Thẩm phán nói cựu Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki phải tuyên thệ khi trả lời các câu hỏi
Hôm 21/11, một thẩm phán liên bang đã phán quyết rằng cựu tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki phải đưa ra lời khai.
Bà Psaki, hiện đang làm việc cho MSNBC, sẽ không phải đối mặt với một “gánh nặng quá mức,” Thẩm phán Địa hạt Liên bang Terry Doughty, một người từng được ông Trump bổ nhiệm, đã viết trong một phán quyết dài 7 trang.
Hồi tháng Mười, ông Doughty đã ra lệnh cho bà Psaki, các cựu quan chức và những người đương nhiệm trong chính phủ ông Biden phải tuyên thệ khi trả lời các câu hỏi vì bằng chứng được đưa ra cho thấy họ đã thông đồng với các đại công ty công nghệ để kiểm duyệt người dùng.
Các nguyên đơn trong vụ kiện nói rằng những tuyên bố công khai của bà Psaki về việc chính phủ gây áp lực buộc Facebook và các công ty khác phải dập tắt những tin giả và thông tin sai lệch và cấm người dùng cho thấy cá nhân bà ấy đã biết rõ về sự liên lạc giữa các quan chức và giám đốc điều hành của các đại công ty công nghệ lớn (Big Tech). Ông Doughty đồng ý rằng các nguyên đơn “đã chứng minh được rằng cá nhân bà Jennifer Psaki đã biết rõ về vấn đề kiểm duyệt trên mạng xã hội khi liên quan đến COVID-19 và các vấn đề xoay quanh COVID-19.”
Ông cũng nói rằng “bất kỳ gánh nặng nào đối với bà Psaki đều không quan trọng bằng sự cần thiết xác định xem liệu tự do ngôn luận có bị đàn áp hay không.”
Bà Psaki đã tìm cách hủy bỏ trát đòi hầu tòa này, nói rằng nó sẽ gây ra gánh nặng quá mức cho bà vì bà sẽ cần dành vài ngày để chuẩn bị và tham gia vào việc lấy lời khai.
Bà Psaki đã đệ đơn kiến nghị lên tòa án liên bang ở Virginia, nơi bà đang sống. Ông Doughty đang ở tại Louisiana.
Thẩm phán Tòa Sơ thẩm Ivan Davis ở Virginia đã từ chối yêu cầu của bà Psaki trong phiên tòa hôm 18/11 và chuyển kiến nghị này cho ông Doughty.
Các biện lý của chính phủ sau đó đã yêu cầu ông Doughty nhanh chóng đưa ra phán quyết đối với kiến nghị này, và nếu ông ra phán quyết chống lại nó, thì hãy hoãn lại phán quyết đó trong khi họ kháng cáo lại.
Trong lệnh mới đưa ra, ông Doughty đã bác bỏ kiến nghị trên cũng như nỗ lực trì hoãn lệnh này.
Ông Doughty lưu ý rằng dù ông đã thừa nhận việc lấy lời khai sẽ tạo gánh nặng cho các quan chức nhưng đã đưa ra các quy tắc liên bang nói rằng những người phản đối trát đòi hầu tòa phải chứng minh một “gánh nặng quá mức,” chứ không chỉ là một gánh nặng.
“Việc phải chuẩn bị cho việc lấy lời khai và đưa ra lời khai đều là những ví dụ về ‘gánh nặng,’ chứ không phải là ‘gánh nặng quá mức.’ Nếu Tòa án nhận thấy bà Psaki phải chịu một gánh nặng quá mức ở đây, thì những ai phải chịu trát đòi hầu tòa để lấy lời khai sẽ có cơ sở để phản đối,” ông Doughty nói.
“Việc chuẩn bị và đưa ra lời khai là một phần trong quy trình bình thường đối với bất cứ người nào bị trát đòi hầu tòa. Nó không phải là một gánh nặng quá mức,” ông nói thêm.
Bà Psaki đã nói trong một tuyên bố: “Đưa ra lời khai trong vấn đề này sẽ cực kỳ nặng nề đối với tôi. Bên cạnh những việc khác, tôi hiểu rằng tôi sẽ cần dành vài ngày để chuẩn bị cho việc lấy lời khai, cũng như tham gia vào việc lấy lời khai, và điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công việc và gia đình của tôi.”
Các nguyên đơn, bao gồm Tổng chưởng lý tiểu bang Missouri của Đảng Cộng Hòa Eric Schmitt và Tổng Chưởng lý Louisiana của Đảng Cộng Hòa, ông Jeff Landry, đã nói rằng kiến nghị của bà Psaki nên bị từ chối bởi vì các tuyên bố của bà “chỉ thể hiện mong muốn mạnh mẽ của tất cả những người phải cung cấp lời khai rằng họ muốn ở một nơi khác.” Các nguyên đơn cho biết họ đã hai lần dời lại việc lấy lời khai để cố gắng đáp ứng yêu cầu của bà Psaki, giảm thiểu “gánh nặng hậu cần”.
Kiến nghị xin hoãn lại
Trong khi đó, kiến nghị xin hoãn lại tuyên bố rằng nếu ông Doughty từ chối nỗ lực của bà Psaki, thì ông nên hoãn lại lệnh đó cho đến khi tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết về vấn đề này.
Các luật sư của chính phủ cho biết trong một đề nghị được bà Psaki ủng hộ: “Việc buộc một quan chức cao cấp đưa ra lời khai, vốn không thể đảo ngược ở giai đoạn sau của vụ kiện, gây ra tác hại không thể khắc phục được.”
Một kháng nghị hoãn lại chờ giải quyết có bốn yếu tố, bao gồm cả việc liệu người nộp đơn có bị tổn hại không thể khắc phục được nếu không có lệnh hoãn lại.
Ông Doughty nói rằng cả bà Psaki và chính phủ đều không cho thấy họ có thể sẽ thành công trong cuộc chiến chống lại trát đòi hầu tòa. Ông cũng nói rằng bởi vì không có gánh nặng quá mức cho bà Psaki, nên cũng không có tổn hại nào không thể khắc phục được. Yếu tố thứ ba không áp dụng vì không có bên nào khác có vấn đề.
“Thứ tư, lợi ích của công chúng nằm ở việc xác định xem quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất có bị đàn áp hay không. Do đó, kiến nghị xin hoãn lại việc lấy lời khai của bà Psaki và các bị cáo liên bang BỊ TỪ CHỐI,” ông Doughty cho hay.
Phán quyết này là tổn thất mới nhất đối với chính phủ, vốn đã cố gắng ngăn chặn nhiều cựu quan chức và những người đương nhiệm phải tuyên thệ khi trả lời các câu hỏi.
Gần đây, ông Doughty đã từ chối một kiến nghị hủy bỏ trát đòi hầu tòa đối với ông Elvin Chan, một đặc vụ FBI tại California, người được cho là có tham gia vào các cuộc liên lạc dẫn đến việc Facebook dập tắt câu chuyện thật sự về máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden.
Ông Doughty cũng từ chối một yêu cầu hoãn chờ giải quyết cho các cuộc lấy lời khai của Tổng Y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy, một người được ông Biden bổ nhiệm; Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) Jen Easterly, một người được ông Biden bổ nhiệm; và ông Rob Flaherty, một phó phụ tá của tổng thống.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times