Thâm hụt ngân sách của ĐCSTQ đạt gần 1 ngàn tỷ USD
Việc cân bằng tài khóa của chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong ba quý đầu năm 2022 cho thấy nguồn thu từ ngân sách công nói chung của nước này giảm 6.6% so với năm ngoái, trong khi nguồn thu từ ngân sách cấp vốn của chính phủ giảm 24.8% so với năm ngoái, mặc dù chi công tăng lên đáng kể.
Bộ Tài chính Trung Quốc công bố số liệu này hôm 25/10. Doanh thu ngân sách công cộng dồn lên tới 15.315 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.11 ngàn tỷ USD), giảm 6.6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi chi tiêu cho cùng kỳ lên tới 19.039 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.62 ngàn tỷ USD), tăng 6.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản thiếu hụt ngân sách là 3.724 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 510 tỷ USD).
Đối với quỹ chính phủ, doanh thu ước tính là 4.59 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 629 tỷ USD), giảm 24.8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi chi tiêu ước tính là 9.03 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.24 ngàn tỷ USD), tăng 12.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Quỹ chính phủ ở Trung Quốc là tiền được ĐCSTQ thu từ công dân, pháp nhân, và các tổ chức khác cho một mục đích cụ thể mà không phải bồi thường — chủ yếu là cho cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng. Quỹ chính phủ là nguồn thu lớn thứ hai của chính phủ Trung Quốc sau thuế.
Sự thiếu hụt ngân sách dành cho các quỹ của chính phủ là 3.44 ngàn tỷ nhân dân tệ (470 tỷ USD Mỹ), và khi cộng với sự thiếu hụt ngân sách công nói chung, thâm hụt ngân sách của chính phủ ĐCSTQ trong chín tháng đầu năm 2022 là 7.16 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 990 tỷ USD) — nhiều hơn gấp đôi quy mô thâm hụt năm 2021. Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố số liệu vào tháng Hai, đưa mức thâm hụt của chính phủ ĐCSTQ ở mức 3.57 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 489 tỷ USD) vào năm 2021.
Về vấn đề nợ của ĐCSTQ, nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị Tống Duy Tuấn (Weijun Song) nói với The Epoch Times, “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp phải nhiều vấn đề khác nhau, với khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.” Ông Tống có 27 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính của Trung Quốc và chuyên nghiên cứu về cấu trúc kinh tế và chính trị của Trung Quốc.
Ông giải thích thêm: “Theo các số liệu chính thức của chính phủ, thâm hụt đã vượt quá giới hạn thâm hụt chính thức là 2.8%, có nghĩa là tất cả các cấp tài chính đều bị kéo căng đến mức giới hạn. Trong số đó, chi tiêu cho chính sách zero COVID của ĐCSTQ là đáng kể nhất, bao gồm tần suất xét nghiệm acid nucleic tăng lên, và một số nơi gần đây đã ban hành lệnh yêu cầu người dân phải trả tiền xét nghiệm acid nucleic, có nghĩa là chính phủ địa phương đã cạn kiệt mọi nguồn tiền.”
Ông Tống nói, “Sự suy thoái của thị trường bất động sản cũng đã ảnh hưởng đến tài chính đất đai của chính phủ địa phương.”
Sau khi giảm 4.9% vào tháng Tám, doanh thu bán đất của chính phủ ĐCSTQ đã giảm 26.4% so với năm trước vào tháng Chín. Nhiều chính phủ địa phương của Trung Quốc gần đây đã mở rộng các chính sách khuyến khích mua nhà của họ để đối phó với sự yếu kém của thị trường bất động sản.
Theo Học viện Chỉ số Trung Quốc, tính đến hôm 01/11, hơn 300 chính phủ cấp tỉnh và thành phố đã điều chỉnh chính sách của mình hơn 900 lần trong nỗ lực kích thích thị trường bất động sản. Tuy nhiên, với trung bình 90 lần điều chỉnh chính sách mỗi tháng, thị trường bất động sản Trung Quốc đã không đạt được mùa cao điểm bán nhà như mong đợi vào tháng Chín hoặc tháng Mười. Từ tháng Một đến tháng Mười, 100 công ty bất động sản hàng đầu ở Trung Quốc báo cáo tổng doanh thu của công ty là 6.095 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 840 triệu USD), giảm 43.4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán hàng trong tháng 10 giảm 26.5% so với năm ngoái.
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản hôm 02/11. Ông Tống nói, “Đây là một đòn giáng khác đối với ĐCSTQ, vì lãi suất tăng sẽ dẫn đến nhiều vốn Trung Quốc di chuyển ra ngoại quốc hơn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times