Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật về mức trần nợ, chấm dứt nguy cơ vỡ nợ
Hôm 01/06, bằng cách thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa 2023, Thượng viện đã chấm dứt nguy cơ Hoa Kỳ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình. Hiện tại, dự luật này được chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden. Chữ ký của ông sẽ chấm dứt vấn đề này trong ít nhất 19 tháng tiếp theo.
Dự luật này đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỷ lệ 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống.
Dự luật thỏa hiệp
Dự luật này là kết quả của một sự thỏa hiệp do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) dẫn đầu để đình chỉ hạn mức nợ cho đến ngày 01/01/2025, đồng thời giảm nhẹ chi tiêu tùy ý phi quốc phòng và tăng vừa phải chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Việc gia tăng chi tiêu tùy ý được giới hạn ở mức 1% cho năm 2025.
Dự luật này cũng thực hiện các thay đổi về yêu cầu công việc đối với một số chương trình phúc lợi xã hội, cải tổ cho tốt hơn về thủ tục cấp phép khoan dầu và khí đốt tự nhiên, đồng thời thu hồi 20 tỷ USD tài trợ cho IRS và 30 tỷ USD trong quỹ cứu trợ COVID chưa sử dụng, trong số những điều khoản khác.
Với việc một vụ vỡ nợ có thể xảy ra chỉ trong 4 ngày nữa, Thượng viện vốn thường hành động chậm chạp đã thông qua dự luật này trong một phiên họp buổi tối chỉ 24 giờ sau khi Hạ viện thông qua.
“Thật tốt cho đất nước này khi cuối cùng cả hai bên cũng đã hiệp lực để tránh được tình trạng vỡ nợ. Tôi cảm ơn các vị đồng sự của tôi ở cả hai đảng vì sự phối hợp của họ,” Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) bày tỏ ngay trước cuộc bỏ phiếu này.
Trình bày tại Thượng viện, Lãnh đạo khối Thiểu số, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), gọi đó là “một biện pháp khẩn cấp và quan trọng theo đúng hướng vì sức khỏe của nền kinh tế và tương lai của đất nước chúng ta.”
Những lo ngại về chi tiêu quốc phòng
Về dự luật này, điều lo ngại chủ yếu của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa là những gì mà họ cho là một khoản chi tiêu quân sự không thỏa đáng.
Viện dẫn sự gia tăng chi tiêu và hoạt động quân sự của Trung Quốc và các quốc gia khác, các thượng nghị sĩ gồm Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), Susan Collins (Cộng Hòa-Maine), và Lindsay Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đã chỉ trích dự luật này vì có một điều khoản cho phép tự động cắt giảm chi tiêu quốc phòng nếu một ngân sách liên bang không được thông qua kịp thời.
“Nghị quyết tiếp diễn này (continuing resolution, CR), nếu chúng ta không thực hiện công việc lập pháp của mình, thì sẽ làm tăng chi tiêu phi quốc phòng, giảm chi tiêu quốc phòng,” Thượng nghị sĩ Lindsay Graham (Cộng Hòa-South Carolina) cho biết trong khi tranh luận về dự luật này hôm 01/06. “Nếu ngân sách này là kết quả cuối cùng của cuộc thảo luận và chúng ta không sửa đổi gì cả, thì con em của quý vị sẽ đối mặt với nhiều chiến tranh hơn, chứ không phải ít hơn.”
“Dự luật này thực sự sẽ làm giảm quy mô lực lượng hải quân của chúng ta,” bà Collins nói. “Trong khi đó, hiện nay Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.” Bà Collins kêu gọi một khoản phân bổ bổ sung khẩn cấp để tăng thêm chi tiêu quốc phòng vào năm 2024.
Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa-Oklahoma) cũng phản đối, cho rằng dự luật này thực sự sẽ tăng chứ không giảm chi tiêu liên bang.
“Tôi tìm hiểu những điều khoản được in bằng chữ nhỏ và phát hiện ra, trên thực tế, dự luật này tăng chi tiêu lên 3.3% trong năm tới. Và năm sau đó, việc chi tiêu lại tăng thêm 1%. Kỳ thực dự luật này không hề làm giảm chi tiêu,” ông Lankford nhận định trong khi tranh luận về dự luật này hôm 01/06.
Một số thượng nghị sĩ phản đối dự luật này vì có thêm các yêu cầu công việc được áp đặt lên một số người nhận các dịch vụ xã hội trong khi vẫn duy trì việc cắt giảm thuế cho những người Mỹ giàu có nhất và các tập đoàn lớn.
Tại cuộc tranh luận về dự luật này hôm 01/06, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) cho biết, “Vào một thời điểm tồn tại sự bất bình đẳng lớn và khi những người giàu có chưa bao giờ có được điều đó tốt như vậy, về lương tâm, tôi không thể bỏ phiếu cho một dự luật gây phương hại cho những người đi làm [hưởng lương].”
Cựu Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ quan điểm của mình về dự luật này trước khán giả tại một chiến dịch tranh cử ở tiểu bang Iowa trong lúc Thượng viện bàn bạc hôm 01/06. Ông nói: “Lẽ ra chúng ta nên trải qua thêm một chút khó khăn, có lẽ, trong vài ngày qua, để có thể đạt được một thỏa thuận.”
Các sửa đổi không được thông qua
Để đẩy nhanh tiến trình xem xét dự luật này, Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã đồng ý cho phép đưa ra chỉ 11 sửa đổi và hạn chế tranh luận trong vòng 4 đến 6 phút cho mỗi một sửa đổi. Tất cả các sửa đổi đều không được thông qua.
Khi buổi tối ngày 01/06 trôi qua, ông Schumer kêu gọi các thượng nghị sĩ nhanh chóng bỏ phiếu. Tại một thời điểm, người ta tình cờ nghe ông ấy nói với Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) rằng, “Nói ít thôi, mà bỏ phiếu nhiều hơn.”
Trong khi nhiều thượng nghị sĩ hoan nghênh dự luật này vì đã tránh được một vụ vỡ nợ tài chính thảm hại, thì dường như không có ai đặc biệt hào hứng với các điều khoản trong đó.