Thiết bị điện là nguyên nhân số 1 gây ra hỏa hoạn, 2 điểm cần chú ý
Thời cổ đại, vào mỗi đêm đều có người gõ mõ cầm canh cảnh báo rằng: “Trời hanh vật khô, cẩn thận củi lửa…”, đến thời hiện đại thì cần phải “cẩn thận thiết bị điện”. Ở nhiều quốc gia, thiết bị điện là nguyên nhân hàng đầu gây ra hỏa hoạn. Vào mùa hè nhiệt độ không khí cao, khi sử dụng các thiết bị điện làm mát thì càng phải cẩn thận.
Điều hòa nhiệt độ, quạt điện, máy bơm nước là nguyên nhân phổ biến gây ra hỏa hoạn vào mùa hè
Các sản phẩm thiết bị điện đã giúp cho cuộc sống hiện đại trở nên thuận lợi hơn, nhưng chúng cũng tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn, ví dụ như sử dụng không cẩn thận có thể gây ra hỏa hoạn.
Ông Thái Tông Hàn, Trưởng ban Dự phòng hỏa hoạn thuộc Cục Phòng cháy chữa cháy thành phố Cao Hùng, Đài Loan, cho biết, các nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn của các thiết bị điện bao gồm: chập mạch điện (chập mạch điện khiến cường độ dòng điện tăng lên đột ngột gấp mấy lần, thậm chí là gấp mấy chục lần, làm cho nhiệt độ tăng lên nhanh chóng), độ nóng quá cao, thông gió tản nhiệt kém, sử dụng không hợp lý (sử dụng không theo quy định, hoặc quên tắt nguồn điện), tiếp xúc kém (bộ phận tiếp xúc quá nóng), vết bẩn tích tụ làm chất dẫn điện, rò rỉ nguồn điện, tĩnh điện v.v..
Ở Đài Loan, thiết bị điện là nguyên nhân đứng đầu gây ra hỏa hoạn, chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy. Khi thời tiết dần dần trở nên nóng hơn, máy điều hòa nhiệt độ và quạt điện sẽ trở thành những nguồn gây cháy phổ biến. Ông Cao Văn Tông, Trưởng phòng Dự phòng hỏa hoạn thuộc Cục Phòng cháy chữa cháy thành phố Cao Hùng cho biết, mùa hè rất thường gặp tình huống bộ phận tản nhiệt của máy điều hòa lắp ở ban công bốc cháy và motor quạt điện bị bụi, kẹt sợi bông khiến dây điện bắt lửa.
Ngoài ra, môi trường ẩm ướt trong mùa mưa sắp tới rất dễ gây ra hiện tượng cảm điện (dòng điện đi qua cơ thể người sinh ra điện giật), còn có thể gây chập điện làm cho thiết bị điện bốc cháy.
Ông Cao Văn Tông nói thêm rằng, mùa hè ở Đài Loan là mùa có nhiều mưa bão, sau khi bão qua đi thường sẽ có tình trạng tạm thời cắt nước, nếu trong nhà người dân có lắp đặt máy bơm nước, khi bị cắt nước thì trước hết nên tắt máy bơm. Vì máy bơm không hút được nước sẽ khiến cho motor chạy không tải, thời gian dài sẽ bốc cháy, đây là một trong những nguyên nhân gây hỏa hoạn phổ biến trong mùa hè. Ông Cao nhắc nhở, bình thường sử dụng máy bơm nước nếu nghe thấy tiếng ồn lớn hoặc ngửi thấy mùi nhựa cháy thì hãy lập tức tắt máy.
Khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện cần chú ý 2 điểm để tránh nguy cơ xảy ra hỏa hoạn
- Dùng vải khô lau phích cắm điện định kỳ. Đặc biệt là phích cắm điện của máy điều hòa nhiệt độ dễ tích chứa bụi bẩn, sợi bông vải, gặp hơi nước sẽ có thể trở thành chất dẫn điện, sẽ khiến hai cực của phích cắm xuất hiện mạch điện kín, hình thành nên hiện tượng bụi bẩn dẫn điện.
- Thường xuyên vệ sinh bộ lưới lọc không khí của máy điều hòa nhiệt độ và động cơ của quạt điện. Bộ lưới lọc không khí của máy điều hòa nhiệt độ nếu lâu không vệ sinh, bụi bẩn sẽ tích chứa lại ảnh hưởng đến quá trình tản nhiệt, tăng nguy cơ nóng cháy. Quạt điện sử dụng thời gian lâu, nếu phát hiện có tiếng ồn rõ ràng, rất có thể là do bụi bẩn và sợi bông vải kẹt vào motor. Vì vậy khi vệ sinh quạt điện, không chỉ cần vệ sinh sạch bụi bẩn ở cánh quạt mà còn cần lau chùi sạch bụi bẩn ở motor quạt và tra dầu bôi trơn định kỳ.
Bên cạnh đó, một số người còn lo lắng vật nuôi bị cảm nắng, nên dù không có người ở nhà cũng bật máy điều hòa nhiệt độ hoặc quạt điện để quạt cho thú cưng. Ông Cao Văn Tông cho rằng, không nên bật các thiết bị điện quá lâu, cần phải cho các thiết bị điện nghỉ ngơi hợp lý, nếu sợ thú cưng bị nóng, có thể cài đặt chế độ hẹn giờ. Lấy ví dụ về máy điều hòa nhiệt độ, đặt nó chạy trong 2 giờ để nhiệt độ trong phòng giảm xuống thì tắt máy, sau đó cài đặt nó hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ ngơi.
Trong những ngày nóng nực, còn phải chú ý đến vấn đề tản nhiệt của thiết bị điện, các thiết bị điện dựa vào tường nên cách tường 10 cm. Khi không sử dụng thiết bị, tốt nhất là rút phích cắm của thiết bị.
Dây điện trần dễ trở thành nguồn dẫn lửa tiềm ẩn
Dây điện nối dài là vật dụng rất phổ biến, nhưng lại là một trong những nguyên nhân thông thường gây ra chập cháy điện, vì vậy cần tránh sử dụng quá nhiều thiết bị điện có công suất lớn trên cùng một đường dây điện.
Ông Cao Văn Tông cho biết, ông không khuyến khích mọi người sử dụng nguồn dây điện nối dài, nếu muốn sử dụng thì khi mua sắm cần chú ý 4 điểm:
- Cường độ dòng điện của dây điện nối dài phải lớn, chẳng hạn như 15A (15 Ampe). Tránh trường hợp tiêu thụ điện năng cao, cường độ tải điện của dây không đủ gây quá tải làm chập mạch điện dẫn đến hỏa hoạn.
- Mỗi ổ cắm điện đều cần có công tắc tắt – mở đi kèm, khi sử dụng thì bật lên, sẽ không sợ quá tải.
- Dây điện không được quá dài nhằm tránh bị vấp, hoặc bị vật nặng đè bẹp. Vì khi dây điện bị uốn cong, bị đè ép dễ hư lớp cách điện, gây chập mạch.
- Mua dây điện có tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Dây điện đặt ngoài trời cần được cách điện và bảo vệ tốt, chẳng hạn như sử dụng ống bọc cách điện bảo vệ dây điện, không nên sử dụng băng keo cách điện vì nó có hiệu quả bịt kín kém. Vì phải tiếp xúc với mưa nắng lâu ngày nên dây điện dễ bị xuống cấp, có thể bị nước vào dẫn đến chập cháy điện.
Các ổ cắm điện ngoài trời cũng cần trang bị nắp bảo vệ để chống bụi và ẩm. Các ổ cắm trong nhà cũng nên tránh xa những nơi dễ bị ẩm ướt, chẳng hạn như phòng tắm.
Cho dù là dây điện ở trong nhà hay ngoài trời, thì càng ít bị lộ ra ngoài càng tốt. Ông Cao Văn Tông chỉ ra rằng “dây điện lộ ra ngoài là nguồn gây cháy tiềm ẩn”, vì vậy tốt nhất nên sử dụng đường ống bằng chất liệu chống cháy bọc ngoài dây điện để bảo vệ, có thể tránh bị vật nặng đè lên và tránh chuột cắn. Ngoài ra, không nên để các chất dễ cháy gần dây điện bị lộ để không làm cháy lan nếu chẳng may bén lửa.
Không để ngọn lửa bùng cháy lớn, tránh xếp các đồ vật dễ cháy gần khu vực có nguồn điện
Nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, cũng cần tránh để ngọn lửa có cơ hội cháy lan thành đám cháy lớn.
Trước hết, cần tránh xếp quá nhiều đồ đạc dễ cháy trong phòng, đặc biệt là gần các thiết bị điện và dây điện lộ ra ngoài; nơi lắp đặt máy tản nhiệt của điều hòa nhiệt độ ở ban công cũng nên giữ thông thoáng. Việc dọn dẹp các đồ vật linh tinh, dễ cháy xung quanh nguồn điện và dây điện có thể làm chậm tốc độ lây lan của đám cháy, tăng thời gian ứng biến và chạy thoát thân.
Bên trong nội thất nên lắp đặt vật liệu chống cháy. Tường gạch, xi măng bê tông và tấm Calcium silicate… là các vật liệu xây dựng chịu lửa tốt, ít nhất có thể chống cháy trong một giờ, nếu không may thế lửa cháy lớn không thể thoát ra ngoài được thì có thể trốn tránh và chờ sự giúp đỡ.
Lắp đặt chuông báo động trong nhà để tranh thủ thời gian thoát hiểm
Trong trường hợp không may xảy ra hỏa hoạn, nếu trong nhà có lắp đặt “còi báo cháy” (còi báo động trong nhà), thì có thể ấn chuông báo động để báo cho những người ở trong nhà tranh thủ thời gian thoát hiểm.
Chuông báo động nên được lắp đặt ở mọi phòng và mọi tầng của ngôi nhà, kể cả cầu thang và hành lang. Ví dụ như nhà ở xây nhiều tầng, nếu chỉ lắp đặt chuông báo động ở phòng khách của tầng trệt, nhưng nếu mọi người nghe nhạc ở trong phòng của tầng 3, thì sẽ không nghe được tiếng của chuông báo động.
Ông Cao Văn Tông giải thích, chuông báo động phát ra âm thanh tối thiểu là 70dB (decibel, đơn vị đo cường độ âm thanh), theo nghiên cứu của Hoa Kỳ, cách mỗi tầng lầu âm thanh sẽ giảm 20dB, nếu đóng cửa lại, tùy theo chất liệu của cửa sẽ giảm từ 10 – 20dB. Muốn làm ồn đánh thức một người, thì ít nhất cần 40dB, nếu người ở trong nhà là người cao tuổi, trước khi ngủ có uống rượu hoặc uống thuốc ngủ, hoặc là đang nghe nhạc, thì sẽ nghe không được âm thanh báo động.
Nếu kinh phí không đủ, ít nhất mỗi tầng lầu cũng nên lắp một chuông báo động và lắp đặt tại vị trí trung tâm của tầng lầu, như ở hành lang ngoài phòng ngủ, và không cách quá xa các phòng khác.
Thiết bị báo cháy được chia thành “loại phát hiện khói” và “loại xác định nhiệt độ”, khu vực thường xuyên có khói bay ra ngoài như nhà bếp, thì nên lắp đặt “loại xác định nhiệt độ”, còn ở phòng khách và phòng ngủ tốt nhất nên lắp đặt “loại phát hiện khói”, vì loại này nhạy cảm hơn.
Theo thống kê từ năm 2009 đến 2013 tại Hoa Kỳ, mỗi 100 chuông báo cháy được lắp đặt, thì tỷ lệ tử vong do hỏa hoạn đã giảm từ 1.18 % xuống còn 0.53 % so với không lắp đặt thiết bị báo cháy, tổng thể là giảm hơn 50%.
Ông Cao Văn Tông nhấn mạnh, chức năng duy nhất của thiết bị báo cháy là thông báo có đám cháy xảy ra, nó sẽ không ngăn được đám cháy xảy ra và không làm chậm quá trình mở rộng đám cháy. Vì vậy, cần phải trở về bản chất ban đầu của chống cháy, đó là ngăn chặn các yếu tố gây cháy, giảm các vật liệu dễ cháy trong nhà và sử dụng vật liệu xây dựng chống cháy.