Thách thức thống trị đất hiếm của Bắc Kinh đòi hỏi ngành tiêu dùng tránh tìm nguồn từ Trung Quốc
Trung Quốc đang đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu cần thiết cho khai thác, tinh chế, đóng gói, vận chuyển, và bán kim loại đất hiếm được sử dụng cho chất bán dẫn, xe điện, và các ngành công nghiệp đang phát triển khác. Cách duy nhất để ngăn chặn sự củng cố vững chắc vị thế thống trị này của Bắc Kinh là các ngành công nghiệp tiêu dùng cần thay đổi các mối liên hệ thương mại của họ và chuyển sang lấy nguồn từ Hoa Kỳ, Úc, và các quốc gia dân chủ khác thay vì Trung Quốc, ngay cả khi thỉnh thoảng họ phải chi trả nhiều hơn, các tham luận viên cho biết tại phiên điều trần do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ tổ chức hôm 09/06.
Lấy chủ đề “Cạnh Tranh Mỹ-Trung Trong Các Chuỗi Cung Ứng Toàn Cầu,” phiên điều trần này đã đưa ra bằng chứng sâu rộng về cách Trung Quốc kiểm soát thị trường toàn cầu có khả năng phát triển trong bối cảnh nhu cầu đối với chất bán dẫn, máy điện toán, sợi quang, xe điện, thiết bị y tế và dược phẩm, cũng như nhiều sản phẩm khác vẫn đang tiếp tục tăng. Các tham luận viên đã biện luận rằng sự thống trị của Trung Quốc thực sự đang vươn xa hơn.
Bà Kristin Vekasi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Maine, cho biết, “Ngày nay, Trung Quốc đang giữ vị trí dẫn đầu trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, từ khai thác, chế biến cho đến khâu sử dụng cuối cùng. Trung Quốc hiện đang kiểm soát 50% đến 60% khai thác đất hiếm toàn cầu, 80% đến 90% thị trường ở giai đoạn chế biến trung cấp, nơi các nguyên tố được tách ra và tinh chế thành kim loại và hợp kim, và ít nhất 60% đến 70% trong sản xuất hạ nguồn cho các sản phẩm như nam châm vĩnh cửu.”
Bà Vekasi lập luận rằng với tình hình đang diễn ra, không có chuyện khả năng quyền lực thống trị sẽ nhường đất cho các địch thủ địa chính trị trong tương lai gần. Các xu hướng hiện tại rất thuận lợi cho việc Trung Quốc tiếp tục kiểm soát.
“Người ta ước tính rằng trong những thập niên tới, nhu cầu đối với đất hiếm sẽ tăng ít nhất từ bốn đến tám lần, đặc biệt là đối với các loại đất hiếm được sử dụng trong nam châm vĩnh cửu như neodymium. Bà Vekasi cho biết nhu cầu gia tăng phần lớn là do các công nghệ xanh”, chẳng hạn như động cơ điện và turbine gió.
Bà Vekasi đã nêu rõ các lĩnh vực như y tế, quốc phòng, và điện tử tiêu dùng là những khách hàng tiêu thụ hàng đầu của kim loại đất hiếm mà trong đó ngành khai thác và tinh chế của Trung Quốc đã chiếm ưu thế.
Mối quan tâm ngày càng tăng
Bà Deborah Rosenblum, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách cơ sở công nghiệp, đã mô tả khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng là một vấn đề “quan tâm hàng đầu” đối với chính phủ Hoa Kỳ, và nói rằng các nỗ lực đang được tiến hành ở nhiều cấp chính phủ để có thể hiểu rõ, và giảm bớt vô số các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.
Bà Rosenblum đã mô tả tình hình hiện tại, phần lớn, là một chức năng của các xu hướng kinh tế phổ biến ở phương Tây trong bảy mươi năm qua.
Bà Rosenblum nói, “Kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, lý thuyết kinh tế thống trị đã được tự do hóa thương mại, [dẫn đến] sự trỗi dậy của Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980 cũng như sự mở cửa của Trung Quốc vào năm 1979.”
Là một phần của những xu hướng này, các nhà cung cấp đã tìm cách để giảm chi phí, và các nhà sản xuất đã theo đuổi việc phân bổ vốn hiệu quả hơn để giảm chi phí lao động, bà Rosenblum cho biết.
Bà nói rằng, “Kết quả chung này là các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp. Sự phát triển của năng lực sản xuất của Trung Quốc không phải ngẫu nhiên.”
Chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực quốc phòng, nơi quân đội Trung Quốc và các công ty ký hợp đồng với lực lượng này đã tận dụng một cách mạnh mẽ vị trí thống trị của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Rosenblum lưu ý: Sản xuất ở Trung Quốc đang chiếm khoảng 25% tổng sản lượng sản xuất của thế giới.
Tiếp tay cho lợi thế công nghệ của Trung Quốc là việc lách luật sở hữu trí tuệ và hành vi trộm cắp hoặc chiếm đoạt tài sản trí tuệ trị giá khoảng 500 tỷ USD mỗi năm của các công ty Trung Quốc, bà Rosenblum nói thêm.
