Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.27): Câu chuyện ‘Ba đại chiến dịch lấy yếu thắng mạnh’
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
光武興,為東漢,
四百年,終於獻。
魏蜀吳,爭漢鼎,
號三國,迄兩晉。
Âm Hán Việt
Quang Vũ hưng, Vi Đông Hán,
Tứ bách niên, Chung ư Hiến.
Ngụy Thục Ngô, Tranh Hán đỉnh,
Hiệu Tam Quốc, Hất Lưỡng Tấn.
Tạm dịch
Quang Vũ phục hưng, kiến lập Đông Hán,
Qua bốn trăm năm, hết thời Hiến Đế.
Nước Ngụy Thục Ngô, tranh đoạt nhà Hán,
Gọi là Tam Quốc, hết thời Lưỡng Tấn.
Từ vựng
(1) Quang Vũ (光武): hiệu của vua, chỉ Quang Vũ Đế Lưu Tú nhà Hán.
(2) hưng (興): phục hưng, chấn hưng.
(3) vi (為): kiến lập.
(4) Đông Hán (東漢): tên triều đại. Từ Quang Vũ Đế đến Hiến Đế lấy Lạc Dương làm thủ đô, bởi vì Lạc Dương ở phía đông Trường An – thủ đô của Tây Hán, nên lịch sử gọi nhà Hán giai đoạn này là Đông Hán.
(5) chung (終): kết thúc, diệt vong.
(6) vu (於): đến.
(7) Hiến (獻): hiệu của vua, chỉ Lưu Hiệp (Hán Hiến Đế) vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Hán.
(8) Ngụy (魏): tên triều đại, một nước trong Tam Quốc. Tào Phi cướp ngôi Hán Hiến Đế, thay bỏ nhà Hán xưng Đế, Quốc hiệu là Ngụy, hợp cùng với nước Thục, nước Ngô gọi là Tam Quốc.
(9) Thục (蜀): tên triều đại, một nước trong Tam Quốc. Lưu Bị kế thừa nhà Hán ở nước Thục, sử gọi là Thục Hán.
(10) Ngô (吳): tên triều đại, một nước trong Tam Quốc do Tôn Quyền kiến lập.
(11) tranh (爭): tranh đoạt.
(12) đỉnh (鼎): cửu đỉnh, là cái đỉnh tạo thành khi Hạ Vũ lấy kim loại của Cửu Châu cống nạp tạo thành. Được ba đời Hạ, Thương, Chu tôn sùng làm bảo vật, tượng trưng cho việc chuyển giao thiên hạ của chính quyền quốc gia.
(13) hiệu (號): tên gọi.
(14) Tam Quốc (三國): cuối thời nhà Hán, thời kỳ 3 nước Ngụy, Thục, Ngô thành lập riêng rẽ, sử gọi là Tam Quốc.
(15) hất (迄): kết thúc ở, ngưng hẳn ở.
(16) Lưỡng Tấn (兩晉): sử học gọi chung hai thời kỳ Tây Tấn và Đông Tấn của Trung Quốc.
Dịch nghĩa tham khảo
Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, phục hưng nhà Hán, lật đổ Vương Mãng, kiến lập Đông Hán. Hán triều kéo dài hơn 400 năm, đến Hán Hiến Đế thì diệt vong.
Những năm cuối triều Hán, nước Ngụy, nước Thục, nước Ngô tranh đoạt lẫn nhau thiên hạ của nhà Hán, chia thiên hạ làm ba phần, trong lịch sử gọi là thời đại Tam Quốc. Mãi cho đến khi triều Tấn hưng khởi, Tam Quốc bị diệt, mới kết thúc cục diện phân loạn. Và triều Tấn chia làm hai thời kỳ Tây Tấn và Đông Tấn.
Đọc sách luận bút
Bài học này nói về giai đoạn từ lúc triều Đông Hán hưng khởi, đến khi nhà Hán mạt, Tam Quốc chia ba thiên hạ, sau đó kết thúc bởi triều Tấn, hạch tâm là thời Tam Quốc. Tuy vậy, ai có hứng thú thì có thể nghiên cứu nhà Hán vì sao bị gián đoạn bởi Vương Mãng cướp ngôi, rồi lại lần nữa quật khởi, dẫn đến Hán triều chia làm 2 giai đoạn lịch sử Tây Hán và Đông Hán.
Chúng ta biết rằng ở phần cuối “Tam Quốc diễn nghĩa” có tổng kết như sau:
“Phân phân thế sự vô cùng tận, Thiên số mang mang bất khả đào”
Tạm dịch: “Ào ào thế sự vô cùng tận, Số trời mênh mang biết trốn đâu”.
Nói cách khác, cổ nhân cho rằng, lịch sử chính là do Thiên thượng an bài từng hồi từng hồi. Sử gia gọi việc quật khởi của Quang Vũ Đế là “Quang Vũ trung hưng”, thực tế, giai đoạn trước và sau của sự kiện lịch sử này, tức là Tây Hán suy bại và Đông Hán quật khởi, chính là một lần nữa khuyên bảo mọi người rằng, giai đoạn lịch sử giống như vở kịch ấy, đã diễn xuất ra định luật hưng suy, vĩnh cửu bất biến.
Những năm cuối nhà Tây Hán, vì Hoàng đế hồ đồ, trầm mê hưởng lạc, Quan lại mục nát, chính trị hắc ám, dân chúng oán thán sôi trào, Vương Mãng thừa cơ lợi dụng. Vừa đúng lúc đó Quang Vũ Đế tiếp thu được bài giáo huấn của lịch sử. Ông nổi tiếng nhân đức, tuyển người hiền tài có năng lực, quý trọng nhân sĩ, khiêm tốn tiếp thu can gián, lấy đức báo oán, thiện đãi với quân địch là dòng tộc của Canh Thủy Đế, người vốn có tư thù với ông. Vì ông quý trọng nhân mệnh, chú trọng tôn sùng nhân đức Nho học, từ đó mà giành được lòng dân và phục hưng Đông Hán.
Đến những năm cuối thời Đông Hán, Tam Quốc phân trị thiên hạ, đã trình diễn một giai đoạn mà bề mặt nhìn giống như là triển hiện ra trí tuệ binh pháp thần kỳ của Gia Cát Lượng và việc các nước đấu trí đấu dũng với nhau. Kỳ thực không phải vậy.
Trong lịch sử có một dự ngôn nổi tiếng, gọi là “Mã Tiền Khóa”, miêu tả chuẩn xác các việc lớn trong lịch sử từ thời Tam Quốc cho đến ngày nay, tác giả của nó chính là Gia Cát Lượng. Tại sao ông có loại trí tuệ này? Văn hóa cổ đại Trung Quốc là văn hóa bán Thần, rất nhiều người bằng lòng với số mệnh, không quan tâm hơn thua. Họ biết sâu sắc rằng lịch sử tự có an bài và quy luật phát triển của nó. Kỳ thực, người tu luyện đều hiểu rằng loại trí tuệ này vượt xa khỏi tầng thứ con người, đạt đến cảnh giới “không ra khỏi nhà vẫn biết chuyện thiên hạ” mà Lão Tử nói đến trong “Đạo Đức Kinh”. Chuyện này nghĩa là Gia Cát Lượng biết rõ an bài lịch sử, ông giúp Lưu Bị là tuân theo Thiên ý mà làm. Người đời sau không hiểu sự lựa chọn của ông, là vì không nhìn vấn đề từ góc độ vĩ mô – đó là được Thiên ý an bài, và từ lịch sử quan của cổ nhân.
Sách “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã đưa ra câu trả lời rõ ràng nhất về mục đích an bài giai đoạn lịch sử này. Tam Quốc phân quyền, hạch tâm nằm ở chỗ làm sao Lưu Bị có thể lấy yếu thắng mạnh, nêu bật sự nhân đức và đạo nghĩa của ông có sức mạnh cự đại. Vậy nên, tác giả đã dùng sự lý giải lịch sử độc đáo của mình để làm dàn ý cho bộ sách lịch sử đồ sộ ấy, và định vị cho ý nghĩa chính của giai đoạn lịch sử này: Vì nhân loại mà diễn xuất ra nội hàm của chữ “Nghĩa”, cho nên gọi là Tam Quốc Diễn Nghĩa. Đạo nhân nghĩa, có thể khiến thiên hạ quy hướng, nhân tài hội tụ, hơn nữa cũng đồng thời có thể triển hiện ra tài năng quân sự thần kỳ ‘lấy yếu thắng mạnh’ của Gia Cát Lượng. Như vậy, Gia Cát Lượng vì sao giúp Lưu Bị chinh phục thiên hạ?
Trong “Tiền Xuất Sư Biểu”, Gia Cát Lượng có nói: “Thần vốn là bách tính bình dân, làm nông ở Long Trung, Nam Dương, vì để bảo toàn tính mệnh trong thời loạn thế, tuyệt không có ý truy cầu vinh hiển danh dự. Tiên đế không chê thần xuất thân thấp hèn, ngược lại lại hạ mình, liên tiếp ba lần đến nhà tranh bái phỏng, hỏi ý kiến thần về việc thiên hạ đại sự. Bởi vậy thần phi thường cảm tạ, ngay đó thần liền đáp ứng vì Tiên đế bôn ba mà dốc sức”. Thành ngữ “Tam cố mao lư” (ba lần đến lều tranh) là từ diễn biến này mà ra.
Nói cách khác, ông biết rõ an bài lịch sử: đó là Trời an bài để Lưu Bị có được bậc kỳ tài, lưu lại một giai đoạn kỳ tích huy hoàng, để người đời sau ghi sâu trong lòng và xem trọng bài học về nhân đức đạo nghĩa. Thế là ông thuận theo Thiên ý, đi theo vị chủ nhân nhân nghĩa, nghiêm túc diễn tốt vai trò của mình: Trợ giúp nhân Quân (vua có đức nhân), cảm niệm ân tri ngộ, trung thành phục vụ, khai sáng kỳ tích, đồng thời triển hiện ra trí tuệ binh pháp của văn hóa Thần truyền.
Lưu Bị cũng không kém, tuy là huyết mạch chính thống của hoàng tộc nhà Hán, nổi danh nhân đức, không tiền không thế, ngay cả chỗ đặt chân cũng không có, lịch sử lại để cho ông diễn bày ra vở kịch đặc sắc: chỉ hoàn toàn dựa vào nhân đức mà giành được thiên hạ, để ông thu được những danh tướng và quân sư tốt nhất, tạo ra kỳ tích tay không mà lập nên chính quyền một phương.
Câu chuyện “Ba đại chiến dịch lấy yếu thắng mạnh”
Trận Quan Độ, trận Xích Bích, trận Hao Đình là ba trận chiến nổi tiếng thời Tam Quốc, kết quả đều là lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, kịch tính sâu xa, chỗ ảo diệu của nó khiến mọi người phải suy nghĩ.
Lịch sử có thật nhiều chuyện phát sinh đều mang kịch tính, hơn nữa đều là chuyện trước đó người ta không tưởng tượng được. Chúng ta trước tiên nhìn lại trận Quan Độ. Viên Thiệu 70 vạn nhân mã đối chiến với Tào Tháo 7 vạn nhân mã, mà lương thảo bên Tào Tháo lại không tốt, Tào Tháo thấy rõ có nguy cơ toàn quân bị diệt. Đúng lúc này, ông dùng kế đốt lương thảo ở Ô Sào, đánh bại Viên Thiệu. Về sau, thế của Tào Tháo mạnh đến mức không thể ngăn cản, muốn thống nhất cả thiên hạ.
Nhìn lại trận Xích Bích, Tào Tháo nắm giữ 83 vạn hùng binh, mà liên quân Tôn Lưu chỉ có mấy vạn nhân mã, người ta thấy Tào Tháo sắp thống nhất thiên hạ, nhưng chỉ một trận hỏa công làm ông thất bại trầm trọng, suýt nữa mất mạng.
Còn trận Hao Đình, Lưu Bị thống lĩnh hơn 70 vạn binh, mà Tôn Quyền chỉ có mấy vạn nhân mã. Ngay tại thời khắc Đông Ngô sắp ngọc nát đá tan, thì Lục Tốn hỏa thiêu liên trại 700 dặm, khiến Lưu Bị thua chạy về Bạch Đế Thành. Mỗi hoàn cảnh đều là nghìn cân treo sợi tóc, ở tình huống lui không thể lui, thì lại phát sinh một chuyện không ai nghĩ có thể phát sinh, cũng để lịch sử chuyển hướng tại chỗ đó.
Đây là bởi Thiên ý như vậy, nhất định phải đạt tới cục diện thế chân vạc Tam Quốc, không để cho một quốc gia bị hủy diệt khi chưa đến thời gian mà Thần an bài, đồng thời cũng dạy cho con người đạo lý “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Đúng như 4 câu cuối cùng trong phần kết của “Tam Quốc” ghi rằng:
“Phân phân thế sự vô cùng tận, Thiên số mang mang bất khả đào, Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng, Hậu nhân bằng điếu không lao tao”.
Tạm dịch:
Ào ào thế sự vô cùng tận, Số trời mênh mang biết trốn đâu, Chân vạc phân ba nay thành mộng, Người sau cảm thán để làm chi.
Bốn câu thơ này phải nói là vẽ rồng điểm mắt cho “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Vô luận là Tào Tháo, Lưu Bị hay là Tôn Quyền, văn thần võ tướng thủ hạ của họ trên bề mặt là đấu trí đấu dũng, nhưng chẳng qua là để phù hợp với lý lẽ của con người mà biểu hiện ra cho con người xem, kỳ thực là Thần an bài một loại cân bằng, đạt được thế chân vạc về quân sự giữa ba nước mà thôi.
Sau khi lưu lại giai đoạn diễn xuất ra ý nghĩa văn hóa này, các vị vua của Tam Quốc lui khỏi vũ đài, lịch sử chuyển giao đến thời đại Lưỡng Tấn.
Ghi chú: Bài viết dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị theo tham khảo bản gốc từ chanhkien.org