‘Thảm họa kinh tế’: Đảng Dân Chủ đối mặt với những lựa chọn khó khăn trước cuộc đình công đường sắt
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn về một cuộc đình công sắp xảy ra của nhân công ngành đường sắt, điều mà các nhà quan sát lo ngại có thể gây ra thảm họa kinh tế cho chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng của Hoa Kỳ.
Trong vài tuần qua, các nghiệp đoàn công nhân đường sắt và các nhà cung cấp dịch vụ đường sắt lớn của Hoa Kỳ đã tham gia vào các cuộc đàm phán về tiền lương cũng như chính sách về số ngày công nghiêm ngặt của ngành đường sắt, nhằm hạn chế nhân công nghỉ bệnh.
Tuy quyền đình công này được công nhận theo luật hiện hành, nhưng công nhân đường sắt sẽ không được phép bắt đầu đình công cho đến hôm 16/09. Về mặt pháp lý thì cuộc đình công này là được phép vì nó rơi vào khoảng thời gian 30 ngày sau khi Ủy ban Khẩn cấp Tổng thống (PEB) đưa ra hướng dẫn cho các cuộc đàm phán, kêu gọi tăng lương đáng kể, hoàn lương, và tiền thưởng.
Tuy nhiên, các nghiệp đoàn đường sắt cho biết công nhân của họ sẽ không bỏ phiếu ủng hộ các khuyến nghị của PEB vì chúng không giải quyết được một trong những điều mà công nhân khiếu nại nhiều nhất: chính sách về số ngày công nghiêm ngặt do nhiều công ty đường sắt lớn áp dụng. Trong khi đó, những công ty này đang mong muốn thông qua các khuyến nghị của PEB, mà theo họ là một thỏa hiệp công bằng.
Trong năm qua, tuyến cung cấp này của Hoa Kỳ đã phải đối mặt với một loạt thách thức và thiếu hụt. Các nhà quan sát lo ngại cuộc đình công của nhân công đường sắt sẽ đẩy lùi bất kỳ tiến bộ nào đã đạt được trong việc khôi phục tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng vẫn còn bất ổn.
Mặc dù các công ty này vẫn còn vài ngày nữa để đạt được một thỏa thuận, hoặc ít nhất là để kéo dài thời hạn đình công, nhưng một số hãng đường sắt đã cắt giảm các chuyến tàu để chuẩn bị cho cuộc đình công — đặt ra áp lực khiến Quốc hội phải hành động nhanh chóng.
Đảng Dân Chủ đối mặt với tình thế khó xử về chính trị
Đối với các thành viên Đảng Dân Chủ, những người từ lâu đã tự cho mình là ủng hộ giai cấp công nhân và ủng hộ nghiệp đoàn, tình trạng hiện nay là một tình thế khó xử cho đảng này. Nếu Đảng Dân Chủ buộc phải ngăn chặn các cuộc đình công tiếp diễn theo luật pháp, thì hành động này có thể sẽ khiến phần lớn các cử tri của họ tức giận trước các trận chiến bầu cử giữa kỳ then chốt; còn nếu họ cho phép tiếp tục đình công, dẫn đến chuỗi cung ứng sụp đổ, thì Đảng Dân Chủ cũng sẽ chứng kiến triển vọng bầu cử nghiệt ngã tương tự từ những cử tri ôn hòa.
Mặc dù một số thành viên Đảng Dân Chủ [tại Quốc Hội] đang chuẩn bị tâm lý để tiến hành lựa chọn đầu tiên [ngăn chặn đình công], nhưng hầu hết Đảng Dân Chủ — bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) — đang hy vọng rằng các nghiệp đoàn sẽ đồng ý hoãn đình công để tiếp tục thương lượng.
Khi bình luận về vấn đề này, bà Pelosi đã cố gắng cân bằng các yêu cầu chính trị mang tính cạnh tranh để duy trì lợi ích cho cả những nghiệp đoàn này và công chúng Mỹ nói chung.
Lần đầu tiên trả lời phóng viên sau khi Quốc hội nhóm họp lại sau kỳ nghỉ hồi tháng Tám, bà đã trả lời câu hỏi về vấn đề này tại cuộc họp báo hôm thứ Tư (14/09), “Tôi đã tham gia vào các cuộc đối thoại với Tòa Bạch Ốc và với những nghiệp đoàn liên quan tới việc này.” “Tất cả chúng tôi đều hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục để không có cuộc đình công thực sự nào.”
Bà tiếp tục: “[Bộ trưởng Lao động Marty Walsh] rất hy vọng rằng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này.”
Bà Pelosi cho biết vấn đề chính gây ra bất đồng là về việc ngày phép nghỉ bệnh cho nhân công.
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc cho biết họ đã chuẩn bị tư tưởng cho khả năng phải sắp xếp lại đáng kể chuỗi cung ứng này để cố gắng ngăn chặn một thảm họa.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (13/09), “Chúng tôi đang làm việc với các phương thức vận tải khác, bao gồm các nhà vận chuyển và xe tải, vận tải hàng không, để xem họ có thể vào cuộc và giúp cho hàng hóa tiếp tục lưu thông một khi tuyến đường sắt này ngừng hoạt động như thế nào.”
Hôm 13/09, Giám đốc điều hành Hội nghị bàn tròn Kinh doanh Joshua Bolten đã cảnh báo rằng nếu cuộc đình công này xảy ra, cả nước có thể phải đương đầu với “thảm họa kinh tế,” một tình huống mà các doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị trước.
Tại Quốc hội, nhiều thành viên Đảng Dân Chủ đang lặp lại ý kiến của bà Pelosi — nhưng chuẩn bị cho khả năng Quốc hội sẽ hành động mạnh mẽ hơn.
Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steny Hoyer (Dân Chủ-Maryland) cho biết hôm 12/09 rằng “nếu cần”, Quốc hội sẽ thông qua luật để ngăn chặn một cuộc đình công.
Đảng Cộng Hòa ủng hộ các công ty đường sắt
Đảng Dân Chủ cũng phải đối mặt với vấn đề rằng có thể Đảng Cộng Hòa sẽ phản kháng tại Thượng viện đối với bất kỳ đề nghị nào đi xa hơn khuyến nghị của PEB. Đằng sau hậu trường, một số thành viên Đảng Dân Chủ đang hy vọng đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn với những công ty đường sắt này theo hướng có lợi cho các nghiệp đoàn, tuy nhiên Đảng Cộng Hòa nói rõ rằng họ đứng về phía những khuyến nghị mà PEB đưa ra, báo trước rắc rối cho các thành viên Đảng Dân Chủ nếu họ hy vọng vẫn được giới lãnh đạo và nhân công nghiệp đoàn ủng hộ.
Hôm 12/09, các Thượng nghị sĩ Richard Burr (Cộng Hòa-North Carolina) và Roger Wicker (Cộng Hòa-Mississippi) đã công bố một nghị quyết của quốc hội sẽ áp đặt các hướng dẫn của PEB đối với các nghiệp đoàn và đường sắt, một nghị quyết phù hợp với hy vọng của những công ty đường sắt này và các nhà vận chuyển của họ.
“Những khuyến nghị của PEB là một giải pháp công bằng và phù hợp cho một quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm, nhưng các nghiệp đoàn lao động đang tiếp tục bắt toàn bộ hệ thống đường sắt cả nước làm con tin để đòi hỏi nhiều hơn,” ông Burr nói trong một tuyên bố về vấn đề này.
Trong tình huống này, có lẽ Chủ tịch Hạ viện Pelosi và các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ sẽ đau đầu khi tranh cãi với nhóm chia rẽ về mặt tư tưởng của họ về một giải pháp có thể được Thượng viện thông qua mà không đi xa đến mức đáp ứng mong muốn của những người cấp tiến.
Các nghiệp đoàn đổ lỗi cho các hãng đường sắt vì sự trì trệ
Cho đến nay, phần lớn các nghiệp đoàn đường sắt — 10 trong số 12 nghiệp đoàn có liên quan — đã đạt được thỏa thuận với các công ty đường sắt của họ hoặc đang trong quá trình hoàn tất các thỏa thuận.
Tuy nhiên, Hội Anh em Kỹ sư Đầu máy và Nhân viên đường sắt cũng như Bộ phận Vận tải SMART, đại diện cho hơn 57,000 nhân công đường sắt chủ chốt, đã không đạt được thỏa thuận và nói rằng họ đang từ chối để đạt được các điều khoản tốt hơn.
Cụ thể, hai nghiệp đoàn này đang đòi hỏi cho người lao động được phép nghỉ việc không lương để đi khám bệnh, nghỉ bệnh, hoặc giải quyết tình huống khẩn cấp trong gia đình. Công nhân làm việc cho các công ty đường sắt từ lâu đã phàn nàn về các chính sách ngày công nghiêm ngặt của các công ty đường sắt, vốn thường khiến những người vi phạm bị phạt theo các chính sách công ty.
Hai nghiệp đoàn không nhượng bộ này cho biết các công ty đường sắt thậm chí đang từ chối đàm phán các điều khoản trên, thay vào đó mong chờ Quốc hội can thiệp vào vụ việc với kết quả có lợi cho các công ty đường sắt, như những gì mà Quốc hội dường như sắp làm trên thực tế.
Nếu Quốc hội thông qua một nghị quyết áp đặt một thỏa thuận đối với những nghiệp đoàn và hãng đường sắt này, ngay cả với một nghị quyết không đáp ứng yêu cầu của nghiệp đoàn, thì nhân công sẽ bị cấm thực hiện một cuộc đình công về mặt pháp lý.
Trong một tuyên bố về khả năng này, các nghiệp đoàn viết: “Các nghiệp đoàn của chúng tôi sẽ không nhượng bộ trước những chiến thuật gây sợ hãi này, và Quốc hội không được nhượng bộ trước những gì có thể được mô tả là khủng bố doanh nghiệp.”
Với sự chia rẽ về tư tưởng giữa các thành viên Đảng Dân Chủ, cuộc tranh cãi giữa thành viên hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, và những cân nhắc về chính sách thực dụng trong một cuộc chiến bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp đến gần, vẫn chưa rõ tình hình này sẽ được giải quyết như thế nào.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times