Hóa chất vĩnh cửu làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào?
Những kẻ xâm lược vô hình ẩn nấp trong nước máy, bám vào dụng cụ nấu nướng và ẩn náu trong bao bì thực phẩm, là mối đe dọa thầm lặng cho sức khỏe con người.
Các chất per-polyfluoroalkyl (PFAS), được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, đang xâm nhập vào môi trường, thực phẩm và thậm chí cả cơ thể chúng ta.
Trong bối cảnh nhiều nơi đang phải vật lộn với tình trạng nhiễm hóa chất, các nhà khoa học đang khám phá ra mối liên quan giữa những chất ô nhiễm dai dẳng này và các loại ung thư khác nhau.
PFAS là gì?
Do khả năng chống phân hủy, PFAS đã tồn tại trong môi trường trong nhiều thế kỷ. Việc sử dụng rộng rãi đã dẫn đến sự hiện diện phổ biến của PFAS trong nguồn cung cấp nước, thực phẩm và đất. Những hóa chất này tích tụ trong cơ thể và môi trường theo thời gian.
Những hiểu biết mới về PFAS và sự phát triển ung thư
Vào tháng 3/2024, các nhà khoa học đã trình bày về cách PFAS làm gia tăng sự phát triển ung thư, nêu bật nguy cơ gia tăng ung thư tinh hoàn, thận và vú từ cả PFAS chuỗi dài và chuỗi ngắn trong nước uống.
PFAS trong nước uống có thể giải thích tại sao Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã phát hiện PFAS trong ít nhất 97% máu của người Mỹ.
Mặc dù phơi nhiễm PFAS có liên quan đến nhiều loại ung thư khác nhau nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ tác động của hóa chất này.
Các cộng đồng gần các khu công nghiệp hoặc căn cứ quân sự sử dụng bọt chữa cháy chứa PFAS có tỷ lệ ung thư cao hơn. Nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa PFOS, các hóa chất liên quan đến PFAS, thường được sử dụng trong các sản phẩm chống dính và chống ố, trong máu của quân nhân với bệnh ung thư tinh hoàn.
Một bài tổng quan năm 2020 trên International Journal of Environmental Research and Public Health (Tập san Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng) cho thấy PFAS thể hiện các đặc điểm chính của chất gây ung thư, bao gồm gây căng thẳng oxy hóa, ức chế miễn dịch và tương tác với các thụ thể tín hiệu tế bào.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of the National Cancer Institute (Tập san của Viện Ung thư Quốc gia) vào năm 2024 cho thấy mối liên hệ giữa một số hóa chất PFAS (axit perfluorooctanesulfonic) và loại ung thư ở trẻ em phổ biến nhất trên toàn cầu.
PFAS tích lũy sinh học trong cơ thể, đặc biệt là ở gan, thận, tinh hoàn và huyết thanh. PFAS cũng làm hỏng DNA và các thành phần tế bào, đồng thời phá vỡ khả năng loại bỏ tế bào ung thư của hệ miễn dịch.
Cách giảm phơi nhiễm
Các bộ lọc than hoạt tính dạng hạt có thể làm giảm mức PFAS trong nước uống một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống thẩm thấu ngược, một phương pháp làm sạch đẩy nước qua bộ lọc đặc biệt để loại bỏ các chất gây ô nhiễm, là phương pháp hiệu quả nhất trong việc loại bỏ PFAS và các chất gây ô nhiễm khác. Các hệ thống này có thể được lắp đặt dưới bồn rửa hoặc toàn bộ ngôi nhà.
Mọi người có thể giảm tiếp xúc với PFAS bằng cách chọn các sản phẩm không chứa PFAS, chẳng hạn như một số dụng cụ nấu ăn chống dính, quần áo chống thấm nước và bao bì thực phẩm.
Việc làm sạch PFAS trong nước uống đòi hỏi một cách tiếp cận nhiều mặt. Điều này liên quan đến các công nghệ làm sạch tiên tiến, nhận thức cộng đồng, ngăn chặn ô nhiễm tại nguồn và làm sạch các khu vực bị ô nhiễm.
Tú Liên biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.