Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Hoa Kỳ sẽ tài trợ cho việc tái thiết Ukraine bằng các tài sản Nga bị tịch biên
Theo một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao, chính phủ Tổng thống Biden đang dự tính tài trợ 400 tỷ USD để tái thiết Ukraine sau khi cuộc xâm lược của Nga kết thúc và biến quốc gia Đông Âu này thành một trung tâm sản xuất năng lượng mới của châu Âu.
Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland cho biết trong bài diễn văn hôm 13/04 tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ, rằng Hoa Kỳ sẽ giúp cung cấp lượng tài chính rất lớn kể trên bằng cách bán tài sản bị tịch thu từ các nhà tài phiệt Nga và cung cấp số tiền thu được cho Ukraine.
Bà Nuland nói, “Chúng tôi sẽ giúp đỡ các thành phố, thị trấn, và làng mạc của Ukraine để những người Ukraine buộc di tản có thể trở về nhà mà không chịu sợ hãi, có thể đoàn tụ với những người thân yêu của họ và quay trở lại làm ăn, trở lại với trang trại của họ, cũng như công việc xây dựng một tương lai dân chủ hòa bình.”
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nỗ lực tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn ít nhất 411 tỷ USD trong thập niên tới, mặc dù bà Nuland cho biết đó là một “con số dè dặt,” cho thấy chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều.
Vì vậy, bà Nuland nói rằng Hoa Kỳ đang làm việc với các đối tác quốc tế của mình để giúp tài trợ cho số tiền rất lớn này bằng cách làm nhiều hơn là chỉ bán đi những hàng hóa bị tịch thu của Nga.
Thật vậy, bà nói, Hoa Kỳ đang đàm phán với cộng đồng quốc tế để cân nhắc sử dụng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng từ Ngân hàng Trung ương Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.
Tuy nhiên, nỗ lực này chắc chắn sẽ gặp trở ngại, vì trước đây Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã thừa nhận có “những trở ngại pháp lý đáng kể” đối với việc tịch biên như vậy.
Hiện tại, 300 tỷ USD tài sản ngoại quốc của ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt được giữ lại ở ngoại quốc, nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của Nga.
Bà Nuland đã kết nối nỗ lực này với sự ủng hộ rộng rãi hơn mà Hoa Kỳ dành cho Ukraine, nói rằng việc tái thiết Ukraine là cần thiết để bảo đảm rằng chủ nghĩa độc tài không lan rộng khắp châu Âu.
Bà Nuland nói: “Người dân Mỹ đã cung cấp những ủng hộ phi thường về quân sự, kinh tế, và nhân đạo cho Ukraine.”
“Tại sao? Bởi vì người dân Mỹ hiểu những rủi ro. Sự việc này có thể là không có cơ hội để sửa sai.”
Ukraine: Tương lai của năng lượng châu Âu?
Hoa Kỳ và các đồng minh cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy quá trình tái thiết Ukraine để có được kết quả chiến lược hơn, và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Laura Lochman cho biết bằng cách tái thiết ngành năng lượng Ukraine, châu Âu có thể thay thế một cách hiệu quả sự phụ thuộc vào Nga của họ.
Bà Lochman nói: “Năng lượng rõ ràng là một yếu tố căn bản của sự phục hồi kinh tế và sự thịnh vượng trong tương lai ở bất cứ đâu.”
“[Tuy vậy, ở Ukraine,] các yếu tố ở đó là hạt nhân, khí đốt tự nhiên, sinh khối. Có những dự án năng lượng tái tạo đã đang tiến hành rồi và cũng có các kế hoạch khai triển năng lượng tái tạo lớn hơn nhiều.”
Vì thế, bà Lochman nói rằng một mục tiêu của tái thiết là biến Ukraine thành “một cường quốc năng lượng cho khu vực châu Âu” sao cho “củng cố an ninh năng lượng của châu Âu.”
Bà nói, bằng cách đầu tư vào phát triển năng lượng Ukraine, Ukraine có thể thu về tới 70 triệu USD mỗi tháng, đồng thời đưa châu Âu tránh xa các cường quốc độc tài gây bất ổn.
“Điều đó sẽ diễn ra với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Ukraine,” bà Lochman nói, “và việc tiếp tục áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn Âu Châu.”
Ông Mark Loughran, chủ tịch Trung và Đông Âu của tập đoàn Honeywell Corporation, nói rằng hành động này là một cơ hội lớn cho cả khu vực công cộng và tư nhân, trong và ngoài Ukraine.
Ông Loughran nói: “Để bắt đầu đưa ra những quyết định về việc tương lai sẽ ra sao, rõ ràng người Ukraine phải được kết nối hoàn toàn với lưới điện Âu Châu và có thể bán điện cho lưới điện Âu Châu.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times