Tiền bạc như rác rưởi, nhân nghĩa giá ngàn vàng
Văn hóa truyền thống có câu: “Kim tiền như phấn thổ, nhân nghĩa trị thiên kim”, ý tứ là: tiền bạc như rác rưởi, nhân nghĩa giá ngàn vàng. Người xưa coi trọng đức, tin rằng đức hạnh mới thực sự là tiên đan đại dược trừ dứt mọi họa tai.
Thời cổ đại có một người đầu bếp ở hoàng cung, sau khi cáo lão hồi hương đã trở về quê mở quán rượu vui hưởng tuổi già. Quán rượu của ông ngày nào cũng đông vui tấp nập, bất cứ ai đi qua đây đều dừng chân để vừa nhâm nhi chút rượu nóng, vừa nghe người đầu bếp kể chuyện cũ nơi kinh thành.
Một năm nọ, nơi thị trấn nhỏ này xảy ra một trận đại ôn dịch. Mặc dù triều đình đã lệnh cho quan ngự y đến để chữa trị, nhưng dùng phương thuốc nào cũng không trị dứt khỏi căn nguyên của bệnh. Dịch bệnh lan tràn khiến bách tính rơi vào cảnh bi thương tang tóc, người người lần lượt qua đời, ai nấy chứng kiến đều không khỏi kinh hoàng bạt vía. Người đầu bếp cũng không nằm ngoài số phận ấy, ông vội vã đóng cửa quán rượu, cả ngày giam mình trong nhà, ông gần như sống tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ấy vậy mà, dịch bệnh như có mắt vẫn xuyên qua tường đồng vách sắt, vượt qua hàng rào phong tỏa để tiến sâu vào bên trong căn nhà khiến ông bắt đầu nhiễm bệnh. Ông cảm thấy cơ thể mỏi mệt, sức khỏe suy nhược, tay chân run rẩy, thường hay hoa mắt chóng mặt, có lúc còn thổ huyết ra sàn nhà.
Đến khi cảm tưởng như bản thân không còn sống được bao lâu nữa, người đầu bếp đứng trên lầu cao bất lực phóng tầm mắt ra xa. Những phố chợ trước đây sầm uất náo nhiệt là thế, nay hoang vắng tiêu điều. Những người vô gia cư thân mang trọng bệnh, đi lảo đảo vài bước rồi bất chợt ngã gục xuống, thân thể co quắp nằm bất động trên đường. Nỗi xót xa ập tới khiến người đầu bếp không khỏi thương cảm, ông thở dài mà nước mắt tuôn rơi.
Ông nhìn lại tấm thân tiều tụy rồi cảm thán: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu? Ông từng là đầu bếp cung đình, vang danh khắp thiên hạ, ấy vậy mà chỉ một trận dịch bệnh cũng đủ khiến công danh một đời nay hóa thành tro bụi, ngay đến sinh mệnh của ông cũng khó có thể bảo toàn trong ôn dịch lần này. Họa phúc chỉ thoáng qua, nào ai nắm chắc?”
Ông thầm nghĩ:
“Dù sao ta cũng sắp chết rồi, vàng bạc đầy hòm, lương thực đầy kho, quần áo lụa là gấm vóc đầy nhà… còn ý nghĩa chi đây? Chi bằng bố thí cho những người bần hàn kia, để họ được bữa ăn no mặc ấm, vậy là không uổng một kiếp người. Như vậy, chí ít những người không may mắc bệnh mà lìa đời kia còn mặt mũi mà đi gặp tổ tông”.
Chính niệm hễ đến, nỗi sợ hãi trong ông cũng vụt tan biến, một luồng chính khí cuồn cuộn dâng lên khiến ông cảm thấy tràn trề sức sống. Ngay sau đó ông mở cửa quán rượu, dặn gia nhân hàng ngày hầm cháo nấu canh bố thí cho bệnh nhân, đồng thời mang quần áo trong kho phát từ thiện cho người nghèo. Còn với những thi thể lạnh lẽo không mảnh chiếu đắp thân, ông cũng đem đi chôn cất cẩn thận. Những bậc bá chủ, cường hào, phú hộ thấy vậy đều học theo ông, họ nghĩ: “Dù sao cũng chết, vậy thì hãy chết sao cho có giá trị, có ý nghĩa một chút”. Dần dần, nỗi sợ ôn dịch trong vùng tan biến, khu phố chợ ảm đạm trước kia nay cũng bắt đầu hồi sinh trở lại.
Sau đó, khắp đường lớn ngõ nhỏ tràn ngập tình người, ai ai cũng bày tỏ sự quan tâm thành ý dành cho nhau. Những kẻ cậy quyền cậy thế không còn tùy tiện hành sự như trước, mà ngay cả kỹ nữ lầu xanh cũng trở nên tự trọng. Một tháng sau, người đầu bếp già ngạc nhiên phát hiện sức khỏe ông đã hồi phục tự khi nào, khí sắc cũng hồng hào trở lại.
Một ngày nọ, trong giấc mơ ông thấy có Đạo nhân cưỡi tiên hạc bay đến bên cạnh và ngâm nga bài thơ rằng:
“Đại đức thiện hóa thiên kim phương,
Tế thế khởi dụng thảo dược thang?
Thiên ngoại huyền công kim đan tố,
Quan nhữ đức chí cứu ngược ương”.
(Thiện đức lớn hóa thành phương thuốc ngàn vàng,
Cứu thế nhân nào cần chi thảo dược?
Công huyền diệu ngoài trời xa luyện thành kim đan,
Cảm phục đức hạnh đến cứu giúp tai ương.)
Dứt lời, vị Đạo nhân hô lớn: “Mau mau nhận tiên đan!”. Người đầu bếp chắp hai tay tiếp nhận rồi giật mình bừng tỉnh. Ông cứ ngỡ là mơ, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra trong tay đang cầm một hộp tiên đan, ông gần như vỡ òa hạnh phúc cúi gập người bái lạy.
Từ khi có tiên đan, không chỉ nơi thị trấn nhỏ của ông mà ngay cả trong kinh thành ôn dịch cũng hoàn toàn bị đẩy lùi, ấy đều là nhờ đức hạnh và thiện tâm của người đầu bếp. Hoàng thượng nghe câu chuyện thuốc tiên kỳ diệu của ông đã quyết định tắm rửa trai giới, vận y phục chỉnh tề và ngồi một mình trong tịnh thất, sám hối về những việc đã qua. Sau đó, với lòng thành kính và cảm kích vô vàn, hoàng thượng đề lên bức đại tự dòng chữ: “Thiên Kim Lương Phương – Đức” (Phương thuốc ngàn vàng – Đức).
Văn hóa truyền thống có câu: “Kim tiền như phấn thổ, nhân nghĩa trị thiên kim”, ý tứ là: tiền bạc như rác rưởi, nhân nghĩa giá ngàn vàng. Người xưa coi trọng đức, tin rằng đức hạnh mới thực sự là tiên đan đạo dược trừ dứt mọi họa tai. Bậc tôn sư của Đạo gia là Trần Đoàn, còn gọi là “Trần Đoàn lão tổ”, trong cuốn sách Tâm Tướng Thiên của ông có một câu rất đáng suy ngẫm: “Chết do bệnh dịch không phải vì vận số, mà là do nhục mạ đất trời”. Bệnh dịch hoành hành không phải bởi kiếp số đã tận, mà là do con người bất kính với trời đất, khinh nhờn Thần Phật, do đó mới chiêu mời họa tai.
Trong thời khắc đặc biệt của lịch sử, thiên tai nhân họa không ngừng ập xuống thế gian, có một điều khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi là: Những kiếp nạn như ôn dịch, lũ lụt, động đất… vì sao không bắt nguồn từ nơi nào khác, mà đều đồng loạt xuất hiện ở Trung Quốc đại lục? Phải chăng vì đó là nơi tuyên dương triết học đấu tranh, hô vang khẩu hiệu “đấu trời, đấu đất, đấu người”, cũng là nơi không ngừng đàn áp tín ngưỡng, đàn áp đức tin, và bức hại người tin vào Chúa, vào Phật, vào Thần? Từ đại dịch SARS cho đến viêm phổi Vũ Hán, phải chăng cũng là thêm một lần thiên thượng cảnh tỉnh thế nhân, chờ đợi những người con lầm lạc hồi tâm trở về, để đạo đức lại một lần hồi sinh?
Tác giả: Sơ Trung, đăng trên Chánh Kiến