu hết thảy, danh tiếng của Mạnh Thường Quân càng ngày càng lớn.
Năm 299 TCN, Tần Chiêu Tương Vương cho mời Mạnh Thường Quân đến nước Tần. Khi Mạnh Thường Quân vừa đến nơi, Tần Vương lập tức trao cho Mạnh Thường Quân chức thừa tướng, các đại thần bên dưới thảy đều không vui. Họ tâu lên Tần Vương rằng, “Mạnh Thường Quân là công tử nước Tề, là anh em họ với Tề Vương, là thân thích của nước Tề. Nếu như ông ta được làm thừa tướng của nước Tần chúng ta, ông ta khẳng định sẽ suy nghĩ cho nước Tề trước mà không suy nghĩ cho nước Tần, việc này bất lợi đối với nước Tần chúng ta”.
Tần Vương nghe xong cảm thấy rất có đạo lý, bèn nói, “vậy ta để cho ông ta trở về”. Các đại thần lập tức can ngăn, “Không thể để ông ta quay về. Mạnh Thường Quân mang theo rất nhiều môn khách đến nơi này, nghe nói lúc đó Mạnh Thường Quân nuôi dưỡng ba ngàn nhân sĩ. Những người này ở khắp mọi nơi trong đô thành nước Tần, đều đã thăm dò tinh tường hết thảy tình hình nước Tần chúng ta, một khi thả Mạnh Thường Quân trở về nước Tề, vậy chẳng phải là có uy hiếp rất lớn đối với an toàn của nước Tần sao?”
Tần Vương vì thế đã giam lỏng Mạnh Thường Quân lại, thậm chí còn muốn giết chết ông. Mạnh Thường Quân biết được việc này, ông đã nghĩ biện pháp gì để có thể chạy trốn được đây?
Tần Vương có một vị ái thiếp rất được sủng hạnh, nói gì nghe nấy. Mạnh Thường Quân muốn nhờ cậy vị ái thiếp đó, ông nói với nàng rằng, “nương nương có thể nói vài lời hay về ta trước mặt Tần Vương hay không, để ngài thả thần trở về”.
Vị ái thiếp kia nói: “Khi ngươi gặp Đại Vương của chúng ta lần đầu tiên, ngươi đã tặng ngài ấy một cái áo khoác lông cáo màu trắng, quá đẹp, ta cũng muốn có một cái như vậy”. Mạnh Thường Quân thưa, “trong thiên hạ chỉ có một cái áo như vậy, tại sao? Con cáo không được một ngàn tuổi, lông của nó sẽ không trắng thuần, hơn nữa không phải chỗ nào trên thân con cáo cũng có thể làm thành áo khoác lông được. Nương nương nghĩ xem phải có bao nhiêu con cáo ngàn năm mới có thể làm thành một cái áo khoác lông này, không thể tìm được cái áo khoác thứ hai giống như vậy”. Mỹ nhân nói, “ta mặc kệ, nếu như ngươi không đáp ứng ta, ngươi đừng mong trở về”.
Mạnh Thường Quân hết đường xoay xở. Trở về, ông thương lượng với các môn khách bên dưới, còn có thể đến đâu tìm được một cái áo khoác giống như vậy đây? Có một người đứng lên nói: “Tôi có thể tìm được”. Mạnh Thường Quân hỏi,” “ông đi đâu tìm?”. Người này đáp, “tôi đi trộm cái áo khoác kia ra, không phải nó được cất giữ trong kho của Tần Vương sao?” (nguyên văn: “thần có thể giả làm chó để trộm”). Mạnh Thường Quân vui mừng để người này đi.
Vào tối hôm đó, vị môn khách này chui từ lỗ chó bên cạnh nhà kho đi vào, khi người này trộm áo khoác đã gây ra tiếng động. Người trông coi nhà kho nghe thấy, đi đến coi rốt cục có chuyện gì xảy ra? Vị môn khách lập tức giả tiếng chó sủa, người trông coi nhà kho tưởng là một con chó nên không quan tâm nữa, bèn bỏ đi ngủ. Vị này mang áo khoác trộm được giao cho Mạnh Thường Quân, Mạnh Thường Quân lại dâng cho nàng ái thiếp kia của Tần Vương.
Đêm đến, nàng ái thiếp mở lời với Tần Vương rằng: “Thiếp nghe nói ngài triệu Mạnh Thường Quân từ nước Tề đến đây, chẳng những không cho ông ta một chức vị, mà ngược lại còn giam lỏng ông ta”. Tần Vương đáp, “đúng vậy”. Mỹ nhân nói, “làm như vậy có lẽ không thích hợp lắm”. Tần Vương hỏi vì sao vậy?
Nàng ái thiếp nói, “Mạnh Thường Quân vang danh khắp thiên hạ, ông ta có tiếng là hiền danh. Đến Tần quốc, Đại Vương không dùng ông ta mà ngược lại giam lỏng hoặc là giết ông ta, thế thì hiền sĩ trong thiên hạ còn ai dám đến nước Tần của chúng ta?”
Tần Vương tối hôm đó có lẽ là dùng khá nhiều rượu, hoặc là quá muộn rồi có thể đã muốn ngủ, ông nói: “Vậy thì ta thả Mạnh Thường Quân về vậy”. Tần Vương liền viết một đạo văn thư thả Mạnh Thường Quân trở về nước Tề.
(Còn tiếp)
‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 17: Thỏ khôn đào ba hang [P.2]
Xem thêm loạt bài “Tiếu đàm phong vân”
Do Bi Hui thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: