Thủ tướng Đức tìm cách thiết lập lại bang giao khi Bắc Kinh củng cố ‘niềm tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin’
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin cần phải thay đổi cách ứng phó với Bắc Kinh và giảm thiểu “sự phụ thuộc đầy rủi ro” khi giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc củng cố “niềm tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin” và khi căng thẳng song phương giữa hai nước đang âm ỉ.
Ông Scholz đã đưa ra nhận xét trên trong một bài bình luận đăng hôm 03/11 trên tờ Politico, một ngày trước chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của nhà lãnh đạo Đức này tới Bắc Kinh. Tại đây, ông sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc làm thế nào để duy trì tốt đẹp mối bang giao với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ căng thẳng liên quan đến những vấn đề như các liên kết thương mại không công bằng, cuộc đàn áp ở Hồng Kông, và các trại tập trung tại Tân Cương.
“Kết quả của Đại hội Đảng Cộng sản vừa kết thúc là không rõ ràng: Sự ủng hộ Chủ nghĩa Marx-Lenin chiếm một không gian rộng hơn nhiều so với kết luận của những kỳ đại hội trước,” ông Scholz viết. “Khi Trung Quốc thay đổi, cách chúng ta ứng phó với Trung Quốc cũng phải thay đổi.”
Không còn ‘như thường lệ’
Ông Scholz viết rằng chuyến đi của ông đến Bắc Kinh diễn ra vào đúng thời điểm mà mọi việc không còn ‘như thường lệ’” trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn COVID-19 đã làm cản trở chuyến công tác và vì lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ khiến các nước khác phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của họ.
Chuyến công du của nhà lãnh đạo Đức cũng diễn ra khi thặng dư thương mại lâu nay của Đức với Trung Quốc đã chuyển sang thâm hụt trong bối cảnh Bắc Kinh giảm nhập cảng.
Nhà lãnh đạo Đức đã đề cập đến chiến lược kinh tế “lưu thông kép” của Trung Quốc, theo ông là nhằm tăng cường thị trường nội địa và khiến Bắc Kinh bớt phụ thuộc vào các đối tác thương mại ngoại quốc. Đồng thời, ông Scholz trích dẫn bài diễn văn năm 2020 của nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó ông tuyên bố sẽ sử dụng các công nghệ của Trung Quốc để “thắt chặt sự phụ thuộc của chuỗi sản xuất quốc tế vào đại lục”.
Ông Scholz viết: “Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận những tuyên bố như vậy, và do đó sẽ loại bỏ sự phụ thuộc một chiều vì lợi ích của đa dạng hóa thông minh, vốn đòi hỏi sự thận trọng và thực dụng.”
Sự phụ thuộc đầy rủi ro
Nhà lãnh đạo Đức nói rằng kim ngạch thương mại Trung-Đức là “đáng kể”, khi không có nguy cơ về “độc quyền nguy hiểm”. Đồng thời, ông cũng cảnh báo về “sự phụ thuộc đầy rủi ro” trong các lĩnh vực như nguyên liệu thô quan trọng, đất hiếm, và công nghệ tân tiến, đồng thời cam kết giảm thiểu sự phụ thuộc của Đức.
Ông tiếp tục: “Với đầu tư của Trung Quốc vào Đức, chúng tôi sẽ phân biệt dựa trên việc liệu giao thương này có tạo ra hay khiến sự phụ thuộc đầy rủi ro trầm trọng thêm hay không.”
Ông Scholz nói rằng Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh doanh và thương mại quan trọng, đồng thời cho biết thêm rằng “chúng tôi không muốn tách rời khỏi nước này”, đề cập đến khái niệm cắt đứt hoàn toàn mối bang giao. Nhưng ông nói thêm rằng một mối liên hệ tương hỗ giữa Đức với Trung Quốc trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường và sự chắc chắn về mặt pháp lý cho công dân Đức là còn “quá xa vời”.
‘Giải quyết xung đột một cách hòa bình’
Ông Scholz cho biết Đức sẽ tìm kiếm sự hợp tác khi điều đó nằm trong lợi ích của cả hai nước nhưng Berlin sẽ “không bỏ qua những tranh cãi”.
“Chính sách của chúng tôi phù hợp với mục tiêu duy trì trật tự dựa trên luật lệ, giải quyết xung đột một cách hòa bình, bảo vệ nhân quyền và quyền của người thiểu số, cũng như bảo đảm thương mại thế giới được tự do và công bằng,” ông Scholz viết.
Ông Tập đã nhiều lần bác bỏ những lời chỉ trích về các vấn đề như nhân quyền ở Trung Quốc và tìm cách duy trì mối liên hệ kinh doanh chặt chẽ với Âu Châu khi mối bang giao với Hoa Thịnh Đốn ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt là xung quanh vấn đề Đài Loan.
‘Hung hăng hơn ở hải ngoại’
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gần đây đã cảnh báo rằng Bắc Kinh quyết tâm giành quyền kiểm soát quốc đảo tự quản Đài Loan, có khả năng bằng vũ lực, với một “tiến trình thời gian nhanh hơn nhiều” so với những gì được dự đoán trước đây.
Ông Blinken đưa ra nhận xét này hôm 17/10 tại một sự kiện do Viện Hoover và Đại học Stanford đồng tổ chức, nơi ông nói rằng Trung Quốc dưới thời ông Tập đã trở nên “áp chế hơn ở trong nước” và “hung hăng hơn ở hải ngoại”.
Tuy Hoa Kỳ chấm dứt bang giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979 và chuyển sang công nhận Bắc Kinh theo chính sách “Một Trung Quốc”, Hoa Thịnh Đốn vẫn duy trì mối bang giao không chính thức bền chặt với hòn đảo tự quản và bị ràng buộc về mặt pháp lý để cung cấp cho đảo quốc này những vũ khí cần thiết để tự vệ.
Ông Blinken cho biết chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan đã được quản lý tốt và theo cách tránh xung đột với Bắc Kinh, đồng thời cho phép người dân Đài Loan “thực sự phát triển”. Ông nói thêm rằng tình hình này hiện đang thay đổi.
Ông Blinken nói: “Thay vì tuân thủ hiện trạng đã được thiết lập theo hướng tích cực, Bắc Kinh đưa ra một quyết định căn bản rằng hiện trạng này không còn được chấp nhận và quyết tâm theo đuổi việc tái thống nhất với một tiến độ nhanh hơn nhiều.”
“Và nếu các biện pháp hòa bình không hiệu quả, thì họ sẽ sử dụng các phương tiện cưỡng chế và có thể, nếu biện pháp cưỡng chế không hiệu quả, có thể là các biện pháp cưỡng bức — để đạt được các mục tiêu của họ.”
‘Chiến tranh chiếm Đài Loan’?
Ông Austin Bay, một đại tá đã về hưu trong Lực lượng Trừ bị của Lục Quân Hoa Kỳ và là giáo viên về chiến lược và lý thuyết chiến lược tại Đại học Texas–Austin, đã lập luận trong một bài báo gần đây trên The Epoch Times rằng Trung Quốc đã trở nên táo bạo hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu của mình bằng các phương tiện quân sự.
“Phục hồi nền kinh tế Trung Quốc không phải là ván bài của ông Tập. Chiến tranh mới là mục tiêu của ông Tập, một cuộc chiến nhằm chiếm Đài Loan dẫn đến một cuộc chiến lớn với Hoa Kỳ,” ông viết.
“Như ông Tập tính toán, với sự không may mắn của chính phủ Tổng thống Biden, cuộc chiến này sẽ kết thúc trong bế tắc. Khi sự yếu kém của Mỹ bộc lộ ra, các đồng minh Á Châu của Mỹ phải quỳ phục Bắc Kinh và Trung Quốc của ông Tập sẽ thống trị ở Đông Á.”
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times