‘Theo dõi suốt đời’: Trung Quốc không ngừng xóa sổ Thiên An Môn
Cuộc đàn áp chết chóc của Đảng Cộng sản đang cầm quyền [tại Trung Quốc] vào năm 1989 đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn chưa bao giờ kết thúc đối với ông Phan Bảo Lâm (Fan Baolin), người đã ngồi tù 17 năm và cho biết ông đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm ngoái (2020) để thoát khỏi sự giám sát, bao gồm các camera được lắp trong căn hộ của ông và việc gây áp lực lên gia đình ông nhằm ngăn ông hoạt động [nhằm tạo ra những thay đổi] xã hội nhiều hơn nữa.
Ông Phan, người đã tham gia các cuộc biểu tình và sau đó làm việc cho bộ máy an ninh rộng lớn của đảng, đã bị bắt vào năm 1999 vì cung cấp cho các nhà hoạt động ở hải ngoại tài liệu mật về việc giám sát những người Trung Quốc lưu vong ủng hộ dân chủ. Được trả tự do vào năm 2016, ông trở thành một trong số những người vẫn bị thế hệ sau của đảng theo dõi trong nỗ lực xóa bỏ ký ức của công chúng về các cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh.
“Một khi các vị nằm trong danh sách đen của chính phủ Trung Quốc, các vị sẽ bị theo dõi suốt đời,” ông Phan nói với hãng thông tấn AP trước ngày kỷ niệm sự kiện 04/06/1989 diễn ra hôm 04/06/2021, là cuộc tấn công quân sự nhắm vào những người biểu tình. Ông đã nói chuyện tại một quốc gia Á Châu khác và đề nghị không nêu tên quốc gia đó trong khi chính phủ nước đó đang xem xét yêu cầu tị nạn của ông.
Các nhà lãnh đạo đảng đã bỏ tù hoặc đẩy các nhà hoạt động đi lưu vong và phần lớn đã thành công trong việc bảo đảm rằng những người trẻ tuổi ít biết về [biến cố] ngày 04/06 này. Tuy nhiên, sau hơn ba thập kỷ và ba lần thay đổi lãnh đạo, họ không ngừng cố gắng ngăn chặn bất kỳ sự đề cập nào về cuộc tấn công sát hại hàng trăm người và có thể là hàng ngàn người này.
Thân nhân của những người đã thiệt mạng sẽ bị theo dõi và, trước ngày kỷ niệm, một số người sẽ bị giam giữ hoặc buộc phải tạm xa nhà nhằm ngăn họ làm bất cứ điều gì có thể gây chú ý. Các đài tưởng niệm công cộng ở đại lục luôn bị cấm. Các buổi lễ [thắp nến] tưởng niệm đã từng được tổ chức công khai ở Hồng Kông và Macao, là những lãnh thổ của Trung Quốc với ít sự kiểm soát chính trị hơn, nhưng năm nay giới hữu trách đã cấm các sự kiện này.
Cô Vương Á Thu (Yaqiu Wang) thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong một báo cáo tháng này (06/2021) rằng, “Họ chỉ đàn áp nặng nề hơn.”
Sau khi ra tù, ông Phan bị giám sát và hạn chế khi sống ở quê nhà Tây An, nằm ở phía Tây Trung Quốc. Ông cho biết cảnh sát không khuyến khích ông rời khỏi thành phố, theo dõi điện thoại di động và nghe các cuộc gọi của ông.
Để bảo vệ gia đình mình, ông Phan cho biết ông ít liên lạc với họ và không nói gì với họ về các hoạt động của mình. Ông nói rằng ông lo họ có thể bị trừng phạt nếu ông bị buộc tội vì những hành vi sai trái một lần nữa.
Ông cho biết, “Họ tìm kiếm anh chị em của tôi.” Nhà cầm quyền muốn “bắt người nhà thuyết phục tôi, kiểm soát tôi không được tham gia vào chuyện này nữa, không được quen biết những người này nữa.”
Ông Phan cho biết, đối với những người thân khác, “Tôi chủ động giữ khoảng cách với họ.”
Ông chia sẻ, “Vì mọi người đều biết điện thoại của tôi bị theo dõi, vì vậy ngay khi tôi gọi và ngay khi họ trả lời, họ đã rất hoảng sợ. Đây là bầu không khí sợ hãi được tạo ra bởi các chính sách gây áp lực lớn trong nước hiện nay của Đảng Cộng sản.”
Ông Phan nói rằng khi ông đến các thành phố khác vào năm 2017 để gặp gỡ bạn bè, mỗi ngày cảnh sát đều gọi điện để hỏi xem ông đang làm gì. Ông cho biết khi ông tham gia một chuyến du lịch trọn gói ở tỉnh Vân Nam thuộc phía tây nam Trung Quốc vào năm 2018, cảnh sát đã bắt giữ ông và đưa ông trở lại Tây An.
Năm 1989, ông Phan đã cùng hàng ngàn sinh viên từ khắp Trung Quốc tham gia các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng ông đã rời Bắc Kinh vào cuối tháng 05/1989, trước khi quân đội tấn công. Khi mô tả sự kiện này, mắt ông ngấn lệ.
Sau đó, ông Phan học luật và làm chuyên gia tư vấn pháp luật trước khi gia nhập cảnh sát tỉnh Thiểm Tây, thuộc miền tây Trung Quốc. Vào năm 1994, ông được thuyên chuyển đến một cơ quan an ninh nhà nước và được giao nhiệm vụ theo dõi người dân và đọc thư của họ, nhằm tìm kiếm các mối liên hệ có thể có với hải ngoại.
Nhưng ông vẫn nuôi hy vọng về một đất nước Trung Quốc dân chủ.
Theo một tài liệu do ông Phan cung cấp cho AP mà ông nói là bản kết án của mình, ông Phan bị kết tội “cung cấp trái phép bí mật nhà nước ra ngoại quốc” vì đã fax tài liệu của cơ quan an ninh và “bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ” cho một nhóm vận động ủng hộ dân chủ ở Los Angeles. Bản kết án nói rằng ông đã hứa sẽ sử dụng vị trí của mình để chuyển các báo cáo tình báo về nhóm này.
Bản kết án đó không đưa ra chi tiết nào về các tài liệu mà ông Phan bị buộc tội đã làm rò rỉ.
Ông Phan cho biết, “Tôi không làm việc đó vì tiền từ Đài Loan hay chính phủ Hoa Kỳ. Tôi đứng về phía phong trào ủng hộ dân chủ và cung cấp tin tức tình báo cho những người bạn trong phong trào ủng hộ dân chủ.”
Theo Tổ chức Đối Thoại (Dui Hua Foundation) ở San Francisco, là một tổ chức nghiên cứu các nhà tù ở Trung Quốc, trường hợp của ông Phan đã được một bạn tù cũ là ông Triệu Trường Thanh (Zhao Changqing) tiết lộ cho các nhóm nhân quyền vào năm 2007. Sau đó, ông Phan được Tổ chức Đối Thoại và các nhóm nhân quyền khác liệt vào danh sách tù nhân chính trị.
Ông Phan cho biết sau khi được thả, trước những ngày nhạy cảm về mặt chính trị, cảnh sát sẽ dẫn ông đi ăn. Đây là một phần của nỗ lực lớn nhằm theo dõi ông.
Ông nói: “Họ quay trở lại, liệt kê chi tiết cuộc gặp của chúng tôi và báo cáo thường xuyên lên các cấp cao hơn về cái gọi là động lực tư tưởng của tôi trong giai đoạn nhạy cảm và chúng tôi đã tham gia những hoạt động nào.”
Tháng tới (07/2021), ông Phan sẽ bước sang tuổi 57, nhưng ông chưa từng kết hôn hoặc có con. Ông chia sẻ rằng cha mẹ ông đã qua đời trong khi ông đang ở trong tù nhưng ông không hề hay biết cho đến khi được thả, là vào hơn một thập kỷ sau.
Ông Phan cho biết máy quay video đã được lắp đặt để theo dõi căn hộ mà cha mẹ ông đã mua cho ông trước khi họ qua đời. Ông nói rằng điều đó khiến bạn bè lo lắng khi đến thăm ông.
Hiện tại, ông Phan sống trong một căn hộ với chiếc giường gấp và một cây quạt trong khi chờ đợi thông tin về đơn xin tị nạn của mình. Ông đã trở thành một Cơ đốc nhân và giết thời giờ bằng cách đọc Kinh thánh trên điện thoại di động.
Ông Phan cho biết trong hai năm đầu tiên ra tù, ông hiếm khi ra ngoài vì “thế giới này rất xa lạ.”
Ông Phan nói rằng, năm 2019, khi ông đến thăm Bắc Kinh vào dịp kỷ niệm 30 năm cuộc biểu tình Thiên An Môn, cảnh sát đã gọi điện từ Tây An và lệnh cho ông trở về nhà.
Ông cho biết mình không nói với ai sau khi quyết định rời khỏi Trung Quốc. Ông đã vứt chiếc điện thoại di động của mình để ngăn nhà cầm quyền sử dụng nó nhằm theo dõi ông. Ông tìm đường đến biên giới phía Nam và băng qua biên giới đó.
Ông nói: “Tôi sẽ không trở lại Trung Quốc nữa. Đây là con đường một đi không trở lại.”
Do Joe McDonald và Dake Kang của The Associated Press thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: