Thay đổi cuộc đời nhờ tầm nhìn và lối sống tối giản
Bạn có để ý rằng chủ nghĩa tối giản và lối sống gọn gàng đang trở nên thịnh hành ngày nay. “Ít hơn thì tốt hơn” (less is more) là khẩu hiệu được ưa chuộng.
Các chương trình mới trên Netflix. Những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times. Những trung tâm quyên tặng đồ quá tải. Những bức ảnh về những “cuộn” quần áo gọn gàng chiếm lĩnh trên Instagram. Một động từ mới, “Kondo-ing”, đã ra đời.
Không phải ý tưởng sống với ít thứ hơn và những lợi ích của nó là một khái niệm mới. Hàng nghìn năm trước, một triết gia theo trường phái khắc kỷ người Hy Lạp là Epictetus đã kết luận rằng: “Sự giàu có không đến từ việc sở hữu thật nhiều, mà là buông bỏ bớt những dục vọng.” Chỉ là nền văn hóa ngày nay, hoặc ít nhất là một bộ phận, cuối cùng đã bắt đầu thực hành nó.
Một chặng đường hướng tới cuộc sống tối giản
Chuyến đi tới phong cách sống tối giản của gia đình tôi có khởi đầu thật thuận lợi.
4 năm trước, chúng tôi chuyển hướng động lực sống của mình từ tích trữ và tiêu dùng thật nhiều sang theo đuổi ý nghĩa và mục đích sống.
Lần đầu tiên nghe thấy khái niệm chủ nghĩa tối giản, chúng tôi bị thu hút. Ý tưởng về việc trút bỏ tài sản và sống một cuộc đời nhẹ nhàng hơn thật hấp dẫn.
Nhưng sau khi cho những cửa hàng giá rẻ đồ đạc hoặc vứt bớt chúng đi, chúng tôi cảm thấy bản thân như quay về điểm xuất phát: có ít đồ hơn nhưng trong tâm không khởi phát mong muốn thay đổi sâu rộng.
Nhân tố đưa chúng tôi đến sự thay đổi và niềm hạnh phúc là cố gắng tìm ra mục đích sống và tầm nhìn rộng lớn hơn cho cuộc đời mình. Chúng tôi tập trung vào “đích đến” và theo đuổi nó bằng “phương tiện” là sự tối giản.
Chủ nghĩa tối giản là phương tiện đến đích
Tiêu dùng đòi hỏi sự trao đổi và cái giá lớn nhất của nó chính là thời gian.
Chi phí của những chiếc áo khoác mới hay một đôi giày không chỉ được tính bằng những đồng đô-la hay những đồng xu, bởi chúng còn lấy đi thời gian và công sức của bạn để kiếm được số tiền đó.
Theo dõi các phương tiện truyền thông nghĩa là bạn phải từ bỏ những khoảnh khắc mà có thể dành cho những hoạt động ý nghĩa hơn.
Sắp xếp và tổ chức lại đống đồ sẽ cướp đi nguồn năng lượng tinh thần và thể chất vốn dành cho những hoạt động hiệu quả khác của bạn.
Một trong những nhà văn theo chủ nghĩa tối giản đầu tiên, Henry David Thoreau, đã từng viết: “Cái giá của một thứ là khối lượng những gì cần thiết – mà tôi gọi là cuộc sống – để đổi lấy nó, ngay lập tức hoặc trong dài hạn.”
Hay nói cách khác, “những thứ đó” sẽ chiếm dụng thời gian và tâm sức của chúng ta, bóp nghẹt một thứ mà chúng ta không bao giờ lấy lại được, đó chính là “cuộc sống”.
Tất cả những điều này chỉ để nói rằng chúng ta rất dễ bắt kịp bánh xe của chủ nghĩa tối giản mà lại bỏ qua bức tranh toàn cảnh. Và trong trường hợp này, bức tranh toàn cảnh là biết sử dụng lối sống tối giản làm phương tiện để có một cuộc đời viên mãn và ý nghĩa hơn, thay vì coi sự tối giản là cái đích cuối cùng.
Theo kinh nghiệm của tôi, sẽ rất khó theo đuổi lâu dài nếu chúng ta chỉ tập trung vào chiến thuật sống tối giản mà không có mục đích cao cả hơn. Giống như những chế độ ăn kiêng tính số lượng calo, được đánh giá duy nhất bằng lượng calo giới hạn, hiếm khi có hiệu quả. Sự truy cầu chủ nghĩa tối giản bằng cách bỏ bớt đồ đạc sẽ không bền lâu.
Động lực theo đuổi “phương tiện” sẽ không thể duy trì nếu không có mục đích cuối cùng dẫn đường trong tâm. Mục đích cao cả sẽ giúp bạn kiên định trước những khó khăn; đơn giản hóa lối sống của mình, trước những áp lực xã hội chỉ muốn bạn làm khác đi, bản thân nó đã là một thách thức.
Chúng tôi vẫn còn sở hữu rất nhiều đồ. Vẫn thỉnh thoảng bắt kịp xu thế để “sống cho bằng bạn bằng bè”. Vẫn bị khuất phục trước cám dỗ dù chúng tôi hiểu biết hơn. Nhưng trong vài năm qua, chúng tôi đã rõ ràng về sứ mệnh của mình; mỗi khi vấp ngã, chúng tôi có thể đứng dậy, sửa chữa sai lầm và quay trở lại kế hoạch ban đầu. Chúng tôi cũng hạnh phúc hơn và sẵn sàng đón nhận những gì sắp tới.
Với chúng tôi, mang theo tư duy tối giản giúp thúc đẩy sự trải nghiệm với mọi điều. Có ít đồ hơn trong ngôi nhà mình cho phép chúng tôi dành nhiều thời gian với thiên nhiên ngoài kia. Tâm trí chúng tôi ít bị chi phối vì vậy chúng tôi có thể nỗ lực sáng tạo. Mặc dù không đem lại phần thưởng tài chính nhưng chúng khiến chúng tôi thanh thản.
Dù vậy, lối sống đó không phải luôn dễ dàng trước sự cám dỗ của những âm thanh “hãy có nhiều hơn”. Nếu bạn không cẩn thận, nhiều đồ hơn, nhiều ràng buộc hơn và nhiều sự ngổn ngang trong suy nghĩ hơn sẽ thẩm thấu dần con người bạn. Nếu bạn cố gắng tập trung vào việc muốn ít đi, thì có rất nhiều thông điệp trong văn hoá hiện đại nói với bạn rằng ưu tiên của bạn đặt sai chỗ rồi và bạn đã bỏ lỡ những hứa hẹn (sai lầm) của sự giàu có.
Sau khi chịu đựng sự giằng co giữa “nhiều hơn” hay “ít hơn”, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, đúng vậy ít hơn là nhiều hơn. Kinh nghiệm và tri thức cho chúng tôi hiểu rằng con đường dẫn đến sự viên mãn luôn đến từ việc thực hiện những điều khó nhằn. Với mục đích rõ ràng, bạn có thể học cách yêu quãng đường trở thành một người tối giản, cho dù nó có nhiều trở ngại đến đâu.
Như Fyodor Dostoyevsky từng viết: “Bí quyết của sự tồn tại của loài người không phải nằm ở việc sống sót, mà là tìm thấy điều gì đó để sống vì nó.”
Chủ nghĩa tối giản không phải là một liều thuốc vạn năng diệu kỳ. Một ngăn kéo đựng tất gọn gàng ngăn nắp chỉ có thể đem đến sự hài lòng thoáng qua. Nhưng với những ai muốn theo đuổi một sứ mệnh đầy thử thách và đủ đầy trong cuộc đời, tuân theo những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa tối giản là một bước để tìm thấy ý nghĩa. Hạnh phúc không phải là một thứ được bảo đảm, bạn phải chiến đấu để có được nó. Và quá trình vật lộn vì hạnh phúc bắt đầu từ bên trong, với sự cam kết rằng bạn sẽ nghiêm khắc hướng hành động của mình phù hợp với mục đích sống của bạn.
Jay Harrington là một tác giả, một doanh nhân, và điều hành một thương hiệu phong cách sống lấy cảm hứng từ miền bắc Michigan có tên Life and Whim. Ông sống cùng vợ và ba cô con gái nhỏ tại một thị trấn nhỏ. Ông thường viết về chủ đề sống có mục đích và hòa mình với thiên nhiên.
Jay Harrington
Thiên An biên dịch
Xem thêm: