Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ giảm do xuất cảng đạt mức cao kỷ lục
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ giảm mạnh trong tháng Sáu xuống mức thấp nhất trong sáu tháng do xuất cảng đạt mức cao kỷ lục, một xu hướng có thể thấy xuất cảng bổ sung thêm vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 sau khi nền kinh tế thu hẹp trong hai quý liên tiếp trong năm nay, đáp ứng định nghĩa thông thường về một cuộc suy thoái.
Hôm 04/08, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết thâm hụt thương mại giảm 6.2% xuống còn 79.6 tỷ USD do nhập cảng giảm trong khi xuất cảng tăng vọt.
Nhập cảng hàng hóa và dịch vụ giảm 0.3%, xuống còn 340.4 tỷ USD. Xuất cảng tăng 1.7% lên 260.8 tỷ USD, mức cao nhất mọi thời đại.
Thương mại là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ trong quý 2, đóng góp thêm 1.43 điểm phần trăm vào GDP sau khi làm rút sản lượng của Hoa Kỳ trong bảy quý liên tiếp.
Nền kinh tế Hoa Kỳ thu hẹp với tốc độ theo năm là 1.6% trong quý 1 và 0.9% trong quý 2.
Theo nhiều chuyên gia và nhà kinh tế, số liệu GDP âm hai quý liên tiếp là một định nghĩa thực tế phổ biến cho một cuộc suy thoái.
Tuy nhiên, về mặt thể thức, suy thoái ở Hoa Kỳ do một ủy ban gồm các nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) tuyên bố, họ sử dụng một định nghĩa rộng hơn quy tắc hai quý, tức là xem xét một loạt các chỉ số — kể cả việc làm — số liệu vốn đã tiếp tục tăng trưởng, mặc dù thị trường lao động có các dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều tập đoàn Hoa Kỳ đã thông báo về việc ngừng tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên, với số đơn đăng ký trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp của người Mỹ tăng thêm 6,000 lên mức 260,000 đơn hồi tuần trước (25-31/07), theo Bộ Lao động (pdf).
Số đơn đăng ký tiếp tục trợ cấp thất nghiệp, chậm hơn một tuần so với số liệu số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu, đã tăng thêm 48,000 lên 1.42 triệu đơn.
Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Biden đã chộp lấy các tiêu chí của NBER đối với việc tuyên bố suy thoái, nhấn mạnh rằng nền kinh tế không suy thoái, chủ yếu viện dẫn vào sức mạnh của thị trường lao động.
Chỉ số Khốn khổ tăng
Ông Ryan McMaken, một biên tập viên cao cấp tại Viện Mises, cho biết trong một lưu ý gần đây rằng bất chấp những tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói rằng nền kinh tế không suy thoái, thì một thước đo gọi là Chỉ số Khốn khổ (Misery Index) cho thấy điều ngược lại.
Ông McMaken nói: “Rõ ràng, chừng nào NBER vẫn chưa đưa ra ý kiến về việc liệu nền kinh tế Hoa Kỳ có suy thoái hay không, thì Tòa Bạch Ốc sẽ càng tăng cường khẳng định rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tốt và mọi người thực sự nên ngừng phàn nàn.”
Ông nói thêm: “Mặc dù Tòa Bạch Ốc có vẻ tin rằng mọi thứ khá ổn, nhưng Chỉ số Khốn khổ của Hoa Kỳ cho thấy không phải như vậy.”
Chỉ số Khốn khổ, một chỉ số tổng hợp của tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), đã tăng trong tháng Sáu, lên mức 12.5. Chỉ số cao hơn cho thấy nỗi đau về kinh tế tăng thêm.
Ông McMaken cho biết: “Đó là mức cao nhất kể từ hồi tháng 09/2011, khi nền kinh tế Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ tăng trưởng việc làm và tăng trưởng kinh tế rất yếu sau cuộc Đại Suy Thoái.”
Số liệu Chỉ số Khốn khổ trong tháng Sáu cũng cao hơn mức 11.4 điểm trong cuộc suy thoái trong giai đoạn 2007–2009.
Các chỉ báo suy thoái khác
Các nhà phân tích đã chỉ ra các tín hiệu suy thoái khác, chẳng hạn như sự đảo ngược của đường cong lợi suất.
Ông Jeffrey Gundlach, người sáng lập công ty đầu tư DoubleLine Capital, cho biết trong một bài đăng trên Twitter: “Sự đảo ngược đường cong lợi suất 2 năm/10 năm đang tăng lên. Ở mức 36 điểm cơ bản ngay lúc này. Con đường gian nan đang ở phía trước.”
Một loại chênh lệch lợi suất được theo dõi chặt chẽ khác — mức chênh lệch giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng và 10 năm — đã giảm trong những tháng gần đây, xuống mức chỉ trên 0%, đạt mức 0.04% hôm 01/08, mặc dù mức chênh lệch này đã nhích trở lại 0.21% hôm 03/08.
Toàn bộ tám trong số những cuộc suy thoái gần đây nhất của Hoa Kỳ đều diễn ra trước một sự đảo ngược — hoặc chìm sâu vào vùng âm — của đường cong lợi suất 3 tháng/10 năm.
Ông Nick Reece, phó chủ tịch, bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô và Chiến lược Đầu tư tại Merk Investments, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử rằng NBER có thể sẽ không tuyên bố một cuộc suy thoái.
Ông Reece nói: “Tổng thu nhập quốc nội đã dương trong quý đầu tiên, việc làm được bổ sung hàng tháng trong suốt quý đầu tiên và thứ hai, và những dữ liệu tích cực này có thể sẽ không đáp ứng được mức độ cân nhắc sâu đáng kể của họ.”
NBER xem xét độ sâu của sự suy giảm trong hoạt động kinh tế khi đánh giá liệu nền kinh tế có nên được đánh giá là đang suy thoái hay không, và tổ chức này nói rằng họ cần phải nhìn thấy “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế” trước khi tuyên bố tình trạng suy thoái.
Ông Reece giải thích: “Do đó, GDP thực tế có thể giảm một lượng tương đối nhỏ trong hai quý liên tiếp mà không bảo đảm được tuyên bố cho rằng mức đỉnh đã xảy ra.”
“Nhìn về phía trước, nguy cơ suy thoái vẫn còn cao,” ông nói tiếp và cho biết thêm rằng khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới đang ở mức ít nhất là 40%.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’