WHO: Số ca bệnh ung thư mới trên toàn cầu sẽ tăng 77% vào năm 2050
Tổ chức này cho biết khoảng 1/9 nam giới và 1/12 phụ nữ hiện nay đang tử vòng vì bệnh ung thư.
Theo một báo cáo được cơ quan ung thư của WHO công bố hôm 02/02, các ca ung thư mới trên toàn cầu sẽ gia tăng trong ba thập niên tới, trong đó nguyên nhân được cho là do các yếu tố như tăng cân và thuốc lá.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho biết trong báo cáo, “Dự đoán sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư mới vào năm 2050, tăng 77% so với con số ước tính 20 triệu ca vào năm 2022. Gánh nặng ung thư toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng phản ánh dân số già và tăng trưởng dân số, cũng như những thay đổi trong sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ, một số yếu tố trong số đó có liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội. Thuốc lá, rượu và béo phì là những yếu tố then chốt đằng sau sự gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư, trong đó ô nhiễm không khí vẫn là nguyên nhân chính gây ra các yếu tố nguy cơ từ môi trường.”
IARC ước tính sẽ có 9.7 triệu ca tử vong do ung thư vào năm 2022, bên cạnh 20 triệu ca mắc mới. Ước tính khoảng 1/5 số người sẽ bị bệnh ung thư trong đời, với khoảng 1/9 nam giới và 1/12 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.
Mười loại ung thư chiếm khoảng 2/3 số ca ung thư mới và tử vong vào năm 2022. Ung thư phổi là loại phổ biến nhất trên toàn cầu, tiếp theo là ung thư vú ở nữ giới, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư dạ dày.
Báo cáo cho biết, “Sự tái xuất hiện của ung thư phổi như một loại ung thư phổ biến nhất có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở châu Á.”
Nguyên nhân tử vong hàng đầu do bệnh ung thư là ung thư phổi, căn bệnh khiến gần 1/5 số người bị ảnh hưởng tử vong. Ung thư đại trực tràng gây tử vong nhiều thứ hai, sau đó là ung thư gan, vú và dạ dày.
Đối với phụ nữ, ung thư vú là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do bệnh ung thư.
Báo cáo của IARC được đưa ra vài tuần sau khi một báo cáo khác của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) dự đoán số ca ung thư mới ở Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ vượt quá hai triệu trong năm 2024. Con số này tương đương với khoảng 5,500 ca chẩn đoán ung thư mới mỗi ngày.
“Xu hướng này phần lớn bị ảnh hưởng bởi dân số già và sự tăng trưởng của dân số cũng như sự gia tăng chẩn đoán 6 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất—vú, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung, tuyến tụy, thận và ung thư tế bào hắc tố. (4 loại ung thư hàng đầu còn lại là ung thư phổi, đại tràng và trực tràng, bàng quang và ung thư hạch không Hodgkin)”, ACS cho biết trong một báo cáo.
“Vào năm 2024, dự kiến sẽ có hơn 611,000 ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ, có nghĩa là hơn 1,600 ca tử vong vì ung thư mỗi ngày.”
Tỷ lệ ung thư gia tăng
Theo báo cáo của ACS, mặc dù một số loại ung thư nhìn chung không tăng nhưng tỷ lệ bị bệnh lại tăng ở một số phân nhóm nhất định.
Ví dụ, ung thư đại trực tràng ở những người dưới 35 tuổi, ung thư miệng liên quan đến HPV, ung thư gan ở phụ nữ và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 44 đều đang gia tăng.
Tiến sĩ Yuhong Dong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và người phụ trách chuyên mục của The Epoch Times, cho biết sự gia tăng bệnh ung thư cổ tử cung và miệng có thể bắt nguồn từ hoạt động tình dục tăng cao.
Bà nói, “Trong những thập niên gần đây, có một xu hướng nổi lên là mọi người có xu hướng quan hệ tình dục khi còn trẻ và có nhiều bạn tình, điều này có thể làm tăng khả năng nhiễm HPV.”
“Người ta đã thừa nhận rõ ràng rằng HPV là một loại virus gây ung thư. Vai trò của HPV trong việc gây ung thư chủ yếu là do các protein gây ung thư của nó. Những protein này phá vỡ cơ chế chống lại khối u của cơ thể, dẫn đến sự nhân lên của tế bào nhanh chóng và không kiểm soát được.”
Báo cáo của ACS cũng cho biết bệnh nhân ung thư “ngày càng trẻ hơn.” Năm 1995, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 61% số ca chẩn đoán ung thư. Con số này giảm xuống 58% trong năm 2019-2020.
“Ngược lại, những người ở độ tuổi từ 50 đến 64 đang gia tăng về số lượng đối với cả dân số nói chung và số người bị bệnh ung thư.”
Trong số ba nhóm tuổi—65 trở lên, từ 50 đến 64 và dưới 50 tuổi—tỷ lệ ung thư nói chung chỉ tăng trong khoảng từ năm 1995 đến năm 2020 ở những người dưới 50 tuổi.
Chênh lệch về tỷ lệ ung thư giữa các quốc gia
IARC nhận thấy có sự tương phản rõ rệt giữa các quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao và những quốc gia có HDI thấp. Các quốc gia có thu nhập cao có xu hướng nằm trong nhóm HDI cao, trong khi những quốc gia có thu nhập thấp thường xếp hạng thấp hơn.
Tác động của sự gia tăng bệnh ung thư “sẽ không được cảm nhận đồng đều ở các quốc gia có mức HDI khác nhau. Các quốc gia có ít nguồn lực nhất để quản lý gánh nặng ung thư của mình sẽ phải gánh chịu gánh nặng ung thư toàn cầu,” ông Freddie Bray, người đứng đầu chi nhánh giám sát ung thư tại IARC cho biết.
Cơ quan này đã đưa ra một ví dụ về bệnh ung thư vú để làm nổi bật sự chênh lệch giữa các quốc gia có HDI cao và thấp. Ở các quốc gia giàu có, cứ hai phụ nữ thì có một người được chẩn đoán bệnh ung thư vú trong đời, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1/27 ở các nước nghèo.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư vú ở các quốc gia có HDI cao là 1/71, thấp hơn so với các quốc gia có HDI thấp, có tỷ lệ 1/48.
Tiến sĩ Cary Adams, người đứng đầu Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế cho biết, “Bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư cũng như điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, sự chênh lệch đáng kể về kết quả điều trị ung thư vẫn tồn tại không chỉ giữa các khu vực thu nhập cao và thấp trên thế giới mà còn giữa các quốc gia.”
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times