Tài liệu mật tiết lộ Bắc Kinh ra lệnh xóa sổ nhóm tín ngưỡng, bằng chứng của tội diệt chủng?
Gần đây, The Epoch Times đã có được một tài liệu nhà nước tuyệt mật được ban hành 20 năm trước, trong đó tài liệu xác nhận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng hệ thống tư pháp và thao túng bộ máy an ninh của quốc gia để thực hiện tội ác diệt chủng đối với những người theo học Pháp Luân Công. Tòa báo cũng phỏng vấn hai luật sư Trung Quốc vốn tin rằng cuộc đàn áp này không có cơ sở pháp lý.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tập trung vào các giá trị phổ quát Chân, Thiện và Nhẫn. Tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Các học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ bất hợp pháp, tra tấn và sát hại bất hợp pháp. Các phương tiện truyền thông nhà nước và các sách giáo khoa của ĐCSTQ cũng đã đăng tải tuyên truyền phỉ báng nhóm tín ngưỡng này là một “giáo phái” nguy hiểm.
Cuộc đàn áp có hệ thống đối với môn tập này và việc cưỡng bức mổ cướp tạng từ các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã được chứng minh bằng tư liệu và đã bị lên án bởi các tổ chức quốc tế và các chính phủ nước ngoài.
Tài liệu bị rò rỉ này được phân loại là “tuyệt mật”, được The Epoch Times thu thập từ một nguồn đáng tin cậy. Đó là một đánh giá tư pháp được đưa ra vào ngày 30/11/2000 bởi Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước và Bộ Tư pháp của ĐCSTQ. Nó được in và cấp phát bởi Thư ký thứ nhất của Tổng Văn phòng Tòa án Tối cao.
Tài liệu với tiêu đề “Ý kiến về việc Đàn áp thẳng tay Ác liệt các Hoạt động Bất hợp pháp và Tội phạm của Tổ chức Dị giáo Pháp Luân Công theo Pháp luật” tuyên bố rằng “các cơ quan chính trị và pháp luật tất cả các cấp phải kiên quyết thực hiện” “các chỉ thị quan trọng nhằm xóa sổ Pháp Luân Công” của Giang Trạch Dân.
Nó liệt kê tên của các học viên Pháp Luân Công, các tội danh được gán cho các hoạt động khác nhau của Pháp Luân Công và các mức độ trừng phạt.
Ví dụ: tài liệu này định nghĩa hoạt động biên soạn, in ấn và phổ biến các tài liệu Pháp Luân Công là “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”, trích dẫn đoạn thứ hai của Điều 105 Luật Hình sự của Trung Quốc (bộ luật hình sự).
Cáo buộc “nói xấu các lãnh đạo Đảng và nhà nước” áp dụng đối với những người lên tiếng chống lại cuộc đàn áp, vạch trần việc bắt giữ tùy tiện và đối xử vô nhân đạo đối với các học viên Pháp Luân Công (ví dụ như đánh đập, cưỡng bức lao động, và các phiên tẩy não tại các trung tâm giam giữ), và nộp đơn kiện chính quyền để buộc họ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào do cuộc đàn áp gây ra. Người đó sẽ bị “kết tội và bị trừng phạt theo Điều 246 của Luật Hình sự,” tài liệu nêu rõ.
Tài liệu cũng tuyên bố rằng việc ĐCSTQ xử lý các vụ việc liên quan đến Pháp Luân Công là “chính trị, luật pháp và định hướng chính sách” và yêu cầu “các phòng ban chính trị và pháp luật ở tất cả các cấp phải hợp tác chặt chẽ dưới sự lãnh đạo thống nhất của ủy ban trung ương Đảng”.
Các luật sư: Cuộc đàn áp Pháp Luân Công không có cơ sở pháp lý
The Epoch Times đã trao đổi với hai luật sư Trung Quốc để lấy ý kiến chuyên gia của họ về tính hợp pháp của đánh giá tư pháp này.
Ông Liu Ping (bí danh) đã biện hộ cho nhiều học viên Pháp Luân Công tại các tòa án Trung Quốc đại lục trong nhiều năm. Ông cho biết mặc dù trước đây ông đã xem các tài liệu tương tự, nhưng ông vẫn bị sốc bởi ngôn từ mạnh mẽ nhắm vào Pháp Luân Công. “Đây là một cuộc chiến do ĐCSTQ phát động sử dụng quyền lực tư pháp nhà nước chống lại cộng đồng Pháp Luân Công!” ông nói.
Ông Liu nói thêm rằng vì tài liệu này cho thấy chế độ Trung Quốc đã huy động toàn bộ bộ máy an ninh của mình để nhắm vào Pháp Luân Công, đó là bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã phạm tội diệt chủng.
Tòa án Hình sự Quốc tế định nghĩa tội diệt chủng xảy ra khi: “mục đích cụ thể nhằm tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc nhóm tôn giáo bằng cách… gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm đó; [hoặc] cố ý gây ra các điều kiện sống của nhóm đó mà được tính toán để dẫn đến sự hủy diệt toàn bộ hoặc một phần thân thể của nhóm đó.”
Ông Chen Jiangang, một luật sư đến từ Trung Quốc đại lục hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cũng đã từng đại diện cho nhiều học viên Pháp Luân Công khi còn ở Trung Quốc.
Theo phân tích của ông Liu, việc xuất bản tài liệu này của năm bộ liên quan đến an ninh vốn đã là bất hợp pháp vì họ không có quyền ban hành các chính sách.
Ông Chen nói rằng tài liệu này là một “ý kiến thực thi pháp luật”, nó hơi giống với ý kiến của Đảng. Bản thân tài liệu này không phải là luật, nó cũng không phải là tuân theo bản chất của việc giải thích tư pháp, ông nói.
“Từ góc độ pháp lý, bản thân nó là bất hợp pháp, và tài liệu này không có bất kỳ chức năng pháp lý hay hiệu lực pháp lý nào,” ông cho biết.
Ông Chen chỉ ra rằng ngay cả bản thân chế độ ĐCSTQ không ban hành bất kỳ luật nào để xác định “Pháp Luân Công” là một “tổ chức dị giáo”. Trong suốt những năm biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công, ông Chen đã nêu quan điểm này trước tòa. Và không có công tố viên, thẩm phán, hay cảnh sát nào đã từng có thể cung cấp một cơ sở pháp lý để xác định Pháp Luân Công là một tổ chức như vậy, ông nói.
Tài liệu ‘tối mật’ là bất hợp pháp
Ông Liu nhấn mạnh rằng tính bất hợp pháp của tài liệu này là việc nó có tính bảo mật cao và không được công bố công khai.
“Các văn bản có tính chất pháp lý trước đó phải được thông báo công khai thì mới có hiệu lực. ĐCSTQ đặt ra một ‘luật’ bí mật, vậy làm sao mọi người có thể tuân thủ nó? Do đó, loại ‘luật’ này là một phương tiện khủng bố mờ ám và cho thấy sự bất hợp pháp của nó”.
Ông Liu nói rằng các cơ quan chính trị và pháp luật ở tất cả các cấp ở Trung Quốc có khả năng đã trích dẫn nội bộ và chuyển tiếp tài liệu tư pháp bí mật này.
Ông Liu tiết lộ rằng theo Điều 15 của “Luật Bảo mật” của ĐCSTQ, thời hạn bảo mật của các tài liệu tuyệt mật không vượt quá 30 năm, vì vậy tài liệu này vẫn còn thời hạn bảo mật là 10 năm. Giờ đây, khi nó được phơi bày, đó là “bằng chứng về tội diệt chủng” mà ĐCSTQ đã gây ra, ông nói.
Ông Chen cũng nhận xét về việc phân loại tài liệu này: “Đây là một tài liệu tuyệt mật mà cho thấy rằng năm bộ đã ban hành nó đang tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm mà họ không muốn mọi người biết đến”.
Chiến dịch chính trị đàn áp Pháp Luân Công
Ông Chen chỉ ra rằng cách viết và ngôn ngữ của tài liệu này gợi nhớ lại thuật ngữ thời Cách mạng Văn hóa. Ông nói rằng các thuật ngữ như “phản động” và “tấn công” xuất hiện xuyên suốt trong tài liệu cho thấy đây là một cuộc đàn áp chính trị chống lại Pháp Luân Công. Cách mạng Văn hóa (1966-1976) là một chiến dịch bạo lực trên toàn quốc do cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông phát động nhằm đàn áp thẳng tay “những kẻ phản cách mạng” và đã dẫn đến nhiều cái chết.
“Trong cả việc ban hành tài liệu này và cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, thì điều được thực thi không phải là luật pháp, mà là ý muốn cá nhân của Giang Trạch Dân. Trong tài liệu này, các từ khóa được sử dụng thường xuyên nhất là ‘trấn áp’ và ‘đàn áp thẳng tay’. Những từ này thể hiện tình trạng không hợp pháp,” ông Chen nói.
Cụm từ “nâng cao nhận thức và thống nhất tư tưởng thực thi pháp luật” cũng cho thấy rằng “tài liệu tư pháp này duy chỉ nhằm thực hiện ý chí cá nhân của Giang Trạch Dân, đó vốn là cuộc đàn áp bất hợp pháp Pháp Luân Công do Giang phát động lợi dụng hệ thống ĐCSTQ,” ông Chen nhấn mạnh.
Điều 300 Luật Hình sự
Tài liệu này sử dụng Điều 300 của Luật Hình sự – “sử dụng một tổ chức dị giáo để phá hoại việc thực thi luật pháp” – để biện minh cho việc đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Đây là cáo buộc hình sự phổ biến nhất mà các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc đã sử dụng để truy tố các học viên Pháp Luân Công.
Ông Chen chỉ ra rằng theo Điều 300, có ít nhất bốn điều kiện cần phải được đáp ứng để việc thực hành Pháp Luân Công cấu thành một tội danh.
1. Các bên “sử dụng” một tổ chức để “phá hoại” pháp luật. Các học viên Pháp Luân Công không tham gia vào các hoạt động mà đáp ứng tiêu chí này và không liên quan gì đến việc “sử dụng bất kỳ tổ chức nào,” ông Chen cho biết.
2. Nhóm là một “tổ chức dị giáo”. Tuy nhiên, ĐCSTQ chưa bao giờ có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để xác định Pháp Luân Công như vậy.
3. Nhóm là một tổ chức có nhân sự cố định và phân công lao động rõ ràng. Nhưng trong trường hợp của Pháp Luân Công, không có tổ chức hoặc thành viên nào.
4. Các luật và quy định hành chính quốc gia có liên quan bị vi phạm phải được xác định và xác nhận. ĐCSTQ nói rằng những người theo học Pháp Luân Công không được phép tập luyện tại nhà hoặc sản xuất các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công, nhưng nó không thể chỉ ra luật quốc gia hoặc quy định hành chính nào đã bị vi phạm bởi những hành động này.
Ông Chen cho biết bởi vì không có tiêu chí nào trong số những tiêu chí này được đáp ứng, tuyên bố của ĐCSTQ về cuộc đàn áp “hợp pháp” đối với Pháp Luân Công là dựa trên một sự giải thích không đúng về luật.
Ông Chen nói thêm rằng để xác định một tội danh thì phải có luật để xác định hoạt động phạm pháp và tội phạm, và hành vi của bị cáo phải gây nguy hại cho xã hội. Ông cho biết các học viên Pháp Luân Công mà ông đã gặp đều ôn hòa và tuân thủ luật pháp.
“Càng xử lý nhiều vụ án [Pháp Luân Công], tôi càng hiểu rõ sự tàn ác và vô pháp của ĐCSTQ,” ông nói.
“ĐCSTQ vi phạm luật của chính nó. Chính công an, viện kiểm sát, và cảnh sát của ĐCSTQ thực sự cản trở và làm tổn hại đến việc thực thi pháp luật… Họ đã trung thành thực hiện các chỉ dẫn trong tài liệu [mật] này… và đàn áp Pháp Luân Công một cách tàn bạo.”
Bản tin này có sự đóng góp của Hong Ning và He Jian