Tầm nhìn sâu sắc: Xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ
Nếu bạn là cha mẹ của một đứa trẻ dưới 18 tuổi, trước khi đọc bài viết này, hãy dành một chút thời gian tự hỏi bản thân câu hỏi sau: “Bạn mong muốn điều gì nhất trong cuộc sống cho con trai hoặc con gái của mình?”
Trong một bài báo trực tuyến “Nhân cách của George Washington”, cô Katherine Kersten so sánh nền giáo dục và cách nuôi dạy con của ông Washington cùng các đồng nghiệp với người dân Hoa Kỳ ngày nay và tự hỏi liệu có phải chúng ta “phần lớn đã quên đi tầm quan trọng của nhân cách”.
Trong những năm đầu đời của con mình, cô Kersten tham gia vào một nhóm các bà mẹ. Hàng năm, người đứng đầu cuộc thảo luận nhóm sẽ hỏi: “Bạn mong muốn điều gì nhất cho con trai hoặc con gái của mình trong đời?” Cô nhận thấy rằng những người phụ nữ trong nhóm có vẻ bối rối và hơi lúng túng. Hầu hết họ trả lời: “Tôi chỉ muốn chúng được hạnh phúc.”
Cô Kersten viết: “Tôi có thể nhận ra từ khuôn mặt những người mẹ này khát vọng cao cả hơn đối với con cái của họ. Nhưng họ không chắc làm thế nào để diễn đạt chúng. Vì trong xã hội của chúng ta, quan niệm về ‘hạnh phúc’ — về lối sống vui, sống khỏe và an toàn — đã làm biến mất lý tưởng và cả tên gọi của việc xây dựng nhân cách.”
Cô Kersten tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng George Washington “đã cẩn thận sao chép 110 ‘Quy tắc cư xử lịch thiệp và hành vi tử tế’ vào vở bài tập của mình.” Hơn nữa, ông đã cố gắng sống theo những nguyên tắc đó. Benjamin Franklin “đã lập một danh sách gồm 13 đức tính mà ông mong muốn rèn luyện nên” và giống như Washington, ông đã theo đuổi mục tiêu đó với một số thành công.
Cuốn cẩm nang của vị Hoàng đế
Trong nhiều thế kỷ, nhân loại đã tận dụng văn học như một sự chỉ dẫn cho việc xây dựng nhân cách. Cuốn “Suy tưởng” (Meditations) của Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (121–180 SCN) là một ví dụ nổi bật về một hình thức giáo dục như vậy. Cuốn sổ tay cổ xưa về chủ nghĩa khắc kỷ này đã truyền cảm hứng cho việc tu dưỡng đạo đức của vô số độc giả, bao gồm cả một số Tổ phụ của Hoa Kỳ. Nó vẫn được tái bản cho đến ngày nay và chiếm được cảm tình của đông đảo người đọc.
Trong phần mở đầu của cuốn “Suy tưởng” do George Long dịch, Marcus Aurelius cảm ơn tất cả những người đã đóng góp vào sự phát triển đạo đức và tri thức của ông, giống như một bài diễn văn dài bày tỏ sự cảm kích của những người đoạt giải trong Lễ trao giải Oscar. Marcus học được từ người ông của mình “những phẩm chất tốt đẹp và cách tự kiềm chế sự nóng giận”; ông học được từ cha mình “lòng khiêm tốn và sự nam tính”; và học được từ mẹ “lòng mộ đạo và sự nhân từ”. Ông cảm ơn ông cố vì đã cản ông theo học trường công và dành rất nhiều tâm sức dạy ông tại nhà. Ông tiếp tục kể cho độc giả về những người thầy khác và những người thân. Ông trân quý những bài học kinh nghiệm từ họ: “luôn kiên định với mục tiêu”, “yêu sự thật và công lý”, “tự lập”, “quan tâm tới lợi ích của bạn bè”, “lý tưởng về một chính phủ vua chúa tôn trọng hầu hết các quyền tự do của dân chúng”.
Các thành viên gia đình và những người thầy đã chuẩn bị cho Marcus Aurelius hành trang để tự chủ được bản thân lẫn cai trị một đế chế. Họ dạy ông nỗ lực hướng đến lòng tốt và sự thật, và chỉ khi đó ông mới nhận được phúc báo của những điều này: Hạnh phúc.
Dạy về Đức hạnh
Giống như Marcus Aurelius, những người Hoa Kỳ trẻ tuổi ngày nay đã từng nhận được một nền giáo dục xây dựng nhân cách phổ biến và rõ ràng. Họ có xu hướng sống gần gũi hơn với đại gia đình của mình, với ông bà, chú bác và cô dì và trong một cộng đồng biết rõ về nhau. Do đó, họ đã tận mắt chứng kiến những hình mẫu chuẩn mực về hành vi nhân đức. Nhiều người đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật, các mục sư khuyến khích họ sống một đời đức hạnh, hoặc nếu không, họ nên đọc Kinh Thánh tại nhà.
Ngoài ra, những người trẻ tuổi đã tiếp thu các giá trị truyền thống trong trường học. Những cuốn sách vỡ lòng, tập viết chữ, truyện và sách lịch sử thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân cách và đạo đức, mong muốn thấm nhuần những nguyên tắc sống như lòng dũng cảm, tính thận trọng, lòng tốt và sự công bằng trong những đứa trẻ.
Xây dựng nhân cách trong lớp học
Trong những ngày học ở nhà, tôi đã mua và thường xuyên đọc một bộ sách gồm 8 quyển McGuffey’s Eclectic Readers, một bộ truyện được hàng chục triệu học sinh Hoa Kỳ đọc trong suốt cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mặc dù giọng văn và nội dung của nó thay đổi theo thời gian, lược bỏ các yếu tố tôn giáo, nhưng McGuffey Reader vẫn tiếp tục ủng hộ các giá trị đạo đức và tầng lớp trung lưu.
Ngay cả vào những năm 1960, các sách giáo khoa như Open Court Basic Reader đã cho trẻ em học đường tiếp xúc với các giá trị đặt nền móng cho nền văn minh của chúng ta, đó là chân, thiện và mỹ. Bộ sách mua cũ mà tôi sở hữu cách đây nhiều năm đã đề cao văn hóa phương Tây, những câu chuyện và lịch sử của Hoa Kỳ.
Trong “Chuyến du hành đến xứ sở thần tiên” (A Trip Through Wonderland), tác phẩm văn học dành cho học sinh lớp hai học kỳ một, độc giả được biết đến những câu chuyện như “Androcles và chú Sư tử” (Androcles and the Lion), “Chiếc mũi của lạc đà” (The Camel’s Nose) và các bài thơ của Emily Dickinson và Christina Rossetti. Trong tập tiếp theo, họ được tìm hiểu về người Hoa Kỳ bản địa, Pocahontas, Người hành hương, Lewis và Clark, Johnny Appleseed và Betsy Ross. Nhảy cóc hai năm để đến với “Niềm vui đang chờ đợi bạn” (What Joy Awaits You), chúng ta tìm thấy một kho tàng truyện, lịch sử và thơ ca tuyệt vời: Những câu chuyện từ “Nghìn lẻ một đêm” (The Arabian Nights) và Anh em nhà Grimm, thời niên thiếu của Michelangelo đến Theodore Roosevelt vật lộn với vấn đề sức khỏe, thần thoại cổ và “Hoa Kỳ ngày nay” (America Today).
Các biên tập viên của cuốn Open Court Basic Reader rõ ràng đã nghĩ đến hai mục tiêu khi lựa chọn nội dung. Đầu tiên là tạo dựng ở học sinh những gì mà E.D. Hirsch Jr. gọi là “văn học văn hóa”, những câu chuyện và những ẩn dụ mà người Hoa Kỳ đã từng là một phần trong đó. Các tuyển tập cũng nhằm mục đích truyền cho học sinh tính cách cao quý và giúp chúng quen thuộc với chân, thiện và mỹ.
Tin tốt và tin xấu
Thật không may, trong thế kỷ trước, chúng ta đã phá bỏ ba điều cổ xưa đó. Thuyết tương đối đã làm suy giảm lý tưởng về Sự thật – “Sự thật của tôi khác với Sự thật của bạn” là cái cớ phổ biến, mà không có bất kỳ sự thừa nhận nào rằng “Sự thật là Sự thật”. Vẻ đẹp đã nhường chỗ cho trào lưu gây giật gân và quá khích trong nghệ thuật tạo hình, sự thực dụng lấn át tính tao nhã trong kiến trúc, cho đến việc xăm mình, đeo khuyên và ăn mặc luộm thuộm ở nơi công cộng. Đối mặt với nền văn hóa khiêu dâm, gia đình ly tán, chính phủ tham nhũng và sự chối bỏ các giá trị phổ quát, nàng Thiện Lương tội nghiệp phải lấy một tấm màn che mắt và khuôn mặt để tránh sự xấu hổ vì bị bỏ rơi.
Đó là những tin xấu.
Và đây là tin tốt: Cả nền văn hóa và bản thân chúng ta đều không phải tiếp tục đi theo con đường này nữa.
Hãy lên đường
C.S. Lewis từng viết: “Tiến bộ có nghĩa là tiến gần hơn đến nơi bạn muốn đến. Và nếu bạn rẽ nhầm hướng, thì việc đi tiếp sẽ không giúp bạn đến gần hơn được nữa. Nếu bạn đang đi sai đường, tiến bộ có nghĩa là quay đầu lại và trở về với con đường đúng…”
Chúng ta có thể đi đúng đường. Chúng ta có hành trang cho một cuộc hành trình như vậy trong tầm tay, đó là văn học, nghệ thuật và âm nhạc, cẩm nang, các hình mẫu về tính cách. Chúng ta không cần lệ thuộc vào nền văn hóa hiện tại hay trường học để bắt đầu cuộc hành trình này. Tất cả những gì chúng ta phải làm là thực hiện bước đi đầu tiên.
Giống như những người được Marcus Aurelius ca ngợi, chúng ta – những ông bà, cha mẹ, cố vấn, giáo viên và huấn luyện viên – có thể trợ giúp xây dựng tính cách cho con cháu chúng ta và hướng chúng đến một tầm nhìn vĩ đại hơn về cuộc sống.
Ông Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt ở tuổi đang lớn. Ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin tại Asheville, N.C. trong 20 năm. Hiện nay, ông sống và viết cho Front Royal, Va. Hãy truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: