Tham quan Bảo tàng Vàng ở Đài Loan: Hoài niệm những năm tháng dưới ánh vàng kim
Kim Qua Thạch (Jinguashi) ở Đài Loan từng là “khu vực khai thác vàng lớn nhất châu Á” và nổi tiếng hải ngoại. Sau khi thời kỳ phồn thịnh kết thúc, một “Bảo tàng Vàng” đã được thành lập trên địa điểm ban đầu để ghi lại sự thịnh vượng của ngành khai thác mỏ gần 100 năm trước, cung cấp cho mọi người cái nhìn về một thời vàng son đã qua. Đây là một đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của Đài Loan, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau nghe lại những câu chuyện được kể bởi “Bảo tàng Vàng” này.
Tài nguyên khoáng sản được phát hiện ở Kim Qua Thạch
Ngay từ năm Quang Tự thứ 16 thời nhà Thanh (năm 1890), khi Lưu Minh Truyền đang xây dựng một cây cầu đường sắt trên sông Cơ Long, một số công nhân đã tình cờ phát hiện cát vàng dưới sông, từ đó bắt đầu lan truyền truyền thuyết về vàng.
Vào năm 1930, một công ty khai thác mỏ Nhật Bản đã bỏ ra số tiền lớn mua lại mỏ khoáng Kim Qua Thạch, sau đó thành lập nhà máy luyện kim lớn nhất châu Á ở Thủy Nam Động, chính là “di chỉ mười ba tầng” hiện nay, thực chất đó là một nhà máy lớn mười tám tầng. Sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản đã rút khỏi Đài Loan, mỏ này được Công ty Đài Kim (Công ty Khai thác Kim loại Đài Loan) tiếp tục khai thác.
Thủy Kim Cửu (Thủy Nam Động, Kim Qua Thạch, Cửu Phân ) có thể nói là mỏ vàng và đồng giàu nhất Đông Á. Về sau, Chính phủ Quốc dân đã tiếp quản ngành khai thác mỏ và tiếp tục khai thác cho đến khi các mỏ vàng cạn kiệt vào năm 1971, vì vậy họ đành “lấy đồng thay vàng” để duy trì hoạt động của mỏ. Sau đó khi giá đồng quốc tế liên tục giảm, cộng thêm sự cố rò rỉ acid sulfuric, chính phủ đã buộc phải đình chỉ hoạt động khai thác vào năm 1987, cũng từ đó ngành khai thác mỏ đi đến hồi kết.
Hiện nay, bên ngoài Bảo tàng Vàng, quý vị có thể nhìn thấy các công cụ tiện lợi, đường sắt nhẹ và xe đẩy nhẹ mô phỏng thời kỳ Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản. Chúng được xây dựng vào năm Chiêu Hòa thứ sáu (năm 1931) để vận chuyển khoáng sản. Đường Bản Sơn Ngũ Khanh kéo dài sang phải là đến Lục Khanh, kéo dài sang trái đến Cửu Phân, xe đẩy khá dễ sử dụng. Về sau, xe này không chỉ chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa mà còn chở người, giải quyết vấn đề giao thông ở khu vực núi Cửu Phân, trở thành đường liên kết quan trọng giữa Cửu Phân và Kim Qua Thạch.
Kiến trúc truyền thống Nhật Bản: Ngôi nhà “Tứ Liên Đống”
Ở đây chúng tôi sẽ giới thiệu “Tứ liên đống,” đền Kim Qua Thạch và Khách sạn Thái Tử. Sau khi bước qua lối vào không lâu, quý vị sẽ nhìn thấy “Tứ Liên Đống.” Vào những năm 1930, khi các doanh nhân Nhật Bản điều hành ngành khai thác mỏ, đây từng là ký túc xá cho các giám đốc điều hành cao cấp của Nhật Bản và gia đình của họ. Ngôi nhà kiểu Nhật bằng gỗ với sàn trải chiếu tatami toát lên bầu không khí đậm chất Nhật Bản. Trong nhà có máy hát đĩa nhựa, máy khâu bằng sắt, điện thoại bàn kiểu quay số, nồi hấp truyền thống và hầm trú ẩn chống không kích, những thiết bị cổ này thực sự khiến người ta hoài niệm.
Ở bên phải Bảo tàng Vàng có một con đường dẫn đến các bậc thang bằng đá. Đây là lối đi vào đền Kim Qua Thạch, nơi thờ Thần Đại Quốc Chủ, Thần Viên Điền Bì Cổ và Thần Kim Sơn Bì Cổ (các vị Thần trong văn hóa dân gian Nhật Bản).
Các đền thờ Nhật Bản luôn có cổng Torii. Bên ngoài cổng Torii đại biểu cho thế giới trần tục nơi người bình thường sinh sống, còn không gian bên trong cổng Torii đại biểu cho vương quốc của các vị Thần. Ban đầu ở đây có ba cổng Torii, nhưng cổng Torii đầu tiên được làm bằng gỗ nên đã mục nát từ lâu và không còn tồn tại. Vào thời điểm đó, hàng năm đền thờ đều tổ chức một lễ hội theo thông lệ, vào ngày này, tất cả những người thợ mỏ đều được nghỉ, ông chủ sẽ mở tiệc chiêu đãi nhân viên, mọi người đều đắm chìm trong không khí vui vẻ. Đáng tiếc rằng sau nhiều năm không tu sửa, cộng thêm Đệ nhị Thế chiến đã khiến nhiều công trình bị hư hại. Những chiếc đèn lồng đá, nhà vệ sinh, kỳ đài và Thần đạo đều không còn nữa. Các bậc đá Torii cũng như một số cây cột trong phòng thờ và sảnh chính đã bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Khách sạn Thái Tử là một khách sạn tạm thời được xây dựng bởi giới công nghiệp khai thác mỏ Nhật Bản vào năm 1922 để tiếp đãi Thái tử Nhật Bản. Nó có vẻ ngoài trang nhã và một khoảng sân nhỏ. Vị Thái tử này đã lên ngôi và trở thành Thiên hoàng Chiêu Hòa, nhưng đáng tiếc là ông chưa từng ở lại đó. Sau một thế kỷ, bên trong khách sạn đã hư hại và chưa được tu sửa, bởi vậy không thể mở cửa cho du khách tham quan.
Những năm tháng phố núi dưới ánh vàng kim
“Những năm tháng phố núi dưới ánh vàng kim” (Kim tang sơn thành tuế nguyệt) là một bộ phim tài liệu vẽ tay về Thủy Kim Cửu, phim dài khoảng 10 phút và được lồng tiếng bởi diễn viên nổi tiếng Thạch Anh. Nội dung phim mô tả việc rất nhiều người đến Thủy Kim Cửu với ước mơ đãi vàng, thị trấn Kim Qua Thạch nhỏ bé có đến 20,000~30,000 người sinh sống, chỉ riêng phố cổ Kỳ Đường trong những ngày lễ có đến 10,000 người. Vì được ban phước có nhiều vàng, vùng núi hoang dã này đã trở thành một khu vực sầm uất, Cửu Phân được xem là “tiểu Thượng Hải,” còn Kim Qua Thạch giống như một “tiểu Ginza” ở Nhật Bản.
Nơi đây rất giàu vàng, dân gian có câu truyền miệng rằng “Thượng phẩm đưa Kim Cửu, thứ phẩm chuyển Đài Bắc.” Những người thợ mỏ lúc làm việc thì trông lôi thôi như ăn mày, nhưng sau giờ làm thì mặc âu phục như quý ông, sau đó đi ăn, xem phim và chơi bida. Người dân ở Thủy Kim Cửu rất thích xem phim, rạp hát Kim Qua Thạch được thành lập vào năm 1912 chính là trường trung học Thời Vũ hiện nay. Ngoài ra còn có rạp hát Đệ Nhất ở Thủy Nam Động được xây vào những năm 1930 và rạp hát Thăng Bình ở Cửu Phân được xây vào năm 1934. Rạp hát Thăng Bình là di tích lịch sử duy nhất được bảo tồn trong số ba rạp hát trên.
Bộ phim còn thuật lại hoạt động hàng ngày của miếu Thổ địa, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng đồng hồ, tiệm hớt tóc, cửa hàng quần áo và đại lý cung ứng v.v. Câu chuyện mà Thạch Anh kể mang tới cho mọi người trải nghiệm về Kim Thủy Cửu thời thịnh vượng nhất.
Trải nghiệm VR không thể bỏ qua
Trải nghiệm VR (Kính thực tế ảo) sống động của Đại địa quán là điều không thể bỏ qua, mỗi lần chỉ có bốn suất và quý vị phải đích thân đến Đại địa quán để đặt lịch hẹn. Video VR sẽ đưa mọi người vào đường hầm của ngọn núi này để làm công việc khai thác trong một ngày. Ở nửa phần sau, quý vị sẽ được bước vào thế giới tưởng tượng của việc đãi vàng, cảm giác vừa đẹp đẽ vừa ảo mộng, quý vị có thể so sánh với bạn bè xem ai có số điểm tích lũy cao nhất.
Một trải nghiệm khác chắc chắn sẽ khiến quý vị phải sững sờ, đó là chứng kiến “kho báu của trấn quán” trong Bảo tàng Vàng, một viên gạch bằng vàng nguyên chất nặng 220kg với giá trị thị trường hơn 400 triệu Đài tệ. Viên gạch vàng này được làm bằng vàng nguyên chất 999 của Ngân hàng Trung ương Đài Loan và đã đạt kỷ lục Guinness thế giới! Đến đây, không chỉ được ngắm nhìn mà còn được chạm tay vào 220kg vàng ròng, đó có lẽ là một kỷ niệm khó quên trong đời.
Bảo tàng vàng giới thiệu chi tiết kho báu đại địa của Kim Thủy Cửu – “mỏ vàng.” Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó. Chúng ta khó có thể hình dung được bao nhiêu mồ hôi nước mắt của những người thợ mỏ đã đổ vào những mỏ vàng khai thác, họ đã ngày ngày vắt kiệt sức lực trong những hang động tối tăm như thế nào để có được những thỏi vàng rực rỡ.