Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.19): Câu chuyện ‘Hỏi một biết ba’
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
曰國風,曰雅頌,
號四詩,當諷詠。
詩既亡,春秋作,
寓褒貶,別善惡。
Âm Hán Việt
Viết Quốc Phong, Viết Nhã Tụng,
Hiệu Tứ thi, Đương phúng vịnh.
Thi ký vong, Xuân Thu tác,
Ngụ bao biếm, Biệt thiện ác.
Tạm dịch:
Rằng Quốc Phong, rằng Nhã Tụng,
Là Tứ thi, để diễn ngâm.
“Kinh Thi” mất, viết “Xuân Thu”,
Ý khen chê, phân thiện ác.
Từ vựng
(1)Quốc Phong (國風): một thể thơ của “Kinh Thi”. Chỉ những bài ca dao dân gian của các nước chư hầu thời nhà Chu. Tổng cộng có 160 bài, chia làm 15 nước. Đại khái là chỉ các bài dân ca từ thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu.
(2)Nhã (雅): một thể thơ của “Kinh Thi”, được chia thành “Đại Nhã” và “Tiểu Nhã”. “Đại Nhã” là các bài thơ ca mà các chư hầu dùng khi yết kiến Thiên tử. “Tiểu Nhã” là các bài thơ ca mà Thiên tử dùng trong các yến tiệc đãi khách.
(3)Tụng (頌): một thể thơ của “Kinh Thi”, là các bài thơ dùng trong lễ bái, được phân thành ba loại “Chu Tụng”, “Lỗ Tụng”, “Thương Tụng”.
(4)Hiệu (號): được gọi là, xưng là, danh xưng, mệnh danh.
(5)Tứ thi (四詩): bốn thể thơ của “Kinh Thi”. Bao gồm: Phong (Quốc Phong), Đại Nhã, Tiểu Nhã và Tụng.
(6)Phúng vịnh (諷詠): đọc diễn cảm cùng ngâm xướng.
(7)Ký (既): đã, vừa, rồi.
(8)Vong (亡): mất, thất lạc.
(9)Xuân Thu (春秋): tên sách. Đây là cuốn sách do Khổng Tử biên soạn căn cứ vào sách sử nước Lỗ, ghi chép lại lịch sử 241 năm từ thời Lỗ Ẩn Công năm thứ nhất (năm 722 TCN) đến thời Lỗ Ai Công năm thứ 14 (năm 481 TCN). Đây là biên niên sử khá sớm của Trung Quốc. Lời văn của nó ngắn gọn, chứa nhiều bình phẩm, đời sau gọi là “Xuân Thu Bút Pháp”.
(10)tác (作): làm ra, sinh ra, sáng tác, thực hiện.
(11)ngụ (寓): ngụ ý, ở, chỗ ở.
(12)bao (褒): tán dương, khen ngợi.
(13)biếm (貶): phê bình, chỉ trích.
(14)biệt (别): phân biệt, phân tách.
Dịch nghĩa tham khảo
“Kinh Thi” có 4 thể thơ gồm: Quốc Phong, Đại nhã, Tiểu nhã, và Tụng, được gọi chung là Tứ thi, do đó “Kinh Thi” thường phải đọc diễn cảm và ngâm nga trầm bổng.
Sau đó, do nhà Chu suy bại, “Kinh Thi” dần dần bị mọi người quên lãng. Vì vậy Khổng Tử đã biên soạn ra cuốn “Xuân Thu”, trong bộ sách này có chứa đựng những lời bình luận khen chê, có thể thiện-ác phân minh.
Đọc sách luận bút
Bài học này rõ ràng nói về nội dung và tác dụng chính của hai bộ kinh điển “Kinh Thi” và “Xuân Thu” trong Lục kinh của Nho gia.
Khổng Tử từng nói: “Bất học thi, vô dĩ ngôn” (Không học “Kinh Thi” thì không biết lấy gì để nói chuyện). Khổng Tử đã tuyển chọn và biên soạn bộ “Kinh Thi” và cho các đệ tử mình học tập, mục đích là nhằm giáo dục đệ tử có đủ năng lực để có chỗ đứng trong xã hội và có thể trị quốc. Cho dù đó là giao tiếp xã hội, hay là ra làm quan, thậm chí là tề gia, cũng đều phải biết cách làm sao biểu đạt tâm ý, nguyện vọng hoặc là chí hướng của mình, đó gọi là ‘thi dĩ ngôn chí’ (dùng thơ nói lên ý chí). Con người sống trên thế gian, chỉ sau khi lập chí mới có phương hướng cho nỗ lực của mình, thường thì chí hướng và nguyện vọng kết hợp cùng nhau. “Chí” (志) chính là mong muốn trong tâm, đặc điểm lớn nhất của thi ca chính là trực tiếp biểu đạt tâm ý, bộc lộ ra tính tình thật của bản thân, không kiểu cách, không giả tạo. Vì vậy, Khổng Tử cho các học trò dưỡng tính qua việc đọc thơ, để biết rõ được chí hướng của bản thân mình, hiểu rõ được tâm tư nguyện vọng của các chư hầu, đối diện với tâm nguyện ý chí người ta một cách chân thực.
Tại sao khi chúng ta hiểu được nguyện vọng của người khác thì mới có thể có được chỗ đứng trong xã hội, mới có thể biết cách nói chuyện, biết lập ngôn viết sách ra sao, mới có thể trị quốc được? Khổng Tử nói về “Kinh Thi” như sau: “Nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà” (Một lời tóm tắt là: Không nghĩ tà). Câu này là trong thiên Vi Chính, sách “Luận Ngữ”, chính là lời dạy bảo các đệ tử quản lý chính sự quốc gia như thế nào. Điều mà câu này muốn nói là: 300 bài thơ trong “Kinh Thi” đều là bày tỏ tình cảm chân thực, ý nguyện và ý nghĩ chân thực, không chút tà dâm. Có thể thấy rằng, [nhân cách] không có tà dâm, có ý nguyện chân thành mới là điều quan trọng nhất trong đạo làm người và trị quốc.
Chí hướng của Khổng Tử là phục hưng Vương Đạo (đạo làm vua) và Chu Lễ (lễ nghi triều Chu). Mà gốc của Chu Lễ nằm ở “Trực” (ngay thẳng), chính là chân thật không làm giả. Cho nên trong thiên Thái Bá, sách “Luận Ngữ” ông còn nói về việc học thơ như sau: “Hứng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc” [1]. Vậy cũng tức là nói, học tập “Kinh Thi” có thể phát triển chí hướng, biểu đạt ý chí, tình cảm, nhưng cũng có mức độ nhất định. Vì vậy, lập thân nhờ lễ, biểu đạt một cách có tiết chế, mới có thể giúp người ta tiếp nhận, mới có thể thực hiện thuận lợi. Tóm lại học “Kinh Thi” có thể khơi dậy những tình cảm ý chí cao thượng của con người, từ đó có thể thấy, Khổng Tử cho rằng khởi đầu tu dưỡng nhân cách xử thế là học “Kinh Thi”. Nếu một người không dám nói thẳng ra ý chí chân thực của mình là gì, nếu tâm nguyện và tình cảm của bách tính, lòng dân ra sao cũng không biết, không nhìn thẳng vấn đề thì trước tiên là không đạt được “Chân”, như vậy bạn không thể nào làm cảm động được lòng người, không cách nào hiểu được lòng dân, càng không cách nào nói đến trị quốc.
Do đó, đọc “Kinh Thi” có thể khơi dậy chí hướng, có thể quan sát được phong tục của người dân, thậm chí có thể học được kỹ năng biểu đạt như thế nào. Dù là kỹ năng, thì cũng là để truyền đạt tâm ý cho đối phương một cách tốt hơn, mục đích cuối cùng vẫn là để lập thân trong xã hội, có phương hướng và tư tưởng rõ ràng trong việc trị quốc, nhằm giải quyết chính sự, giải quyết những khiếu nại của dân chúng, quang minh chính đại mà dẫn dắt họ. Vì vậy, nhà Chu đặt ra chức quan sưu tầm thơ, để “quan sát phong tục, chính lại các việc được mất”. Có thể thấy rằng, việc Khổng Tử bảo các đệ tử học “Kinh Thi”, mục đích chính không phải là để thưởng thức văn học, mà là để hiểu rõ tâm và chí của mình, là để cầu tính tình chân thực – phẩm đức đầu tiên mà bậc quân tử cần phải có. Chỉ như vậy, mới có thể là người thực sự có lễ độ, mới có thể trị quốc một cách thiết thực, không mua danh trục lợi, chân chính xử lý chính sự quốc gia, vì dân phục vụ.
Còn với “Xuân Thu”, là trực tiếp lấy bút pháp lịch sử, để chỉnh lý lịch sử, Khổng Tử chỉnh lý biên niên sử nước Lỗ, vì ông ý thức được những bài học kinh nghiệm trong lịch sử quan trọng như thế nào đối với thế hệ mai sau. Khổng Tử là người nước Lỗ, nên đương nhiên ông chỉnh lý lịch sử nước Lỗ. “Xuân Thu” là cách gọi lịch sử thời Tiên Tần (giai đoạn lịch sử của Trung Quốc trước khi nhà Tần thống nhất). Do Khổng Tử viết về thời Xuân Thu của nước Lỗ, nên các đời sau đều lấy bút pháp, cũng là cách viết của bộ sách này để làm mẫu. Căn cứ theo mục đích của Khổng Tử, việc viết sử là để minh bạch về các bài học trị quốc, lưu cấp cho đời sau kinh nghiệm và trí tuệ, minh bạch quy luật thế đạo hưng suy, để bậc quân vương và thần tử đời sau đều phải lấy sử làm gương. Có thể nói, cách viết khen-chê của bút pháp “Xuân Thu”, cách viết bình luận nhân vật và sự được-mất, thiện-ác của chính sự, đều là vì để đời sau tiếp nhận giáo huấn, có được bài học. Đây chính là mục đích của việc đọc lịch sử, và cũng là nguyên nhân tại sao Khổng Tử viết lịch sử, và khuyên đệ tử đọc lịch sử, đọc “Xuân Thu”. Vì vậy, một nội dung trọng yếu của giáo dục chính là học lịch sử.
Nhưng nền giáo dục hiện đại ngày nay học lịch sử rồi cũng không biết dùng như thế nào cho hữu dụng, chẳng qua là khoe khoang mình biết nhiều kiến thức hoặc là vì mong muốn có điểm cao mà thôi. Nếu không thể đọc lịch sử một cách tích cực, thì cũng không biết làm sao áp dụng vào cuộc sống hiện thực, đây chính là nguyên nhân học sinh không còn yêu thích học tập qua việc đọc sách. Người ta không có chí hướng, không có tham chiếu lịch sử, không biết học để áp dụng, thì dẫn đến không có mục đích tiếp thu các loại thông tin. Rất nhiều học sinh vì thế mà trốn học, cảm thấy học tập rất mệt mỏi và không hứng thú. Nguyên nhân chính là ở chỗ này. Nhồi nhét cả một lượng lớn mà không có chí hướng và mục đích học tập là vấn đề lớn nhất của nền giáo dục hiện đại.
Câu chuyện: Hỏi một biết ba
Khi con trai Khổng Tử chào đời, vua nước Lỗ sai người đem một con cá chép đến tặng cho Khổng Tử, do đó Khổng Tử đặt tên con là Khổng Lý [2], tự là Bá Ngư, ý là con cá mà Lỗ Bá tặng.
Có một lần, học trò của Khổng Tử là Trần Kháng hỏi Bá Ngư: “Cha huynh có truyền thụ điều gì đặc biệt cho huynh hay không?” Bá Ngư nói: “Không có. Một lần nọ cha tôi đứng một mình ở sân, tôi bước nhanh qua. Cha hỏi tôi: ‘Con đã học “Kinh Thi” chưa?’ Tôi thưa: ‘Dạ chưa!’ Cha tôi nói: ‘Không học “Kinh Thi”, thì không hiểu lòng người, không hiểu ý dân, thì không có suy nghĩ độc lập, không cách nào nói ra lời có ý nghĩa’. Tôi bắt đầu trở về học “Kinh Thi”. Một lần khác ông lại đứng một mình ở sân, tôi bước nhanh qua, cha tôi lại hỏi: ‘Con đã học “Lễ Ký” chưa?’ Tôi thưa: ‘Dạ chưa!’ Cha tôi nói: ‘Không học Lễ, thì không thể có chỗ đứng trong xã hội’. Tôi bắt đầu trở về học “Lễ Ký”, tôi chỉ nghe cha tôi dạy bảo hai lần này thôi!” Trần Kháng trở về vui mừng nói: “Hôm nay ta hỏi một nhưng lại thu hoạch được ba: biết được tác dụng của “Kinh Thi”, biết được tác dụng của “Lễ Ký”, và còn biết được người quân tử cũng không thiên vị con trai của mình”.
Rất nhiều người lý giải câu “Bất học thi, vô dĩ ngôn” mà Khổng Tử nói, thành: không học “Kinh Thi” thì không có kỹ năng kỹ xảo để nói chuyện. Kỳ thực không phải vậy, bất kể có bao nhiêu kỹ năng kỹ xảo, thì chí hướng của bậc quân tử là trị lý làm sao để thiên hạ được thịnh vượng hòa bình ổn định, đều phải chăm lo đến cuộc sống, tâm nguyện, nỗi thống khổ của bách tính, mới có thể biết cách làm sao để bốc thuốc đúng bệnh, nghĩ ra được các biện pháp hay, cho dù là trong việc đối xử với gia đình, thì cũng như vậy. Thi ca là công cụ có thể trực tiếp bộc lộ tâm chí và tình cảm tốt nhất. Cổ nhân xem trọng thi ca, không chỉ vì thưởng thức văn học, mấu chốt nằm ở “ngôn chí” (nói lên ý chí), có thể trực tiếp nhìn thấy tình cảm và chí hướng trong lòng người. Đương nhiên, hơn nữa là lời lẽ trong thi ca rất ưu mỹ, học được rồi tự nhiên sẽ biết vận dụng, còn có thể biểu đạt hết sức hợp lý trọn vẹn ý muốn nói. Đây chính là kỹ xảo mà người đời sau quan tâm. Những kỹ xảo này là có được một cách tự nhiên sau khi học thi ca với mục đích chân chính, không được phép đảo ngược gốc ngọn.
Khổng Tử bảo con trai đọc “Kinh Thi”, học “Lễ Ký” là để biết biểu đạt tình cảm cảm xúc của mình, biết mình cần biểu đạt cái gì, ý chí cần phải rõ ràng, nhưng cùng lúc còn phải “dừng ở lễ”. Có chân tình cần phải biểu đạt, nhưng lại không thể làm quá mức, phải giữ có chừng mực, hợp tình mà còn phải hợp lý, hợp nghĩa, mà lễ của người ta sẽ khởi tác dụng tiết chế. Hợp lễ về cơ bản sẽ hợp lý, có thể khiến người ta tiếp nhận, mới có thể phát huy tác dụng đạt hiệu quả; nếu không thì sẽ làm tổn thương người nghe, làm cho người nghe phản cảm, gây mâu thuẫn, làm hỏng việc. Như thế thì không cách nào có chỗ đứng trong xã hội, không có được sự thừa nhận và chào đón. Chính là, khi làm bất cứ chuyện gì thì đều cần phải cân nhắc đến cảm thụ của người khác.
[1] Hứng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc: Thông qua việc ngâm thơ mà biểu đạt sự nhiệt tình của mình, kiến công lập nghiệp nhờ việc giữ vững lễ, thành tâm lắng nghe âm nhạc mà thân tâm trở nên vui vẻ.
[2] Chữ Lý (鯉) nghĩa là cá chép.
Ghi chú: Bài viết này dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị tham khảo bản gốc từ chanhkien.org