Thư sinh bị bắt xuống Âm Phủ vì tội của ba đời trước, sau khi hoàn dương nỗ lực làm việc thiện
Vào cuối triều đại nhà Thanh, Vương Thọ Kỳ làm gia sư trong một gia đình ở khu Lâu Môn, Tô Châu, Giang Tô, dạy dỗ Trần Công Tử. Cha làm quan ở nơi khác, vì vậy Trần Công Tử sống trong nhà của ông ngoại. Năm 17 tuổi, Trần Công Tử đã rất thông minh, có sở trường về viết văn.
Vào một buổi sáng nọ, Trần Công Tử khóc và nói với lão sư rằng, đêm qua anh ta mơ thấy người mẹ quá cố của mình, bà nói với anh: “Tội ác của con vào ba đời trước lại sắp bị xét xử, ngày mai âm phủ sẽ tra khảo con, khi con nghe thấy tiếng dây xích thì chính là đã đến lúc phải đi rồi. Con phải nói với gia đình là không được di chuyển thi thể của mình, có lẽ vẫn còn cơ hội để về dương thế. Nếu cơ thể bị di chuyển, có thể sẽ không cách nào quay trở lại”.
Vương Thọ Kỳ sau khi nghe xong đã quở trách Trần Công Tử nói lời mê sảng.
Đến đêm hôm sau, khi Trần Công Tử đang đọc sách với Vương Thọ Kỳ thì đột nhiên nói rằng mình nghe thấy tiếng dây xích sắt, đó có lẽ là âm phủ phái người đến để đưa cậu đi. Tuy nhiên, Vương Thọ Kỳ lại không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào.
Trong tích tắc, Trần Công Tử đã ngã xuống đất mà chết, khiến mọi người đều kinh hãi bàng hoàng. Vương Thọ Kỳ cũng giật mình kinh sợ, bất giác nghĩ đến giấc mơ mà Trần Công Tử đã nói. Ông bèn kể lại cho cả nhà nghe, đồng thời dặn mọi người đừng khóc, đừng di chuyển thi thể của Trần Công Tử…
Sau hai, ba canh giờ, Trần Công Tử cuối cùng cũng tỉnh lại. Sau đó, anh ta đã kể lại những gì mình trải qua ở dưới âm phủ.
Trần Công Tử nói rằng khi ngất xỉu, anh bị hai minh tốt áp giải xuống âm phủ, sau đó phải quỳ xuống sảnh đường và bị một người phụ nữ chất vấn. Lúc này, Trần Công Tử mới biết rằng ba đời trước khi anh ta làm thư sinh, sau khi một người bạn đồng học qua đời, anh ta đã ngoại tình với thê tử của người đó, rồi lừa đảo chiếm đoạt hết tài sản, khiến người phụ nữ này uất ức mà chết.
Người phụ nữ này sau khi chết đã kiện với âm phủ. Âm phủ xác minh sự việc và đã cắt bỏ lộc mệnh của người thư sinh, đồng thời phán anh ta sau khi chết sẽ phải đầu thai làm ăn mày ở kiếp sau.
Ở kiếp trước, Trần Công Tử đầu thai làm người ăn mày, có hàng xóm là một vị Cử nhân. Vị cử nhân này thấy cảm thương nên thường bố thí cho anh ta. Những người ăn mày khác thấy vậy thì cũng đến trước cửa nhà Cử nhân để xin bố thí, nhưng do không đạt được ý nguyện nên đã nảy sinh ý định xấu, họ lên kế hoạch bí mật dùng lửa đốt nhà của vị Cử nhân để cướp bóc.
Sau khi Trần Công Tử phát hiện ra, ngoài mặt thì đáp ứng với những người ăn mày khác, nhưng một mặt thì âm thầm thông báo cho vị Cử nhân. Đến ngày động thủ đó, đám ăn mày đang chuẩn bị hành hung trong đêm khuya thì bị người do vị Cử nhân sắp xếp tóm gọn, tất cả đều bị ném vào trong đống lửa.
Trần Công Tử cũng nằm trong số những người bị chết cháy, linh hồn của anh ta lại một lần nữa lang thang xuống âm phủ. Vì anh ta trong tâm vẫn tồn thiện niệm báo đáp ân tình, cho nên phán quan âm phủ bèn tước bổng lộc của vị Cử nhân đã giết người kia và trao nó cho anh ta, đồng thời phán rằng: “Đời này ngươi có thể đăng khoa, làm quan đến ngũ phẩm”.
Vậy là người ăn xin đã chuyển sinh thành Trần Công Tử. Tuy nhiên, người phụ nữ vì anh ta mà chết một cách uất ức, trong tâm không phục, đã nhiều lần kêu oan với Thần Đông Nhạc. Thần Đông Nhạc phán rằng: “Tạm thời hãy xem anh ta trong kiếp này như thế nào rồi định. Nếu anh ta lại phạm tội, vậy thì không ngại đưa ra xét xử”. Mà Trần Công Tử gần đây lại vừa vặn là tâm sinh ác niệm, cho nên đã bị lôi xuống âm phủ.
Ở trên sảnh đường, Trần Công Tử đã rõ luật nhân quả, bèn tranh luận đúng sai với người phụ nữ. Trần Công Tử nói rằng kiếp đó là phu nhân chủ động đến tìm anh ta, còn vị phu nhân thì một mực cho rằng chính gã thư sinh đã dụ dỗ cô trước, hai người tranh luận qua lại không biết ai đúng ai sai. Phán quan bèn sai người lấy Nghiệt Kính soi vào người phụ nữ, quả nhiên nhìn thấy cô ta đã chủ động trêu chọc thư sinh kia, thời gian là ngày 24 tháng 8, năm Ung Chính thứ 13 thời nhà Thanh.
Sau khi sự thật được xác định, phán quan đã kết án người phụ nữ đầu thai thành một con chó, còn Trần Công Tử vẫn sẽ là một người ăn xin trong kiếp sau. Lúc này đột nhiên có tiếng khóc từ bên cạnh sảnh đường, hóa ra là người mẹ đã khuất của Trần Công Tử. Phán quan nói với bà: “Vì con trai bà đã bị tước bổng lộc, nên không cho phép được biết chữ”. Nói xong liền phái âm sai lấy một bát canh và đưa cho Trần Công Tử. Một nửa bát canh đã vào trong miệng của Trần Công Tử, nhưng anh ta chỉ nuốt được ba ngụm vì mùi của nó quá nặng, gan ruột của anh ta như sắp nứt ra. Phán quan liền thả anh ta ra. Mẹ của Trần Công Tử nói với anh ta rằng: “Sau khi con về dương thế, hãy nhanh chóng làm ba trăm việc tốt, có lẽ còn có cơ hội hoán chuyển, còn có thể đỗ tú tài”.
Trần Công Tử lúc này mới có thể hoàn dương. Sau khi anh ta tỉnh dậy thì lập tức mắc trọng bệnh, hơn một tháng sau mới bình phục. Kể từ đó, Trần Công Tử ra sức làm việc thiện. Sau một vài năm, anh quả thực đã đỗ tú tài. Có lẽ nhờ nỗ lực làm việc thiện, mà vận mệnh của Trần Công Tử cũng đã phát sinh cải biến.
Tư liệu tham khảo: “Lý Viên Tùng Thoại”
Lý Tịnh Thành biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: