Thị phần tại Trung Quốc giảm từ 34% xuống 7%: Xe lai sạc điện của Đức dần bị xe nội địa thay thế
Lại một thất bại nữa cho dòng sản phẩm xe điện của Đức. Theo người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Xe hơi thì: “Phía Trung Quốc đang cung cấp nhiều xe chất lượng tốt hơn mà giá lại rẻ hơn.” Nhiều nhà sản xuất xe hơi nổi tiếng đang báo cáo doanh số bán xe lai sạc điện (plug-in hybrid) giảm mạnh.
Dòng xe lai sạc điện được thiết kế với mục đích cho phép người lái chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ điện một cách nhẹ nhàng êm ái. Trong những năm gần đây, các tập đoàn xe hơi lớn của Đức cũng đã phát triển và cho ra mắt một số mẫu xe lai. Tuy nhiên công nghệ bắc cầu giữa hai hệ xe xăng và xe điện này lại đang sụp đổ hàng loạt — ít nhất là đối với các nhà sản xuất xe hơi Đức.
Đầu năm nay (2023), chính phủ liên bang Đức đã hủy bỏ hoàn toàn trợ cấp đối với xe lai ở quốc gia này. Kể từ đó, mảng kinh doanh xe lai của Volkswagen, Mercedes-Benz, và BMW đã bị đình trệ.
Các thương hiệu Đức bị gạt sang một bên
Mặt khác, theo một bản tin từ tờ Handelsblatt: ở Trung Quốc, cuộc bùng nổ xe lai chỉ mới bắt đầu, nhưng lại không có sự tham gia của các nhà sản xuất xe hơi Đức. Doanh số bán xe lai sạc điện ở khu vực Viễn Đông đã tăng gần gấp sáu lần, đạt tới 1.3 triệu xe kể từ năm 2020. Doanh số của hãng Volkswagen vẫn ở mức 36,000 chiếc, trong khi BMW mất tới 39%. Đối với hãng Audi, tình trạng còn thê thảm hơn, công ty con của Volkswagen này đã bị sụt giảm một nửa doanh số.
Theo Automobilwoche, phát ngôn viên của Audi cho biết: “Chúng tôi đang để lại thị trường xe lai sạc điện cho các nhà sản xuất nội địa (Trung Quốc).” Ông cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ mẫu xe lai sạc điện nào ở Trung Quốc nữa.” Yếu tố chính cho quyết định nhanh chóng này là doanh số bán các mẫu xe lai sạc điện đã sụt giảm đáng kể.
Chỉ có Mercedes-Benz và Porsche là tăng nhẹ ở Trung Quốc. Thị phần của các hãng sản xuất Đức trong các dòng xe lai sạc điện đã giảm từ 34% xuống còn 7%. Hoạt động kinh doanh của họ đã bị các nhà sản xuất Trung Quốc như tập đoàn BYD, Li Auto, và Aito tiếp quản. Các công ty này chiếm tới ¾ doanh số xe bán ra. Riêng tập đoàn BYD có thị phần lớn nhất vào năm ngoái với 62%.
Thị phần của xe lai sạc điện (plug-in hybrid, PHEV) tại Trung Quốc được phân chia giữa các nhà sản xuất lớn như sau:
- Volkswagen: 2.8%
- BMW: 1.3%
- Mercedes: 2.2%
- Audi: 0.2%
- Porsche: 0.7%
- Li Auto: 11%
- BYD: 62%
- Các nhà sản xuất khác: 19.8%
Thị phần xe lai sạc điện dựa theo các nhà sản xuất tại Trung Quốc năm 2022. (Biểu đồ: The Epoch Times, Dữ liệu: Handelsblatt)
Giảm giá để tăng doanh số
Các chuyên gia không ngạc nhiên trước xu hướng phát triển này. Ông Ferdinand Dudenhöffer, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Xe hơi cho biết: “Phía Trung Quốc đang cung cấp nhiều xe chất lượng tốt hơn mà lại giá rẻ hơn.” Mặt khác, người Đức đã định vị bản thân trong thị trường một cách quá khắc sâu rằng họ là những người cầu toàn đối với động cơ đốt trong. Phía Đức chưa được thị trường tin tưởng về xe điện. Các mẫu xe cạnh tranh của Trung Quốc đã khiến xe Đức bán chậm hơn.
Theo báo Merkur, các nhà sản xuất Volkswagen và BMW hiện đã phản ứng trên khắp Trung Quốc với việc giảm giá rõ ràng lên tới vài ngàn euro cho dòng xe lai sạc điện (PHEV) của họ. Như là một phần của chiến dịch giảm giá, tập đoàn Volkswagen hiện đang cung cấp mẫu xe Stromer ID.4 Crozz và ID.6 Crozz với mức giá thấp hơn nhiều.
Mức giảm giá là khoảng 40,000 nhân dân tệ cho mỗi chiếc xe, tương ứng với mức giảm giá gần 5,500 euro. Theo Volkswagen, các ưu đãi tại Trung Quốc có thời hạn nhưng hãng này lại không đưa ra ngày hết hạn. Các chuyên gia kỳ vọng rằng, giá sẽ không tăng trở lại trong thời gian tới do thị trường cạnh tranh cao.
Hãng BMW còn giảm giá nhiều hơn nữa. Công ty có trụ sở tại München này dường như cảm thấy bắt buộc phải giảm giá hơn 100,000 nhân dân tệ ở quốc gia Viễn Đông này. Theo đó, mẫu sedan điện i3 hiện rẻ hơn khoảng 13,500 euro so với trước đây. Nếu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt khi mua xe mới thì còn có thể giảm giá nhiều hơn nữa. Do đó, giá thực của chiếc BMW chạy điện giảm xuống chưa đến một nửa so với giá ước tính ban đầu.
Bùng nổ xe lai ở Trung Quốc
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (China Passenger Car Association) thì trong quý đầu tiên năm 2023, có khoảng 4.3 triệu xe mới đã được bán ra tại thị trường Trung Quốc. Đây là mức giảm 13% so với quý đầu tiên năm 2022, theo thông tin từ Elektroauto-News. Tổng doanh số bán hàng bao gồm 891,000 xe hoàn toàn chạy bằng điện (BEV) và 423,000 xe lai sạc điện (PHEV). Trong quý trước, tỷ lệ BEV và PHEV mới bán ra là khoảng 31%.
Tương tự, tổng doanh số bán xe hơi đã giảm từ 21.3 triệu chiếc vào năm 2021 xuống còn 20.7 triệu chiếc vào năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến doanh số bán xe hơi giảm có thể là do chính sách hạn chế COVID quyết liệt của năm ngoái, chính sách này cũng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và thị trường xe hơi của nước này cũng đang tăng trưởng chậm lại. Một làn sóng tử vong lớn hơn trong vài tháng qua, mà một số chuyên gia đã nói đến, cũng có thể xảy ra.
Bất chấp sự sụt giảm trong doanh số bán hàng tổng thể, thị phần của xe lai sạc điện (PHEV) và xe hoàn toàn chạy bằng điện (BEV) tiếp tục tăng ở Trung Quốc. So với năm 2020, xe lai tăng 490% còn xe điện tăng 339% vào năm 2022. Mặt khác, thị phần của xe động cơ đốt trong đã giảm 19% trong cùng thời kỳ.
Theo Elektroauto News, sự tăng trưởng này là rất đáng chú ý vì Trung Quốc dường như đang thúc đẩy động cơ đốt trong trở lại. Khi giảm một nửa thuế mua hàng (xuống còn 5%), nỗ lực này đang ngày càng trở nên thú vị hơn.
Doanh số bán xe điện và xe lai sạc điện vẫn không bị ảnh hưởng. Thay vào đó, doanh số còn tăng lên vượt quá cả kỳ vọng. Từ tháng Một đến tháng Mười Một ở Trung Quốc đã có 5.74 triệu xe EV được bán ra, tăng 105% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Năm 2021, doanh số bán ra của xe hoàn toàn chạy bằng điện và xe lai sạc điện lên tới 3.31 triệu chiếc. Đó là mức tăng 183% so với năm trước.
Xe lai châu Á đang xuất ngược sang Đức
Khái niệm về xe lai sạc điện rất quan trọng đối với các tập đoàn xe hơi của Đức. Với xe lai, họ có thể tiếp tục sản xuất động cơ đốt trong trong nhiều năm tới và tận dụng hết công suất dây chuyền lắp ráp hiện có.
Tuy nhiên, từ góc độ kinh tế, khái niệm này cũng có những điểm yếu. Do chi phí hoạt động sản xuất cao gấp đôi, xe lai đắt hơn tới 20% so với xe động cơ xăng và dầu diesel đơn thuần. Do đó, chi phí này thường chỉ được thanh toán hết với sự trợ giúp của các khoản trợ cấp từ chính phủ.
Do các mẫu xe lai của Đức hầu hết đều đắt hơn một cách đáng kể nên đây cũng là cơ hội dành cho các nhà sản xuất của châu Á giành thêm thị phần tại Đức.
Do Maurice Forgeng thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức