Thực hành nuôi dạy con tích cực
Huấn luyện viên nuôi dạy con được chứng nhận, cô Sarah R. Moore, giới thiệu các giải pháp để nuôi dưỡng sự bình yên trong gia đình
Tình trạng hỗn loạn của thế giới cùng tỷ lệ trầm cảm và lo âu đáng báo động ở trẻ em cũng như thanh thiếu niên khiến các bậc cha mẹ ngày nay rơi vào trạng thái bế tắc, không tìm được giải pháp cho vấn đề. Tôi đã hỏi cô Sarah R. Moore, người sáng lập diễn đàn Dandelion Seeds Positive Parenting và là tác giả của cuốn sách “Peaceful Discipline: Story Teaching, Brain Science & Better Behavior” (Kỷ Luật Hòa Bình: Dạy Kể Chuyện, Khoa Học Não Bộ & Cải Thiện Hành Vi).
Đây là những gì cô ấy chia sẻ.
The Epoch Times: Điều gì đã truyền cảm hứng cho chị viết cuốn sách mới, “Peaceful Discipline: Story Teaching, Brain Science & Better Behavior” (Kỷ Luật Hòa Bình: Dạy Kể Chuyện, Khoa Học Não Bộ & Cải Thiện Hành Vi)?
Cô Sarah R. Moore: Một thập niên trước, khi con gái tôi còn là một bé sơ sinh, bác sĩ nhi khoa của cháu đã thẳng thừng nói với tôi rằng đừng bao giờ bế con khi cháu khóc. Mặc dù trực giác nói với tôi rằng tôi nên đáp lại với cô bé, nhưng vị bác sĩ ấy nói rằng cháu bé đang thao túng tôi và rằng tôi nên cho ông ấy biết khi nào tôi sẵn sàng để “đối đãi nghiêm túc về việc nuôi dạy con.”
Vào thời điểm đó, tôi đã sững sờ trước lời khuyên ngớ ngẩn của ông ấy. Tuy nhiên, chính là lúc đó và tại đó, tôi đã quyết định theo tiếng gọi của bản thân là giúp các cha mẹ và người chăm sóc khác xây dựng những mối quan hệ ân cần, dựa trên nền tảng kết nối với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Cuốn sách này ra đời từ mong muốn của tôi, như vị bác sĩ nhi khoa ấy đề nghị, đối đãi nghiêm túc về việc nuôi dạy con — mặc dù con đường của tôi không như ông ấy dự định. (Và vâng, chúng tôi đã tìm thấy một bác sĩ nhi khoa có hiểu biết tốt hơn nhiều và không bao giờ trở lại với vị bác sĩ đầu tiên).
The Epoch Times: Chúng ta đang sống trong thời đại đầy thách thức. Từ những gì chị đang nhìn thấy thông qua công việc của mình, làm thế nào để chị tin rằng các bậc cha mẹ đang chật vật trong việc nuôi dạy con?
Cô Moore: Trái tim tôi thương cảm cho các bậc cha mẹ. Họ đang gặp nhiều gian nan. Theo một nghiên cứu gần đây, 66% các bậc cha mẹ đang trải qua tình trạng kiệt sức, bên cạnh [việc phải đối diện với] các yếu tố gây căng thẳng hằng ngày. Tình trạng kiệt sức này có liên quan chặt chẽ với chứng trầm cảm, lo âu, và sự gia tăng mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn, cũng như liên quan tới khả năng các bậc cha mẹ dùng các biện pháp trừng phạt khi nuôi dạy con.
Tôi thấy điều này trong mọi nhóm nuôi dạy con mà tôi huấn luyện và nghe về nó hằng ngày. Các bậc cha mẹ cần sự thông cảm và sự trợ giúp thiết thực cho việc nuôi dạy con một cách lý trí hơn bao giờ hết.
The Epoch Times: Ngày càng có nhiều lo ngại về sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ và các thanh thiếu niên. Liên quan tới vấn đề này, theo chị một số phương pháp đơn giản mà các cha mẹ có thể nuôi dưỡng con tốt là gì?
Cô Moore: Giữa việc kín lịch thường xuyên và áp lực quá lớn để có thể hoàn thành các hoạt động đó, ngày nay trẻ em và thanh thiếu niên thực sự không thể cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm. Cụm từ “nghỉ ngơi” đã biến mất khỏi vốn từ vựng của chúng ta, hoặc trong điều kiện tốt nhất, chúng ta coi đó là một sự xa xỉ. Nghỉ ngơi không mang tính tùy nghi! Hãy hữu ý tạo ra khoảng thời gian thư thả. Vui chơi nhiều hơn (người lớn cũng vậy). Tập thói quen không làm nhiều việc cùng một lúc và hiện hữu một cách trọn vẹn tại bất cứ nơi nào bạn có thể. Hãy trở thành tấm gương cho các con rằng chúng ta có quyền nói “không” với những người hoặc hoạt động không phục vụ sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của chúng. Điều đó nghe có vẻ giống như một hành động cực đoan đối với việc tự yêu thương bản thân, nhưng đôi khi hãy để con thấy bạn cũng cần phải ‘xả hơi’. Quan trọng nhất, là đồng hành cùng với con bạn. Các con cần biết bạn quan tâm đến chúng một cách hợp tình hợp lý.
The Epoch Times: Theo chị, đâu là nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng mạnh mẽ về tình trạng trầm cảm và lo âu trong giới trẻ ngày nay?
Cô Moore: Không nghi ngờ gì, tôi tin rằng đó là sự mất kết nối trong thời gian dài. Mất kết nối với bản thân. Mất kết nối với người khác. Mất kết nối khỏi mục đích cao cả hơn của chúng ta.
Là một xã hội, chúng ta đã thay thế sự thân tình bằng sự hời hợt. Về mặt tiềm thức, trẻ em và các thanh thiếu niên liên tục hỏi: “Liệu mình có an toàn ở đây không?” Giữa việc thiếu các mối quan hệ chân thành và có ý nghĩa và lo sợ rằng mọi hành động của họ sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những lời chỉ trích, không còn nhiều “nơi an toàn” để kết nối theo những cách có ý nghĩa nữa. Không ai có thể phát triển lành mạnh theo cách như vậy. Mỗi trẻ em cần ít nhất một người đủ quan tâm [đến em ấy] để đặt điện thoại xuống, nhìn vào mắt đứa trẻ và nói, “Cha mẹ ở đây là vì con.” Trẻ em cần biết rằng chúng vẫn quan trọng.
The Epoch Times: Khi nói đến kỷ luật trẻ em, chị có thể gợi ý một số phương pháp thực tế để dạy trẻ em hiệu quả đồng thời duy trì được sự bình yên ở nhà?
Cô Moore: Chúng ta biết điều này về bộ não con người: Trẻ em thực sự không thể học khi chúng cảm thấy không an toàn về phương diện cảm xúc. Phần học tập của bộ não gần như sẽ tắt khi nhận thấy bất kỳ hình thức đe dọa nào (ví dụ, cha hoặc mẹ la hét với chúng). Nếu chúng ta, những người lớn, có thể trở thành hình mẫu về việc tiết chế cảm xúc, giải quyết vấn đề theo cách hợp tác và hòa nhã, thì điều đó giúp các con cảm thấy đủ an toàn để chạy đến với chúng ta — thay vì chạy ra xa — khi chúng gặp một vấn đề hoặc đã đưa ra một quyết định thiếu khôn ngoan.
Chúng ta có thể nhớ rằng “kỷ luật” có nghĩa là dạy dỗ, chứ không phải trừng phạt. Cách chúng ta dạy con tốt nhất là bằng cách trở thành hình mẫu về sự kiên nhẫn, giữ thái độ tò mò chứ không phải phê phán, chia sẻ kinh nghiệm và những câu chuyện, và thể hiện lòng trắc ẩn. Ngoài ra, việc tìm hiểu những gì phù hợp với các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ giúp ích rất nhiều, thay vì đưa ra các giả định về những gì chúng ta nghĩ rằng con chúng ta “đáng lẽ ra” có thể làm được. Trẻ em muốn cư xử tốt với chúng ta khi chúng cảm nhận được sự kết nối về cảm xúc với chúng ta. Tôi đi vào rất nhiều chi tiết về “các biện pháp” trong cuốn sách đề cập ở trên.
The Epoch Times: Khi trẻ lớn lên, các bậc cha mẹ nên điều chỉnh sách lược về kỷ luật như thế nào?
Cô Moore: Khi trẻ em còn rất nhỏ, người lớn thường đưa ra các quyết định đơn phương về những gì tốt nhất cho chúng. Điều này cũng hợp lý thôi, bởi vì trẻ nhỏ cần những ranh giới an toàn. Khi trẻ lớn lên, tôi đề nghị cách tiếp cận mang tính hợp tác để giải quyết các vấn đề.
Sử dụng giao tiếp phi bạo lực, hãy mời trẻ cùng suy nghĩ với bạn khi có một vấn đề phát sinh — hoặc tốt hơn, chủ động trước khi các vấn đề phát sinh. Trẻ em dường như sẽ hào hứng tham gia các cách giải quyết tình huống nếu chúng ta đánh giá cao các ý tưởng của các em và giúp các em trở thành một phần của quá trình giải quyết vấn đề đó. Trẻ em thông minh hơn nhiều so với chúng ta thường nghĩ.
The Epoch Times: Chị nghĩ trẻ em ngày nay cần gì nhất từ cha mẹ?
Cô Moore: Theo nghiên cứu của hai tác giả Daniel J. Siegel và Tina Payne Bryson, trẻ em xây dựng sự gắn bó an toàn với cha mẹ khi cha mẹ giúp chúng cảm thấy “4 chữ S” — an toàn, được nhìn thấy, được vỗ về, và sự vững chãi (safe, seen, soothed, secure). Nếu tôi phải chọn một phương diện để tập trung vào đó ngay bây giờ, tôi sẽ chọn “được nhìn thấy.”
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times