Tại sao Trung Quốc không thể giải quyết các vấn đề hiện nay
Trung Quốc đang phải đối mặt với vô số vấn đề. Mặc dù các vấn đề từ nền kinh tế đến dân số cũng như những lĩnh vực khác của nước này đã được biết đến rộng rãi, nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi về việc Bắc Kinh không có khả năng tránh được những cạm bẫy đã được nhiều người dự đoán trước.
Vào đầu năm 2024, hầu như ai cũng đều nhận ra rằng giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc dân số có nguy cơ sụp đổ trong vài thập niên sắp tới cho tới nợ nần của quốc gia này đang ở mức cao, từ các tập đoàn đến người tiêu dùng và chính phủ. Điều này khiến các nhà phân tích bối rối trước sự bất lực của đảng này trong việc giải quyết những vấn đề đã được dự báo rộng rãi như vậy, qua đó dập tắt ánh hào quang rực rỡ về tính chính xác không thể sai lầm của Bắc Kinh vốn đã tồn tại bấy lâu nay.
Các nhà phân tích Trung Quốc và phương Tây thường hay xác định và mô tả vấn đề này nhưng lại hoàn toàn không có bất kỳ giải pháp thiết thực nào. Một số người kêu gọi Bắc Kinh giảm bớt gánh nặng nợ nần bằng cách bán bớt tài sản quan trọng của nhà nước, từ cổ phần sở hữu trong các ngân hàng đến cơ sở hạ tầng. Ngay cả khi có thể tìm được người mua trong nước hoặc quốc tế cho những tài sản chiến lược này, thì điều này cũng khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại, cho thấy việc Bắc Kinh thực hiện một kế hoạch tư nhân hóa sẽ bị thất bại về mặt chính trị ngay từ ban đầu. Những giải pháp này hoàn toàn hợp lý về mặt chính sách; nhưng khi được xét đến như một giải pháp chính sách thực tế thì những giải pháp này thật là kỳ cục.
Vậy tại sao Bắc Kinh không thể giải quyết các vấn đề hiện đang gặp phải?
Lý do đầu tiên đơn giản là vấn đề về thời gian. Vào năm 2017, ông Jeff Bezos, tổng giám đốc của Amazon, đã mô tả vấn đề này một cách thích hợp: “Khi ai đó… chúc mừng Amazon có một quý kinh doanh tốt… Tôi nói lời cảm ơn. Nhưng điều tôi đang nghĩ trong lòng là… những kết quả của quý đó thực ra đã được thực hiện khá đầy đủ vào khoảng ba năm trước đó.”
Nếu các công ty lớn như Amazon đưa ra giải pháp cho các vấn đề phải mất ba năm thì mới thấy được kết quả, vậy thì độ trễ thời gian đối với một quốc gia là bao lâu?
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nhận thức được các vấn đề nhân khẩu học của mình. Theo Ngân hàng Thế giới, [tỷ lệ sinh của] Trung Quốc đã giảm xuống thấp hơn mức sinh sản thay thế vào năm 1991. Ngày nay, tỷ lệ sinh của nước này đứng thứ 198 trên 204 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc giám sát, với tỷ lệ sinh chỉ là 1.2. Trung Quốc chỉ mới bãi bỏ chính sách một con hà khắc vào cuối năm 2015, gần 25 năm sau khi nước này giảm xuống thấp hơn mức tỷ lệ thay thế dân số. Vào đầu năm 2024, bất kỳ chính sách ủng hộ dân số nào cũng có thể chỉ tạo ra những thay đổi nhỏ, khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng sụp đổ dân số mà thế giới chưa từng chứng kiến trước đây.
Một câu chuyện tương tự cũng xuất hiện với các khoản nợ cao như núi của Trung Quốc. Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã nói về sự cần thiết phải kiềm chế tăng trưởng nợ ngay cả khi nước này đã đẩy tổng nợ trong một nền kinh tế độc tài do nhà nước điều hành lên cao hơn gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Giờ thì, vấn đề nợ của Trung Quốc nghiêm trọng đến mức nước này chỉ mong sao tránh được một sự kiện quan trọng hoặc cuộc khủng hoảng. Giống như các vấn đề về dân số, Bắc Kinh không thể khắc phục những vấn đề mà họ đã biết từ nhiều năm mà chỉ có thể ngăn chặn thảm họa. Lẽ ra những thay đổi này đã phải được thực hiện từ nhiều năm trước.
Vậy nếu các nhà kỹ trị Trung Quốc đã biết về vấn đề này từ nhiều năm trước thì tại sao việc thay đổi lại khó khăn đến vậy?
Có một vài lý do. Trong các hệ thống chuyên chế, cán bộ cấp dưới và thậm chí cả những cán bộ cấp cao đều e ngại báo tin xấu cho lãnh đạo vì lo sợ những hậu quả có thể xảy ra. Khi cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra nhận xét nổi tiếng rằng ông không tin vào dữ liệu GDP của Trung Quốc, ông không chỉ đang bình luận về phương pháp tính toán kế toán kinh tế phức tạp mà còn về động cơ và độ đáng tin cậy của các nhà kỹ trị Trung Quốc. Cho đến tận cấp lãnh đạo cao nhất, mỗi người đều đang bịa ra một “sự thật” mà họ tin rằng cấp trên của họ muốn nghe bất kể thông tin đó có liên quan đến thực tế hay không.
Chính sách của chính phủ tạo ra người thắng và kẻ thua. Trong suốt nhiều năm, Bắc Kinh đã nói về việc giảm phụ thuộc vào sự tăng trưởng dựa trên nợ, các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương đã cảnh báo về điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thể tiếp tục tích lũy nợ. Đơn giản là ĐCSTQ không sẵn lòng khiến một số lượng lớn người dân mất việc để thúc đẩy sự năng động của nền kinh tế. Vì vậy, giới chức trách tránh tạo ra những người thất bại ở cấp độ cá nhân bằng cách tạo ra một kẻ thất bại trong xã hội do nợ nần chồng chất. Khi mọi câu hỏi trong một quốc gia-dân tộc đều bị ảnh hưởng theo sự ưu tiên của chế độ chuyên chế, thì những câu trả lời này không phải lúc nào cũng có ý nghĩa.
Vậy thì ĐCSTQ sẽ giải quyết các vấn đề của Trung Quốc ra sao đây?
Bằng cách trì hoãn điều không thể tránh khỏi và hy vọng rằng không có cuộc khủng hoảng hay sự kiện lớn nào cả thì không có cách nào để giải quyết các vấn đề như suy giảm hay sụp đổ dân số như trong trường hợp của Trung Quốc, cũng như vấn đề nợ nần. ĐCSTQ chỉ ước gì ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng.
Khi người ta cân nhắc về sự đánh đổi, họ tự hỏi liệu họ có nên nói sự thật hay là nói với “vị lãnh tụ vĩ đại” những điều ông ấy muốn nghe. Hầu hết người ta chuộng tránh xa lao ngục hơn là nói ra sự thật.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times