Sức mạnh chữa lành của lòng biết ơn
Trao gửi lòng biết ơn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất
Mùa Lễ Tạ Ơn hàng năm là dịp để nhắc nhở chúng ta tạm gác lại [mọi công việc tất bật] và biết ơn về tất cả những gì chúng ta có. Đó là một lời nhắc cần thiết và hữu ích khi bản chất con người luôn hướng đến tất cả những thứ chúng ta không có.
Nền văn hóa hiện đại đang tấn công chúng ta bằng những thông điệp rằng con người nên sở hữu nhiều hơn, làm nhiều hơn và phát triển nhiều hơn. Sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và quảng cáo khiến chúng ta tin rằng những gì mình đang có là chưa đủ. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn, chán nản và tuyệt vọng.
Đó cũng là lý do vì sao việc thực hành lòng biết ơn trong những ngày lễ – và mỗi ngày trong suốt cả năm là rất quan trọng.
Là một chuyên gia sức khỏe tâm thần trong 35 năm, tôi đã tư vấn cho hàng trăm người phải vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm, nghiện ngập, các vấn đề trong mối quan hệ và những thách thức nan giải khác. Hầu như, việc thực hành lòng biết ơn luôn luôn được nhấn mạnh trong điều trị như một phần để hướng tới sự khỏe mạnh và hạnh phúc.
Tôi tin rằng lòng biết ơn là liều thuốc giải độc cho mọi thứ độc hại trong cuộc sống. Nói một cách đơn giản, lòng biết ơn giúp nuôi dưỡng sự lạc quan và củng cố niềm hy vọng. Cho dù cuộc sống là một chuỗi những khó khăn trắc trở hay tương đối ổn định, việc thực hành lòng biết ơn chắc chắn sẽ củng cố và làm phong phú thêm cuộc sống của bạn. Dưới đây là một số lý do vì sao.
Khoa học về lòng biết ơn
Lòng biết ơn có ích cho sức khỏe theo nhiều cách. Trong vài thập niên qua, các nhà khoa học xã hội đã tích lũy được nhiều nghiên cứu chứng minh cách lòng biết ơn giúp nâng cao sức khỏe: cải thiện lòng tự trọng, ngủ ngon hơn, tăng khả năng miễn dịch, giảm trầm cảm, giảm lo lắng, gắn kết các mối quan hệ, v.v.
Hai nhà nghiên cứu hàng đầu về lòng biết ơn, ông Robert Emmons và Michael McCullough, đã nghiên cứu sâu rộng về lợi ích của việc biết ơn những điều tốt lành hàng ngày.
Ông Emmons nói: “Mọi người sẽ trải nghiệm ‘năng lượng từ sự thanh thản’ khi thực hành lòng biết ơn – họ cảm thấy tỉnh táo, sống động, hứng thú và nhiệt tình hơn.”
Nghiên cứu của ông Emmons và McCullough yêu cầu những người tham gia viết nhật ký biết ơn, trong đó ghi lại ít nhất ba điều mà họ cảm thấy biết ơn mỗi ngày. Kết quả cho thấy những người thực hiện hoạt động này thường xuyên đạt điểm cao hơn 25% trong các cuộc khảo sát đo lường mức độ hạnh phúc, ngủ lâu hơn nửa tiếng trong đa số các đêm và tập thể dục nhiều hơn 33% mỗi tuần so với những người không thực hành lòng biết ơn hàng ngày.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã tiến hành phân tích nhiều nghiên cứu và kết luận rằng: “Trong nghiên cứu tâm lý học tích cực, lòng biết ơn liên quan chặt chẽ và nhất quán với niềm hạnh phúc lớn hơn. Lòng biết ơn giúp mọi người có những cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đối phó với nghịch cảnh và tạo dựng các mối quan hệ bền chặt.”
Lòng biết ơn là thứ chúng ta có thể kiểm soát trong cuộc sống của mình. Lòng biết ơn không chỉ đơn giản là một cảm giác khi mọi thứ diễn ra đúng như ý muốn. Đó là một thái độ có chủ ý mà chúng ta chọn lựa ngay cả khi gặp phải những điều không hài lòng. Đó là quyết định chủ tâm thừa nhận nhiều điều tốt đẹp, thú vị và hữu ích trong cuộc sống. Bởi vì, cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, thì luôn có những điều đáng để đặt tâm và xem trọng.
Trong cuộc sống, chúng ta có nhiều thứ rất ít hoặc không thể kiểm soát được: lạm phát, bị sa thải, một chẩn đoán [bệnh] không báo trước, hay xung đột chính trị và xã hội. Có quá nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi chúng ta – nhưng lòng biết ơn là ngoại lệ. Đó là vấn đề đưa ra lựa chọn, một cách nhất quán và chân thành.
Lòng biết ơn cũng đem đến những cảm xúc tích cực khác. Khi chọn lựa sự biết ơn, chúng ta thường cảm thấy mạnh mẽ hơn với niềm hy vọng, lòng dũng cảm và những cảm xúc hữu ích khác. Việc dành thời gian để trao gửi sự biết ơn cũng làm gia tăng niềm vui và sự mãn nguyện. Những cảm xúc tiêu cực – chẳng hạn như tức giận, đố kỵ, tham lam và sợ hãi – tất cả đều sẽ tan biến khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn.
Những cảm xúc giống nhau thường đi kèm với nhau. Vì vậy, hãy chọn lòng biết ơn và đón chờ những làn sóng của nhiều cảm xúc [tích cực] khác.
Lòng biết ơn giúp chuyển sự tập trung từ tiêu cực sang tích cực. Cuộc sống hàm chứa nhiều điều để biết ơn hơn những gì chúng ta có thể nhận ra. Chúng ta luôn tập trung vào các vấn đề gây ra nhiều sự ồn ào trong cuộc sống. Việc nuôi dưỡng lòng biết ơn một cách có mục đích sẽ nhanh chóng cho thấy rằng rắc rối không phải là tất cả những gì chúng ta có.
Khi chịu tổn thương, những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta bị cuốn vào nguồn cơn của nỗi đau giống như những mảnh sắt bị hút vào nam châm. Chúng ta tập trung vào những điểm yếu, những quyết định sai lầm và những thất vọng của chính mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn biết ơn sẽ kéo mạch suy nghĩ và cảm xúc ra khỏi nỗi đau khổ để hướng đến những điều phước lành.
Lòng biết ơn có thể vén mở mặt tươi sáng của thời kỳ đen tối. Lòng biết ơn thực sự sâu sắc hơn nhiều so với những lời nói sáo rỗng rằng, “Trong cái rủi có cái may” hoặc “Hãy xem chiếc ly đầy một nửa chứ không phải cạn một nửa.” Ngay cả những hoàn cảnh ảm đạm nhất và những tình huống khó khăn nhất cũng có những lý do chính đáng để biết ơn. Quý trọng những phước lành dù là nhỏ nhất sẽ giúp bạn vượt qua nỗi đau khổ của sự cô đơn, cũng như những mối quan hệ và giấc mơ tan vỡ.
Chúng ta có thể lựa chọn: “Tôi sẽ phẫn nộ” hoặc “Tôi sẽ vui mừng.” Quyết định sẽ tạo ra tất cả sự khác biệt giữa việc tự do tiến về phía trước hay bị trói buộc bởi nỗi đắng cay. Nắm bắt cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn chính là vũ khí giúp chúng ta chiến thắng sự oán giận và thất vọng.
Lòng biết ơn có thể tăng theo cấp số nhân. Tôi đã vô số lần nhận thấy rằng những người trầm cảm thường tìm kiếm những thứ khiến họ suy sụp. Ở bất cứ đâu, họ đều ngày càng thấy nhiều lý do để chán nản. Những người đang vật lộn với nỗi lo lắng và những cảm xúc đau khổ khác cũng có trải nghiệm tương tự.
Rất may, điều ngược lại cũng đúng. Khi càng chủ tâm thực hành lòng biết ơn, chúng ta sẽ càng cảm thấy biết ơn. Những lựa chọn và những thứ chúng ta theo đuổi sẽ là nguồn cơn cho những điều tích cực hoặc tiêu cực.
Khái niệm này có liên quan với chức năng sinh lý của chúng ta. Nhà nghiên cứu Alex Kolb đã khảo sát một số nghiên cứu khoa học về mối liên quan giữa lòng biết ơn và sức khỏe tâm thần. Ông kết luận như sau : “Cảm giác biết ơn trực tiếp kích hoạt vùng não liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine [hóa chất hạnh phúc]. Lòng biết ơn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống vì nó khiến bộ não hoạt động theo một chu kỳ tích cực…. Và dopamine cũng giúp củng cố điều đó. Vì thế, khi bạn bắt đầu thực hành lòng biết ơn, bộ não sẽ tìm kiếm nhiều điều để biết ơn hơn.”
Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Đôi khi, những khó khăn riêng tư khiến bạn khó có thể bày tỏ lòng biết ơn. Thêm nữa, việc thực hành lòng biết ơn mỗi ngày giữa nền văn hóa căng thẳng, bận rộn và bất mãn không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng. Vậy, làm thế nào để cảm thấy biết ơn nhiều hơn trong cuộc sống? Hãy thử bắt đầu với những ý tưởng dưới đây.
Tú Liên và Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times