Bà Rosenblum còn chỉ ra một lĩnh vực của cuộc chạy đua công nghệ mà Trung Quốc đang vượt xa Hoa Kỳ — bằng cách tận dụng sự thống trị của kim loại đất hiếm — đó là công nghệ quân sự và lĩnh vực liên quan đến bằng sáng chế. Trong khi Trung Quốc vào năm 2019 đã đạt tổng cộng 544 bằng sáng chế quân sự, thì Hoa Kỳ chỉ đưa ra được 369 bằng.
Bà nói: “Trung Quốc cũng thể hiện vai trò dẫn đầu về bằng sáng chế trong các lĩnh vực liên quan đến khí thải.”
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các công ty đi tiên phong trong các trang thiết bị và thiết bị quân sự ngày càng tinh vi hơn có khả năng sẽ đặt trụ sở tại Trung Quốc.
Bà Rosenblum nói: “Hiện giờ, Trung Quốc đã tự xác lập vị thế của mình qua việc nắm giữ bảy trong số mười lăm công ty quốc phòng hàng đầu thế giới.”
Khó có thể tưởng tượng được viễn cảnh này nếu không có các thị trường khai thác và chế biến kim loại đất hiếm đang có xu hướng nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. Bà Rosenblum nhận thấy không phải ngẫu nhiên mà 18 trong số 37 khoáng sản liên quan đến quốc phòng đều tập trung ở Trung Quốc, 14 loại khoáng sản khác tập trung chủ yếu ở các quốc gia tích hợp chặt chẽ với chuỗi cung ứng của Trung Quốc thông qua các mối liên hệ thâm căn cố đế về chính trị và kinh tế, chẳng hạn như Nga, Brazil, và những quốc gia khác tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh — một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ Mỹ kim được thiết kế nhằm mở rộng sức ảnh hưởng chính trị và kinh tế của nhà cầm quyền Trung Quốc. Ngược lại, chỉ có năm trong số các khoáng sản liên quan đến quốc phòng được tìm thấy phần lớn ở Hoa Kỳ, Canada, và Úc, bà lưu ý.
Bà Rosenblum cũng cho biết thêm: “Khả năng Trung Quốc đưa ra mức giá thấp cho hàng hóa là một thách thức đối với các nhà sản xuất, đặc biệt là những nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp.”
Điều chỉnh trọng tâm của các ngành
Ông Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc Công nghệ và Địa chính trị tại Stiftung Neue Verantwortung, một tổ chức tư vấn chính sách công ở Berlin, đã lập luận rằng việc thay đổi động lực và bảo vệ an ninh của các cường quốc dân chủ sẽ đòi hỏi sự nỗ lực từ phía những công ty là nhà tiếp thị cuối cùng của các sản phẩm được sản xuất từ kim loại đất hiếm.
Ông Kleinhans nhận thấy vai trò của chính phủ, đặc biệt là trong việc thúc đẩy một sự lý giải nguyên lý hoạt động tốt hơn.
Ông nói, “Chúng ta cần đầu tư vào khả năng của chính phủ để có thể hiểu rõ, đánh giá, và xác định các vị trí án ngữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, để bảo đảm rằng, 10 đến 15 năm nữa, các công ty Hoa Kỳ vẫn có lợi thế cạnh tranh khi thiết kế vi mạch bán dẫn.”
Thừa nhận điều này, ông Kleinhans đã đổ lỗi cho cấu trúc nguồn cung cấp lệch lạc có lợi cho Bắc Kinh phần lớn là do “các quyết định mua hàng kém hiệu quả.” Ông lập luận rằng bất kỳ chiến lược nào để di chuyển chuỗi giá trị và tái hỗ trợ sản xuất theo cách làm giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc và thúc đẩy sự độc lập và khả năng cạnh tranh hơn cho Hoa Kỳ và các đồng minh đều phải bao gồm cái mà ông gọi là “các ngành công nghiệp tiêu dùng cuối cùng.” Các tập đoàn tạo nên những lĩnh vực này phải sẵn sàng tìm kiếm nguồn sản phẩm từ chuỗi cung ứng bên ngoài quỹ đạo của Trung Quốc, ngay cả khi điều đó không phục vụ lợi ích kinh tế tức thời của họ.
Ông nói, “Ngành công nghiệp xe hơi, ngành công nghiệp điện thoại thông minh, ngành công nghiệp tiêu dùng cuối cùng cần phải sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, để mua vi mạch bán dẫn từ các quốc gia đồng minh, và ấn tượng của tôi là hiện tại có rất ít cuộc thảo luận về điều đó.”
Bà Rosenblum đã lập luận về việc sử dụng tích cực hơn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, mà bà gọi là “một công cụ vô giá” trong việc phát triển các nguồn thay thế kim loại đất hiếm. Đạo luật này cho phép Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên cho các hợp đồng được coi là công cụ phòng thủ quốc gia. Bộ Quốc phòng cũng phải khuyến khích ngành công nghiệp tư nhân chuyên tâm hơn đối với các nhà thầu phụ mà họ đang sử dụng và tránh bất kỳ mối liên hệ nào có sự tham gia của Trung Quốc. Bà Rosenblum cho biết một nỗ lực như vậy đang được tiến hành trong Lực lượng Vũ trang.
Bà Rosenblum nói, “Chúng tôi đang làm điều này với các nhà cung ứng dịch vụ. Chúng tôi đang làm việc với họ để xác định đâu là các nhà thầu phụ.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).