Tại sao người Mỹ thường ăn thịt nguội vào Lễ Phục Sinh?
Lễ Phục Sinh có thể bắt đầu với những quả trứng nhuộm màu sặc sỡ, những chú thỏ chocolate, và đi nhà thờ, nhưng món chính trong bữa ăn Chủ Nhật Phục Sinh luôn là món thịt nguội. Trong vô số những thắc mắc về truyền thống Lễ Phục Sinh, bạn đã bao giờ dừng lại để tự hỏi vì sao người Mỹ ăn thịt nguội vào Lễ Phục Sinh trong khi phần lớn thế giới ăn thịt cừu trong dịp này?
Câu trả lời không phức tạp như bạn nghĩ. Lý do đơn giản là vì đây là món ăn thiết thực và đúng mùa.
Trong lịch sử, thịt cừu là món chính cho bữa tối Lễ Phục Sinh và món ăn này vẫn còn được duy trì ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là một truyền thống có tuổi đời khoảng 3,000 năm và bắt nguồn từ ngày lễ Passover của người Do Thái – ăn mừng tự do của người Israel và cuộc di cư của họ ra khỏi Ai Cập. Theo History.com, một số người theo đạo Do Thái thường ăn thịt cừu vào lễ Passover. Khi một số người chuyển sang Cơ Đốc Giáo, họ vẫn tiếp tục phong tục này vào Lễ Phục Sinh.
Truyền thống này ban đầu được duy trì ở Hoa Kỳ vì trong Đệ nhị Thế chiến, len là một loại chất liệu phổ biến nên người ta nuôi cừu cũng nhiều; vì thế nguồn cung cấp thịt cừu khá dồi dào. Nhưng ngay sau khi nhu cầu về len bắt đầu sụt giảm thì số lượng đùi cừu được cung cấp cho dịp Lễ Phục Sinh cũng giảm theo.
Thịt nguội đã trở thành một thay thế tuyệt vời cho thịt cừu vì người nông dân có thể chế biến và bảo quản món thịt này trong những tháng mùa đông, và khi mùa xuân đến, món này đã sẵn sàng để ăn.
Bên cạnh đó, giá cả thịt nguội thì phải chăng hơn so với thịt cừu và vì vậy phần ăn được đầy đặn hơn. Vào năm 1950, một chiếc đùi cừu có giá khoảng 74 xu, trong khi cả nguyên khối thịt nguội chỉ khoảng 62 xu. Chưa kể có rất nhiều cách để bạn có thể dọn ăn kèm với thịt nguội, như đường nâu, xi-rô cây phong, và thơm.
Bất kể bạn cắt theo cách nào, món thịt nguội thực sự là món ăn tuyệt vời cho bữa tối của Lễ Phục Sinh truyền thống.
Minh Nguyệt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: