Tài khoản WeChat của Thủ tướng Úc bị bán cho một doanh nhân Trung Quốc
Hồ sơ WeChat của Thủ tướng Úc Scott Morrison đã được “bán” cho một doanh nhân Trung Quốc sau khi có thông tin tiết lộ rằng nhóm truyền thông xã hội của nhà lãnh đạo Úc này đã mất quyền kiểm soát tài khoản của ông hồi đầu tháng (01/2022).
Theo Daily Telegraph, tên của tài khoản này đã bị đổi từ “Scott Morrison” thành “Australian Chinese New Lifestyle” (“Lối sống mới của người Trung Quốc tại Úc”). The Epoch Times cũng đã tìm kiếm về tài khoản mang tên “Scott Morrison” trên WeChat và không tìm thấy kết quả nào.
Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) đã phát hiện rằng giám đốc điều hành của một công ty công nghệ thông tin, ông Hoàng Ái Bằng (Huang Aipeng), đã mua tài khoản của thủ tướng từ một công dân Trung Quốc chỉ được biết đến với tên gọi là ông Quý.
Ông Quý làm việc cho cơ quan được văn phòng của ngài thủ tướng thuê để điều hành tài khoản WeChat của ông – một thực tế phổ biến trong các chính trị gia và tổ chức muốn giao tiếp với các cộng đồng nói tiếng Hoa ở Trung Quốc hoặc ở ngoại quốc (Úc có khoảng 1.2 triệu người gốc Hoa).
Tuy nhiên, WeChat giới hạn việc sử dụng các tài khoản công khai trên nền tảng của mình là chỉ dành riêng cho công dân Trung Quốc, buộc các nhóm ngoại quốc phải dựa vào các bên thứ ba hoặc đại lý ký hợp đồng.
Ông Hoàng, người đứng đầu công ty Công nghệ Thông tin Phúc Châu 985, cho biết ông đã mua tài khoản của Thủ tướng Morrison vì tài khoản này có hơn 76,000 người theo dõi.
“Ông ấy [ông Quý] không cho tôi biết ai đang sử dụng tài khoản này,” ông Hoàng nói với ABC.
“Tôi thậm chí còn không biết [Scott] Morrison là ai; tôi thấy tài khoản này có rất nhiều người theo dõi nên chúng tôi đã mua nó.”
Ông Hoàng tiết lộ rằng ông sẽ xóa nội dung do nhóm của thủ tướng đăng trước đó và quảng bá tài liệu của chính mình.
Theo một tuyên bố mà AAP thu thập được, công ty mẹ của WeChat là Tencent đã phủ nhận mọi hành vi “hack hoặc xâm nhập của bên thứ ba” liên quan đến tài khoản của ngài thủ tướng.
“Dựa trên thông tin của chúng tôi, đây dường như là một tranh chấp về quyền sở hữu tài khoản – tài khoản được đề cập ban đầu đã được đăng ký bởi một cá nhân thuộc CHND Trung Hoa và sau đó được chuyển giao cho nhà điều hành hiện tại, một công ty dịch vụ công nghệ – và nó sẽ được xử lý theo các quy tắc của nền tảng chúng tôi.”
“Tencent cam kết duy trì tính liêm chính của nền tảng chúng tôi và tính bảo mật của tất cả các tài khoản người dùng, và chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này.”
Các nghị sĩ Đảng Tự Do của Úc đã ủng hộ việc tẩy chay WeChat để phản ứng với việc loại bỏ tài khoản của vị thủ tướng này.
Bà Gladys Liu, thành viên của Chisholm – một khu vực bầu cử đa văn hóa ở phía đông Melbourne – đã gọi vụ việc của ông Morrison là “thất vọng sâu sắc” và làm dấy lên mối lo ngại về can thiệp chính trị.
Hôm 24/01, bà cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: “Có một vấn đề rất đáng lưu tâm là nền tảng này đã dừng quyền truy cập của thủ tướng, trong khi tài khoản của (lãnh đạo phe đối lập) Anthony Albanese vẫn hoạt động với các bài đăng chỉ trích chính phủ.”
“Đặc biệt là trong một năm bầu cử, việc can thiệp vào các quy trình chính trị của chúng ta là không thể chấp nhận được, và vấn đề này rất cần được tất cả các chính trị gia Úc coi trọng.”
“Vì những lo ngại này, tôi sẽ không sử dụng tài khoản WeChat cá nhân hoặc chính thức của mình để giao tiếp nữa cho đến khi nền tảng này tự giải thích,” bà cho biết.
Ông Albanese trước đó đã nói với 2GB vào cùng ngày rằng ông sẽ hoan nghênh một cuộc thảo luận với thủ tướng về vấn đề này.
Ông nói rằng, “Tôi thực sự lo lắng về bất kỳ tác động an ninh quốc gia nào do bất kỳ sự can thiệp nào của bất kỳ chính phủ nào vào quy trình này, nhưng tôi có lưu ý rằng chúng tôi vẫn chưa nghe được bất cứ điều gì từ phía chính thủ tướng về những vấn đề này.”
Ông Simon Birmingham, bộ trưởng tài chính, đã khuyến khích người Úc xem xét lại việc sử dụng WeChat.
Ông nói với kênh Sky News Australia: “Kiểu xuyên tạc chính trị này đối với một nền tảng giao tiếp … rõ ràng là đáng bị lên án và cho thấy rằng WeChat là một nền tảng truyền thông không thể tin cậy được.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: