Thẩm phán Texas bãi bỏ kế hoạch xóa nợ sinh viên ‘vi hiến’ của Tổng thống Biden
Kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống (TT) Joe Biden nhằm hủy bỏ hàng trăm tỷ dollar nợ vay sinh viên cho người Mỹ đã bị một thẩm phán liên bang ở Texas bãi bỏ hôm thứ Tư (09/11).
Thẩm phán Địa hạt Hoa Kỳ Mark Pittman, một người được cựu TT Trump bổ nhiệm, cho biết trong một phán quyết dài 26 trang (pdf) rằng kế hoạch này là “một hành vi vi hiến đối với quyền lập pháp của Quốc hội và phải bị hủy bỏ.”
Quyết định của ông được đưa ra nhằm đáp lại một vụ kiện (pdf) do Tổ chức Mạng lưới Người tạo Việc làm (JNCF) đệ trình đại diện cho hai người vay, Myra Brown và Alexander Taylor, hai cá nhân cho rằng đã “bị tổn hại bởi cách tiếp cận điều hành quá mức tùy tiện này.”
Đơn kiện, được đệ trình vào tháng trước, cáo buộc rằng chính phủ đã vi phạm các thủ tục thông báo và bình luận của Đạo luật Thủ tục Hành chính mà thông qua đó, chính phủ đáng lẽ phải tìm kiếm ý kiến đóng góp của công chúng hoặc nhận xét về chương trình trước khi khởi động chương trình.
Họ chỉ đích danh Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và ông Miguel Cardona, trong vai trò chính thức là Bộ trưởng Giáo dục là những bị cáo.
Tòa Bạch Ốc đã lập luận rằng kế hoạch xóa nợ cho sinh viên là hợp pháp theo Đạo luật Cơ hội Cứu trợ Giáo dục Đại học cho Sinh viên (HEROES) năm 2003, cho phép Bộ Giáo dục có thẩm quyền hủy bỏ khoản nợ quá nhiều cho rất nhiều người vì đại dịch COVID-19.
Ông Pittman, trong phán quyết hôm thứ Tư (09/11), nói rằng Đạo luật HEROES không cho phép chương trình xóa nợ cho sinh viên trị giá 400 tỷ USD.
Không có ‘ủy quyền rõ ràng của Quốc hội cho chương trình’
Ông Pittman viết trong phán quyết hôm thứ Tư: “Liệu Chương trình có tạo thành chính sách công tốt hay không không phải là vai trò của Tòa án này để quyết định. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận một cách chính đáng rằng đây là một trong những lần đưa quyền lực lập pháp lớn nhất cho nhánh hành pháp, hoặc một trong những hành động sử dụng quyền lập pháp lớn nhất mà không có thẩm quyền Quốc hội trong lịch sử Hoa Kỳ.”
Ông Pittman nói thêm, “Ở đất nước này, chúng ta không bị cai trị bởi một nhà điều hành toàn năng với cây bút và điện thoại. Thay vào đó, chúng ta được quản lý bởi một Hiến Pháp quy định ba nhánh chính phủ riêng biệt và độc lập… Tòa án này không mù quáng trước sự chia rẽ chính trị hiện tại ở đất nước chúng ta. Nhưng điều quan trọng đối với sự tồn tại của nước Cộng Hòa chúng ta là sự phân lập quyền lực như được nêu trong Hiến Pháp của chúng ta phải được duy trì. Và sau khi diễn giải Đạo luật HEROES, Tòa án cho rằng nó không cung cấp ‘sự ủy quyền rõ ràng của Quốc hội cho Chương trình do Bộ trưởng đề nghị này.’
Hồi tháng Tám, TT Biden đã thông báo rằng ông có kế hoạch hủy khoản nợ vay sinh viên lên tới 10,000 USD cho những cá nhân có thu nhập dưới 125,000 USD mỗi năm hoặc những cặp vợ chồng có thu nhập dưới 250,000 USD mỗi năm. Những người nhận Pell Grant sẽ được xóa nợ thêm 10,000 USD.
Tuy nhiên, chương trình này đã được cập nhật hôm 29/09, giảm đáng kể khả năng đáp ứng điều kiện.
Chính phủ đã quảng cáo kế hoạch này là giúp cứu trợ cho những người Mỹ đang gặp khó khăn dưới gánh nặng hàng ngàn tỷ USD nợ vay sinh viên.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa và các chuyên gia khác lo ngại nó có thể làm tăng nợ quốc gia và gây căng thẳng hơn nữa cho nền kinh tế vào thời điểm lạm phát dai dẳng trên khắp đất nước.
‘Chương trình cứu trợ khoản vay cho sinh viên của Tổng thống Biden là bất hợp pháp’
Bộ Giáo dục ước tính chương trình giảm nợ của TT Biden sẽ tiêu tốn 379 tỷ USD, tương đương khoảng 30 tỷ USD một năm trong 10 năm tới, mặc dù những ước tính đó dựa trên “những giả định không chắc chắn về điều kiện kinh tế và tỷ lệ tham gia trong tương lai.”
Trong một ước tính khác, Văn phòng Ngân sách Quốc hội, một cơ quan liên bang, ước tính chi phí là hơn 400 tỷ USD trong 30 năm tới.
Do đó, một số vụ kiện đã được đệ trình chống lại kế hoạch này và đã bị Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 8 có trụ sở tại St. Louis tạm thời chặn hôm 21/10 trong khi họ xem xét một yêu cầu của 6 tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo để chặn chương trình.
Bà Elaine Parker, chủ tịch của Tổ chức Mạng lưới Người tạo Việc làm, đã hoan nghênh phán quyết của Thẩm phán Mark Pittman vào thứ Năm (10/11).
Bà Parker nói trong một tuyên bố: “Tòa án đã ra phán quyết chính xác ủng hộ kiến nghị của chúng tôi và coi chương trình cứu trợ khoản vay cho sinh viên của Tổng thống Biden là bất hợp pháp. Thẩm phán đã chỉ trích chương trình của Chính phủ Tổng thống Biden, gọi nó là ‘một trong những hành động sử dụng quyền lập pháp lớn nhất mà không có thẩm quyền Quốc hội trong lịch sử Hoa Kỳ.’ Phán quyết này bảo vệ pháp quyền vốn yêu cầu tiếng nói của tất cả người Mỹ phải được chính phủ liên bang của họ lắng nghe.”
Bà nói thêm rằng kế hoạch cứu trợ khoản vay cho sinh viên sẽ không giải quyết được “nguyên nhân sâu xa của việc không đủ khả năng chi trả học phí: các trường đại học tham lam và phình to tăng học phí cao hơn nhiều so với lạm phát năm này qua năm khác trong khi ngồi trên 700 tỷ USD tài trợ. Chúng tôi hy vọng rằng phán quyết của tòa án ngày hôm nay sẽ tạo cơ sở cho các giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng cho vay sinh viên.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times