Tại sao ly hôn lại phổ biến trong xã hội đương đại?
Gia đình là tế bào cấu thành nên xã hội, là nền tảng của sự ổn định xã hội. Nhưng trong thời đại hiện nay, tình trạng ly hôn lại diễn ra khắp nơi.
Theo các số liệu điều tra liên quan, số lượng người ly hôn mỗi năm tăng theo cấp số nhân, rất nhiều gia đình tan vỡ, giáo dục trẻ em bị lệch lạc nghiêm trọng, người già thiếu người chăm sóc và phụng dưỡng, số lượng người mắc bệnh trầm cảm tiếp tục tăng cao, áp lực tinh thần ngày càng lớn, dẫn đến toàn thể xã hội rơi vào trạng thái bất ổn, mọi người đều cảm thấy không an toàn. Gia đình không còn là bến đỗ bình an, rất nhiều người không thể tìm thấy chốn dừng chân trong gia đình nữa.
Từ cổ chí kim, không một triều đại nào có hiện tượng như ngày nay, vào cuối những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, nói đến chuyện ly hôn người ta đều cảm thấy rất xấu hổ, bẽ mặt. Nhưng ngày nay việc này đã thành chuyện cơm bữa, người ta đều cảm thấy rất bình thường.
Khi đại sư Lâm Ngữ Đường và Liêu Thúy Phượng kết hôn, Lâm Ngữ Đường nói: “Chỉ khi nào ly hôn thì giấy chứng nhận kết hôn mới có tác dụng, chúng ta hãy đem đốt đi, từ nay về sau không cần dùng đến nữa”. Đốt giấy chứng nhận kết hôn xong, hai người họ nương tựa vào nhau, bao bọc cho nhau, sống yêu thương nhau trọn đời không xa rời. Ngược lại, tài tử thời Quốc Dân đảng Từ Chí Ma, vì theo đuổi Lâm Huy Nhân mà kiên quyết ly hôn trong khi vợ đang mang bầu, mở ra tiền lệ cho việc ly hôn thời nay. Sau đó anh ta lại kết hôn với vợ của một người bạn và kết quả là cả hai đều không có được một kết thúc có hậu.
Vậy nguyên nhân gì đã dẫn đến tình trạng ly hôn tràn lan trong thời hiện đại?
Truy tìm nguồn gốc, con người hiện đại đã không còn hiểu được nội hàm của hôn nhân, càng không hiểu được sự thiêng liêng, nghiêm túc và vẻ đẹp của hôn nhân. Hôn nhân là sự ban tặng của Trời, là sự sắp đặt của ông tơ bà nguyệt, là dựa theo ân oán duyên phận đời đời kiếp kiếp của một người mà tác thành, hoàn toàn không giống như người ta tưởng tượng, phải là khi duyên phận đến thì hai người mới có thể kết nghĩa phu thê.
Người xưa nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Vì thế, ly hôn trước hết là trái với thiên ý, phá hoại an bài của Thần dành cho cá nhân ấy. Nhưng hiện nay rất nhiều người mất đi tín ngưỡng, hoàn toàn không hiểu rằng hai người có thể kết duyên vợ chồng là do ý Trời, là sự cam kết và nương tựa một đời, chứ không phải chỉ đơn giản là ý nguyện của con người.
Con người hiện đại không hiểu rằng hôn nhân được xây dựng trên cơ sở đạo nghĩa, được duy trì bằng đạo nghĩa, chứ không đơn giản chỉ là duy trì bằng tình cảm. Đạo nghĩa là chuẩn tắc cho hành vi của con người, còn tình cảm lại rất không ổn định, thường hay biến đổi, không đáng tin cậy nhất, nó lỏng lẻo, rời rạc thay đổi theo thời gian và không gian.
Tình cảm là thứ liên tục biến đổi, nếu lấy tình cảm để duy trì hôn nhân thì vô cùng nguy hiểm. Có người nói: “Hôn nhân không có tình yêu là vô đạo đức”. Đây kỳ thực là một thứ lý lẽ hoang đường, nó đã lật đổ hoàn toàn quan niệm hôn nhân truyền thống của Trung Hoa, họ chỉ là tìm một cái cớ “mỹ miều” cho việc ly hôn của bản thân mà thôi. Hai người thực sự đã cùng nhau trải qua vô vàn sóng gió thì nhất định sẽ xây dựng được một tình cảm vĩ đại vượt trên cả mối quan hệ huyết thống.
Thời nay, hai người kết hôn hiếm khi suy xét vấn đề từ góc độ của người bạn đời mà đa phần lấy bản thân làm trung tâm, họ chỉ coi trọng lợi ích bản thân, chỉ cần động chạm vào quan niệm cố hữu của mình, không hợp ý mình, thì nhất định sẽ xảy ra tranh cãi, đánh lộn, hoặc lấy ly hôn ra để uy hiếp. Lại có người động một chút là nói chuyện ly hôn, mà đây là điều kỵ húy nhất trong hôn nhân. Nếu hai người có thể đặt mình vào vị trí của người kia mà suy xét, chú ý nhiều đến cảm nhận của người kia thì sẽ tránh được rất nhiều tranh cãi, bạo lực và tan vỡ gia đình. Nếu hai vợ chồng đều có thể bao dung lẫn nhau, biết nghĩ cho nhau thì hôn nhân sẽ không thể bị phá vỡ.
Hơn nữa, thời đại hiện nay là thời đại âm dương đảo chiều, âm thịnh dương suy, trong hầu hết các gia đình, vai trò của nam nữ đều bị hoán đổi vị trí. Trong bối cảnh như vậy, người đàn ông thiếu đi vai trò gánh vác, không thể đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình, mất dần khí phách trượng phu; người phụ nữ trở thành “nữ hán tử”, sự dịu dàng nên có của họ đã bị vùi lấp, tình trạng như vậy khiến cho cả nam và nữ đều chất chứa bực dọc trong lòng, cả hai bên đều khó chấp nhận nhau, và tất nhiên mâu thuẫn gia đình là không thể tránh khỏi.
Trong xã hội đâu đâu cũng thấy tuyên truyền những thứ dâm dục, sắc tình. Phim điện ảnh và truyền hình nếu không có cảnh chăn gối thì tỷ lệ người xem không đạt; đủ loại hình ảnh sắc tình, dâm dục trên Internet bất cứ lúc nào cũng lôi kéo sự chú ý của người ta. Tranh ảnh khỏa thân, các loại đồ chơi, các trò giải trí trên đường phố đều tràn ngập sắc tình, dâm dục dù là lộ liễu hay ẩn ý. Đàn ông ra ngoài tìm hoa ngắt liễu, bao vợ hai, vợ ba, phụ nữ cũng cam tâm tình nguyện làm gái bao, buôn phấn bán hương, quan hệ luân lý giữa con người đã trở nên hỗn loạn. Những gia đình như vậy liệu có thể tìm thấy sự ấm áp chăng?
Chính những nhân tố này đã dẫn đến tình trạng ly hôn trở nên phổ biến trong toàn xã hội, nhưng đây là sự thụt lùi của xã hội, là biểu hiện của sự tha hóa đạo đức, chứ không phải là một hiện tượng bình thường. Đây là điều mà tất cả mọi người chúng ta cần cảnh giác, cần phải từng bước làm chính lại, đưa hôn nhân và gia đình quay trở lại trạng thái bình thường.