Tập luyện thể thao có thể ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở giới trẻ
Các nhà nghiên cứu từ Đại học New South Wales (UNSW) và Đại học Québec à Montréal (UQAM) đã phát hiện ra rằng khuyến khích tập luyện thể thao là một cách đơn giản để ngăn thanh thiếu niên và trẻ em không bị cực đoan hóa và sa vào chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Trong các nghiên cứu gần đây do các trường đại học ở vùng Đông Nam Punjab của Pakistan thực hiện, hoạt động thể thao đã cho thấy khả năng xây dựng tính nhạy bén giúp giới trẻ tránh tham gia vào chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực bao gồm các hành vi bạo lực để ủng hộ một hệ tư tưởng, cho dù đó là tôn giáo, xã hội hoặc chính trị. Các nhóm cực đoan bạo lực cũng thường hướng đến những trẻ em bị cô lập, hứa hẹn cho chúng một cuộc sống mới và môi trường có tính cộng đồng.
Quá trình cực đoan hóa của giới trẻ là một vấn đề nghiêm trọng ở Pakistan, nơi đã trải qua rất nhiều biến cố lặp lại khi các nhóm cực đoan nhắm mục tiêu, thao túng và chiêu mộ những người trẻ tuổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng Nam Punjab dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng cực đoan hóa giới trẻ, do điều kiện kinh tế và giáo dục nghèo nàn, khiến trẻ em dễ bị cô lập khỏi xã hội, bị bỏ rơi, phân biệt đối xử, bị tổn thương và/hoặc buộc phải rời đi nơi khác.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hoạt động thể thao có thể nâng cao sức mạnh trong cộng đồng, bằng cách dạy cho những đứa trẻ rất nhiều giá trị tích cực, như tôn trọng người khác, làm việc theo nhóm, sự gan dạ, khả năng giải quyết xung đột, đối xử công bằng và khả năng xử lý vấn đề. Họ cũng dạy trẻ tính trung thực, lòng tôn trọng, tính trách nhiệm và lòng tin, cũng như mang lại cảm giác thân thuộc.
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy hoạt động thể thao cũng giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp trẻ giảm bớt lo lắng và căng thẳng. Ngoài ra, với những trẻ em từng bị chấn thương, tập luyện thể thao cũng giúp giảm bớt triệu chứng về sức khỏe tâm thần.
Ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan ở giới trẻ
Ở Úc và nhiều nước Tây phương như Hoa Kỳ, có ngày càng nhiều các nhóm cực đoan cực hữu nhắm đến mục tiêu cực đoan hóa giới trẻ trên mạng.
Gần đây nhất là ở Úc, tờ Herald Sun đã đưa tin vào ngày 18/08 về việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Clare O’Neil thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh dành cho giới trẻ của Ủy ban Chống khủng bố Úc-New Zealand. Cô nói rằng đất nước này gần đây đã chứng kiến trường hợp một nhóm thanh thiếu niên ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng các kỹ thuật tẩy não để cực đoan hóa trẻ vị thành niên trong sân chơi nhà trường.
“Bằng cách tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những đứa trẻ cô đơn, bị bắt nạt, gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng, nhóm thanh thiếu niên này đã bắt đầu triển khai những thủ đoạn kinh điển để tâng bốc và kết bạn,” Cô O’Niel nói. “Sau đó, nhanh chóng chuyển thành thao túng và ép buộc khi chúng tìm cách làm u mê các nạn nhân bằng việc thể hiện các hình ảnh tuyên truyền ngày càng bạo lực của Nhà nước Hồi giáo. Cuối cùng, chúng đã chia sẻ những video chặt đầu.”
Trong một email gửi tới The Epoch Times, anh Umair Asif, một nhà nghiên cứu của UQAM cho biết, nhờ khả năng phát triển sự gắn kết và mối quan hệ xã hội giữa những người trẻ tuổi, các chương trình thể thao là một cách lý tưởng để giúp giới trẻ thoát khỏi tình trạng cực đoan hóa.
“Những ràng buộc này giúp giới trẻ tránh tham gia vào các hoạt động tiêu cực, ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa, đồng thời giúp các cộng đồng đa dạng thấu hiểu nhau hơn và phát triển sự hòa hợp,” anh Asif nói. “Tương tự như vậy, những giá trị tích cực trong thể thao, chẳng hạn như tinh thần thể thao cũng giúp những người trẻ tuổi chấp nhận những giá trị tích cực trong cuộc sống.”
Thể thao cũng giúp những cá nhân tiêu cực tái hòa nhập
Nghiên cứu sử dụng [dữ liệu từ] hai tổ chức phi lợi nhuận và hai chương trình xã hội cộng đồng, Mặt trận Thanh niên Swat, Tổ chức Phúc lợi Kafka, Chương trình Parvaz e Aman (PeA) và Phát triển Thanh thiếu niên, tập trung vào các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền và cricket để khuyến khích [mối quan hệ] hòa bình giữa các cựu chiến binh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trước khi tham gia chương trình, nhiều thanh niên cảm thấy đơn độc và bị bỏ rơi, thì nay đã tìm thấy mục đích sống và tầm quan trọng [của bản thân]. Nhiều em cũng cho biết, nhờ nhận được sự tôn trọng từ đồng đội, các em đã cảm thấy được đối xử công bằng hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động thể thao có thể giúp những cá nhân bị cực đoan hóa, xa lánh hoặc cô lập một cách ép buộc tái hòa nhập.
“Đôi khi, nhiều người trẻ trở nên cực đoan hóa hoặc tham gia vào các hoạt động tội phạm do bị xã hội cô lập. Đồng thời, các môn thể thao có thể giúp phá vỡ sự cô lập xã hội thông qua tình bằng hữu và sự gắn bó,” anh Asif nói.
Anh lưu ý rằng ý tưởng này cũng đã thành công trong việc tái hòa nhập những binh lính trẻ ở Phi Châu, cũng như những trẻ em được hòa giải ở Nam Hàn và Bắc Hàn.
Anh nói rằng sự gắn kết xã hội có thể giúp ngăn chặn việc tuyển mộ trực tuyến của các nhóm cực đoan. Đồng thời, các chương trình thể thao hồi phục không chỉ khiến trẻ em sau khi ra khỏi trại giam có thể tái hòa nhập cộng đồng, mà còn giúp các tội phạm trưởng thành có thể tái hòa nhập xã hội.
“Vì vậy, đây là ý tưởng có thể áp dụng rộng rãi,” anh Asif nói.
Phản ứng của Chính phủ Úc đối với chủ nghĩa cực đoan bạo lực
Trong một email gửi The Epoch Times, người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết quan hệ hợp tác trong thể thao là một trong những phương pháp mà chính phủ Úc đã và đang sử dụng để tăng khả năng hồi phục và sự gắn kết xã hội trong cộng đồng.
Chính phủ cũng đã dành nhiều nỗ lực để chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực, bao gồm: xây dựng khả năng hồi phục trong cộng đồng, phục hồi và tái hòa nhập những đối tượng cực đoan bạo lực, đưa ra sáng kiến trực tuyến và hỗ trợ chuyển hướng các cá nhân có nguy cơ cực đoan hóa.
Họ cho hay: “Các chương trình can thiệp là một hoạt động quan trọng để những cá nhân có nguy cơ cực đoan hóa thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Chương trình Can thiệp Cùng nhau Chung sống An toàn là một khung chương trình được thiết kế để giải quyết tất cả các hình thức cực đoan bạo lực, gồm cả chủ nghĩa cực đoan bạo lực có động cơ tôn giáo và ý thức hệ.”
“Trên toàn quốc, các tiểu bang và các hạt đã thực hiện những chương trình này, nhằm giới thiệu, đánh giá và hỗ trợ những người có nguy cơ cực đoan hóa trở thành chủ nghĩa cực đoan bạo lực.”
Người phát ngôn nói rằng chính phủ Úc cũng làm việc với các cơ quan của tiểu bang và hạt để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Người phát ngôn cho biết: “Do quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Khối thịnh vượng chung, các chính quyền tiểu bang và hạt là trọng tâm trong cách tiếp cận quốc gia của Úc nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực (CVE).”
“Chính phủ Úc cam kết giữ an toàn cho người dân Úc khỏi tất cả các hình thức cực đoan bạo lực.”
Cực đoan hóa giới trẻ là một trọng tâm của Chính phủ Úc
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cũng cho biết chính phủ Úc hiện đang tập trung đối mặt với những mối đe dọa to lớn và nguy hiểm với cộng đồng. Ví dụ như tình trạng cực đoan hóa giới trẻ trên mạng, sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực dân tộc và phân biệt chủng tộc.
Để giải quyết những vấn đề trên, chính phủ cũng đang thực hiện những hành động cụ thể. Những hành động này bao gồm: thành lập Trung tâm CVE Nghiên cứu Hàng đầu, Đánh giá Rủi ro và Đào tạo, cũng như một chương trình cải tạo và tái hòa nhập quốc gia dành cho những đối tượng cực đoan bạo lực đang bị giam giữ và sống trong cộng đồng.
Người phát ngôn nói rằng Trung tâm CVE, trực thuộc Bộ Nội vụ, sẽ chỉ đạo nghiên cứu quốc gia và đảm bảo những người làm việc tuyến đầu sẽ được tiếp cận với các công cụ và được đào tạo tốt nhất để hoàn thành công việc.
Các hành động khác bao gồm mở rộng Chương trình Can thiệp Cùng nhau Chung sống An toàn đến các khu vực và vùng nông thôn của Úc, tiếp tục nỗ lực chống tuyên truyền khủng bố trực tuyến và cung cấp một Chương trình Tài trợ mới về CVE.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times