Tiết lập xuân, nghênh thần xuân, bái thái tuế, lạnh hết xuân đến, vạn vật bừng sức sống
Lập xuân là một trong hai mươi bốn tiết khí, cũng là dịp truyền thống quan trọng, gọi là “tiết lập xuân”. “Mở đầu cho một năm là mùa xuân”, người xưa cho rằng đây là khởi đầu cho một năm. Đế vương các đời vào ngày này đều phải cử hành lễ đánh xuân, ý là nhằm khích lệ việc nông tang. Mấy ngàn năm nay trong dân gian các nơi cũng hình thành phong tục tập quán cố định. Thời gian lập xuân năm 2015 là vào 11 giờ 58 phút 27 giây ngày 04 tháng 2.
Theo cách tính truyền thống: sau tiết đại hàn 15 ngày là lập xuân. Trước sau ngày 04 tháng 02 công lịch mỗi năm, Mặt trời sẽ bắt đầu đạt đến 315° kinh độ vàng, gọi là ngày lập xuân. Lúc này gió đông bắt đầu thổi nhẹ, nước sông bắt đầu hết băng lạnh, các loại côn trùng ngủ đông bắt đầu hoạt động trở lại. Cây cỏ bừng sức sống, nhiệt độ bắt đầu ấm dần lên, bắt đầu dấu hiệu của mùa xuân.
Trung Quốc cổ đại lấy 35 ngày lập xuân chia làm ba kỳ: “kỳ thứ nhất gió đông bắt đầu giảm độ rét lạnh, kì thứ hai côn trùng bắt đầu hoạt động, kì thứ ba cá vượt băng”, tức là nói gió đông đưa hơi ấm, khắp mặt đất bắt đầu đỡ lạnh giá. Sau lập xuân năm ngày, các loại côn trùng dần dần tỉnh giấc trong hang động, lại qua năm ngày nữa, băng trong sông bắt đầu tan, cá bắt đầu bơi lội trên mặt nước, lúc này các tảng băng trên mặt nước vẫn chưa hoàn toàn tan, như cùng được cá trợ giúp một phen nổi lên.
Tiết lập xuân lưu truyền lại rất nhiều phong tục dân gian, tuy nhiên giữa các địa phương có sự khác biệt, riêng hoạt động chúc mừng là đa phần giống nhau, ít có sai khác.
Tế thần Câu Mang
Câu Mang là thần mùa xuân, tức là thần của cây cỏ và sinh mệnh. Hình tượng Câu Mang là mặt người thân chim, nắm giữ quy củ, chủ việc xuân. Thời nhà Chu đã thiết đặt đông đường lo việc nghênh xuân, điều này đã nói rõ việc tế thần Câu Mang là có từ lâu đời.
Căn cứ văn hiến ghi chép, nghi thức triều Chu nghênh tiếp “lập xuân”, đại khái như sau: Trước lập xuân ba ngày, Thiên tử bắt đầu trai giới, đến ngày lập xuân, thân hành dẫn tam công, cửu khanh, chư hầu, đại phu đến Đông Giao nghênh xuân, nghênh tiếp thần xuân Câu Mang là người chủ quản việc nông, để cầu mong bội thu.
Đến đời nhà Thanh, nghi thức nghênh xuân đã trở thành hoạt động dân gian quan trọng diễn ra phổ biến trong xã hội, toàn thể người dân đều tham gia. Theo ghi chép trong Yến kinh tuế thời kí: “Trước lập xuân một ngày, quan viên phủ Thuận Thiên ở bên ngoài cửa trực đông nghênh xuân trong một khuôn viên. Ngày lập xuân, bộ Lễ trình lên bảo tọa xuân sơn, phủ Thuận Thiên trình tiến tranh xuân ngưu (tranh vẽ trâu mùa xuân), lễ xong hồi về nơi làm việc, dẫn trâu đi mà đánh vào nó, gọi là đánh xuân”. Trong Thanh gia lục do người thời Thanh ghi chép thể hiện rõ, điển lễ vào lập xuân là tế tự thần linh và tổ tiên, tuy nhiên theo quy củ tốt nhất là vào ngày mồng 01 tháng giêng, nhưng phải cao hơn tiết đông chí.
Bái Thái tuế
Trung Quốc có tập tục nghênh đón Thái tuế, “bái Thái tuế” là một nghi thức trong văn hóa Đạo giáo Trung Quốc, cũng là tập tục truyền thống hóa giải tai ương, cầu phúc lành trong dân gian. Sớm vào thời đại nhà Nguyên, nhà Minh, hoạt động bái Thái tuế còn được liệt vào điển lễ tế tự của quốc gia.
Người xưa dùng thiên can, địa chỉ để tính toán thời gian, một vòng luân hồi của thiên can địa chỉ là sáu mươi năm, mỗi năm một tuổi, như Giáp Tý, Ất Sửu v.v. Tương truyền sáu mươi vị thần Thái tuế đều từng thác sinh trong nhân gian vào các thời đại khác nhau ở Trung Quốc, họ có người là kẻ sĩ nắm giữ biên cương, có người là tướng quân có công với nước nhà, có người là quan viên địa phương ngay chính, liêm khiết, một lòng vì dân, mỗi một người đều là hình mẫu cho đạo đức luân lý Trung Quốc và mẫu mực học tập được người đời tôn sùng.
Phong tục dân gian cho rằng, sáu mươi vị thần Thái tuế thay nhau trông coi các năm, vì thế một đời người tùy lúc tùy nơi đều có hai vị thần Thái tuế, một vị là Thái tuế bổn mệnh, cũng là Thái tuế trông coi năm ra đời của con người; vị kia là Thái tuế trị niên, cũng được gọi là Thái tuế lưu niên.
Làm theo tập tục truyền thống, hoạt động “bái Thái tuế” hiện nay rất thịnh hành ở các vùng Bắc Kinh, Quảng Châu, Đài Loan, Hương Cảng của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Singapore. Dựa theo quy tắc can chi năm trong truyền thống cổ đại mà nói, lập xuân là lúc tổ chức gặp gỡ giữa Thái tuế cũ và mới.
Tránh xuân
Trong truyền thống dân gian, đến tiết lập xuân một ngày cần phải tránh xuân. Bởi vì khí hậu ngày lập xuân bắt đầu giao chuyển, trường khí mới có thể ảnh hưởng bất lợi với nhiều người, cho nên xuất hiện tập tục tránh xuân. Mỗi khi đến lập xuân một ngày không được cãi vã, nên hòa ái vui vẻ, tâm bình khí hòa để nghênh đón.
“Tránh xuân” kì thật chính là “tránh Thái tuế”, đa số đều cho là năm đó người nào đúng năm tuổi thì cần tránh xuân. Ví như lập xuân năm 2015 là 11 giờ 59 phút, chính thức tiến vào năm con dê Ất Mùi, tức là thời điểm giao chuyển, Thái tuế Tinh quân Chương Từ đại tướng quân năm con ngựa 2014 chính thức từ nhiệm, Thái tuế Tinh quân Dương Tiên đại tướng quân năm con dê 2015 chính thức thượng nhiệm.
Tục cho rằng, ví dụ năm con dê thì những người phạm Thái tuế là người sinh vào năm tuổi con dê, trâu, chuột, chó cần “lánh xuân”, chính là để tránh khai mở xung đột chính diện với Thái tuế năm con dê, cần trì hoãn quan hệ với Thái tuế Tinh quân, có lợi đối với vận năm.
Lập xuân và sinh tiêu
Lập xuân là khai mở một năm trong lịch can chi, khai mở vào tháng Dần. Hoàng lịch Trung Quốc và tập tục dân gian đều lấy “lập xuân” làm căn cứ để tính toán sinh tiêu.
Siêu hình học Trung Quốc có tương quan với hai mươi bốn tiết khí, cho nên từ xưa đến nay giới thuật số đều xem “lập xuân” là khai mở một năm mới. Mà ngày mồng 01 tháng giêng tuy nhà nhà đều chúc mừng năm mới náo nhiệt, nhưng đối với tính toán thuật số phong thủy thì vẫn lấy “lập xuân” làm mốc biểu thị năm mới. Truyền thống Trung Quốc thường tính toán mệnh số, xem bát tự, đều là lấy “lập xuân” làm mốc khởi thủy một năm.
Giao xuân
Vào tiết lập xuân có tập tục giao xuân, tuy mỗi nơi khác nhau nhưng chủ yếu là: ăn củ cải, bàn ngũ vị, bánh xuân và quyển xuân.
Một trong những thực vật mang tính phong tục để “giao xuân” là củ cải. Căn cứ ghi chép trong sách Tứ dân nguyệt lệnh của Thôi Thực thời Hán, từ rất sớm Trung Quốc đã có tập tục ăn uống “vào ngày lập xuân ăn rau sống…….lấy ý là nghênh xuân”, truyền đến sau đời Minh, Thanh, cái gọi là “giao xuân” chủ yếu là chỉ việc vào ngày lập xuân ăn củ cải, như Lưu Nhược Ngu người thời Minh ghi chép trong Chước trung chí. Ẩm thực hiếu thượng kỉ lược: “Đến sau ngày lập xuân, không kể người sang hay hèn đều ăn củ cải”. Yến kinh tuế thời kí của Phú Sát Đôn Sùng thời Thanh cũng chép: “Đánh xuân tức là lập xuân, là ngày nhà giàu làm nhiều bánh xuân, phụ nữ mua nhiều củ cải để ăn, gọi là “giao xuân”, gọi đó là xuân gian khổ vậy”. Ý là nói ăn củ cải có thể giải trừ được sự gian khổ trong mùa xuân.
Một loại thực vật khác là bàn ngũ vị. Tông Lẫm người Nam Triều trong Hình sở tuế thời kí dẫn Phong sĩ kí của Châu Ngoại người thời Tây Tấn nói: “Ngày đầu làm một mâm ngũ vị, giữa trưa ngày đầu tiên nấu thành năm món”. Cái gọi là ngũ vị tức là năm loại rau mùi, theo Lý Thời Trân ghi chép trong Bổn thảo cương mục: “Lập xuân tiết Nguyên đán hái dùng hành, tỏi, hẹ, rau đắng, giới tử còn non, trộn lại với nhau rồi ăn, lấy ý nghĩa là nghênh đón năm mới, gọi đó là “mâm ngũ vị”, thơ Đỗ Phủ gọi “trên mâm ngày xuân có những rau sống bé tí” chính là như vậy.
Kì thực, người thời xưa ăn mâm ngũ vị không chỉ vì “lấy ý nghĩa nghênh đón năm mới”, đồng thời còn giúp tán phát khí trong ngũ tạng, giúp thân khỏe mạnh phòng bệnh tật. Vào dịp lập xuân, khí lạnh đã hết mùa xuân vừa đến, chính là lúc dễ bị cảm mạo, dùng ngũ vị để thông khí trong cơ thể, phát tán mồ hôi, có tác dụng nhất định để dự phòng bệnh cảm.
Ngày lập xuân, dân gian còn có phong tục ăn bánh xuân. Như ghi chép trong Quan trung kí do Phan Nhạc Sở người thời Tấn soạn: “(Người thời Đường) vào ngày lập xuân làm bánh xuân, dùng cây ngải, hẹ vàng, mầm cây giới tử gói lại”. Thời xưa, ngày lập xuân ăn bánh xuân là một tập tục không chỉ lưu hành rộng rãi trong dân gian, mà trong hoàng cung cũng thường làm thực phẩm trong dịp khánh tiết ban tặng cho cận thần. Tuế thời quảng kí của Trần Nguyên Tịnh cũng ghi chép: “Trước lập xuân một ngày, đại nội đưa ra bánh xuân, rượu xuân để tặng cận thần. Trên mâm trang trí rau sống cùng củ cải, đặt trong cái hộp”.
Ngoài bánh xuân, chả giò cũng là một loại thức ăn dùng cho khánh tiết mà mọi người thường dùng trong ngày lập xuân. Chả giò là tên một loại thực phẩm sớm thấy trong sách Mộng lương lục của Ngô Tự Ngưu thời Nam Tống, trong sách này từng nói đến hai loại chả giò là “chả giò vỏ mỏng” và “chả giò hình mẹ con”. Đến thời nhà Minh, nhà Thanh, chả giò đã trở thành thực phẩm có mùi vị được mọi người vô cùng yêu thích. Cho đến nay, chả giò có màu vàng kim, vỏ ngoài giòn, thịt mềm tươi ngon, mùi vị mê người đã trở thành món ăn có phong vị độc đáo, được mọi người hoan nghênh trong yến tiệc ở các nhà hàng lớn.
Chu Tuệ Tâm thực hiện
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: