Tại sao Lập Xuân còn được gọi là “đả xuân”?
Lập xuân là tiết đầu tiên trong 24 tiết khí, cũng chính là sự bắt đầu của mùa xuân. Vì vậy tục ngữ có câu rằng “nhất niên chi kế tại ư xuân”, ý rằng kế hoạch của một năm được lập vào mùa xuân.
Trong “Sử ký-Thiên quan thư” có ghi chép rằng: “Lập xuân nhật, tứ thời chi thủy dã”, ý rằng ngày lập xuân là ngày đầu tiên bắt đầu bốn mùa. Trung Quốc từ xưa đã là quốc gia lấy nghề nông làm trọng yếu, quá trình sinh sản hoa màu là mùa xuân gieo hạt, mùa hạ sinh trưởng, mùa thu thu hoạch, mùa đông dự trữ, khâu quan trọng nhất vẫn là vào mùa xuân, do đó lập xuân là một tiết rất quan trọng. Vậy tại sao lập xuân còn được gọi là “đả xuân”?
Lập xuân qua đi cũng đồng nghĩa với mùa đông kết thúc, vạn vật sẽ hồi sinh. Như trong “Dật chu thư – Thời huấn” đã viết: “Lập xuân chi nhật, đông phong giải đống; hựu ngũ nhật, trập trùng thủy chấn”, đại ý là đến ngày lập xuân, gió xuân đem lại sự ấm áp, mặt đất bắt đầu tan băng, năm ngày sau, các loài côn trùng ngủ đông đều dần dần tỉnh giấc và bắt đầu hoạt động.
Vì vậy, để nghênh đón mùa xuân, từ xa xưa đã có những nghi lễ đón xuân rất long trọng. Một ngày trước lập xuân, Hoàng đế sẽ cùng bách quan đến vùng ngoại ô phía đông thành để cử hành tế lễ nghênh đón mùa xuân, khẩn cầu mùa màng bội thu, sau khi quay trở về còn phải lan tỏa ân đức và ban phát ân huệ cho bách tính. Trong “Lễ kí – Nguyệt lệnh” có ghi chép: “Lập xuân chi nhật, thiên tử thân soái tam công cửu khanh chư hầu đại phu, dĩ nghênh xuân vu đông giao”.
Một ngày trước ngày lập xuân, quan phủ ở châu huyện các nơi sẽ chuẩn bị một cái đầu “trâu đất” được nặn bằng đất sét (còn được gọi là trâu xuân), để cử hành nghi thức tế lễ trâu xuân nghênh đón mùa xuân. Sau khi tế lễ kết thúc, thì đặt trâu xuân ở trước cổng của các phủ quan, đợi đến ngày thứ hai sẽ cử hành nghi thức “đả xuân”.
Vào ngày lập xuân, quan lại địa phương chủ trì buổi lễ vào sáng sớm sẽ cử người phụ trách tay cầm roi màu đánh vào “trâu xuân”. Từ sáng đến tối, các quan viên lớn nhỏ trong phủ hoặc dân chúng khi đi ngang qua đều có thể ở trước phủ quan dùng roi đánh trâu xuân, tượng trưng cho việc tiễn đông nghênh xuân, ngoài ra còn có ý nghĩa là thúc giục trâu cày nỗ lực cày cấy. Do đó, người ta bèn gọi tập tục dùng roi đánh trâu xuân này là “đả xuân”, “tiên xuân” hoặc “tiên ngưu” (từ “đả”打 và “tiên” 鞭 ở đây có ý nghĩa là đánh, quất).
Trong “Đông Kinh mộng hoa lục – quyển 6, Lập xuân” của Mạnh Nguyên Lão thời nhà Tống cũng có ghi lại rằng: “Trước ngày lập xuân một ngày, phủ Khai Phong sẽ cho nhập trâu xuân vào cấm cung để “tiên xuân”. Hai huyện Khai Phong và Tường Phù sẽ đặt trâu xuân đằng trước phủ. Từ sáng đến tối, các quan lại trong phủ sẽ “đả xuân”, như một nghi thức ở châu này”.
Sau “tiên xuân”, khi “trâu xuân” bị đánh vỡ, mọi người sẽ đem một vài mảnh vỡ về nhà, biểu thị ý nghĩa năm sau mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Ngày lập xuân, ngoài các hoạt động nghênh đón mùa xuân, còn có tập tục uống rượu xuân, ăn bánh xuân.
Tác giả: Tâm Ngữ
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: