Thận càng khỏe càng sống thọ, 5 bí quyết dưỡng thận theo Đông y
Lời của biên tập viên: Thận khí của con người là có hạn, thuận theo tuổi tác ngày càng cao thì thận khí sẽ ngày càng ít. Nhiều người thận yếu thường ăn thực phẩm màu đen để bồi bổ thận, nhưng bác sĩ Nhất Tăng (Yi Seng) của Phòng khám Trung y Cửu Sinh Viên ở New Zealand cho biết, bổ thận chỉ dựa vào việc ăn uống thôi vẫn chưa đủ.
Nguyên nhân căn bản của thận hư
Thận là gốc rễ của tiên thiên, được thừa hưởng từ cha mẹ, thận khí giống như bình khí, mỗi người sinh ra đều có lượng cố định. Thuận theo tuổi tác ngày càng cao, lượng khí (thận khí) trong bình sẽ ngày càng ít đi, cho nên ai cũng không thể ngăn cản sinh mệnh già yếu. Nếu thay một bình khí khác, thì đó chính là một sinh mệnh mới.
Tại sao có người sống thọ, có những người đoản mệnh? Có người già nhưng vẫn tráng kiện, lại có người chưa già đã yếu? Còn có người có mái tóc đen khỏe, đến già cũng không bạc? Điều này còn phải xem bạn sử dụng “bình khí” như thế nào, là sử dụng mỗi ngày, mỗi bữa hay là vài ngày, nửa tháng mới sử dụng một lần. Khí trong bình có thể sử dụng bao lâu, dùng đủ hay không, chính là phụ thuộc vào điều này.
Sức khỏe của thận quyết định tuổi thọ
Trung y giảng: thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy tạo huyết, biểu hiện ra ở mái tóc, khai khiếu ở tai. Đồng thời Trung y còn giảng: Thận chủ sinh sản, chủ sinh trưởng phát dục; thận chủ thủy, chủ nạp khí, chủ Mệnh môn hỏa; thận chủ cốt…
Chức năng tàng tinh là gốc căn bản của mọi chức năng của thận, thận tàng trữ được tinh thì mới có thể sống thọ. Thận tinh sung túc thì có thể sinh dục, trưởng thành và phát dục, từ đó phát huy các chức năng sinh lý của thận. Cho nên, dưỡng thận chính là giữ gìn tinh khí.
1. Đừng “cậy mạnh”, đừng “khoe khoang kỹ xảo”
Trong “Linh Lan Bí Điển Luận” của “Hoàng Đế Nội Kinh” có viết: “Thận giả, tác cường chi quan, kỹ xảo xuất yên” (Thận là cơ quan làm việc mạnh mẽ, kỹ xảo từ đó mà ra). Điều này đã chỉ rõ thận khí bị tiêu hao như thế nào.
Cậy mạnh háo thắng là con đường nhanh nhất tiêu hao thận khí, “Tôi có liều mạng cũng phải làm” thế này thế kia, chính là đang mở ra “bình khí”. Người mà hàng ngày đều muốn phải “liều mạng” ra để đạt được mục đích gì đó thì rất khó để sống thọ. Kỳ thực, trên đời này không phải tất cả mọi thứ đi tranh là có thể tranh được. Tranh tới tranh lui chỉ sẽ làm tổn hại chính mình, đến khi về già cuối cùng buông tay nhân thế, “liều mạng” chính là kết cục như vậy, chẳng đáng buồn sao? Cho nên mọi việc không nên “cậy mạnh”.
Khoe khoang kỹ xảo cũng sẽ khiến cho thận khí tiêu hao, tục ngữ nói “Biến khéo thành vụng” là rất có đạo lý. Vắt óc tìm mưu kế, chính là đào rỗng tâm (tim), thận tinh cũng khô kiệt, tâm – thận không giao, thì dẫn đến mất ngủ, ngủ không yên, chính là vì như thế.
2. Tiết chế dục vọng
Hoàng Đế hỏi thầy của mình là Kỳ Bá rằng: “Ta nghe nói người thượng cổ đều sống đến trăm tuổi, mà động tác vẫn không hề chậm chạp. Người ngày nay khoảng chừng năm mươi tuổi mà hành động đã chậm chạp suy yếu, là do thời thế khác chăng? Hay là do người đã biến đổi chăng?”
Ý là, con người thời cổ đại sống đến hơn trăm tuổi mà vẫn giống như người trẻ tuổi, con người ngày nay mới khoảng 50 tuổi nhưng đã già rồi, là do đâu?
Kỳ Bá đáp rằng: “Con người thời thượng cổ, họ biết dựa theo quy luật âm dương, điều hòa thân thể, ăn uống chừng mực, sinh hoạt nghỉ ngơi điều độ, không làm bừa cố sức, cho nên thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt, hưởng hết tuổi Trời, sống đến trăm tuổi. Con người ngày nay không như vậy, uống rượu thay nước, ngông cuồng xằng bậy, say rượu rồi vẫn động phòng, dục vọng làm hao kiệt tinh khí, chân khí suy kiệt, không biết tiết chế, chỉ biết thỏa mãn ham muốn nhất thời, sinh hoạt nghỉ ngơi không điều độ, nên mới 50 tuổi đã già yếu.”
Nói rõ ra là: Khi say rượu mà động phòng, vì dục vọng mà không tiếc làm kiệt quệ tinh khí, tương đương với việc chỉ muốn thỏa mãn mà không tiếc sinh mệnh. Từ đó có thể thấy rằng, thủ tiết có thể tích phúc, nhưng người ngày nay có được mấy người có thể giữ vững tiết tháo của mình?
3. Dưỡng sinh phù hợp với bốn mùa
Trong “Tứ Khí Điều Thần Đại Luận” của “Hoàng Đế Nội Kinh” nói: “Ba tháng mùa Đông gọi là bế tàng, nước đóng băng, đất nứt nẻ, không nên quấy nhiễu dương khí. Nên đi ngủ sớm dậy muộn, đợi lúc mặt trời chiếu sáng mới dậy, để cho thần chí tiềm phục ẩn tàng giống như dương khí, làm như thể mình có điều bí mật (tức là để thần khí nội tàng), trong sinh hoạt tránh lạnh lẽo mà tìm ấm áp, đừng để lộ da khiến dương khí tổn mất, ứng hợp với khí mùa đông, là đạo dưỡng tàng khí. Nếu làm ngược lại, sẽ làm hại thận, đến mùa xuân tay chân sẽ bị tê cứng, không đủ sức sống.”
“Nếu không thuận theo đông khí, thiếu âm không ẩn tàng, thận khí bị chìm lấp mà sinh bệnh. Âm dương bốn mùa là gốc của vạn vật. Vì vậy, Thánh nhân xuân hạ dưỡng Dương, thu đông dưỡng Âm, lấy đó làm gốc rễ, cho nên cùng với vạn vật chìm nổi trong vòng sinh trưởng. Ngược với gốc rễ ấy, gốc ắt sẽ đứt đoạn, sẽ hư mà sinh loạn.”
Ý chính là nói, mùa đông phải biết giữ ấm, ban đêm đi ngủ phải biết che ấm thân thể, đóng kín cửa. Có người thích khỏa thân khi ngủ, còn có người thích mở cửa sổ khi ngủ, như vậy khác nào “áo không che thân, của cải lộ ra ngoài”, như thế làm sao có thể tàng thận tinh?
4. Uống nước ấm
Hàn thực (ăn thức ăn lạnh) làm tổn thương dạ dày, đồng thời tổn thương thận, vì “Thận chi phối hỏa ở mệnh môn”, hỏa đều sợ thủy, hàn (lạnh) thuộc thủy, thủy thì khắc chế hỏa. Vì vậy khi ăn cơm, uống nước nên hâm nóng rồi dùng mới thích hợp.
5. Cử chỉ đoan chính
“Lập như tùng, tọa như chung” (Đứng như thông, ngồi tựa chuông). Thân phải giữ ngay thẳng, vì sao? Lục phủ ngũ tạng trong cơ thể con người có mối liên hệ với nhau, ngũ tạng đối ứng với ngũ hành, cả hai có mối quan hệ tương sinh, tương khắc. Phế (phổi) thuộc Kim, thận thuộc Thuỷ; Kim sinh Thuỷ, phế kim sinh thận thủy. Cột sống thẳng có thể làm cho khí của phổi hạ xuống giúp thận tích nước. Người trẻ thì cột sống thẳng, phế khí tự nhiên sẽ hạ xuống bổ thận; người lớn tuổi thì còng lưng, chảy nước dãi khi ăn, nước chảy ra ngoài, mau già yếu.
“Thụy như cung” (Nằm ngủ như hình cánh cung): Khi ngủ thì nằm nghiêng, lưỡi đặt nhẹ lên hàm trên, hội âm nâng lên, như thế sẽ tạo thành vòng tuần hoàn tiểu chu thiên, năng lượng của cơ thể vận chuyển không ngừng, đây chính là con đường trường thọ.
Lời kết:
Nội dung bài viết do Bác sĩ Nhất Tăng cung cấp
Thẩm Thiếu Kỳ biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