Thủ tướng Campuchia ra lệnh cho lực lượng vũ trang ‘phá hủy’ vũ khí của Hoa Kỳ
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang thu thập tất cả vũ khí quân sự do Hoa Kỳ sản xuất được tìm thấy ở nước này và “phá hủy” hoặc giữ chúng trong kho, sau khi Hoa Kỳ áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia vì ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc tại đây.
Hôm 08/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố lệnh cấm vận, với lý do lo ngại về tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở Campuchia, cũng như “ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ngày càng sâu sắc.”
Mục đích của lệnh cấm vận này, vốn sửa đổi Quy chế về Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR), là để bảo đảm rằng “các mặt hàng quốc phòng và dịch vụ quốc phòng” được ấn định để nhập cảng hoặc xuất cảng bởi Campuchia sẽ không được thực hiện nếu không có sự bình duyệt và chấp thuận trước của chính phủ Hoa Kỳ.
Thủ tướng Campuchia đã chỉ trích Hoa Kỳ vì hành động này, nói rằng đó là “một thông điệp cảnh báo” từ Hoa Kỳ gửi tới thế hệ tiếp theo của người Campuchia rằng không được sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất nếu họ muốn bảo vệ nền độc lập của đất nước này.
Hôm 10/12, ông Hun Sen viết trên Facebook như sau, “Tôi muốn ra lệnh cho tất cả các lực lượng vũ trang rà soát khẩn cấp các loại vũ khí và thiết bị quân sự mà Campuchia đang sử dụng và thu thập tất cả vũ khí và vật liệu quân sự của Hoa Kỳ, nếu tìm thấy, hãy cất chúng vào nhà kho hoặc phá bỏ.”
Ông Hun Sen tuyên bố rằng hầu hết các quốc gia sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất đều đã thua trong các cuộc chiến tranh, trích dẫn lời Tướng Lon Nol của Campuchia được Hoa Kỳ hậu thuẫn, người bị Khmer Đỏ lật đổ vào năm 1975, và sự sụp đổ gần đây của chính phủ Afghanistan.
Ông nhận xét: “Quyết định của tôi không mua vũ khí từ Hoa Kỳ là hoàn toàn đúng đắn đối với quốc phòng của Campuchia.”
Lời tuyên bố của ông Hun Sen được đưa ra cùng ngày khi cố vấn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet gặp các thành viên của [tổ chức] xã hội dân sự Campuchia để nói chuyện về vấn đề nhân quyền, môi trường, điều kiện lao động, và tự do báo chí ở Campuchia.
Trong một bài đăng trên Twitter, ông Chollet nhấn mạnh rằng “thúc đẩy tôn trọng nhân quyền là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở Campuchia và trên toàn thế giới.”
Phó Giám đốc khu vực Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Phil Robertson cũng thúc giục ông Chollet yêu cầu Thủ tướng Hun Sen “chấm dứt cuộc đàn áp đang mở rộng nhanh chóng đối với các đối thủ chính trị” đã dẫn đến “các vụ bắt giữ trên diện rộng, các phiên tòa xét xử hàng loạt, [và] truy quét ráo riết những người tị nạn được xác nhận ở hải ngoại.”
Tháng trước, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai thành viên cao cấp của Bộ Quốc phòng Campuchia, ông Chau Phirun và ông Tea Vinh, vì tội tham nhũng.
Trong một tuyên bố, bộ ngân khố đã cáo buộc rằng vào năm 2020 và 2021, ông Chau Phirun đã âm mưu cùng với ông Tea Vinh và các quan chức Campuchia khác để tăng chi phí của một dự án xây dựng và mở rộng tại các cơ sở của Căn cứ Hải quân Ream, và sau đó lên kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ dự án này để phục vụ lợi ích riêng của họ.
Các quan chức Hoa Kỳ lo ngại rằng việc xây dựng Căn cứ Hải quân Ream ở thành phố Sihanoukville sẽ được sử dụng để tạo điều kiện cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia.
Bản tin có sự đóng góp của Katabella Roberts
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: