Tính cách của bạn sẽ thay đổi sau khi được ghép tạng?
Nghiên cứu mới cho thấy số lượng đáng ngạc nhiên người được ghép tạng trải qua những thay đổi tính cách khá sâu sắc.
Khi bạn được ghép tạng, bạn có thể nhận được nhiều thứ hơn là chỉ gan, thận hoặc trái tim mới.
Theo nghiên cứu mới của Trường Y thuộc Đại học Colorado, một số người nhận tạng dường như có được tính cách, suy nghĩ và hành vi mới từ người hiến tặng.
Nghiên cứu này khám phá cách thức cấy ghép nội tạng cứu mạng bệnh nhân mà trong một số trường hợp, có thể dẫn đến những thay đổi sâu sắc về tính cách và những thứ dường như là sự chuyển giao ký ức từ người hiến tặng đã mất sang người nhận còn sống.
Nghiên cứu: Những thay đổi về thể chất và tính cách là phổ biến
Nghiên cứu cắt ngang được công bố trên tập san Transplantology, tập trung vào việc so sánh sự thay đổi tính cách giữa những người được ghép tim và những người được ghép tạng khác. Nghiên cứu bao gồm một cuộc khảo sát trực tuyến với 47 người tham gia, bao gồm 23 người nhận tim và 24 người nhận các cơ quan khác.
Gần 90% số người được cấy ghép đã trải qua những thay đổi về tính cách sau phẫu thuật, không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm. Tuy nhiên, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các đặc điểm thể chất giữa người nhận tim và các cơ quan khác.
Mặc dù tồn tại nhiều kiểu thay đổi tính cách, nhưng cỡ mẫu quá nhỏ để thiết lập ý nghĩa thống kê. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy những thay đổi về tính cách có thể xảy ra sau bất kỳ ca cấy ghép nội tạng nào, không chỉ ghép tim. Ngoài các đặc điểm thể chất, giữa hai nhóm cũng có những thay đổi về tính cách tương tự nhau.
Hiến tặng sinh mệnh, hiến tặng tâm hồn
Bài báo thảo luận về những thay đổi tính cách khác nhau, chẳng hạn như thay đổi sở thích về ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật, hoạt động giải trí và nghề nghiệp. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một số cá nhân có những ký ức mới, khả năng thích ứng xã hội tăng lên, khả năng nhận thức được cải thiện và sự thức tỉnh về tâm linh hoặc tôn giáo.
Mặc dù những thay đổi này thường được coi là trung tính hoặc tích cực, nhưng cũng có báo cáo về các thay đổi đáng lo ngại như mê sảng, trầm cảm, lo lắng, rối loạn tâm thần và rối loạn chức năng tình dục. Nhiều người nhận tạng cũng có chung những “ký ức” không liên quan đến trải nghiệm cá nhân của họ.
Những ký ức này thường liên quan đến nhận thức giác quan vô tình được kết nối với người hiến tạng. Ví dụ, bài báo đề cập đến một giáo sư đại học 56 tuổi đã nhận trái tim từ một sĩ quan cảnh sát 34 tuổi bị giết bởi một phát súng vào mặt. Sau khi cấy ghép, người nhận tạng mô tả một trải nghiệm đặc biệt: “Vài tuần sau khi nhận được trái tim, tôi bắt đầu có những giấc mơ. Tôi sẽ nhìn thấy một tia sáng chiếu thẳng vào mặt mình và mặt tôi trở nên thật nóng bừng. Nó thực sự đang cháy.”
Chính xác chuyện gì đang xảy ra?
Nhiều lý thuyết đã được đề xuất để giải thích những thay đổi về tính cách quan sát thấy được ở những người nhận tạng. Các lý thuyết này có thể được phân loại thành ba nhóm chính: tâm lý, sinh hóa và điện/năng lượng.
Thuyết tâm lý
Các lý thuyết tâm lý cho rằng đặc điểm tính cách của chính người nhận nội tạng có thể ảnh hưởng đến kết quả cấy ghép. Một số người tin rằng những tưởng tượng về người hiến tặng và nội tạng của họ có thể dẫn đến các thay đổi về tính cách.
Ngoài ra, người nhận có thể sử dụng các cơ chế phòng vệ để đối phó với stress của quá trình cấy ghép, dẫn đến sự thay đổi tính cách.
Hơn nữa, một số lời giải thích tiềm năng là tư duy siêu nhiên, niềm tin rằng một số từ, suy nghĩ, cảm xúc hoặc nghi lễ nhất định có thể tác động đến thế giới bên ngoài, và tư duy tương đồng. Tư duy tương đồng liên quan đến niềm tin rằng các cá nhân trở thành sự kết hợp giữa cơ thể của chính họ và cơ quan của người hiến tặng, tương tự như một hợp chất thể hiện các đặc tính của tất cả các thành phần cấu thành.
Thuyết sinh hóa
Một số giả thuyết sinh hóa đã được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng ký ức và đặc điểm tính cách của người hiến tặng có thể được lưu trữ trong cơ quan được cấy ghép và chuyển sang người nhận.
Ví dụ: engrams (mô thần kinh giả định mã hóa trí nhớ cơ bản) được hình thành trong não của người hiến tặng có thể được truyền đến não của người nhận thông qua exosome (cấu trúc giống như túi nhỏ chứa protein tế bào, DNA và RNA).
Tiến sĩ Mitchell Liester, bác sĩ tâm thần và đồng tác giả của nghiên cứu, nói với The Epoch Times, “Không ai biết chắc chắn” tại sao điều này lại xảy ra. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng hệ thống thần kinh của tim có thể là ứng cử viên hàng đầu.
Có hai hệ thống thần kinh tim: hệ thống trong tim, bao gồm các dây thần kinh trong tim và hệ thống ngoài tim, bao gồm các dây thần kinh nối tim với các bộ phận khác của cơ thể. Hệ thống thần kinh trong tim chứa cùng các chất dẫn truyền thần kinh và khớp kết nối giữa các tế bào thần kinh vốn được cho là rất quan trọng cho việc hình thành trí nhớ trong não.
Tiến sĩ Liester nói, “Vì vậy, có vẻ hợp lý khi những tế bào thần kinh và khớp thần kinh trong tim này có thể lưu trữ những ký ức giống như những ký ức trong não. Nhưng vào thời điểm này đây chỉ là một giả thuyết.”
Thuyết năng lượng
Một giả thuyết khác cho rằng những thay đổi trong trường điện từ của người nhận có thể đóng một vai trò nào đó. Thông tin tính cách của người hiến tặng có khả năng được lưu trữ trong trường điện từ của tim họ và được truyền đi trong quá trình phẫu thuật, dẫn đến những thay đổi về tính cách ở người nhận.
Mặc dù lý thuyết này có vẻ xa vời, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là cơ thể con người là một thực thể điện bao gồm các hạt tích điện và chịu nhiều ảnh hưởng bởi các nguyên lý điện từ.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times