Tại sao kiểm soát súng không chấm dứt các vụ xả súng trường học ở Hoa Kỳ
Trong khi người dân Mỹ tranh luận về các biện pháp kiểm soát súng sau vụ xả súng hàng loạt ở Uvalde, Texas, thì một số chính trị gia đang lợi dụng thảm kịch này để thúc đẩy nghị trình chống lại vũ khí.
Một ngày sau vụ xả súng, các thành viên Đảng Dân Chủ bắt đầu sử dụng thảm kịch này như một phương tiện để thúc đẩy các loại chính sách mà họ hằng mong muốn. Nỗ lực đó đã được thể hiện rõ khi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) kêu gọi các cử tri muốn kiểm soát súng chặt chẽ hơn hãy bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện đã thất bại trong việc thúc đẩy luật kiểm soát súng liên bang có phạm vi rộng lớn hơn khi không đạt đủ ngưỡng 60 phiếu bầu theo quy trình tranh luận không giới hạn (filibuster), ngưỡng cần thiết để các dự luật được đưa ra sàn để bỏ phiếu.
Cũng hôm 25/05, ông Schumer đã chặn một dự luật, tên là Đạo luật An toàn Trường học Luke và Alex (Luke and Alex School Safety Act), mà những người ủng hộ cho rằng có thể giúp ngăn chặn các vụ xả súng trường học. Dự luật sẽ yêu cầu Bộ An ninh Nội địa thành lập một cơ quan thông tin liên bang về các phương pháp an toàn trường học tốt nhất. Dự luật được Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) và hai thành viên Đảng Cộng Hòa khác đệ trình hồi tháng 01/2021.
Ông Johnson đã viết trên Twitter, “Thượng nghị sĩ Schumer đã chặn luật thông thường này để ủng hộ nghị trình mang tính đảng phái của ông ấy.” Trong một tweet khác, ông nói thêm, “Đảng Dân Chủ đang không muốn tìm kiếm giải pháp, họ là muốn các vấn đề gây chia rẽ mà họ hy vọng sẽ giữ cho họ nắm được quyền lực. Thật phát ốm!”
Với cựu Tổng thống Barack Obama, dường như điều quan trọng đối với ông ấy là thúc đẩy các luận điệu xung quanh vấn đề phân biệt chủng tộc hơn là lên án kẻ xả súng ở Uvalde.
Ông Obama viết trên Twitter: “Hôm nay, khi chúng ta đau buồn cho những đứa trẻ của Uvalde, chúng ta nên dành thời gian để nhận ra rằng đã hai năm trôi qua kể từ khi George Floyd bị sát hại dưới đầu gối của một sĩ quan cảnh sát.”
“Sau vụ sát hại anh ấy, một thế hệ nhà hoạt động mới đã vươn lên để chuyển nỗi đau của họ thành hành động có tổ chức, khởi động một phong trào nâng cao nhận thức về phân biệt chủng tộc có hệ thống và sự cần thiết của công lý hình sự và cải tổ cảnh sát.”
Hôm 02/06, Tổng thống Joe Biden, trong một bài diễn thuyết về kiểm soát súng, đã tuyên bố rằng Tu chính án thứ Hai “không phải là tuyệt đối.” Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) đã bác bỏ bài diễn thuyết của tổng thống khi nói rằng, “Tất cả những gì Tổng thống nhiều lần đề xướng sẽ chỉ xâm phạm quyền của những người tuân thủ luật pháp, những người chưa và sẽ không bao giờ phạm tội.”
Kiểm soát súng
Một trong những lập luận chính của vận động hành lang kiểm soát súng là người dân không cần súng để tự vệ bởi vì [đã có] cảnh sát bảo vệ họ. Hơn nữa, như nhiều người theo chủ nghĩa xã hội thường nói, người dân không cần súng bởi vì chính phủ của họ là người bảo vệ lớn nhất của họ.
Tuy nhiên, lịch sử cho chúng ta biết rằng những người không có khí giới có thể không có khả năng tự vệ nếu chính phủ của họ chống lại họ. Tiền lệ bi thảm nhất trong lịch sử liên quan đến Đức Quốc Xã, chế độ đã sử dụng luật vũ khí của Cộng hòa Weimar để thu giữ tất cả súng của người Do Thái trước khi bắt đầu sát hại họ hồi năm 1941, đánh dấu sự khởi đầu của vụ thảm sát Holocaust.
Trong lịch sử còn có một số tiền lệ khác nữa. Năm 1911, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập quyền kiểm soát súng và đã sát hại 1.5 triệu người Armenia từ năm 1915 đến năm 1917. Năm 1929, sau khi xóa bỏ quyền sở hữu súng tư nhân, Liên Xô đã sát hại 20 triệu công dân kể từ đó cho đến năm 1953.
Tương tự như vậy, người dân Trung Quốc cũng trở thành một nhóm dân số không có khả năng tự vệ dưới sự hạn chế súng chặt chẽ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông từng nói: “Quyền lực chính trị đi lên từ nòng súng.”
Trong trường hợp của thảm kịch Uvalde, cảnh sát trưởng trường học Pedro “Pete” Arredondo đã chịu sự giám sát chặt chẽ và bị chỉ trích nặng nề vì quyết định tuân theo một giao thức áp dụng với một đối tượng bị bao vây thay vì giao thức áp dụng với một kẻ xả súng chủ động — do đó đã trì hoãn phản ứng của cảnh sát hơn một giờ. Ông Steven McCraw, giám đốc Sở An toàn Công cộng Texas, đã nói rằng đó là “quyết định sai lầm” khi không đối đầu với kẻ xả súng sớm hơn.
Tuy nhiên, giải trừ vũ khí chỉ là một mặt của phương trình — mặt mà nhà nước tìm cách áp đặt một trật tự xã hội mới bằng cách tước bỏ súng của người dân. Mặt còn lại liên quan đến việc lật đổ một trật tự tự nhiên tồn tại bên trong tất cả chúng ta — cụ thể là đạo đức — có biểu hiện bên ngoài là sự tự chế ước hoặc tự kiểm soát bản thân.
Ở Hoa Kỳ, cấu trúc đạo đức của xã hội đang bị phá hủy, và người dân lựa chọn hành động vô đạo đức — và đối với một số người, điều đó có nghĩa là không có gì phải lo lắng về việc sát hại những đứa trẻ vô tội.
Trung Quốc Cộng sản là một điển hình đáng báo động về việc người dân Mỹ có thể rơi vào tình cảnh nào nếu quốc gia chúng ta tiếp tục đi theo con đường hiện tại. ĐCSTQ đã phá hủy nền tảng đạo đức của xã hội bằng cách bắt đầu cuộc Đại Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976, trong đó các tư tưởng, văn hóa, phong tục, và tập quán truyền thống bị gán nhãn là “Tứ cựu” và bị đả phá.
Nhưng ngay cả sau khi tước đoạt quyền sử dụng súng của người dân và phá hủy đạo đức truyền thống, cộng sản Trung Quốc đã phát hiện vẫn còn một vấn đề: Họ chỉ có thể duy trì sự ổn định xã hội ở mức độ mà họ có thể kiểm soát người dân bằng cách sử dụng quyền lực của nhà nước. Nói cách khác, chính quyền cộng sản Trung Quốc chỉ có thể kiểm soát người dân trong phạm vi mà họ có thể giám sát được người dân.
Cảnh sát có thể phản ứng khi có sự cố, nhưng họ sẽ phản ứng sau khi hành vi phạm tội đã được cấu thành. Thông thường, cảnh sát sẽ mất từ 15 phút trở lên để phản ứng. Vì vậy, bước tiếp theo là hành động ngăn chặn từ trước.
Nhưng các loại công nghệ mà quý vị cần để ngăn chặn tội phạm từ trước là những thứ chúng ta không muốn tồn tại, liên quan đến việc giám sát mọi hành động của công dân.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.