Trong bối cảnh TikTok bị dò xét, người Mỹ gốc Hoa tự hỏi liệu WeChat có phải là mục tiêu tiếp theo
Gần đây, Quốc hội Hoa Kỳ đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ, và ít nhất 19 tiểu bang cũng đã ban hành một lệnh cấm đối với ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu này vì lo ngại về vấn đề bảo mật. Các hành động này đã khiến một số người đặt câu hỏi về ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội và thanh toán di động gây ra nhiều vấn đề hơn cả TikTok, đó là WeChat. Mới đây, một nhóm chat trên mạng xã hội đã tiến hành một cuộc khảo sát để tìm hiểu ý kiến dư luận trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa.
Nhóm telegram “MoshangUS” (Mạch Thượng Mỹ Quốc), chuyên về tin tức và chính trị của Mỹ, đã tiến hành một cuộc khảo sát hôm 25/02, hỏi hơn 6,400 người trong nhóm này về đường hướng mà họ muốn [chính phủ] thực hiện liên quan đến các vấn đề mà WeChat gây ra cho cộng đồng người Hoa ở Hoa Kỳ.
Bảng câu hỏi khảo sát này đưa ra một số lựa chọn sau:
(1) Sẵn sàng trở thành một nguyên đơn trong vụ kiện WeChat và Tencent, công ty công nghệ Trung Quốc sở hữu WeChat;
(2) Sẵn sàng quyên góp tiền để ủng hộ vụ kiện này;
(3) Sẵn sàng làm một tình nguyện viên để thúc đẩy hoạt động bảo vệ quyền lợi;
(4) Đề nghị chính phủ Hoa Kỳ cấm WeChat, và yêu cầu bồi thường tài chính cho những người dùng bị cấm khỏi nền tảng này;
(5) Thúc đẩy các lệnh cấm WeChat tại địa phương trong các trường học, chính phủ, v.v. và đánh dấu WeChat là ứng dụng liên kết với ĐCSTQ;
(6) Tencent cần phải khắc phục tình trạng này theo luật pháp Hoa Kỳ và bồi thường cho những người dùng bị thiệt hại ở Hoa Kỳ;
Cho đến nay, trong số 244 người được hỏi đã trả lời bảng khảo sát này, có 46% người được hỏi chọn phương án số sáu, 33% chọn phương án số năm và 28% chọn phương án số bốn trong đó kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cấm WeChat.
49 người được hỏi đã chọn phương án 1, hành động đòi hỏi sự dũng cảm lớn nhất – sẵn sàng đệ đơn kiện Tencent với tư cách là một nguyên đơn.
Bảo vệ quyền tự do ngôn luận
Cô Lưu Dương (Lydia Liu) là người quản lý của nhóm MoshangUS Telegram. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 27/02 với The Epoch Times, cô Lưu cho biết để bảo vệ cho quyền tự do ngôn luật, cô định kiện WeChat vì hành vi vi phạm [của ứng dụng này] ở ngoại quốc. Cô làm điều này vì WeChat thường xuyên xóa các bài đăng và chặn các tài khoản của người dùng vì những lý do chính trị.
Cô Lưu là người Trung Quốc, sang Hoa Kỳ du học với tư cách là một sinh viên quốc tế và có bằng tiến sĩ của Đại học North Carolina. Năm 2018, cô đã mở một tài khoản công khai trên WeChat lấy tên là “MoshangUS” để bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị ở Hoa Kỳ, sau đó cô dần dần trở thành một nhà lãnh đạo quan điểm và là một cây bút truyền thông độc lập nổi tiếng. Cô có hơn 250,000 người theo dõi và hàng triệu lượt xem mỗi tháng.
Tuy nhiên, bất kỳ bài đăng WeChat nào của cô mâu thuẫn với lập trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hoặc đại dịch COVID-19 đều bị trang này liên tục gỡ xuống, và cô thường xuyên bị sách nhiễu và bị công kích bằng lời nói.
Sau khi bị chặn, cô Lưu phải chuyển sang các nền tảng bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như YouTube, Telegram, và Twitter, nhưng lưu lượng truy cập trên các nền tảng này không thể so sánh với lượng truy cập trên WeChat ở bên trong Trung Quốc.
WeChat giống như một “ứng dụng tất-cả-trong-một” dành cho người Trung Quốc mà họ có thể sử dụng cho nhiều khía cạnh trong công việc và cuộc sống, nhiều người dựa vào ứng dụng này như một nguồn thông tin. Đối với cô Lưu, việc mất tài khoản công cộng là một đòn giáng nặng nề.
Trong một bài đăng trên Twitter hồi tháng 10/2022, cô Lưu viết rằng, “WeChat là một Ứng dụng loại trừ người Mỹ gốc Hoa. Ứng dụng này nên bị trừng phạt và bị kỷ luật tại Hoa Kỳ. WeChat cần phải trả tiền bồi thường cho những người Mỹ gốc Hoa vì hành vi #xâm lược cộng đồng xấu xa cũng như bắt chúng tôi làm nô lệ về mặt tinh thần vì các lợi ích của Trung Quốc, vốn có những quan điểm bài xích Hoa Kỳ mạnh mẽ.”
Trong cuộc phỏng vấn gần đây của cô Lưu với The Epoch Times, cô nói: “Người Trung Quốc phải hành động để ngăn chặn hành động bành trướng quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Cô mô tả những gì mà cô đã đăng trong nhóm trò chuyện của mình.
Cô nói: “Tôi thậm chí không động đến các vấn đề của Trung Quốc, tôi chỉ quan tâm đến những điều đang diễn ra ở Hoa Kỳ, và tôi đã rất cẩn thận để tránh bị WeChat kiểm duyệt, tôi cũng không chạm vào lằn ranh đỏ của ĐCSTQ. Thế nhưng ĐCSTQ đã để bàn tay quyền lực ấy vươn quá dài rồi.”
Ai cũng biết rằng WeChat đang kiểm duyệt các tin nhắn trò chuyện và các bài đăng của người dùng Mỹ theo các lợi ích của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Cô nói: “ĐCSTQ đã và đang đàn áp cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đến mức toàn bộ các nhóm WeChat của Trung Quốc chỉ có thể thảo luận theo hướng có lợi cho ĐCSTQ.
“Nếu một người tỏ thái độ trung lập hoặc có một lập trường khác, thì người đó sẽ bị WeChat cấm. Điều này tương đương với việc biến toàn bộ cộng đồng người Hoa thành một cộng đồng gián điệp. Chẳng phải điều này sẽ hủy diệt tất cả chúng ta sao? Chắc chắn là chúng ta không thể để cho điều đó tiếp tục.”
Vấn đề với WeChat không chỉ là kiểm duyệt nội dung mà còn là giám sát, vốn là một hoạt động vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
“Khi ĐCSTQ chà đạp lên bất kỳ quyền nào mà chúng tôi được hưởng theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, thì tức là hành động đó đã đi quá giới hạn,” cô Lưu nói. “Hơn nữa, khi ý định của đảng này là biến toàn bộ xã hội người Mỹ gốc Hoa thành một con ngựa thành Troy cho ĐCSTQ bên trong Hoa Kỳ, nếu bây giờ chúng ta không kháng cự lại, thì biết đến khi nào?”
Giáo sư Seth D. Kaplan của Đại học Johns Hopkins đã chia sẻ câu chuyện của cô Lưu trong một bài xã luận mà ông viết cho Wall Street Journal đăng tải hôm 24/01. Bài báo của ông Kaplan, “TikTok Đã Tệ, Nhưng WeChat Còn Tệ Hơn,” đã phơi bày những mối nguy hiểm của WeChat đối với xã hội Mỹ.
Ông Kaplan viết: “Bắc Kinh sử dụng ứng dụng phổ biến này để đánh cắp dữ liệu, kiểm duyệt, tuyên truyền, và truyền bá thông tin sai lệch ở Hoa Kỳ.”
Bị cấm vì vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc
Anh Linh Phi (Ling Fei), một quản lý nhóm mạng xã hội khác ở New York, cho biết anh đã bị WeChat cấm vĩnh viễn hồi đầu tháng Hai vì đăng một bài viết nói rằng F-22 của Lục quân Hoa Kỳ đã bắn hạ khinh khí cầu này chỉ bằng một hỏa tiễn, chứ không phải ba hỏa tiễn như một số người ở Hoa lục vẫn nghĩ.
“Tôi chỉ giải thích cho các độc giả của mình một số kiến thức căn bản về hàng không. Câu chuyện chỉ đơn giản có vậy,” anh Linh nói với The Epoch Times.
Anh Linh cho biết anh đang quan tâm đến hai vụ kiện đang diễn ra của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về trách nhiệm pháp lý của Google và Twitter theo luật chống khủng bố.
“Cả hai vụ kiện này đều liên quan đến Điều 230, vốn cung cấp sự bảo vệ cho các nền tảng mạng xã hội. Khi phán quyết cuối cùng được đưa ra, [điều luật] này sẽ đóng một vai trò lớn trong việc kiện WeChat,” Ling nói.
Những tranh cãi xung quanh Điều 230 bao gồm việc Twitter và Facebook chặn tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 vì “các dòng tweet gây hiểu lầm” và “các tuyên bố sai sự thật”.
Vấn đề hiện tại là liệu hai đại công ty công nghệ này sẽ bị xem là vi phạm quyền tự do ngôn luận hay sẽ được miễn trừ khỏi Điều 230.
Phán quyết này liên quan đến cách định nghĩa về quyền tự do ngôn luận, vốn sẽ ảnh hưởng đến các quy tắc vận hành của toàn bộ không gian mạng Internet.
Tối cao Pháp viện sẽ ra phán quyết về cả hai vụ kiện này trước ngày 30/06.
Nếu Điều 230 được sửa đổi để thu hẹp các biện pháp bảo vệ, thì việc WeChat tùy ý xóa tài khoản của MoshangUS sẽ trở thành một hành vi trái với pháp luật.
“Vì vậy, tại thời điểm này, chúng ta nên đợi kết quả xét xử trước khi đưa ra hành động pháp lý,” anh Linh nói.
Mặt lợi và mặt hại của WeChat
Đã có hai vụ kiện liên quan đến WeChat do các tổ chức dân sự có trụ sở tại Hoa Kỳ đệ trình.
Một là vụ kiện tập thể do một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, “Citizen Power,” và sáu nguyên đơn đệ trình chống lại công ty mẹ của WeChat là Tencent ở California vào năm 2021, cáo buộc tổ chức này vi phạm các quyền hiến định đối với quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Hồi năm 2021, thẩm phán đã từ chối yêu cầu của Tencent về việc chuyển vụ kiện này sang trọng tài tư nhân, khi phán quyết rằng vụ kiện tập thể phải được tiến hành tại tòa án. Được biết, WeChat đã yêu cầu trọng tài ở Hồng Kông, nhưng bên nguyên đơn đã từ chối.
Một vụ kiện khác, Liên minh Người dùng WeChat của Hoa Kỳ kiện Trump, do một nhóm người dùng WeChat đệ trình vào năm 2020 chống lại lệnh cấm WeChat của cựu Tổng thống Trump vì lý do an ninh quốc gia. Những người dùng này cho rằng lệnh cấm đó có thể làm suy yếu quyền tự do ngôn luận được bảo đảm bởi Tu chính án thứ Nhất của Hiến Pháp và gây khó khăn cho cộng đồng Trung Quốc trong việc sử dụng WeChat.
Trớ trêu thay, sáu nguyên đơn cá nhân đã kiện Tencent WeChat đều phải ẩn danh để bảo vệ bản thân khỏi sự trả thù của ĐCSTQ, nhưng một số nguyên đơn cá nhân trong vụ Liên minh Người dùng WeChat Hoa Kỳ kiện Trump lại sử dụng danh tính thật của họ, vì họ không có gì phải sợ rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ bức hại họ. Và họ đã thắng kiện.
Tại một cuộc họp gần đây của Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ ở Khu phố Tàu, New York, Chủ tịch Tổ chức Nhân đạo Trung Quốc Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo) nói với The Epoch Times rằng ở Trung Quốc, không có một tổ chức nào có thể tồn tại mà không bị ĐCSTQ kiểm soát.
Ông nói: “Vì vậy, tất cả các tổ chức đến từ Trung Quốc có khả năng bị ĐCSTQ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, đó là một vấn đề và là một sự thực.”
Ông Chu cho biết rằng WeChat giống như một con ngựa thành Troy và các thẩm phán Hoa Kỳ đang đối xử với WeChat như một công ty bình thường của Hoa Kỳ, dẫn đến những phán quyết sai lầm.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times