Tác giả: Các lệnh trừng phạt Nga và các chính sách của Fed phản tác dụng, đẩy Hoa Kỳ vào cơn bão kinh tế
Một chuyên gia cảnh báo, các biện pháp trừng phạt chiến tranh chống lại Nga, cùng các chính sách thương mại và ngân hàng trung ương sai lầm của Hoa Kỳ, có khả năng thổi bùng một cơn bão kinh tế sẽ đẩy Hoa Kỳ vào một cuộc khủng hoảng lớn.
Ông Michael Wilkerson — tác giả, nhà đầu tư, và nhà phân tích tài chính — nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trên phạm vi rộng rằng các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Moscow kết hợp với nhiều năm kích thích của Cục Dự trữ Liên bang và hàng thập niên chính sách thương mại tồi tệ hiện đang tụ lên đến đỉnh điểm bằng một cơn bão hoàn hảo — lạm phát liên tục ở mức cao.
Ông tin rằng, ngược lại, lạm phát cao liên tục sẽ buộc Fed phải tiếp tục tăng lãi suất một cách mạnh mẽ, gây ra thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong ký ức gần đây.
Cơn bão sắp tới
Ông Wilkerson, một cựu giám đốc điều hành của công ty tư vấn tài chính Lazard Ltd. và công ty đầu tư Fairfax Africa, đã làm việc trong khu vực Washington Beltway và giới kinh doanh của Hoa Kỳ trong phần lớn sự nghiệp lâu dài của mình.
Kể từ năm 2000, ông đã bắt đầu viết về các vấn đề kinh tế và tài chính, và vào năm 2020, ông đã lường trước một số sự kiện sẽ diễn ra cùng với đại dịch, như bất ổn xã hội phổ biến, thách thức kinh tế ngày càng nghiêm trọng, và căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga.
Trong nhiều năm, ông đã chỉ trích các chính sách tiền tệ lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang trong và sau cuộc Đại Suy Thoái và mối quan hệ thương mại mất cân bằng của Hoa Kỳ với Bắc Kinh.
Trong cuốn sách đầu tiên của mình, “Bức Tường Bão: Những Quan Sát về Hoa Kỳ trong Hiểm Họa” (“Stormwall: Observations on America in Peril”), ông Wilkerson đã xác định bốn xu hướng kinh tế đáng lo ngại đang sắp hội tụ để tạo thành một “cơn sóng khổng lồ như sóng thần” mà ông tin rằng sẽ gây ra thảm họa tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Xu hướng đầu tiên trong số những xu hướng này là mối quan hệ ấm cúng nguy hiểm giữa giới chính trị cũng như doanh nghiệp của Hoa Kỳ và các đối tác của họ ở Bắc Kinh.
Ông Wilkerson nói: “Chúng ta đã dành nhiều thập niên để vờ như đây là một mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi tuyệt vời và lành mạnh, và tôi nghĩ rằng chúng ta với tư cách là người Mỹ đã thua thiệt trong mối quan hệ đó trong một thời gian rất dài.”
Các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Thịnh Đốn đã để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, hy vọng rằng các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi chính trị ở chính quyền Bắc Kinh do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành.
Nhiều thập niên sau, hy vọng đó đã chứng minh là vô ích. ĐCSTQ không những vẫn nắm chặt quyền lực và tiếp tục đàn áp công dân của mình, mà còn [để cho] Trung Quốc củng cố vị thế của mình với tư cách một chế độ trọng thương.
Đánh cắp từ Hoa Kỳ
Ông Wilkerson cho biết, Trung Quốc tạo điều kiện cho việc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, trợ cấp không công bằng cho các đối thủ trong nước gây thiệt hại cho các công ty Mỹ, và đang tất bật mở rộng kho vũ khí, gây ra mối đe dọa quân sự ngày càng tăng đối với các nước láng giềng cũng như Hoa Kỳ.
“Đã có quá nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ xảy ra, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cả thông qua các phương tiện hợp pháp và bất hợp pháp,” ông nói, đồng thời chỉ trích Wall Street vì đã quá phục tùng Bắc Kinh.
Giải thích thực tế rằng Hoa Kỳ đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguồn cung cấp và hoạt động sản xuất quan trọng, ông Wilkerson nói rằng hiện nay các doanh nghiệp và tập đoàn của Hoa Kỳ đang ngày càng nhận thấy rằng sự phụ thuộc vào Bắc Kinh — hoặc bất kỳ cường quốc đối địch nào khác — là một tình trạng không mong muốn đặt ra nguy cơ đối với an ninh và lợi ích của quốc gia.
Đại dịch và những căng thẳng gần đây về Đài Loan và Ukraine đã khiến nhiều người Mỹ nhận ra sự mong manh của một chuỗi cung ứng toàn cầu được mở rộng quá mức.
Ông Wilkerson nói: “Tôi nghĩ chúng ta đang đi đến một nhận thức mới rằng mối quan hệ này phải thay đổi ở những cấp độ căn bản nhất, và nó phải dựa trên việc có đi có lại và mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.”
Ông ghi nhận công lao cho chính phủ ông Trump vì đã phá bỏ cái mà ông gọi là “mối quan hệ kiểu làng Potemkin* giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, cho rằng mối quan hệ giữa hai quốc gia đã đi chệch hướng một cách có hại cho Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách thiết lập lại chính sách thương mại giữa hai quốc gia, thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tốt hơn và áp đặt hàng tỷ USD thuế quan nhằm mang lại một sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp và người lao động Hoa Kỳ.
Kể từ đó, ngay cả những nhà vận động hành lang ủng hộ ĐCSTQ trung thành nhất ở Wall Street cũng khó có thể biến mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc trở lại hiện trạng trước đây.
Mặc dù chính phủ ông Biden đang cân nhắc việc thu hồi nhiều loại thuế quan từ thời ông Trump, với lý do có khả năng giảm bớt lạm phát tăng vọt, ông Biden cho đến nay phần lớn vẫn giữ lại lập trường mạnh mẽ của ông Trump.
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã hủy niêm yết thêm nhiều công ty Trung Quốc khỏi Wall Street và tiếp tục đề nghị quân đội Hoa Kỳ chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp quân đội của ĐCSTQ xâm lược.
Chọc gấu Nga
Ông Wilkerson nói rằng một trong những mối nguy hiểm chính mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay là sự đối đầu giữa các cường quốc phương Tây và Nga liên quan đến Ukraine.
Ông nói rằng cuộc xâm lược Ukraine là một điều khủng khiếp trên “góc độ sinh mạng con người” và là một bi kịch mà cả hai bên lẽ ra đã có thể ngăn chặn được.
Ông Wilkerson tin rằng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh không thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO, thì chiến tranh đã không xảy ra.
Ông cũng đổ lỗi cho việc rút lui vụng về của chính phủ ông Biden khỏi Afghanistan đã khiến cho Hoa Kỳ trông yếu thế, thúc đẩy Nga tiến hành xâm lược.
Ông Wilkerson tranh luận: “Đó không phải là điều có thể xảy ra dưới thời chính phủ ông Trump.”
“Ông Putin đã nhìn thấy sự yếu nhược trong chính phủ đương nhiệm và nhìn thấy những gì đã xảy ra ở Afghanistan với cuộc rút lui quá chật vật khiến nhiều người phải trả giá bằng sinh mạng,” ông nói. “Chúng ta đã dành hơn 20 năm chiến đấu với Taliban chỉ để trao lại Afghanistan cho Taliban.”
Ông nói rằng ông không ngạc nhiên khi Điện Kremlin đưa ra quyết định rõ ràng là vì lợi ích chiến lược tốt nhất của họ, vì mọi chế độ Nga trong lịch sử đều nói rõ rằng Ukraine là một nhân tố quan trọng trong phạm vi ảnh hưởng của họ ở khu vực, giống như cách Hoa Kỳ nhìn nhận Mexico.
Ông Wilkerson giải thích, “Điều đó có đúng hay không từ khuôn khổ của chúng ta không phải là câu hỏi. Đó là cách [mà người Nga] nhìn thế giới.” Ông nói thêm rằng Ukraine lẽ ra phải được giữ trung lập như đã được thỏa thuận trước đó trong hiệp ước.
Bất chấp sự phản đối của công chúng về cuộc xâm lược, ông nói rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã đáp trả bằng vũ khí thực chất duy nhất mà họ có trong khi tránh chiến tranh, đó là các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga.
Ông nói: “Vấn đề là chúng không hiệu quả, và trên thực tế, chúng thường phản tác dụng đối với các quốc gia áp đặt hơn là đối với quốc gia mục tiêu.”
Ông Wilkerson chỉ ra rằng người Nga đã chuẩn bị từ năm 2014 để khiến nền kinh tế của họ và đồng rúp không bị các lệnh trừng phạt tác động bằng cách đa dạng hóa các nguồn thu của họ trong trường hợp họ bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông nói rằng các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến sự chia rẽ hệ thống tài chính toàn cầu thời hậu chiến thành các khối riêng biệt, làm suy yếu ảnh hưởng của các nền kinh tế phương Tây, vốn đã thống trị thế giới trong hàng trăm năm.
Hậu quả không mong muốn
Các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến phương Tây, làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhiên liệu và nguồn cung cấp vốn đã tồn tại ở các nền kinh tế vẫn quay cuồng với virus ĐCSTQ và vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất cảng của Nga.
Ông nói, “Chúng ta đã định ra một cách chắc chắn rằng lạm phát sẽ tăng cao hơn nhiều so với trước đây, thậm chí đi xa tới mức an ninh năng lượng của Âu Châu sẽ bị đe dọa bởi khả năng lâu dài của Nga trong việc giữ lại dòng khí đốt hoặc các hàng hóa khác, và đặc biệt là do Nga và Ukraine chiếm một phần đáng kể trong xuất cảng ngũ cốc và phân bón toàn cầu.”
Ông Wilkerson nói thêm rằng các lệnh trừng phạt cũng đã vô tình góp phần vào một cuộc khủng hoảng lương thực trên phạm vi rộng hơn có thể gây ra nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông cũng giải thích rằng các lệnh trừng phạt dầu khí của phương Tây chỉ làm tổn hại đến các nền kinh tế phương Tây, trong khi Nga đã có thể duy trì ngành năng lượng của mình bằng cách chuyển hướng xuất cảng nhiên liệu của họ từ Âu Châu sang các quốc gia thân thiện hơn như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước về căn bản đã thế chỗ của Âu Châu.
Ông Wilkerson cảnh báo: “Chúng ta đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau thành một liên minh khủng khiếp mà sẽ trải dài trên các thị trường tài chính, thị trường vốn, cũng như thương mại hàng hóa và dịch vụ.”
Ông cho biết một trong những hậu quả tiêu cực quan trọng của các lệnh trừng phạt là Nga đã tiến hành thách thức sự thống trị của đồng USD với tư cách là một đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Nga, hợp tác với Trung Quốc và các đồng minh khác, đang tìm cách phát triển một giải pháp thay thế cho đồng USD dầu mỏ của Hoa Kỳ và giảm sự phụ thuộc của nước này vào các tổ chức mà phương Tây thống trị như SWIFT.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã báo hiệu rằng đồng tiền dự trữ mới này sẽ dựa trên một rổ tiền tệ từ các quốc gia như Nga, Brazil, Ấn Độ, và Trung Quốc, và hoạt động bên ngoài hệ thống hiện tại.
Vấn đề lạm phát của Fed
Ông Wilkerson dự đoán rằng sau một làn sóng lạm phát cao, một “cuộc suy thoái có khả năng xảy ra,” kéo theo đó là sự sụp đổ của thị trường tài chính.
Kể từ đầu năm, các nhà hoạch định chính sách trong các ngân hàng trung ương phụ trách các đồng tiền chính trên toàn cầu, chẳng hạn như đồng USD, đồng euro, và đồng bảng Anh, đã cùng nhau tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên.
“Tôi đã nói về những vấn đề đó trong chu kỳ này trong hơn hai năm và tất nhiên, nắm bắt đúng thời điểm là một trong những điều khó khăn nhất, và đối với tôi dường như rất có thể chúng ta sẽ gặp phải suy thoái.”
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là trong khi chính phủ ông Biden đổ lỗi lạm phát cho ông Putin, gọi đó là ‘sự tăng giá của ông Putin’ đối với xăng dầu hoặc đại loại như thế, nhưng thực tế là lạm phát đã tăng nhanh trước cuộc xâm lược từ lâu.”
Trách nhiệm thuộc về cảnh sát tiền tệ
Ông Wilkerson tin rằng lạm phát hiện tại là hệ quả của việc mở rộng tiền tệ bắt đầu từ hai thập niên trước và vẫn chưa dừng lại.
Ông nói, “Lạm phát là do các động lực được đặt ra từ gần hai thập niên trước gây ra,” đồng thời quy phần lớn sự gia tăng lạm phát hiện nay cho tác động có độ trễ của chính sách lãi suất thấp được thiết lập sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
“Nếu quý vị nhìn vào tổng cung tiền của Hoa Kỳ — thường được ghi là M2 — tất cả lượng tiền lưu hành ở Hoa Kỳ kể từ năm 2009, hoặc thời điểm nào đó ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính cho đến ngày nay, đã tăng gần gấp ba lần.”
Ông nói rằng việc tổng lượng USD có trên thị trường tăng gấp ba lần là kết quả của chính sách nới lỏng định lượng và các biện pháp kích thích khác được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kết hợp với một đợt kích thích khác liên quan đến đại dịch và dự luật Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better) của chính phủ ông Biden.
Ông so sánh những hậu quả tiềm ẩn của lạm phát với những gì đã xảy ra ở Cộng hòa Weimar của Đức và những trường hợp tương tự khác trong thế kỷ 20, và giải thích rằng lạm phát giá trong lịch sử thường diễn ra sau khi mở rộng tiền tệ, thường là sau một khoảng thời gian trễ.
Lạm phát giá cả trong những năm 1920 ở Đức cuối cùng đã bùng phát dữ dội trong khoảng thời gian hai năm sau một thời kỳ bơm tiền mạnh mẽ thời hậu chiến, điều đã thành công phá hủy nền kinh tế.
Ông Wilkerson nói: “Có người hỏi, ‘Tại sao trước đây chúng ta không thấy lạm phát khi mà, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tất cả số tiền thêm vào này được đưa vào thị trường?’ Nó cần có thời gian, và những gì lịch sử cho chúng ta thấy là nó không đi theo sau việc đưa tiền vào thị trường ngay lập tức, vì nó sẽ bị trễ, thường là vài năm.”
Ông Wilkerson ước tính lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao, đồng thời cảnh báo rằng người tiêu dùng Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho mức lạm phát khoảng 10% tính theo năm trong vài năm tới.
Ông Wilkerson nói: “Câu hỏi đặt ra là thị trường tài chính của chúng ta có thể đi xuống thêm bao nhiêu nữa.”
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã nhìn thấy đáy của thị trường chứng khoán hay thị trường giá xuống, cũng như chưa chạm đến giai đoạn tuyệt vọng, vì vậy tôi tin rằng thị trường tài chính sẽ còn trải qua nhiều đau đớn hơn nữa.”
Đâu là cách khắc phục?
Ông Wilkerson đã đề nghị một số giải pháp mà Quốc hội có thể áp dụng sau kỳ bầu cử giữa kỳ để giải quyết một số vấn đề kinh tế mà ông đã xác định.
Ông nói rằng phần lớn người Mỹ tin rằng “chúng ta đang đi sai hướng, đặc biệt là trong vấn đề nền kinh tế và chuyển lợi thế sang các đối thủ của chúng ta để làm suy yếu sự độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ,” và “rõ ràng một trong những hành động dại dột và sai lầm lớn nhất của chính phủ đương nhiệm là tích cực làm suy yếu sự độc lập về năng lượng mà nền an ninh năng lượng của chúng ta phụ thuộc vào.”
“Trên hết, chúng ta phải tháo gỡ ngành công nghiệp năng lượng nội địa của Hoa Kỳ, và mặc dù không phải là một biện pháp khắc phục trong một sớm một chiều, nhưng đây là công cụ phi tiền tệ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để đương đầu với lạm phát, bảo vệ nền an ninh năng lượng của mình, và cung cấp cho người Mỹ hàng chục ngàn công việc được trả lương cao.”
Ông Wilkerson tin rằng cần phải có một cuộc cải tổ hoàn toàn đối với khung pháp lý cồng kềnh và bộ máy quan liêu rối ren đã cản trở việc phát triển và sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ.
Ông là một người chỉ trích đối với cái mà ông gọi là “phản ứng toàn trị” của bộ máy hành chính đối với đại dịch bằng việc phong tỏa, hạn chế đi lại, và đóng cửa các doanh nghiệp, những điều mà ông nói đã tạo ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Ông Wilkerson cũng kêu gọi khôi phục tất cả các chính sách thương mại và nhập cư thời ông Trump để khắc phục thực trạng hiện tại.
Ông chia sẻ là ông chỉ muốn có những người nhập cư hợp pháp ủng hộ Hoa Kỳ, những người có thể đóng góp vào lợi ích chiến lược của quốc gia này. Cụ thể, ông cảm thấy hoan nghênh hơn đối với những người có kỹ năng về khoa học, công nghệ, và nền kinh tế thực.
“Các chuỗi cung ứng phải thay đổi, năng lực sản xuất phải hồi hương, tài nguyên thiên nhiên được khai phóng, và các biện pháp khuyến khích được phối hợp để thu hút mọi người trở lại làm việc,” ông nói và cho biết thêm rằng Quốc hội phải làm sao đưa ra được một kế hoạch để thực sự sửa chữa cơ sở hạ tầng của quốc gia.
Áp dụng mã kim
Ông Wilkerson lưu ý rằng, ít nhất là kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, Quốc hội đã bỏ bê trách nhiệm của mình trong việc điều phối chính sách tài khóa hiệu quả nhằm kích thích đầu tư và đổi mới trong nền kinh tế thực.
“Thay vì làm thế, Quốc hội đã mặc định áp dụng công cụ mạnh mẽ của chính sách tiền tệ, tăng nợ để phân phát, kích thích lạm phát, và thúc đẩy bong bóng tài sản, đồng thời giao tay lái nền kinh tế của chúng ta cho Cục Dự trữ Liên bang phi dân chủ.”
Một gợi ý khác là Quốc hội có thể thông qua những gì ông mô tả là các luật hợp lý, công bằng, và toàn diện của thế kỷ 21 trước tiên là liên quan đến mã kim cố định giá (stablecoin), và sau đó là mã kim (cryptocurrency) nói chung.
Ông tuyên bố rằng sự thiếu rõ ràng, luật pháp lỗi thời, chính sách thuế nhầm lẫn, và các quy định mâu thuẫn đều đang kết hợp lại để cản trở sự phát triển và cản trở sự chấp nhận rộng rãi của người tiêu dùng đối với lĩnh vực cụ thể này của nền kinh tế mới.
Ông Wilkerson đổ lỗi cho việc giám sát kém và thiếu hiểu biết đã tạo ra một số thất bại và gian lận mã kim ngoạn mục được chứng kiến trong những tháng gần đây.
Ông kết luận: “Ngày nay, nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta có nguy cơ phung phí một cơ hội khổng lồ tương tự để dẫn đầu thế giới trong điều mà chắc chắn sẽ là một cuộc cách mạng khác trong phát triển công nghệ và kinh tế.”
Ông Wilkerson tin rằng những thay đổi mà ông đề nghị sẽ khôi phục vị thế của Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc toàn cầu, củng cố năng lực tự cường của Hoa Kỳ, và khiến người Mỹ sẵn sàng hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng sắp tới.
Ông sẽ thảo luận về những giải pháp này trong cuốn sách thứ hai của mình, “Tại Sao Người Mỹ Lại Quan Trọng: Lập Luận cho một Chủ Nghĩa Biệt Lệ Mới” (“Why American Matters: The Case for a New Exceptionalism”), sẽ ra mắt vào tháng 10/2022 tới.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức nền tảng về chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.
Chú thích của dịch giả: (*) Cụm từ “làng Potemkin” bắt nguồn từ giai thoại của Hoàng tử Nga Grigory Aleksandrovich Potemkin. Năm 1787, ông đã cho xây mặt tiền cho cả một ngôi làng dọc theo những con đường mà Catherine Đại Đế đi qua trong chuyến thăm lãnh thổ Crimea mà Nga vừa chinh phục, nhằm che đậy diện mạo thật đang đi xuống của khu vực.