Tài liệu bị rò rỉ tiết lộ cách Trung Cộng đàn áp các cựu chiến binh
Ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều cuộc biểu tình của các cựu chiến binh vì quyền và lợi ích của họ đã trở thành một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Cộng trong những năm gần đây. The Epoch Times gần đây đã thu được một tài liệu chính phủ từ một nguồn đáng tin cậy cho thấy những người khiếu kiện đang bị chính quyền đàn áp như thế nào. Một nhà quan sát Trung Quốc nói rằng Trung Cộng đàn áp các cựu chiến binh thông qua các thủ đoạn hà khắc để “duy trì sự ổn định” và củng cố quyền cai trị của mình.
Các cuộc biểu tình lớn
The Epoch Times đã có được một tài liệu từ chính quyền thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh.
Trong năm 2018, ba cuộc biểu tình lớn đã xảy ra từ ngày 31/05 đến ngày 12/06, theo tài liệu có tiêu đề, “Báo cáo về việc Xác minh và Điều tra hoạt động Khiếu kiện liên hệ tới Quân đội,” do Cơ quan Quản lý Khiếu nại và Kiến nghị Công cộng Thành phố Đan Đông gửi Thành Ủy Đan Đông ngày 23/06/2018.
Vào ngày 31/05/2018, 75 cựu chiến binh từ các doanh nghiệp địa phương ở Đan Đông đã tập trung tại khu phức hợp văn phòng chính quyền thành phố và đã kháng cáo lên chính quyền bằng cách giơ những tấm biểu ngữ, quỳ gối xuống đất và ngồi yên.
Vào ngày 11/06/2018, hơn 110 cựu chiến binh đã biểu tình trước Quảng trường Ga Hỏa xa của thành phố để kêu gọi quyền của họ — một số người biểu tình đã đọc diễn văn, còn có nhiều người khác thì giơ biểu ngữ và ngồi yên.
Vào ngày 12/06/2018, khoảng 230 cựu chiến binh đã biểu tình trước khu phức hợp chính quyền tỉnh.
Bất chấp các cuộc biểu tình ôn hòa, nhà chức trách Trung Cộng lo ngại về số lượng người biểu tình tại các địa điểm biểu tình. Báo cáo cho rằng “các quân nhân đã về hưu có cơ hội đoàn kết, trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau và gia tăng ảnh hưởng của họ, tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến công tác duy trì ổn định và hòa giải trong tương lai.”
Những cựu chiến binh kiến nghị có tổ chức chặt chẽ
Báo cáo lưu ý rằng số lượng cựu chiến binh tại các địa điểm biểu tình ngày càng tăng và những người khiếu kiện này được tổ chức chặt chẽ.
Nhóm “có xu hướng gia tăng [tình hình] và sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu,” nhóm này cho biết.
Theo tài liệu, những người khiếu kiện có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và với các nhóm tương tự khác, và những cựu chiến binh này được tổ chức tốt tại các địa điểm thỉnh nguyện vì họ được chia thành các nhóm khác nhau. Có bảy nhóm cựu chiến binh trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat, với gần 400 thành viên.
Báo cáo cho biết nhóm hoạt động nhanh chóng và có thể trốn tránh sự theo dõi và truy tìm của cảnh sát. Những người khiếu kiện này thường xuyên thay đổi thẻ SIM điện thoại di động không được đăng ký dưới bất kỳ tên thật nào. Họ cố tình đi đường vòng và đi bằng xe riêng hoặc xe tải để đến các điểm thỉnh nguyện của họ trong màn đêm bao phủ.
Ông Vương Tín Hiền (Hsin-Hsien Wang), một chuyên gia Đài Loan về các vấn đề Trung Quốc nói rằng lý do chính của mức huy động cao này là do nhiều tổ chức cựu chiến binh khác nhau đã được các cựu chiến binh địa phương thành lập để tạo điều kiện giao tiếp — các tổ chức này bao gồm Ủy ban Tổ chức Cựu chiến binh Khuyết tật Trùng Khánh, Cựu chiến binh Chiến tranh Quý Châu, Quyền của Cựu chiến binh Khuyết tật Cách mạng Hà Nam, Cựu chiến binh Ngày 1 Tháng 8 Thiểm Tây và Cựu chiến binh Chiến tranh Hà Bắc. Ông lưu ý rằng các nhóm mạng này phổ biến ở cấp thành phố, quận và tỉnh. Một số nhóm được thành lập ở cấp quốc gia như Hiệp hội Cựu chiến binh Quốc gia của nhóm Hai Bên Tham gia và Hiệp hội Cựu chiến binh Quốc gia Thống nhất.
Nhóm “Hai Bên Tham gia” đề cập đến các cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam của Trung Cộng và các cựu chiến binh từ Đơn vị Nguyên tử 8023, một đơn vị quân đội phụ trách các cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử.
Đàn áp cựu chiến binh
Theo báo cáo, Bí thư đương thời của Thành ủy Đan Đông đã thất vọng trước tình hình này: “Thành phố đã cử hai ủy viên Ban Thường vụ đến Thẩm Dương để làm việc [về việc kiểm soát những người khiếu kiện], cùng hơn 100 lãnh đạo quận hoặc huyện và cảnh sát đã tham gia vào công việc, nhưng tại sao việc [cử người đến Thẩm Dương để kiểm soát những người khiếu kiện] lại không được phản ánh [trong báo cáo]?”
Báo cáo liệt kê các đề nghị cho công việc “duy trì sự ổn định” trong tương lai liên hệ tới những người thỉnh nguyện là các cựu chiến binh, bao gồm việc thành lập các tổ chức đặc biệt chịu trách nhiệm về các nhóm cựu chiến binh; tăng cường thu thập thông tin cá nhân của tất cả các cựu chiến binh quân đội, nhắm vào những người lãnh đạo, những người tổ chức bằng cách bài trừ họ khỏi nhóm [cựu chiến binh này], “thực hiện chăm sóc nhân đạo” để xoa dịu các cựu chiến binh nhằm ngăn không cho họ đệ đơn kiện.
Một ký giả của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ đã tìm đến văn phòng của Cơ quan Quản lý Khiếu nại và Kiến nghị Công cộng thành phố Đan Đông, nhưng giám đốc văn phòng từ chối phúc đáp các câu hỏi can dự tới các cựu chiến binh.
Theo tài liệu, có 2,114 cựu chiến binh đang làm việc trong các doanh nghiệp của thành phố, trong đó 288 cựu chiến binh đã bị cho thôi việc—đó là lý do chính khiến họ thường xuyên thỉnh cầu về quyền lợi của mình.
Chuyên gia: Trung Cộng sử dụng các biện pháp cả nhu lẫn cương để kiểm soát các cựu chiến binh
Giáo sư Vương Tín Hiền tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Chính trị (NCCU) ở Đài Loan từng viết trong một bài phân tích, “Các cựu chiến binh có nhiều phẩm chất khiến chính quyền [Trung Cộng] sợ hãi.”
Hồi năm 2018, ông Vương đã xuất bản “Phân tích về các cuộc biểu tình gần đây của cựu chiến binh ở Trung Quốc” trong Triển vọng & Thăm dò, một ấn phẩm hàng tháng của Cục Điều tra thuộc Bộ Tư pháp Đài Loan.
Ông Vương ước tính rằng khoảng 3 triệu cựu chiến binh thuộc nhóm “Hai Bên Tham gia” và khoảng 1 triệu người đã giải ngũ trong thời gian Trung Quốc kiểm soát vũ khí và giải trừ nguyên tử từ năm 1985 đến năm 1987. (Năm 1985, Trung Cộng tuyên bố cắt giảm một triệu quân nhân vào năm 1987, mà sau đó ở Trung Quốc được gọi là “Đại Giải trừ Quân bị.”) Tuy nhiên, do có một số lượng lớn các cựu chiến binh là giả, nên ông Vương tin rằng việc thu được một con số chính xác về tổng số cựu chiến binh trong nước là “một vấn đề đau đầu” đối với Trung Cộng.
Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, những kẻ mạo danh quân đội đã trả tiền cho chứng nhận cựu chiến binh để có được vị trí công việc tốt và các phúc của cựu chiến binh, và nhiều cơ quan chính phủ và các bệnh viện đã tham gia cung cấp cho họ các giấy tờ tùy thân giả mạo. Theo ông Vương, điều này gián tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của những cựu binh chân chính.
Ông Vương viết trong bài phân tích của mình, những người thỉnh nguyện và người biểu tình là cựu chiến binh đã thể hiện những kỹ năng huy động đáng kinh ngạc.
Một ví dụ là cuộc biểu tình hồi tháng 10/2016 bên ngoài khu phức hợp văn phòng Ủy ban Quân sự Trung ương của Trung Cộng ở Bắc Kinh của hàng ngàn cựu chiến binh. An ninh lúc đó đã trong tình trạng cảnh giác cao độ vì vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm khi có hai sự kiện quan trọng diễn ra ở thủ đô này.
“Những cựu binh này đến từ ít nhất chín tỉnh và thành phố, và thời điểm diễn ra sự kiện rất nhạy cảm, vì trùng hợp với Diễn đàn Hương Sơn hàng năm với sự tham dự của các phái đoàn chính thức và chuyên gia quân sự từ gần 60 quốc gia, và trước thềm Phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ban Chấp hành Trung ương Trung Cộng lần thứ 6,” ông Vương viết.
Ông Vương lưu ý rằng việc huy động quy mô lớn này của các cựu chiến binh được phản ánh tương tự bởi các nhóm khác.
Ông nói rằng, “Điều đáng lo ngại là kiểu vận động quần chúng này không chỉ xảy ra với các cựu chiến binh, mà còn với các tài xế xe tải đã đình công hồi tháng 06/2018.”
Ông Vương cho biết, để duy trì sự ổn định, chính quyền địa phương sử dụng các biện pháp cứng rắn để đàn áp các cựu chiến binh khiếu kiện. Điều này bao gồm việc khai triển cảnh sát hoặc nhân viên an ninh được trang bị vũ khí hạng nặng; kiểm duyệt các phương tiện truyền thông trực tuyến và xóa các bài đăng trên mạng xã hội, đóng cửa các tuyến đường và đóng cửa các dịch vụ hỏa xa, đồng thời sử dụng máy bay không người lái để giám sát các địa điểm biểu tình.
Các biện pháp mềm mỏng bao gồm thanh toán trợ cấp và cải thiện thu nhập của cựu chiến binh. Nhưng các chính quyền địa phương đã không thực hiện được các biện pháp này. Và khi các cựu chiến binh phàn nàn, chính quyền sẽ phản ứng bằng các biện pháp hà khắc, ông nói.
Ông Vương kết luận trong bài phân tích của mình, “‘Bảo vệ quyền lợi’ của các cựu chiến binh được cho là sẽ là một thách thức to lớn và là một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Cộng.”
Vào ngày 19/06/2018, một nhóm cựu chiến binh từ thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô đã đến các cơ quan liên quan của chính phủ để tìm hiểu về các chính sách liên hệ tới cựu chiến binh. Họ bất ngờ bị cảnh sát bao vây và sau đó bị đánh đập bởi những tên côn đồ không rõ danh tính, họ chạy vào các tòa nhà văn phòng của chính quyền thành phố và ẩn mình ở đó. Khi nghe tin về vụ việc, các cựu chiến binh khác từ các thành phố lân cận ở Giang Tô và từ các tỉnh khác đã đến Trấn Giang để hỗ trợ các cựu chiến binh địa phương. Cảnh sát đánh đập các cựu chiến binh, và 9 cựu chiến binh đã bị bắt vào ngày 20/06. Năm 2019, họ bị kết án từ 2 đến 4 năm tù.
Do Sophia Lam và Mary Hong thực hiện
Với sự đóng góp của Hong Ning và Gu Qing’er
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: