Thiếu hụt 1 ngàn tỷ USD trong ngân sách địa phương đặt ra rủi ro tăng trưởng rộng lớn hơn cho Trung Quốc
BẮC KINH — Với hầu hết mọi người, 1 ngàn tỷ USD dường như rất lớn. Đó là quy mô của tình trạng thiếu hụt ngân sách mà các tỉnh của Trung Quốc phải đối mặt, làm giảm sức mạnh tài chính của họ để tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế, đồng thời gia tăng rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2023.
Thời điểm là không thể tồi tệ hơn đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, khi nền kinh tế chao đảo dưới sức nặng của rủi ro suy thoái toàn cầu, chi phí hàng hóa tăng cao, căng thẳng địa chính trị gia tăng, và các vụ phong tỏa do COVID-19 lan rộng tại Trung Quốc — làm hỏng bối cảnh của một cuộc họp năm năm mới có một lần của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn đã được tiến hành hôm 16/10.
Các chính quyền địa phương từ lâu đã là mồi lửa cho sự tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng doanh thu bán đất công sụt giảm trong bối cảnh cuộc đàn áp nợ đang diễn ra trong lĩnh vực này đã làm xói mòn nghiêm trọng sức mạnh tài chính của họ — tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay do Trung Quốc tăng trưởng yếu, đạt doanh thu thuế yếu, và có những hạn chế COVID-19 gây tê liệt.
Các chính quyền địa phương cũng phải thực hiện thanh toán nợ trong những tháng tới, làm tăng thêm khó khăn về tài chính và hạn chế khả năng đáp ứng các yêu cầu thúc đẩy chi tiêu của Bắc Kinh. Hiện tại, nhiều cơ quan trong số các chính quyền này đã phải viện đến việc cắt giảm lương, giảm nhân viên, giảm trợ cấp, và thậm chí áp đặt các khoản tiền phạt quá nặng một cách bất cân xứng để đáp ứng sự thiếu hụt ngân sách.
Trong tám tháng đầu năm, 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã báo cáo khoảng cách giữa thu và chi công tổng cộng là 6.74 ngàn tỷ nhân dân tệ (948 tỷ USD). Theo tính toán của Reuters từ dữ liệu của chính quyền địa phương trong thập niên qua, đó là khoảng cách chênh lệch rộng nhất trong khoảng thời gian ít nhất kể từ năm 2012, với các tỉnh đông dân là Tứ Xuyên, Hà Nam, Hồ Nam, và Quảng Đông chịu mức thiếu hụt ngân sách lớn nhất.
Tính riêng rẽ, trong cùng thời kỳ, doanh số bán đất công đã giảm 28.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái xuống còn 3.37 ngàn tỷ nhân dân tệ, tạo thêm sự cấp thiết cho nhu cầu khôi phục sức khỏe tài chính của các công ty địa ốc đang mắc nợ.
Bà Jennifer A. Wong, nhà phân tích của Moody’s, tổ chức đánh giá tín dụng đã dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 sẽ chậm xuống còn 3.5% từ mức 8.1% vào năm 2021, cho biết: “Với tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay, chúng tôi kỳ vọng thâm hụt tài khóa cho các chính quyền địa phương và khu vực vẫn sẽ ở mức đáng kể, phản ánh sự suy giảm tài sản và ảnh hưởng kéo dài của những xáo động do virus corona.”
Trong quá khứ, tình trạng thiếu hụt ngân sách phần lớn được bù đắp bởi các khoản thanh toán chuyển tới từ các cơ quan trung ương và các khoản còn dư từ các năm trước, nhưng các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt có thể hạn chế bất kỳ sự trợ giúp nào như vậy trong khoảng thời gian này.
Các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ cảnh giác với việc giải quyết tình trạng trì hoãn tài khóa này bằng các biện pháp kích thích tiền tệ quy mô lớn, trong bối cảnh làn sóng tăng lãi suất toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát nóng đã khiến lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ tăng vọt, gia tăng chênh lệch lợi suất giữa nợ Hoa Kỳ và nợ Trung Quốc.
Căng thẳng nợ
Ông La Chí Hằng (Luo Zhiheng), trưởng nhóm phân tích kinh tế vĩ mô tại Yuekai Securities, cho biết hạn ngạch trái phiếu kho bạc có thể được tăng lên để một số trong số đó có thể được chuyển giao cho chính quyền địa phương nhằm giảm bớt căng thẳng tài chính.
Tuy nhiên, ông La cảnh báo, họ phải đối mặt với sức ép đối với dòng tiền vốn dĩ đã eo hẹp khi các khoản nợ chính quyền địa phương đáo hạn lên đến đỉnh điểm vào năm 2023 cho giai đoạn 2021–2025.
Ông nói, kết hợp với một số khoản nợ đáo hạn của các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) — các công ty đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng — năm nay và năm tới sẽ là khoảng thời gian căng thẳng nhất cho chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của Moody’s hồi tháng Tám, khoảng 380 tỷ nhân dân tệ trái phiếu LGFV trong nước từ các tỉnh kinh tế yếu hơn sẽ đến hạn hoàn trả trong 12 tháng tới.
Nhà kinh tế học Niếp Văn (Nie Wen) của Quỹ tín thác Hoa Bảo (Hwabao Trust) ở Thượng Hải, cho biết những ràng buộc tài khóa như vậy, cùng với xuất cảng suy yếu, nghi ngờ về sự phục hồi tiêu dùng và những bất ổn bên ngoài, bao gồm cả cuộc chiến Ukraine, sẽ gây thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc củng cố nền kinh tế vào năm 2023.
‘Gánh nặng’
Để nêu bật thêm áp lực về tài chính, các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Chiết Giang cũng như chính quyền thành phố Thiên Tân cho biết họ đã cắt giảm nhân sự do ngân sách tại các cơ quan nhà nước trong những tháng gần đây.
Hơn nữa, một số cơ quan quản lý thị trường cơ sở thậm chí đã áp dụng mức phạt đặc biệt cao đối với các doanh nghiệp nhỏ để tăng doanh thu.
Theo hãng truyền thông tài chính Tài Kinh (Yicai), doanh thu từ tiền phạt và tịch thu của chính quyền địa phương đã tăng 10.4% trong tháng bảy tháng đầu năm so với năm trước.
Chi tiêu bổ sung để ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 cũng đã làm căng thẳng tài chính của chính quyền địa phương.
Căng thẳng tài chính đang ảnh hưởng đến thu nhập của một số gia đình, một cảnh báo đỏ cho tiêu dùng và tăng trưởng rộng hơn.
Một nhân viên họ Cao tại một cơ quan nhà nước ở Trùng Khánh nói với Reuters: “Thu nhập hàng năm của tôi đã giảm 27% xuống còn khoảng 80,000 nhân dân tệ vào năm ngoái, do gánh nặng tài chính địa phương rất nặng nề.”
“Các lãnh đạo của chúng tôi đã rất lo lắng trong những ngày này khi họ nói rằng phân bổ tài khóa hiện tại là không đủ. Vì không có lối thoát, họ đã phải yêu cầu cơ quan tài chính của chính quyền địa phương cung cấp tiền.”
Do Ellen Zhang và Ryan Woo của Reuters thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times