Thưởng lãm đèn lồng rực rỡ trong dịp Tết Nguyên Tiêu
Tết Nguyên Tiêu là đêm trăng rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu không chỉ mang ý nghĩa đoàn tụ, đoàn viên cùng gia đình mà còn là dịp gửi gắm những ước nguyện, cầu mong nhận được sự che chở từ Thiên Thượng trong năm mới.
Lễ Hội Đèn Lồng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu (元宵節 – Yuán Xiāo Jié) bắt nguồn từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Tên gọi này rất quan trọng vì Yuan liên quan đến tháng đầu tiên của năm mới, và theo từ ngữ Trung Hoa cổ xưa, xiao có nghĩa là ban đêm. Về thời gian, ánh trăng đầu tiên của năm sẽ xuất hiện vào ngày 15 âm lịch.
Hầu hết các truyền thuyết về nguồn gốc sự ra đời của lễ hội có thể được bắt nguồn từ thời đại nhà Hán (206TCN – 220 SCN). Cũng giống như văn hóa truyền thống Trung Hoa được gắn kết chặt chẽ với thế giới tự nhiên và sự tín Thần, Tết Nguyên Tiêu cũng phản ánh mối liên hệ giữa tín ngưỡng và truyền thuyết
Một trong những truyền thuyết sớm nhất kể về vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa là Tần Thủy Hoàng, ông đã tổ chức các nghi lễ công phu vào ngày tốt lành này để thờ cúng Thái Ất, vị Thần trên Thiên Thượng. Hi vọng nhận được sự ban phước và che chở từ Thần linh vào năm mới. Sau đó, vào năm 104 SCN, Hán Vũ Đế đã ban hành đây là một lễ hội chính thức, với buổi lễ long trọng kéo dài đến ngày hôm sau.
Một truyền thuyết khác cho rằng ánh sáng rực rỡ của những chiếc lồng đèn đỏ được cho là để đánh lừa các vị Thần tưởng rằng ngôi làng này đã cháy, đã hứng chịu cơn thịnh nộ của Thần và không cần phải phá hủy nữa. Tuy nhiên một ý kiến khác cho rằng, việc thả đèn lồng cũng như dâng món chè thang viên (hay còn gọi là chè thang viên Trung Quốc) nhằm xoa dịu cơn giận của các vị Thần bằng hương vị chè ngọt ngào.
Tại Trung Quốc, có rất nhiều cách tổ chức lễ hội này. Tuy nhiên đèn lồng và chè thang viên là hai vật phẩm phổ biến nhất và đã trở thành biểu tượng của Tết Nguyên Tiêu.
Thưởng thức chè thang viên
Vào thời nhà Tống (năm 960 – 1279 SCN) thưởng thức chè thang viên đã trở thành một phần không thể thiếu của Lễ Hội Đèn Lồng.
Chè thang viên hay còn gọi là chè trôi nước, là một loại bánh bao nhỏ tròn tròn hình quả bóng được làm bằng bột nếp hay bột mì có nhân bên trong. Những viên chè có thể được luộc, chiên, hoặc hấp. Hình tròn của bánh tượng trưng cho gia đình quây quần, đoàn viên.
Vào thời cổ đại, chè thang viên thường có nhân ngọt, quả óc chó, mè mè, cánh hoa hồng, vỏ quýt ngọt, bột đậu đỏ, quả chà là, hạt sen và hoa quả khô…có thể dùng một hoặc kết hợp nhiều thành phần trên với nhau. Ngày nay, nhiều loại bánh mặn được làm từ nhân thịt băm, rau củ, hoặc trộn cả hai thành phần với nhau.
Cách làm chè ở miền Nam Trung Quốc là nhào bột gạo rồi vo thành từng viên, khoét lỗ, sau đó cho nhân vào, và xoa tròn bánh giữa hai lòng bàn tay.
Ở miền Bắc Trung Quốc, người ta thường làm nhân ngọt hoặc nhân không có thịt. Bánh được nhúng nhẹ qua nước rồi được lăn trong rổ phẳng có chứa bột nếp khô. Phần nhân này được cán và lăn qua lại trong bột, giống như làm quả cầu tuyết, cho đến khi bánh có kích thước to như mong muốn.
Mặc dù các loại chè thang viên ở mỗi nơi có khác nhau, nhưng đối với người Trung Quốc, việc ăn chè thang viên cùng với gia đình của mình trong bầu không khí vui vẻ, đoàn viên là một điều đặc biệt quan trọng trong ngày lễ này.
Thưởng lãm những chiếc đèn lồng rực rỡ
Tương truyền vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Đông Hán (25-220 SCN), Minh Đế, là một người tôn kính đạo Phật. Ông đã ban hành phong tục tổ chức lễ Hội Đèn Lồng ngày 15 âm lịch tháng Giêng hàng năm.
Hán Minh Đế lên ngôi vào năm 57 SCN và trị vì trong 19 năm. Khi ông biết rằng các cao tăng ở Ấn Độ sẽ cùng nhau chiêm bái thánh tích của Đức Phật trong ngày 15 âm lịch tháng giêng, Hán Minh Đế đã quyết định chọn đó là thời gian tốt lành để lễ Phật. Ông cũng tổ chức các nghi lễ “Thắp đèn dâng Đức Phật” trong cung điện vào ban đêm với những chiếc đèn lồng được thắp sáng rực rỡ. Hình ảnh đó rất đẹp đẽ và thiêng liêng. Các ngôi chùa ở Trung Quốc cũng tiếp nối phong tục này và sau đó lan rộng ra dân chúng.
Cùng với sự phổ truyền văn hóa Phật giáo và Đạo giáo vào các triều đại sau này, phong tục “thắp đèn” vào ngày rằm 15 của tháng Giêng đã dần dần phổ biến trên khắp đất nước Trung Hoa.
Đèn lồng truyền thống có kích thước lớn và đủ màu sắc, thường có hình dạng giống như kiến trúc Trung Quốc cổ đại hoặc những quả bóng tròn. Khung đèn thường được làm bằng tre, sau đó thường được bọc lại bằng giấy màu hoặc vải lụa.
Trong thời hiện đại ngày nay, người ta thay bằng các tấm nhựa bọc khung dây. Đèn lồng hoạt hình, đèn lồng thủy tinh và đèn lồng pin có thể được thấy xuất hiện nhiều hơn so với đèn lồng cổ điển.
Công viên đèn lồng được xây dựng trên khắp Trung Quốc để phục vụ cho mùa lễ hội. Vào ban ngày, du khách có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đầy sắc màu và những chiếc đèn lồng được thắp sáng rực rỡ vào ban đêm. Cảnh quan rực rỡ đến nỗi người ta muốn đi ra ngoài chỉ để thưởng thức những chiếc đèn lồng hoặc tham gia giải câu đố đèn lồng với gia đình hoặc bạn bè của họ.
Giải đáp câu đố đèn lồng
Câu đố đèn lồng được trực tiếp viết trên những chiếc đèn lồng. Trong suốt lễ hội, mọi người có thể đoán câu trả lời từ một nhân vật, bài thơ, hoặc một cụm từ. Câu đố thường bao gồm ba phần, câu đố, mẹo (cho dù đó là người, sự vật, nhân vật, hay triết lý) và đáp án.
Để tìm ra một câu đố về đèn lồng, bạn phải suy ngẫm ý nghĩa sâu sắc của từng chữ hoặc của từ ẩn dụ. Người giải được nhiều câu đố nhất được coi là người am hiểu nhất về năm can chi và địa danh đó.
Vài ví dụ về câu đố đèn lồng:
Câu đố: Một vài anh em cùng ngồi quanh một cây sào. Khi bị chia tách, quần áo của họ sẽ bị rách tả tơi.
Nói về: Sự việc
Trả lời: Tỏi
Câu đố: Tòa nhà nào có nhiều câu chuyện nhất?
Nói về: Vật
Trả lời: Thư viện
Lễ hội tràn ngập tiếng cười và tiếng vỗ tay trong một khung cảnh mang đầy tính truyền thống.
Các cách ăn mừng khác
Cùng với việc thưởng thức chè thang viên ngon lành và giải đáp câu đố với những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, trên các vùng miền khác nhau ở Trung Quốc, còn có các hoạt động đa dạng để kỉ niệm Tết Nguyên Tiêu.
Đốt pháo
Tiếng pháo là một yếu tố quan trọng của ngày hội này cũng như các dịp lễ trong cộng đồng người Hoa toàn thế giới. Một tràng tiếng nổ giòn giã được cho là xua đuổi những tà ma, từ đó xua đuổi đi những vận rủi ro.
Múa rồng
Người Trung quốc coi rồng là một linh vật. Trong hơn 2,000 năm, múa rồng đã trở thành một hình thức múa truyền thống và bây giờ là một sự kiện thường xuyên diễn ra trong Lễ Hội Đèn Lồng Trung Hoa. Múa rồng được trình diễn bởi một nhóm người – đảm nhận từng bộ phận của con rồng, từ đầu đến đuôi, thành một hàng dài liên tục.
Múa sư tử
Múa sư tử là một hoạt động múa truyền thống khác của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Trong điệu múa này, hai người diễn bắt chước chuyển động của một con sư tử trong bộ trang phục sư tử cầu kì. Họ thường biểu diễn kĩ thuật như leo dây hoặc nhào lộn.
Viết thư pháp
Một số thư pháp gia trong làng sẽ thể hiện kỹ năng điêu luyện của họ bằng việc viết câu đố đèn lồng hoặc vẽ những bức tranh trong Lễ Hội Đèn Lồng.
Múa rối
Biểu diễn múa rối làm nổi bật những con búp bê bằng gỗ di chuyển và có nguồn gốc từ thời cổ đại. Có loại con rối dùng đầu que, rối dây và rối tay được biểu diễn trong chương trình lễ hội đem lại niềm vui cho trẻ em.
Múa rối bóng
Còn được gọi là múa rối bóng. Múa rối bóng là các hình người được cắt ra và được đặt ở trước ánh đèn và phía sau một tấm màn mờ. Có thể đạt được các hiệu ứng đa dạng bằng cách di chuyển cả con rối và ánh đèn. Đó là một hình thức kể chuyện và giải trí cổ xưa.
Tiêu trừ 100 loại bệnh tật
Phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là ở Đài Loan sẽ đi dạo vòng quanh tham quan Lễ Hội Đèn Lồng vào chiều tối. Họ thăm các thành phố và vùng nông thôn, ngắm cảnh các dãy phố hoặc các ngôi chùa. Người ta tin rằng ra ngoài sẽ xua đuổi bệnh tật và giúp mạnh khỏe cả năm.
Tết Nguyên Tiêu là được coi là lễ hội giải trí và có nhiều người tham gia nhất ở Trung Quốc. Mọi người tham gia theo các cách khác nhau và truyền thống của lễ hội được các nhà thơ ghi lại trong suốt thời kỳ lịch sử Trung Quốc.
Mặc dù nhiều phong tục của Tết Nguyên Tiêu đã thay đổi đáng kể trong những năm qua, nhưng việc thưởng lãm những chiếc đèn lồng rực rỡ và ăn chè thang viên vẫn là hoạt động ăn mừng phổ biến nhất của người dân Trung Quốc trên toàn thế giới trong dịp lễ này.
Hà Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: