Tỷ lệ ung thư đang gia tăng ở người trẻ và trung niên, hãy cẩn thận với các chất gây ung thư trong môi trường sống
Nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tập san Đánh giá Tự nhiên Ung thư Lâm sàng cho thấy tỷ lệ ung thư đã gia tăng ở những người từ 50 tuổi trở xuống trong vài thập niên qua. Xu hướng này liên quan đến việc nhiều người trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ của ung thư, bao gồm cách ăn uống và lối sống không lành mạnh, béo phì, các chất gây ung thư trong môi trường, và hệ vi sinh vật không lành mạnh.
Nghiên cứu gần đây đã xác định một số thực phẩm và thói quen ăn uống làm tăng nguy cơ ung thư. Dưới đây là một số thực phẩm và thói quen có liên quan đến nguy cơ ung thư cao.
Thực phẩm nào liên quan đến nguy cơ ung thư?
1. Thực phẩm siêu chế biến
Ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến, bao gồm đồ uống có đường và thịt chế biến sẵn như thịt hộp và xúc xích, có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và dạ dày.
Nghiên cứu được đăng trên tập san Y khoa Anh Quốc (BMJ) vào năm 2022 cho thấy nam giới tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có nguy cơ bị bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn 29% so với những người tiêu thụ ít thực phẩm chế biến sẵn.
2. Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến
Ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã chế biến sẵn có thể liên quan đến tăng nguy cơ ung thư.
Thông qua phân tích gộp các nghiên cứu tiền cứu được công bố trên tập san Dịch tễ học Âu Châu, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ rằng ăn nhiều thịt đỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị ung thư vú, nội mạc tử cung, đại trực tràng và phổi, cũng như ung thư biểu mô tế bào gan. Ngoài ra, người ta còn quan sát thấy mối tương quan đồng biến rõ rệt giữa việc ăn nhiều thịt đã chế biến và nguy cơ bị ung thư vú, đại trực tràng và phổi. Hơn nữa, người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn rất dễ bị ung thư đại trực tràng, phổi và ung thư biểu mô tế bào thận.
3. Thực phẩm chiên và nấu ở nhiệt độ cao
Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chiên ngập dầu, thịt nướng, và các món nướng có thể tạo ra các chất gây ung thư như hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) và acrylamide.
4. Đồ uống chứa nhiều đường
Uống nhiều đồ uống có hàm lượng đường cao làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2, và một số bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng và ung thư vú.
Nghiên cứu được đăng trên tập san Ruột BMJ cho thấy mối tương quan đáng kể giữa tiêu thụ đồ uống có đường và tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở thanh thiếu niên nữ từ 13 đến 18 tuổi. Uống đồ uống có đường mỗi ngày làm gia tăng 32% nguy cơ phát triển ung thư trước tuổi 50.
5. Thực phẩm nhiều muối và thực phẩm ngâm muối
Ăn quá nhiều muối trong thời gian dài do thói quen cho nhiều muối vào bữa ăn và thực phẩm ngâm muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Nghiên cứu được đăng trên tập san Ung thư Anh Quốc cho thấy nguy cơ ung thư thực quản rõ ràng tăng gấp đôi liên quan đến việc tiêu thụ rau ngâm.
6. Rượu bia
Uống quá nhiều rượu bia có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư miệng, hầu họng, thực quản, gan, đại trực tràng, và ung thư vú.
Nghiên cứu được đăng trên tập san The Lancet Oncology vào năm 2021 ước tính có hơn 740,000 trường hợp được chẩn đoán ung thư vào năm 2020 có liên quan đến rượu, chiếm 4.1% tổng số trường hợp mới bị ung thư.
Chất gây ung thư trong môi trường là gì?
Chất gây ung thư trong môi trường là những chất hoặc yếu tố hiện diện trong môi trường có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư. Các chất gây ung thư thường gặp trong môi trường bao gồm:
- Chất gây ô nhiễm không khí: Bao gồm các hạt, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và hydrocarbon thơm đa vòng. Một số hạt và chất gây ô nhiễm không khí có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh đường hô hấp, và các bệnh ung thư khác.
- Chất gây ô nhiễm nước: Các chất gây ô nhiễm nước như kim loại nặng (cadmium, chromium, chì), chất ô nhiễm hữu cơ (polychlorinated biphenyl, polybrominated diphenyl ether) và dư lượng thuốc trừ sâu có liên quan đến tăng nguy cơ bị các bệnh ung thư khác nhau.
- Bức xạ: Bức xạ ion hóa (ví dụ: tia X và tia gamma) và bức xạ không ion hóa (ví dụ tia cực tím) có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. Tiếp xúc lâu dài với liều lượng phóng xạ cao có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu, ung thư tuyến giáp, ung thư da, v.v…
- Hóa chất: Nhiều loại hóa chất như benzene, benzidine, polychlorinated biphenyl và formaldehyde được xem là chất gây ung thư trong môi trường. Các chất này tồn tại trong chất thải công nghiệp, nơi làm việc, sản phẩm gia dụng, v.v… và có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư.
- Chất phụ gia thực phẩm: Một số chất phụ gia thực phẩm và chất bảo quản như nitrite and nitrosamine được cho là có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày và đại trực tràng.
- Môi trường nghề nghiệp: Một số môi trường khiến người ta phải tiếp xúc với các chất độc hại và chất gây ung thư như amiăng, arsenic, benzene và kim loại nặng, có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Điều quan trọng cần lưu ý là rủi ro của các chất gây ung thư trong môi trường này tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc cũng như mức độ nhạy cảm của mỗi người. Giữ gìn môi trường sạch sẽ và lành mạnh, tuân theo các giải pháp bảo vệ và an toàn, đồng thời hạn chế tiếp xúc với các chất gây ung thư là những điều cần thiết để làm giảm nguy cơ ung thư do môi trường gây ra.
Chất gây ung thư nhóm 1 là gì?
Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế (IARC) xác định các chất gây ung thư nhóm 1 là các chất hoặc yếu tố có nguy cơ gây ung thư đáng kể cho con người. Dưới đây là một số chất phổ biến được phân loại là chất gây ung thư nhóm 1:
- Thuốc lá và khói thuốc lá: Bao gồm các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điếu, xì gà, và ống tẩu thuốc lá, cũng như tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
- Hạt: Bao gồm các hạt trong không khí như amiăng, silica, nickel, và chromium. Tiếp xúc lâu dài với amiăng làm tăng nguy cơ ung thư phổi và u trung biểu mô.
- Benzene: Thường tìm thấy trong ngành dầu mỏ và hóa chất, tiếp xúc với benzene có thể dẫn đến bệnh bạch cầu và các khối u ác tính khác.
- Formaldehyde: Chất này được sử dụng rộng rãi trong vật liệu xây dựng, đồ nội thất và ván ép. Tiếp xúc lâu dài với formaldehyde làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng và xoang mũi.
- Các sản phẩm dầu mỏ: Các sản phẩm như nhựa than đá và nhựa đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và phổi khi tiếp xúc lâu dài.
- Azathioprine và cyclophosphamide: Một số loại thuốc dùng để ức chế miễn dịch và điều trị ung thư được cho là có nguy cơ gây ung thư cho con người.
Điều quan trọng cần lưu ý là khả năng gây ung thư của các chất dựa trên nguy cơ tiềm ẩn, và nguy cơ thực tế phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ phơi nhiễm, thời gian, và độ nhạy cảm của từng người.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times